Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Đường công lý ở đâu?

Sài Gòn - Tháng tám hàng năm bắt đầu với Lễ kính Thánh Anphongsô, Tiến sĩ Hội Thánh, vị Tổ phụ sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế. Năm nay thật đặc biệt, ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng cho tháng tám là cầu cho các cha mẹ và các nhà giáo dục giúp đỡ thế hệ trẻ được lớn lên với một lương tâm ngay thẳng và đời sống chính trực, và cầu cho các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu trung thành loan báo Tin Mừng, thúc đẩy việc xây dựng hoà bình và công lý. Mừng kính Thánh Tổ phụ DCCT trong tâm tình cùng với Hội Thánh cầu nguyện cho sự ngay thẳng, chính trực, cho công lý, hoà bình, quả thật là một trùng hợp đầy ý nghĩa.
Những hoạt động của Dòng Chúa Cứu Thế khắp nơi trên thế giới, cũng giống như hoạt động của chính Đấng Cứu Thế ngày xưa, có người tung hô vạn tuế, có người lên án nặng nề. Người tung hô thì nhìn thấy các giá trị mà Giáo Hội đề cao trong các hoạt động ấy. Người lên án (là chính thế gian tối tăm) thì nhìn thấy nơi các hoạt động ấy lời tố cáo một thế gian điêu ngoa đang chống lại công lý.


Người Công giáo có thói quen quy chiếu các hoạt động của mình vào Giáo huấn của Hội Thánh. Người Công giáo cũng có thói quen tìm xem Hội Thánh định nghĩa thế nào về các từ ngữ, quan niệm thế nào về các vấn đề và dạy thế nào về cách hành xử.
Vậy Hội Thánh nói gì về sự ngay thẳng, chính trực và công lý, hoà bình? Ngay thẳng, chính trực ai cũng hiểu được, nhưng Hội Thánh còn nhấn mạnh điều này: “Các luật bất công đặt ra những vấn đề lương tâm rất bi đát cho những người ngay thẳng về luân lý: khi được kêu gọi cộng tác vào những hành vi xấu về mặt luân lý, họ buộc phải từ chối” (GHXHCG, 399). Một định nghĩa làm rung động tâm hồn chúng ta giữa một xã hội có quá nhiều những hố thẳm và đường quanh co.
Hội Thánh dùng chính Lời Thiên Chúa để nói về chính trực: “Trời cao hỡi, hãy gieo sương xuống, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính. Đất mở ra đi, nẩy mầm ơn cứu độ; đồng thời chính trực sẽ vươn lên. Ta là Đức Chúa đã làm điều ấy” (Is 45,8: GHXHCG, 123). Nếu xã hội từ chối Thiên Chúa, thì mầm cứu độ đến từ ai? Và chính trực làm sao vươn lên nổi?
Thánh Tổ phụ Anphongsô đã có thời làm luật sư. Ngài muốn tìm sự ngay thẳng chính trực cho những con người nhỏ bé trong xã hội thời ấy. Nhưng ngài đã sớm nhận ra rằng thế gian không thể đáp ứng những khát vọng thẳm sâu nhất của con người, nên ngài đã tìm một con đường khác, con đường đi theo Đức Giêsu, Đấng Cứu chuộc rất thánh.
Tháng tám này Hội Thánh cũng muốn chúng ta cầu nguyện cho công lý hoà bình. Trong một bài viết trước đây chúng tôi có đưa ra con số: công lý được nói đến hơn 180 lần và hoà bình được đề cập hơn 280 lần trong bản tóm lược Giáo huấn Xã Hội Công Giáo (công trình của vị Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận). Con số ấy nói lên tầm quan trọng và thao thức của Hội Thánh về công lý và hoà bình.
Phân tích sâu sắc và thúc đẩy mạnh mẽ công lý hoà bình, GHXHCG nói lên điều này: “Đẩy mạnh công lý và hoà bình, đưa ánh sáng và men Tin Mừng thâm nhập mọi lĩnh vực của xã hội con người, đó luôn luôn là mục tiêu Giáo Hội ra sức nhắm tới khi thi hành mệnh lệnh của Chúa”.
Xã hội này thường xem công lý chỉ như một “ký lông”, nên hiểu hoà bình đơn giản như là không có chiến tranh. Nhưng Hội Thánh bảo không phải thế. GHXHCG số 489 viết: “Theo mạc khải Thánh Kinh, hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh; hoà bình nói lên cuộc sống sung mãn (x. Mch 2,5).”
Khi con người chưa được sống trọn phận người, vẫn còn long đong khắc khoải, vẫn còn lầm lũi thê lương, thì hoà bình vẫn còn là niềm mơ ước xa vời.
Thầy Giuse Ngô Đức Thiện DCCT viết trong bài hướng dẫn hành hương của mình dịp tam nhật mừng kính Thánh Anphongsô: “Với một tâm hồn nhạy cảm, luật sư Anphongsô nhận ra gia nghiệp duy nhất của những con người lam lũ kia là tình cảnh khốn khổ triền miên của họ. Bên cạnh đó, vốn là một luật sư thông tuệ, ngài Anphongsô đã nhận thấy những cảnh bất công trong xã hội đương thời. Cảnh người khai thác và bóc lột người, cảnh tham nhũng hối lộ làm lệch công lý, cảnh dối trá vô trách nhiệm của những kẻ cầm quyền. Những cảnh tượng đó như những nhát dao sắc nhọn xé nát tâm hồn ngay thẳng của luật sư trẻ Anphongsô.”
Sau mấy trăm năm, những cảnh tượng ấy đã giảm đi hầu hết trong các nước văn minh. Nhưng trong một vài xã hội trì trệ còn sót lại, những điều ấy cứ gia tăng dưới nhiều hình thức tinh vi một cách lỗi thời.
Nhìn thấy bộ mặt của thế gian, đồng cảm với những con người nghèo khổ, lên đường đem Tin Mừng cứu độ cho những phận đời nhỏ bé là con đường Thánh Tổ phụ Anphongsô đã chọn. Đó là con đường mà các tu sĩ DCCT hôm nay đang đi. Đó là ý cầu nguyện của Hội Thánh trong tháng này. Và điều đặc biệt, đó chính là con đường mang tên Giêsu.
Xin cùng cầu nguyện cho DCCT, cho mọi hoạt động của Dòng, cho những “thành viên DCCT bên ngoài tu viện” những người đang miệt mài trên con đường Giêsu theo linh đạo thánh Anphongsô, là bạn đang đọc, là tôi và nhiều anh chị em khác. Xin Thánh Anphongsô cầu cho chúng con luôn biết nương tựa vào Mẹ Hằng Cứu Giúp, bước đi trên con đường tìm sự ngay thẳng, chính trực, công lý và hoà bình.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét