LTCGVN (15.01.2014)
Gần 6 giờ mà tôi chưa muốn bỏ lớp chăn bông ấm áp. Cái
lười bỗng dưng bao quanh tôi. Cố gắng lắm tôi mới có thể rời khỏi 4 chân giường.
Tiếng mẹ nói vọng lên từ nhà dưới: “Con gái giờ này
chưa ngủ dậy nữa”.
Tôi xuống nhà dưới. Còn đang mắt nhắm mắt mở, tôi nổ đom đóm mắt và xây
xẩm vì cái tát thẳng tay của mẹ. Đánh răng, rửa mặt xong, tôi lên nhà còn được
nghe một bài morale dài dằng dặc của mẹ. Nửa tháng nay, quả thật tôi trở nên
chây lười hẳn ra. Tôi kiếm đủ cớ để đi chơi với tụi bạn. Hết xem video đến chơi
game, hết Đầm Sen tới Suối Tiên, có khi còn lên cả Bửu Long. Dĩ nhiên những lần
đi như vậy sẽ mất nhiều thời gian, có khi tối mới mò về.
Xưa nay tôi sống trong một gia đình lễ giáo, nề nếp hẳn hoi, có vẻ… gò
bó – ít là theo tôi nghĩ. Tôi cho như vậy không phù hợp với thời đại mới. Tôi tự
cho mình là lớn khi tôi đi mua những bộ đồ model và chạy theo thị hiếu cho thỏa
lòng. Mỗi khi đi học trong chiếc áo dài trắng, tôi cho là quê mùa. Tôi còn
trang điểm mỗi khi đi chơi, dù chỉ là một chút phấn son. Tôi lớn rồi!
Hôm nay, sau khi lãnh cái tát của mẹ, thật ra không đau lắm, nhưng thấm
thía nhiều. Tôi không đi học dù hôm nay kiểm tra Toán. Tôi lên phòng, ngang qua
tủ kiếng, tôi thấy mình đang lớn, lớn không như tôi nghĩ mà thực sự lớn trong
một con người toàn diện. Vâng, tôi trưởng thành hơn. Chải lại mái tóc óng đen
thường được gội nước bồ kết hảo hạng mẹ mua. Mắt tôi mờ đi, cổ tôi nghẹn lại rồi
bật thành tiếng nấc, nhưng vẫn có chút kiêu sa của con gái đang lớn. Tôi chạy
nhanh vào phòng rồi gieo mình lên giường và tấm tức khóc.
Đồng hồ điểm 11 tiếng. Tôi vùng dậy. Tôi không giận mẹ, mà tôi cũng
không bao giờ có thể giận mẹ. Tôi thấy thương mẹ hơn bao giờ. Từng ngày mẹ tảo
tần vì tôi, thế mà mẹ nói gì tôi cũng cãi lại. Tuổi mới lớn có những kiểu ngang
bướng dại dột mà cứ cho là mình đúng. Nhờ cái tát sáng nay mà tôi đã kịp nhận
ra những sai lầm của mình. Tôi thấy yêu chiếc áo dài, nó biểu hiện sự nết na,
thùy mị, và nét dịu dàng của dân tộc Việt Nam. Tôi hiểu được rằng con người cốt
ở đức hạnh, bề ngoài chỉ là gỉa tạo và mau qua.
Tôi vừa đứng dậy vuốt lại mái tóc thì tiếng bé quyên reo vang lên từ dưới
nhà: “Mẹ về!”. Tôi xuống cầu thang và dự định sẽ xin lỗi mẹ về
những lổi lầm vừa qua.
Vừa thấy tôi, mẹ đưa ngay cho tôi chiếc quần jeans mà tôi đã xin mẹ hôm
trước. Tôi run run cầm lấy quà của mẹ. Bỗng dưng tôi không cầm được nước mắt. Tôi
ôm mẹ, nép đầu vào ngực mẹ, nghe từng nhịp đập yêu thương và khẽ thưa: “Con xin lỗi mẹ”. Mẹ âu yếm vuốt tóc tôi và nói: “Tình thương là tất cả, con gái cưng của
mẹ!”.
Tôi muốn nói nhiều mà chẳng nói được gì thêm, chỉ biết khóc trên vai mẹ,
cảm nhận tình thương vô biên của mẹ vẫn luôn dành cho tôi…
Chợt tiếng hát từ nhà hàng xóm vọng sang: “Mỗi mùa Xuân sang mẹ tôi già thêm một
tuổi, mỗi mùa Xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần… Mẹ già như chuối chín cây, gió
lay mẹ rụng, con phải mồ côi…”. Ca
khúc “Mừng Tuổi Mẹ” của NS Trần Long Ẩn như xoáy vào lòng tôi khiến tôi nhận thấy
mình đang thực sự hạnh phúc vì còn có mẹ. Tôi chợt thương những người không còn
mẹ. Họ buồn biết bao vì không có mẹ để mừng tuổi ngày Xuân!
Xin Chúa xót thương những người mồ côi – những người không còn Cha,
không còn Mẹ, hoặc mất cả Cha và Mẹ. Đáng thương nhất là những trẻ em mồ côi phải
buồn ngay khi Xuân về, Tết đến.
TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét