Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Giáo dân dấn thân vào đời (51)




Sàigòn

 

 

 

“Đã đến lúc người Công giáo phải ý thức sâu rộng phận sự của mình trong Giáo hội như là thành phần của Nhiệm Thể, phải sẵn sàng để nhận lãnh trách nhiệm trong các lãnh vực thuộc phạm vi giáo dân. Người Công giáo hãy mạnh dạn dấn thân vào đời, hòa mình với hết mọi người trên mọi lãnh vực, để góp sức xây dựng một xã hội thịnh vượng, công bằng và nhân ái… là công dân trong một nước, người Công giáo hãy can đảm nhận lãnh trách nhiệm trong mọi lãnh vực xã hội, kinh tế, xã hội, chính trị, nghề nghệp, quyết tâm thực hiện công bằng, bác ái”.

Tuyên ngôn của Hội đồng giám mục VN
Vấn đề “giáo dân dấn thân vào đời” có thể nói được là cốt tủy của việc tông đồ giáo dân, vì trong địa hạt đó, hàng giáo sĩ không thể thay thế giáo dân. Đã là Kitô hữu, người giáo dân thông phần vào chức tư tế, tiên tri và vương quyền của Chúa Kitô, nên họ cũng đảm nhận phận sự của mình trong việc truyền giáo của toàn thể dân Chúa. Nhưng trong việc tông đồ trực tiếp rao giảng Tin Mừng, không hẳn mỗi tín hữu đều có thể làm được. Không thể làm được, hoặc vì trình độ thấp kém, hoặc vì bận công ăn việc làm, lo việc mưu sinh, không còn thì giờ để rao giảng Tin Mừng bằng lời dạy dỗ khuyên bảo. Chúng ta có thể nói được rằng lối truyền giáo đó không phải là việc tông đồ đặc hữu của giáo dân, mặc dầu Giáo hội khuyến khích những giáo dân có khả năng hoạt động trong địa hạt đó. Trái lại việc giáo dân dấn thân vào đời, đó mới là công việc tông đồ đặc biệt của giáo dân, bắt buộc mỗi giáo dân phải làm. Chính Công đồng Vatican II, trong sắc lệnh về tông đồ giáo dân, cũng đã nhấn mạnh về đặc điểm đó:
“Bản chất của địa vị người giáo dân là đang sống giữa trần gian và giữa những việc trần thế, họ đã được Thiên Chúa mời gọi để thực thi việc tông đồ của họ nơi trần gian như một nắm men một sức mạnh tinh thần Kitô giáo… Người giáo dân phải đảm nhận việc cải tân trật tự thế trần như là trách vụ riêng của mình. Được khai quang bởi ánh sáng Tin Mừng, được hướng dẫn bởi tinh thần Giáo hội, được lôi cuốn bởi đức mến của Chúa Kitô, họ phải tự mình cương quyết hoạt động trong lĩnh vực này”.
Nói đến tông đồ giáo dân người ta thường nghĩ ngay đến vấn đề gia nhập một hội đoàn, phải đi hội họp, phải đi công tác, phải mang dấu hiệu, cờ hiệu, đồng phục vv… Đã hay, những hội đoàn với những hình thức bên ngoài có công dụng và sức mạnh của nó. Các hội đoàn Công giáo Tiến hành cần thiết cho đời sống tông đồ của Giáo hội. Nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể gia nhập các hội đoàn Công giáo Tiến hành được. Dù thế, họ vẫn có thể làm việc tông đồ và bắt buộc làm tông đồ bằng cách dấn thân vào đời để cải tân trật tự thế trần. Dấn thân vào đời, tức là làm tông đồ bằng chính đời sống thường thật, đời sống trong gia đình, trong công sở, nơi xưởng thợ, nơi học đường. Việc tông đồ này, hàng giáo sĩ không thể làm được. chỉ có người giáo dân sống giữa đời, sống trong nghề nghiệp, mới có thể dấn thân vào đời. Người giáo dân phải ý thức sứ mạng đặc biệt của mình trong công việc tông đồ này. Có những giáo dân sốt sắng hoạt động