Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

"Người đi, một nửa hồn tôi..."


Thật bất ngờ…
Ngày mồng Hai Tết, ngay khi kết thúc cuộc rước và hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đầu năm Âm lịch, tôi ngồi ở nhà cơm Tu Viện uống nước với một số anh em, một người anh em đi vội vào nhà cơm trên tay cầm tờ giấy, anh ấy nói “Đức Giáo Hoàng từ chức rồi”, giơ cao tờ giấy “đây là bản tin con vừa đọc được và in ra”, mọi người đổ xô đến đọc, đó là sự thật gây bàng hoàng đầu năm, bất ngờ đến không tưởng tượng được.
Gần như chưa có tiền lệ…
Tôi lẩm bẩm: “Không tin được, chưa bao giờ có sự kiện này”, quay trở lại phòng tôi vào một số trang mạng Công Giáo, tin Đức Thánh cha từ nhiệm là một tin thật, không còn nghi ngờ gì nữa; từ đó cho đến các ngày sau, hàng loạt các bài nhận định, phê bình, dự đoán chung quanh cuộc từ nhiệm này. Chúng tôi thường xuyên phải trả lời các câu hỏi từ nhiều người, thuộc nhiều thành phần, nói chung mọi người băn khoăn và thắc mắc về biến cố từ gần 600 năm nay mới xảy ra trong Giáo Hội Công Giáo Roma.
Hôm qua gặp một người quen, tôi hỏi thăm về cha xứ của anh như chúng tôi vẫn thường hỏi thăm nhau, ngài hỏi thăm về tôi và tôi cũng hay hỏi thăm về ngài; anh bạn cho biết: “Cha xứ con buồn lắm, ngài như mất tinh thần về vụ Đức Thánh Cha từ nhiệm, ngài nói với con sao lại xảy ra như vậy ?”
Tôi có một bà chị con ông bác, hai chị em tôi thân nhau khi còn bé, chị đi lấy chồng rất sớm ngay sau khi đậu tú tài hai ( tốt nghiệp trung học ), hiện định cư ở nước ngoài, bây giờ hai chị em đã “tóc bạc như nhau”, mấy hôm nay chị gởi E-mail cho tôi nhiều bài viết về biến cố này, chị không viết gì trong E-mail ngoài những lời thăm hỏi dặn dò quen thuộc, như: “Cậu cẩn thận và giữ gìn sức khỏe”, nhưng đọc nội dung các bài đính kèm thì nhận ra chị hoang mang lắm.

Không đột ngột…
Xem lại video vị Giáo Hoàng đọc lời từ nhiệm, gương mặt của các Hồng Y và các viên chức bên cạnh ngài rất bình thản, nghiêm trang và không hề có dấu hiệu nào ngạc nhiên như là một biến cố đột ngột không hề được báo trước. hình như chỉ có một vị Hồng Y người da đen nhúc nhích một chút. Hồng Y niên trưởng đọc bài phát biểu ngay sau bài từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng cho thấy bài phát biểu đã được soạn trước.
Những chi tiết đó cho thấy Đức Giáo Hoàng đã không suy nghĩ một mình, đã không cầu nguyện một mình và đã không quyết định một mình, chắc chắn đó là một quyết định đã được chia sẻ, bàn hỏi, cầu nguyện và chuẩn bị từ trước với nhiều người có trách nhiệm.
Một bài học khiêm tốn thánh thiện…
Đối với tôi, cái bóng của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II quá lớn nên thật sự Đức Benedicto 16 không có chỗ đứng số một trong tâm hồn tôi, nhưng quyết định từ nhiệm của ngài làm hình ảnh một ông cụ ( theo cảm nhận của tôi ) khô cứng, không gần gũi với quần chúng, quá lý trí, đã vụt sáng, trở thành một bài học sống động, hùng hồn, cụ thể và mạnh mẽ về sự khiêm tốn thánh thiện. Giữa lúc sự rời khỏi các vị trí lãnh đạo quyền cao chức trọng khó khăn biết chừng nào, nhất là trong xã hội Việt Nam, một xã hôi ganh đua nhau quyền chức, hại lẫn nhau để tranh dành, bám quyền bám ghế… thì biến cố con người số môt trong thế giới tinh thần quyết định rời chức để lui vào cầu nguyện là một quyết định quá khiêm tốn và gương mẫu. Cái tuyệt vời của ngài là hình ảnh mà vị giảng Tĩnh Tâm cho Giáo Triều Mùa Chay năm nay đã ví von: “Môsê lên núi cầu nguyện”, thật thú vị và hấp dẫn cho đời sống tu đức.
Không ai không thể có người thay thế…
Tháng tư năm 1975, khi chiếm cao nguyên Lâm Đồng, Việt Cộng đã bắn chết cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, tại Di Linh, một chuyên gia Kinh Thánh. Khi ấy bản dịch toàn bộ Kinh Thánh của ngài chưa hoàn tất. Rất nhiều người thương tiếc ngài và tự đặt câu hỏi: “Một người cần thiết như vậy tại sao Chúa lại cất đi ?”
Khi tôi còn học giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, ông chia sẻ với sinh viên về một sai lầm “chết người” của ông, khi Đức Pio 12 qua đời, Giáo Hội chọn Đức Gioan 23, ông đã coi thường vị Tân Giáo Hoàng này và đã có những bài viết chỉ trích phê bình coi thường ngài, nhưng rồi nhiệm kỳ ngắn ngủi của ngài đã khơi lên một “Lễ Hiện Xuống mới – Công Đồng Vatican 2”, hơn nữa vị Giáo Hoàng này khi qua đời đã làm một “phép lạ” cho chính cuộc đời của ông khi ông cầu khấn với ngài.
Đức Gioan-Phaolô 2 là một vị Giáo Hoàng xuất hiện không ai có thể dự báo trước, vai trò của ngài đã tỏ rõ khi cục diện thế giới đổi thay, những hoạt động và tâm hồn đạo đức thánh thiện của ngài đã cho thấy dụng cụ mà Chúa sử dụng rất kiến hiệu. Chúa biết phải chọn ai và sử dụng ai.
Tôi đã sống qua nhiều đời Giáo Hoàng, nhiều thăng trầm lịch sử, tôi nghiệm một điều, ở bất cứ giai đoạn nào của thế giới, của Giáo Hội, Chúa luôn quan phòng để có một vị Cha chung thích hợp dẫn dắt con thuyền Hội Thánh. Chúa đã hứa bảo vệ và xây dựng Hội Thánh, Chúa đã hứa không quyền lực nào có thể phá hoại được Hội Thánh ( Mt 16, 18 ), tại sao chúng ta không tin vào lời hứa của Đấng Trung Tín ( 2Tm 2, 13 ), tại sao chúng ta không tin vào sự quan phòng đầy thương yêu của Chúa ?
Hãy phó thác và tin vào sự quan phòng của Chúa…
Người đi một nửa hồn tôi… vững
Một nửa hồn kia Chúa quan phòng.
( xin lỗi đã sửa thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử )
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 22.2.2013
Theo EPHATA số 550


0 nhận xét:

Đăng nhận xét