Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Từ những tin đồn, nhìn về Giáo Hội thời sơ khai



Mong rằng, câu chuyện này giúp củng cố niềm tin của người tín hữu CG đối với hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh, tuyệt đối không tin theo những đồn đoán hồ đồ. Chúng ta cầu nguyện cho sự thành công của Mật nghị Hồng Y sắp diễn ra vào Tháng Ba này và không quên Hội Thánh Chúa ở trần gian được chính Chúa Giêsu Kitô xây dựng trên Đá “bao nhiêu sức hùng mưu ma vẫy vùng không làm chuyển rung”. (Hình ảnh bên chỉ có tính minh họa)
Ngụy giáo hoàng thời nay
Thánh Hippolytô (khoảng 170-236) Ngụy giáo hoàng trở thành Thánh.
Vài ngày trước khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II băng hà (02/4/2005 ), một “giáo hoàng” khác tại nước Tây Ban Nha cũng đã từ trần trước đó mấy tuần – Clemente Dominguez y Gómez, người tự xưng là Giáo hoàng Grêgôriô XVII, lìa đời ngày 22/3/2005.
Dominguez y Gómez, chống Công đồng Vatican II, cáo buộc Giáo Hội Rôma đủ thứ tội, đáng kể là tội để cho các phần tử Tam Điểm, Cộng sản và Lạc giáo xâm nhập lũng đoạn Hội Thánh. Dominguez y Gómez tự cho rằng chỉ có mỗi mình ông và một ít phần tử phe ông là những người Công giáo đích thực còn rơi rớt lại trên thế gian này. Rồi từ đó, ông tự phong mình làm giáo hoàng.
Người ta gọi Dominguez y Gómez là ngụy giáo hoàng – giáo hoàng giả (antipope). Đó là kẻ chống lại vị Giáo hoàng chính tông được bầu chọn hợp pháp.
Piô XIII là ai?
Trong thời đại chúng ta, không phải chỉ có mỗi Dominguez y Gómez tự xưng giáo hoàng –  ngụy giáo hoàng. Tại Hoa Kỳ cũng đã xuất hiện một ngụy giáo hoàng với ngụy danhPiô XIII. Ngụy giáo hoàng này vốn là một linh mục có tên Lucian Pulvermacher, Dòng Phanxicô (OFM) Capuchin.
Lucian Pulvermacher sinh ngày 20/4/1918 tại thành phố Rock, quận Wood, gần Marshfield, Wisconsin, Hoa Kỳ. Năm 1942, vào tuổi 24, ông gia nhập Dòng Phanxicô, thụ phong linh mục ngày 05/6/1946. Lucian ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo Rôma sau Công đồng Vatican II (1962-1965).

Tháng 10/1998, một nhóm “tín hữu nam nữ” do Lucian Pulvermacher cầm đầu tuyên bố họ là Giáo hội Công giáo đích thực. Nhóm tự lập ra một “mật viện” (conclave) để “bầu chọn giáo hoàng.” “Mật viện” của họ không tổ chức hội họp, dù là họp kín hay họp công khai. Địa điểm “Tòa Thánh” của họ thì hoàn toàn ở trong vòng bí mật, chẳng ai đến được. Các “đạo hữu” cứ từ nhà mình gọi điện thoại “bỏ phiếu” là hợp luật! Từ “kết quả” cuộc bầu cử do chính Lucian Pulvermacher đạo diễn, Lucian đắc cử “giáo hoàng,” chọn danh hiệu Piô XIII! Lucian Pulvermacher chết ngày 20/11/2009 tại “ngai tòa” của ông ởSpringdale, Washington, Hoa Kỳ mà chẳng mấy ai biết tới.
May mắn thay! Hai nhóm ly giáo trên cùng với hai “giáo hoàng” của họ chẳng gây được ảnh hưởng gì trong Giáo Hội cũng như cho xã hội, nếu không nói đó chỉ là trò hề . Chẳng mấy ai biết tới họ và cũng chẳng ai nói về họ… trừ một vài phần tử nghe theo họ.
Danh hiệu “Piô XIII” gợi nhắc chúng ta nhớ về lời tiên tri của ai đó cho rằng “vị giáo hoàng kế vị Đức Bênêđictô XVI là Giáo hoàng Piô XIII”! Piô XIII đã chẳng xuất hiện từ cuối thế kỷ XX rồi đó sao???
Ngụy giáo hoàng Hippolytô
Vào thời Trung cổ thì khác. Những ngụy giáo hoàng thời ấy đã gây chấn thương trầm trọng cho đặc tính Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền của Hội Thánh.
Từ năm 1058 đến năm 1449, có đến 22 ngụy giáo hoàng gây thương tích trên Thân thể Giáo Hội. Các ngụy giáo hoàng thời ấy đều là những người đầy tham vọng về quyền lực, được dựng nên hay bảo kê bởi các phe nhóm quyền chức phần đời với sự thỏa hiệp của một số giáo sĩ bị danh vọng, tiền tài và xác thịt làm tối mắt. Hậu quả: Giáo Hội đã phải trải qua chuỗi dài thử thách lớn, nhất là thời kỳ cuộc Đại Ly Khai (Great Schism). Trong thời gian ấy, Giáo Hội cùng một lúc có 2 hoặc 3 “giáo hoàng” tranh ngôi chính truyền. Cuộc tranh giành quyền lực kéo dài nhiều chục năm, từ năm 1378 tới năm 1419!
Trước đó hàng chục thế kỷ, ngay thời kỳ sơ khai, Giáo Hội cũng đã trải qua một cuộc khủng hoảng “ngụy giáo hoàng” làm giao động lòng người tín hữu. Ngụy giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội ấy có tên là Hippolytô (sinh khoảng năm 170 và từ trần khoảng năm 236).
Điều làm cho nhiều người trong chúng ta ngạc nhiên là Hippolytô vừa đứng đầu danh sách ngụy giáo hoàng mà cũng vừa có tên trong hàng các Thánh: Thánh Hippolytô, lễ kính nhằm vào ngày 13 tháng Tám hằng năm.
Từ cuối thế kỳ thứ hai và đầu thế kỷ thứ ba, Hippolytô đã nổi danh là một nhà thần học sáng giá tại kinh thành Rôma với nhiều tác phẩm thần học giá trị. Nhưng bên cạnh tài năng xuất chúng ấy, Hippolytô cũng được biết đến như là một con người tự phụ và cao ngạo đến nỗi chẳng hề có lòng thương xót, thậm chí không bao giờ biết tha thứ đối với những ai xúc phạm tới ông. Bất kể những khuyết điểm trong tính tình trên, Hippolytô vẫn luôn luôn nổi bật trong các cuộc tranh cãi về thần học. Người ta kể truyện vào năm 212, ông Origen, một nhà thần học Kitô giáo thông thái nhất thời ấy, khi có dịp ghé Rôma, đã không tiếc thời giờ dự thính các cuộc giảng thuyết của Hippolytô. Cả Origen lẫn Hippolytô đều được xếp vào hàng giáo phụ của Hội Thánh.
Cao ngạo: Mầm mống ly khai
Từ thời Thánh Giáo hoàng Zephyrinô cầm đầu Hội Thánh từ năm 198 đến năm 217, Hippolytô đã có khuynh hướng “ly khai” khỏi Hội Thánh. Trong một tác phẩm của mình – quyển Philosophymena, Hippolytô đã tấn công vị Giáo hoàng thánh thiện này, cho rằng Zephyrinô là một người thất học. Quả thật, so với Hippolytô, tân Giáo hoàng Zephyrinô có lẽ là một học giả hạng thứ thôi. Chắc chắn Giáo hoàng Zephyrinô không theo kịp Hippolytô trong suy luận thần học về mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con. Giáo hoàng Zephyrinô cũng chẳng nhọc công đi sâu vào đề tài ấy. Ngài chỉ đơn giản xác quyết điều mà Giáo Hội đã từng dạy: Chỉ có một Đức Chúa Trời; và Đức Chúa Trời có Ba Ngôi – Cha, Con và Thánh Thần. Còn những tư tưởng thần học cao xa của Hippolytô thì Đức Giáo hoàng Zephyrinô chẳng quan tâm đến miễn sao tránh rơi vào lạc giáo là được.
Chẳng những tỏ ra bực dọc với Giáo hoàng Zephyrinô, Hippolytô còn căm ghét Callixtô đến cực độ. Bởi vì Callixtô vốn là một cựu nô lệ, một tay nổi tiếng biển thủ, một con người gây xáo trộn xã hội, dù con người đó đã ăn năn thống hối, trở về đường chính và đang được Thánh Giáo hoàng Zephyrinô đặt làm giám thị coi sóc các nghĩa trang Kitô giáo ở ngoài thành Rôma. Khi giáo hoàng Zephyrinô băng hà năm 217, toàn thể giáo sĩ thành Rôma đồng thanh bầu chọn Callistô lên kế vị. Hippolytô càng lồng lộng lên. Vì Hippolytô nghĩ rằng chỉ có mỗi mình mình xứng đáng được bầu chọn vào vai trò này.
Hippôlytô lại tố cáo Callixtô có một quan niệm không đúng đắn về bản thể của Chúa Giêsu Kitô. Hơn nữa, khi lên ngai Giáo hoàng, Callixtô lại ban phép giải tội cho các kẻ ngoại tình và thông dâm nào có lòng ăn năn sám hối thật sự. Đồng thời Đức Giáo hoàng cũng chấp nhận sự trở về của những người Kitô hữu vì sợ bị bách hại hay bị sát hại mà chối bỏ đức tin khi bị quyền lực phần đời bắt bớ vì đạo thánh.
Hippolytô phản kháng thái độ bao dung của Đức Callixtô. Ông cho rằng làm như vậy tức là làm băng hoại Giáo Hội. Hippolytô bảo vệ quan điểm cực đoan rằng những thành phần tội lỗi “gương mù gương xấu” như các phần tử trên dứt khoát phải bị loại trừ vĩnh viễn ra khỏi Hội Thánh và không ai được nhận họ trở về.
Từ sự chống đối trên, Hippolytô tiến đến bước thứ hai là tập hợp một số thành phần giáo sĩ và giáo dân Kitô hữu đứng về phía mình chống lại Đức Giáo hoàng Callixtô và tổ chức bầu chọn Hippolytô lên ngôi “giáo hoàng” tranh quyền với Đức Callixtô.
Đức Pontianô, vị Giáo hoàng đầu tiên thoái vị
Năm năm sau, Đức Callixtô bị một băng đảng chống Kitô giáo tấn công và hạ sát năm 222 trên một đường phố ngoại ô Rôma. Ngụy giáo hoàng Hippolytô vẫn cố ôm chặt cái chức “giáo hoàng” mà ông đã tiếm đoạt và tin tưởng mình sẽ đương nhiên giữ vững chức vị này.
Nhưng hàng giáo sĩ chính thống của thành Rôma ngay trong năm ấy (222) gạt ông qua một bên mà bầu vị kế nhiệm Đức Callixtô là Đức Giáo hoàng Urbanô I (222-230). Vị tân Giáo hoàng tỏ ra mềm dẻo hơn với Hippolytô, nhưng Hippolytô vẫn cố chấp, không chịu từ bỏ chức giáo hoàng giả của ông.
Năm 230, Giáo hoàng Urbanô I băng hà. Trong năm ấy, hàng giáo sĩ Rôma lại bầu chọn một vị kế nhiệm khác là Giáo hoàng Pontianô (230-235). Hippolytô cũng vẫn tự xưng mình là Giáo hoàng chính tông và cũng tỏ thái độ coi khinh Đức giáo hoàng Pontianô như đã từng khinh dễ Đức Callixtô và Đức Urbanô I.
Năm 235, Maximinô I lên ngai Hoàng đế Rôma. Vị hoàng đế này vốn từ lâu đã mang lòng thù hận căm ghét người Kitô giáo vì cho rằng đạo Kitô phá hủy việc thờ phượng các thần Rôma. Ông ban hành sắc chỉ bách hại đạo Chúa trên toàn đế quốc. Cả Giáo hoàng chính tông Pontianô và ngụy giáo hoàng Hippolytô đều bị bắt trong cuộc bách hại này. Hai vị cùng bị lưu đày khổ sai tại khu hầm mỏ miền Sardinia (Ý).
Với mục đích bảo toàn sinh hoạt của Giáo Hội, tại nơi lưu đày, giáo hoàng Pontianô tuyên bố tự ý thoái vị để cho Giáo Hội bầu chọn một vị giáo hoàng khác tiếp tục điều hành con thuyền Hội Thánh. Như vậy, Đức Pontianô là vị Giáo hoàng thoái vị đầu tiên trong Giáo Hội.
Hippolytô sám hối
Việc Đức Giáo hoàng Pontianô hy sinh chức quyền cao trọng của mình hầu bảo vệ Hội Thánh dần dần cảm hóa Hippolytô. Tại nơi lưu đày, Hippolytô càng ngày càng thán phục tinh thần vị tha và sự hy sinh cao quý của người bạn tù đạo đức. Cuối cùng, Hippolytô nhận ra sự sai trái của mình. Ông ăn năn thống hối và thú tội với vị Giáo hoàng tù nhân vừa từ nhiệm. Bắt chước Giáo hoàng Pontianô, Hippolytô tuyên bố từ bỏ chức giáo hoàng mà ông đã chiếm đoạt trải qua ba triều giáo hoàng kế tiếp nhau (Callixtô, Urbanô I và Pontianô), đồng thời tuyên thệ trung thành với Giáo Hội và xin được Giáo Hội đón nhận như con chiên lạc tìm đường về ràng chiên.
Ít tháng sau khi Giáo hoàng Pontianô thoái vị và Hippolytô xin làm hòa, cả hai vị đều lìa đời (năm 235) ngay tại nơi lưu đày vì những cực hình và các việc khổ sai nặng nề mà hai vị cùng trải qua.
Vị giáo hoàng kế tiếp, Đức Fabian (236-250) tìm cách cho chuyển cả hai thi hài về chôn cất tại Rôma. Kitô hữu Rôma đồng thanh chấp nhận sự hối cải của ngụy giáo hoàng Hippolytô và sẵn lòng tha thứ mọi lỗi lầm ông đã vấp phạm trong quá khứ. Hippolytô được nhìn nhận là Thánh Tử đạo cùng với Thánh Giáo hoàng Pontianô.
Hippolytô là ngụy giáo hoàng đầu tiên trong Giáo Hội, trong khi đó Giáo hoàng Pontianô là vị giáo hoàng đầu tiên tự ý tuyên bố thoái vị vì lợi ích của Hội Thánh.
Mong rằng, câu chuyện trên đây giúp củng cố niềm tin của người tín hữu CG đối với hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh, tuyệt đối không tin theo những đồn đoán hồ đồ. Chúng ta cầu nguyện cho sự thành công của Mật nghị Hồng Y sắp diễn ra vào Tháng Ba này và không quên Hội Thánh Chúa ở trần gian được chính Chúa Giêsu Kitô xây dựng trên Đá “bao nhiêu sức hùng mưu ma vẫy vùng không làm chuyển rung”.
Lê Thiên
Nguồn: NVCL

0 nhận xét:

Đăng nhận xét