tông đồ trong các hội đoàn, đi công tác một tuần hai ba tiếng đồng hồ, nhưng lại bê trễ việc gia đình, việc công sở. Những người giáo dân đó đã lãng quên sứ mạng đặc biệt của mình, để bám vào một ít hình thức của việc tổ chức tông đồ đôi khi chỉ có cái vỏ, mà thiếu thực chất tông đồ. Nói thế, chúng tôi không có ý đả kích hội đoàn Công giáo Tiến hành, trái lại chúng tôi nhiệt liệt khuyến khích. Nhưng bổn phận tông đồ đặc biệt của giáo dân phải là việc tông đồ trong đời sống hằng ngày của gia đình, nghề nghiệp, xã hội. Đó là bổn phận trước tiên của người giáo dân. Một người giáo dân, vì những lý do chính đáng, có thể không làm tông đồ trong một hội đoàn Công giáo Tiến hành, nhưng không thể không làm tông đồ bằng sự dấn thân vào đời với tất cả lương tâm của người kitô hữu, để cải tân trật tự thế giới. Việc tông đồ này là việc tông đồ căn bản, thiết yếu của mỗi giáo dân. Nếu một giáo dân làm được tất cả mọi thứ hoạt động tông đồ thì đó là một điều rất đáng khuyến khích. Nhưng nếu vì những lý do chính đáng phải chọn một hoạt động tông đồ, thì giáo dân phải lấy việc dấn thân vào đời để cải tân trần thế, như việc thiết yếu của mình: Một bà mẹ gia đình, nếu vì việc hăng say việc công tác tông đồ, mà không có thì giờ để lo việc chồng con, bê trễ việc gia đình, thì phải bỏ việc đi công tác mà lo chu toàn nghĩa vụ của bà mẹ, một chủ xí nghiệp nên bỏ việc công tác tông đồ, nếu vì những công tác ấy, mình không thể chu toàn bổn phận với công nhân cho đúng với tôn chỉ công bằng bác ái Kitô giáo. Công việc tông đồ thiết yếu của ông chủ xí nghiệp là cải thiện trật tự xã hội của xí nghiệp mình đúng với Tin Mừng của Chúa.
Nói tóm, tông đồ đặc biệt của giáo dân chính là sự dấn thân vào đời, để Kitô hóa cơ cấu trần thế. Chúng tôi có thể kết thúc cảm nghĩ trên bằng những lời sau đây của Sắc lệnh về tông đồ giáo dân:
“Việc tông đồ trong xã hội là cố gắng đem tinh thần Chúa Kitô thấm nhập tâm trạng, phong hóa, luật lệ và những cơ cấu cộng đồng mà mỗi người sinh sống. Đó là công tác riêng biệt và trách nhiệm của người giáo dân không ai có thể đảm nhận thay thế họ được. Trên địa hạt này, giáo dân có thể hướng dẫn việc tông đồ của người đồng loại đối với người đồng loại… Người giáo dân hoàn tất sứ mạng này của Giáo hội trong thế giới, trước hết bằng một đời sống phù hợp với đức tin, khiến họ trở nên sự sáng soi thế trần và nhờ nếp sống luông thiện trong hết mọi hoạt động có thể tỉnh thức mọi người biết quí chuộng điều chân sự thiện và khích lệ họ dần dần tìm đến với Chúa Giêsu và Giáo hội. Họ chuận bị từ từ mọi tâm hồn nhận lãnh ơn cứu chuộc nhờ chính đời sống bác ái huynh đệ khiến cho họ chia sẻ những điều kiện sinh sống, việc làm, những nỗi đau khổ và nguyện vọng của anh em mình. Sau cùng, nhờ một ý thức đầy đủ về trách nhiệm riêng của mình trong đời sống xã hội, khiến họ cố gắng chu toàn những bổn phận gia đình, xã hội, nghề nghiệp với lòng hào hiệp Kitô giáo đến nỗi cách xử trí của họ dần dà thấm nhập và hoàn cảnh sinh sống và việc làm của họ”.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                         Số 215-4/1967
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét