Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Luồng gió mới (48)



Sàigòn


Trong số báo tháng 7, chúng tôi đã loan tin cái chết của đức cha Bê-Cơ (Bekkers), giám mục địa phận Bois-le-Duc bên Hòa Lan. Ngài là một trong những giám mục nổi tiếng nhất của Công đồng Vatican II. Ngài đã chủ trương nhiều cuộc cải cách táo bạo trong địa phận ngài. Nhưng đó chỉ là một số nhỏ. Đa số tín hữu Hòa Lan, kể cả những anh em phân cách, đều thán phục tinh thần cởi mở và bác ái của ngài, nên đã gọi ngài là “Giáo hoàng Gioan của Hòa Lan”. Ngài đúng là Giáo hoàng của Hòa Lan, vì ngài đã theo Gioan 23, chủ trương đối thoại với hết mọi người, cách riêng với những người vô tín ngưỡng. Ngài đứng trên căn bản nhân loại, để đối thoại. Ngài tỏ ra bao dung và đi với họ đoạn đường có thể đi được. Ngài sẵng sàn cộng tác với họ trong những công tác xã hội. Với những anh em Kitô giáo cách biệt, Ngài dựa vào Thánh Kinh, để cùng họ sống tình yêu đích thực của Chúa Kitô và nhẫn nại tìm cách đánh tan những mối nghi kỵ và hiểu lầm giữa hai Giáo hội.

Với anh em giáo dân, ngài thương yêu họ như con cái và cư xử với họ như những tín hữu trưởng thành, sẵn sàng tham khảo ý kiến họ, mời họ tham dự vào đời sống của địa phận. Với các tu sĩ, linh mục, ngài luôn luôn nâng đỡ tinh thần họ và thông cảm với những nỗi khó trong công việc xây dựng Nước Chúa. Với tất cả mọi người, ngài tả ra rất bác ái nhân từ. Ngài không bao giờ lên án ai. Ngài không bao giờ vội tin lời tố cáo, để trách móc một người nào, khi chưa gặp người bị cáo để hỏi han đối thoại trong tinh thần cởi mở và thông cảm. Ngài đã lấy tình thương để thu phục mọi người cho Chúa Kitô.
Đức cha Bê-Cơ đã chết. Nhưng tinh thần cởi mở và đối thoại của ngài vẫn sống: Hội đồng địa phận Bois-le-Duc hiện đang lập một danh sách ba vị để Đức Giáo hoàng chọn một người kế vị đức cha Bê-Cơ coi sóc địa phận. Trong việc lập bản danh sách này, hội đồng không những mời tất cả các linh mục, tu sĩ, nhưng còn kêu gọi mọi giáo dân trong địa phận tham gia vào việc chỉ định ba vị này. Trong bức thư luân lưu đã được đọc trong các nhà thờ, hội đồng nói rõ “Hội đồng xác tín rằng tất cả mọi người, linh mục, tu sĩ, giáo dân đều mong muốn cân nhắc với chúng tôi trong công việc quan trọng này và tất cả đều muốn chứng tỏ cho chúng tôi biết những ý tưởng của mình”.
Vài ngày sau hàng ngàn lá thơ các nôi gửi về, thư của cá nhân cũng như tập đoàn. Các “Ủy ban mục vụ” tức và ủy ban của “Công đồng địa phận” đã đảm nhận việc tham dò dư luận. Các chuyên viên của “Công đồng địa phận” đã thảo ra một số câu hỏi và đã gửi khắp nơi để biết ý kiến của giáo dân. Đây là những câu hỏi đã được nêu lên:
1. Theo bạn, đức cha Bê-Cơ có những đặc tính nào đặc sắc hơn cả và lối cai trị của ngài đã dựa trên những nguyên tắc nào?
2. Bạn nghĩ thế nào về cuộc biến đổi mới đây của địa phận?
3. Bạn chờ gì ở vị tân giám mục?
4. Trong trường hợp bạn đề nghị rõ ràng một vị nào đó, xin bạn cho biết lý do vì sao?
Trong khi chúng tôi viết bài này, thì cuộc điều tra và thăm dò dư luận trong địa phận Bois-le-Duc để tìm người kế vị đức cha Bê-Cơ, đang tiến hành một cách tốt đẹp. Toàn thể địa phận đang hăng say tham khảo ý kiến. Toàn thể địa phận Bois-le-Duc đang ở trong tình trạng Công đồng. Mọi người từ các vị cao cấp trong hội đồng địa phận đến người giáo dân thấp kém nhất, đều tha thiết với việc chọn vị tân giám mục cũng như với đời sống của địa phận. Thật là luồng gió mới, luồng gió của ngày Hiện Xuống, luồng gió của Công đồng Vatican II đang thổi mạnh trên Giáo hội Bois-le-Duc.
Ước monh luồng gió cũa Lễ Hiện Xuống mới ấy, thổi đến khắp năm châu. Nhận định trọng trách của toàn thể dân Chúa trong công việc xây dựng Nước Chúa ở trần gian. Người tín hữu Công đồng Vatican II mong tham gia sâu rộng đời sống Giáo hội, trong việc lựa chọn vị giám mục địa phận cũng như trong việc thực hiện chương trình và đường lối hoạt động của vị giám mục ấy. Đó chính là di sản tinh thần mà đức cha Bê-Cơ đã để lại cho toàn thể Giáo hội.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                            Số 207-8/1966
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét