LTCGVN (20.02.2013)
Sàigòn
Ngày 30 tháng 11 này, 300 Thanh Lao Công nam nữ của gần 100 quốc gia, đại diện cho hàng triệu Thanh Lao Công trên thế giới, sẽ họp đại hội tại Vọng Các. Đúng như thông tư số 5 của Trụ sở quốc tế Thanh Lao Công gửi cho các đoàn Thanh Lao Công các nước, thì đây là “lần đầu tiên trong lịch sử, một kinh thành vào hạng điển hình nhất Á Châu, được tiếp đón một đại hội quốc tế, triệu tập thanh lao động đủ mọi lục địa, mọi chủng tộc và ngôn ngữ, và cũng là lần đầu tiên, chính ngay trên miền Viễn Đông, các đại diện của giới thanh niên lao động quốc tế gồm nam lẫn nữ, có cơ hội thay mặt bạn đồng giới của họ, lên tiếng để làm sáng tỏ trước dư luận các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của thế giới ngày nay, những khát vọng của hàng triệu anh chị em họ”
Phải chăng Đại hội quốc tế Thanh Lao Công tại Vọng Các là dấu của thời đại? thời đại của chúng ta là thời đại của Á Châu, một “lục địa chất chứa nhiều tài sản văn hóa và tôn giáo rất đặc sắc”, nhưng cũng là một lục địa gồm những xứ chậm tiến đang chỗi dậy, để yêu sách được hưởng được một mức sống xứng đáng với tư cách làm người và cố gắng phát triển kinh tế, cải tiến xã hội, ngõ hầu nâng cao mức sống của nhân dân từ mấy trăm năm chìm đắm trong vòng cơ cực, nghèo đói. Á Châu ngày nay vừa là một mối hy vọng, vừa là một nỗi lo âu cho sự sống còn của thế giới.
Đại hội quốc tế Thanh Lao Công tại Vọng Các là triệu chứng Giáo hội đi sâu vào đời sống các dân tộc ở Á Châu. Ý thức được sự vắng mặt của mình trong nhiều lãnh vực thuộc Á Châu, Giáo hội ngày nay hướng mạnh về Á Châu để khám phá những giá trị thiêng liêng của lục địa lớn lao này và để giúp các dân tộc Á châu phát huy tinh thần, ngõ hầu Á châu mang lại cho thế giới và Giáo hội tất cả gia sản văn hóa và tôn giáo của mình.
Giáo hội còn hướng về Á Châu, vì Giáo hội muốn là Giáo hội của người nghèo, đúng với lời tuyên bố của Cố Giáo hoàng Gioan 23: “Trước mắt các quốc gia chậm tiến, Giáo hội tỏ mình và muốn tỏ mình là Giáo hội của mọi người, cách riêng của người nghèo”. Trong thông điệp đầu tiên của Công đồngVaticanII gửi toàn thế giới, các nghị phụ đã biểu dương tinh thần liên đới huynh đệ nhằm phục vụ mọi người, cách riêng những người bần cùng cô thế nhất: “Chúng tôi xin hiến toàn thân phục vụ anh chị em, theo gương Vị Thầy đáng tôn thờ là Đấng đã đến không phải để thống trị, mà để phục vụ. Chúng tôi muốn chú trọng trọng đặc biệt đến những người hèn mọn nhất, yếu đuối nhất. Như Chúa Kitô, chúng tôi cảm thấy động lòng trắc ẩn trước đoàn lũ dân chúng phải chịu cảnh đói khổ, cùng quẫn, dốt nát. Chúng tôi tự thấy mình phải liên đới với tất cả những ai, vì thiếu sự giúp đỡ thỏa đáng, vẫn chưa thể phát triển đúng mức nhân phẩm của mình”. Chính trong tinh thần cởi mở và thông cảm đối với các xứ chậm tiến, mà Đức Phaolô VI đã viếng Ấn Độ và Đại hội quốc tế TLC được tổ chức tại Vọng Các cũng không ngoài chiều hướng ấy.
Đại hội quốc tế TLC tại Các Vọng còn là triệu chứng Giáo hội chú trọng đến giới lao động của Á châu. Á Châu là lục địa có nhiều người lao động nhất thế giới và Thanh Lao Công Á châu sẽ đóng một vai trò tối quan hệ: Thế giới không thể xây dựng mà không có Á châu, Á châu không thể xây dựng mà không có giới lao động Á châu, giới lao động Á châu không thể xây dựng mà không có Thanh Lao Công Á châu.
Tổ chức Đại hội Quốc tế TLC lần thứ 3 tại Vọng Các, Giáo Hội muốn đề cao sứ mạng của các anh chị em Thanh Lao Công Á Châu và nói lên niềm tin tưởng mà Giáo hội đặt vào họ. Thanh Lao Công Á Châu sẽ là những người đứng ra đại diện cho Giáo hội Chúa Kitô giữa giới anh em lao động miền Á châu. “Họ sẽ là những nhân chứng sống động của Chúa Kitô, trong Giáo hội”. Họ sẽ là chút men làm dậy cả cộng đoàn Á châu. Trung thành với đường lối tông đồ của phong trào Thanh Lao Công quốc tế, anh chị em Thanh Lao Công Á châu sẽ xây dựng cho giới lao động, cho thế giới bằng đời sống của mình, bằng cách chia sẻ những nỗi ưu tư vui buồn hằng ngày của cần lao Á châu bất phân tôn giáo, chủng tộc và bằng cách tạo nên một bầu không khí yêu thương giữa giới lao động. Thanh Lao Công không làm tông đồ bằng những công tác bằng đời sống hằng ngày của mình, nhưng bằng chính đời sống của mình, bằng nghề nghiệp của mình, bằng cách tự huấn luyện lấy mình và huấn luyện anh em lao động, để tất cả ý thức được kẻ khác, tìm gặp kẻ khác và như thế tìm gặp Chúa nơi kẻ khác.
Trong công cuộc xây dựng một xã hội Á châu tốt đẹp hơn, Thanh Lao Công Việt Nam sẽ chiếm một vị trí trọng yếu, vị trí tiền đồn của Á châu, là một nước chậm tiến với những vần đề bệnh tật, nghèo đói , dốt nát, nước Viêt Nam còn là một nước bị chiến tranh đã hơn 20 mươi năm nay với những hậu quả tai hại của nó, nhất là đối với giới lao động. Vì nhiều hoàn cảnh phức tạp, phong trào Thanh Lao Công VN đã ngưng hoạt động trong một thời gian khá dài. Mãi đến tháng 8 vừa qua, do nổ lực vận động của ban chấp hành trung ương, phong trào đã khai bắt đầu hoạt động trở lại. Và trong kỳ đại hội quốc tế Thanh Lao Công tại Vọng Các, phong trào Thanh Lao Công tại VN cũng sẽ gửi một số đại diện đến dự. Tuy anh chị em Thanh Lao Công VN chỉ là một nhóm nhỏ bốn năm trăm người, nhưng chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào họ và chúng tôi nguyện chúc cho phong trào TLC bành trướng mạnh và sâu khắp nơi, ngõ hầu đem ánh sáng và tình thương của Chúa Kitô cho giới lao động, góp phần vào công việc xây dựng một nước Việt Nam công bằng và bác ái hơn.
Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 198-11/1965
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét