LTCGVN (24.02.2013)
ĐVDVN – Dù nhà cầm quyền Việt Nam muốn hay không, tình hình chính trị Việt Nam cũng đang có những biến chuyển không ngừng. Những diễn biến dồn dập ở nội bộ và từ nhiều phía đang lấn áp nhanh chóng khả năng kiểm soát của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Mâu thuẫn nội bộ đang từng ngày dâng cao và đảng cầm quyền đang mất dần định hướng lãnh đạo. Những lời báo động công khai của nhiều nhân vật lãnh đạo và cán bộ cao cấp khẳng định nguy cơ tan rã của chế độ.
Tuy nhiên, dù nguy cơ sụp đổ gần kề, đảng CSVN vẫn còn có thể tự cứu bằng cách cấp thời đưa ra các chính sách đổi mới chính trị cụ thể để thay đổi Việt Nam bằng con đường “diễn biến hòa bình” — một tiến trình thường bị nhà cầm quyền đánh giá là “chiến lược thâm độc của thế lực thù địch bên ngoài nhằm âm mưu lật đổ chính quyền”. Trong bối cảnh khó tránh khỏi bị đào thải hiện nay, “diễn biến hòa bình” lại chính là con đường tự cứu an toàn, nhanh chóng và hữu hiệu nhất cho đảng CSVN.
Với “diễn biến hòa bình”, tình hình chính trị Việt Nam sẽ thay đổi tuần tự bằng các diễn tiến thực sự ôn hòa — không cần phải tốn máu xương của bất cứ phía nào.
Trước mắt, dự án kêu gọi đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến Pháp 1992 là một cơ hội rất tốt. Một khi các ý kiến đóng góp được CSVN tôn trọng đúng mức, thái độ tích cực đó sẽ giải tỏa không ít sự bất mãn của các tầng lớp quần chúng đối với đảng CSVN. Khi các khoản sửa đổi được chấp nhận, đặc biệt là nội dung Bản Dự Thảo Hiến Pháp 2013 của nhóm trí thức – luật gia có uy tín trong nước soạn thảo, Việt Nam sẽ được thay đổi bằng con đường hợp pháp, hợp hiến. Từ đó, đảng CSVN không những thoát khỏi cảnh bị sụp đổ mà đất nước lại có thể thay đổi tốt đẹp được bằng một con đường hòa bình. Nó là một lộ trình an toàn, giữ được sĩ diện và có triển vọng ở tương lai cho chính đảng CSVN. Khi thiện chí của những người lãnh đạo cấp tiến trong đảng CSVN được đa số nhân dân nhìn nhận, diễn biến thay đổi sẽ thuận lợi cho tất cả mọi phía.
Kế đến, với nội dung một bản Hiến Pháp tu chính bao gồm nhiều điều khoản phản ảnh khát vọng dân chủ và nhân bản của nhiều tầng lớp xã hội, chúng ta được quyền tin tưởng rằng Việt Nam sẽ sớm có một cơ chế lãnh đạo quốc gia thích hợp với bối cảnh đất nước ngày nay hơn tình trạng đang có. Một khi bản Hiến Pháp mới mang được tinh thần dân chủ và nhân bản, một cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do sẽ được thực hiện để chọn lựa những người xứng đáng để lãnh đạo và điều hành đất nước, từ Quốc Hội cho đến các cơ quan Hành pháp, Tư pháp. Dân chủ bằng cách bầu cử chính quyền địa phương trước (1) rồi đến bộ phận chính quyền trung ương, hay ngược lại (2), tất cả chỉ là vấn đề kỹ thuật. Sự lựa chọn đó sẽ được quyết định một cách dân chủ khi môi trường dân chủ đã có được.
Cho đến nay, dư luận vẫn chưa thể tin được là những người lãnh đạo nhà nước và đảng CSVN sẽ thực sự tôn trọng, thực hiện những gì mà các giới trí thức và người yêu nước đóng góp ý kiến. Trong quá khứ, vô số ý kiến, kiến nghị cho những kỳ Đại hội Đảng đã không được cứu xét, thậm chí không có cả sự trả lời chính thức. Vấn đề sửa đổi Hiến pháp cũng đã từng đặt ra và cũng không có ý kiến nào được tôn trọng hay thực hiện. Điều làm mọi người khó có thể an tâm và hy vọng ở kết quả của sự sửa đổi Hiến Pháp sắp tới là vì ngay cả những điều khoản quy định về các quyền công dân hạn hẹp của bản Hiến Pháp hiện hành cũng chưa được thực sự tôn trọng.
Tuy nhiên, với dự án sửa đổi Hiến pháp lần này, vấn đề có thể sẽ khác hơn. Đó là, sự sửa đổi Hiến Pháp sẽ là yếu tố giúp đảng CSVN thoát nạn trong danh dự và an toàn. Cho nên, thay đổi phần lớn nội dung bản Hiến Pháp sẽ là một nhu cầu lớn để đảng CSVN không phải gánh trách nhiệm về các quốc nạn một mình, và hơn cả, vẫn có thể tiếp tục tồn tại và hoạt động trong thể chế dân chủ sắp tới. Thay đổi Hiến Pháp để tiến tới Tổng Tuyển Cử Tự Do (nhằm bầu chọn thành phần lãnh đạo quốc gia đa thành phần) là con đường ‘đồng thắng’ (Win/Win) cho cả phía Cộng sản và Dân Chủ.
Giải pháp Tổng Tuyển Cử Tự Do sẽ có thể thay đổi thể chế một cách ôn hoà và không gây khủng hoảng nặng nề cho giai đoạn chuyển tiếp. Nó chuyển đổi tình trạng độc tài toàn trị thành dân chủ đa đảng nhưng không nhằm loại trừ toàn bộ những người đang hiện diện trong bộ máy cầm quyền hiện nay. Những người có khả năng và tinh thần dân chủ sẽ có thể tiếp tục sự phục vụ của họ trong chính quyền mới sau này. Những công chức, quân nhân sẽ trở thành cán bộ quốc gia chứ không phải là công cụ riêng của bất cứ đảng phái nào, kể cả đảng cầm quyền. Sự thay đổi chế độ với giải pháp này mang tính chuyển thể, chứ không phải là lật đổ để nhằm tiêu diệt quân cán chính của chế độ hiện thời như CSVN đã làm sau năm 1975. (trích)
Cũng trong tinh thần tìm kiếm các giải pháp khả thi để tháo gỡ bế tắc chính trị cho đất nước, nhiều vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, cựu sĩ quan quân lực VNCH, giới trí thức, chuyên viên người Việt ở ngoài nước, kể cả một số nhân vật đấu tranh, cũng đã đồng ký tên ủng hộ cho bản Kiến Nghị Sửa Đổi Hiến Pháp 1992 do một số chuyên gia luật ở trong nước soạn thảo.
Nội dung bản kiến nghị này chắc chắn chưa thể phản ảnh toàn diện các nhu cầu ổn định và phát triển Việt Nam, đặc biệt là nguyện vọng của tập thể người Việt đang sinh sống ở các quốc gia ngoài Việt Nam, song trong bối cảnh chính trị tế nhị hiện nay, bất cứ bước thay đổi cụ thể nào cũng đều đáng trân trọng. Có thể nói, nếu như hoàn cảnh chưa cho phép thay đổi cục diện đất nước một cách rốt ráo và toàn diện thì việc thay đổi từng phần một cách cụ thể vẫn là điều đáng khích lệ. Tiếc rằng bộ phận trách nhiệm việc “lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992″ đã trả lời vào ngày 7/2/2013 là nỗ lực đóng góp ý kiến này là”…không đúng với quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc Hội”.
Có thể nói, nếu như Việt Nam thay đổi được bằng một hình thức nào khác trong thời gian tới, những đóng góp sâu sắc cho lần “kiến nghị” này cũng sẽ không thừa. Ngược lại, đó là một chuẩn bị cần thiết và quý báu cho nội dung một bản Hiến Pháp thật sự dân chủ trong thời gian tới. Vì vậy, ký tên ủng hộ cho nỗ lực của những người trí thức dân chủ là một thái độ và nghĩa cử cần thiết để tạo dựng sự cảm thông, đoàn kết giữa các thành phần dân tộc có cùng chung định hướng đấu tranh ở giai đoạn này, và để có những chuẩn bị cần thiết cho công cuộc phát triển dân chủ trong thời gian tới.
Mặt khác, ký tên ủng hộ bản Kiến Nghị Sửa Đổi Hiến Pháp 1992 không có nghĩa là sự công nhận chế độ độc tài CSVN, vì nếu các kiến nghị dân chủ được chấp nhận thực thi thì bản chất chế độ sẽ không còn ở nguyên trạng đang có nữa. Nếu Điều 4 trong bản Hiến pháp hiện hành được tháo gỡ để mở đường cho tiến trình xây dựng một xã hội dân chủ đúng nghĩa, thì đó là một bước thay đổi khích lệ đáng được ủng hộ.
Khát vọng dân chủ và nhu cầu vươn lên của nhân dân mỗi ngày một tăng cao. Bởi vậy, Việt Nam đang chuyển biến mỗi ngày một nhanh hơn trong tất cả mọi lãnh vực, kể cả chính trị. Trong đà thay đổi mạnh mẽ và dồn dập đó, những ai không thích hợp sẽ bị đào thải, những gì ngăn trở dòng tiến mãnh liệt đó sẽ bị nghiền nát.
Chúng ta muốn thay đổi đất nước càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt song sự thay đổi đó càng nhân bản, hài hòa chừng nào càng tốt chừng nấy. Chúng ta muốn nước Việt có Dân chủ, người Việt có Tự do song nền Dân chủ và Tự Do đó không cần thiết phải đánh đổi bằng máu xương và nước mắt. Do vậy, tạo dựng cơ hội thay đổi trong hòa bình vẫn là ưu tiên lớn nhất và trước nhất.
Tóm lại, với vô số vấn nạn và yêu cầu to lớn của đất nước, chúng ta không có phép mầu nào để có thể hóa giải tất cả vấn đề bế tắc cùng một lúc. Điều chúng ta cần trước tiên là môi trường và điều kiện để giải tỏa được một cách hiệu quả những khủng hoảng của đất nước và mâu thuẫn trong lòng dân tộc, dù là từng phần.
Chấp nhận các kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp 1992 là một con đường tự cứu cho đảng CSVN. Nếu được vận dụng đúng cách và đúng mức, đó cũng sẽ là một con đường dân chủ hóa Việt Nam. Phương thức này tuy chưa thể tạo ra điều kiện thay đổi một cách nhanh chóng và rốt ráo song nếu có được những thành quả cụ thể thì đó là một tiến triển thuận lợi cho tiến trình phát triển dân chủ trong thời gian tới.
Tạo điều kiện để đảng CSVN “hạ cánh an toàn” không phải là sai hay xấu, nếu như nó là yếu tố cần thiết có thể giúp thúc đẩy tiến trình thay đổi đất nước một cách nhanh chóng và tốt đẹp hơn.
Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)
—–
(1) Đại cương về Giải pháp #1
(2) Đại cương về Giải pháp #2
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét