Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Con đường phải đi




CON ĐƯỜNG PHẢI ĐI

Trong tuần lễ vừa qua, Giáo Hội Việt Nam mất liên tiếp trong cùng một ngày hai vị Giám Mục  Chính Tòa của hai Giáo Phận, Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giáo Phận Bùi Chu, và Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giáo Phận Vĩnh Long. Hai tang lễ đã được tổ chức vào hai ngày kế tiếp nhau, một ở đầu Bắc đất nước và một ở đầu Nam.
Những ai tham dự cả hai tang lễ chắc hẳn đều nhận ra sự khác biệt mang tính vùng miền, cùng mất người cha chung nhưng cách bày tỏ không như giống nhau, không chỉ nơi Giáo Dân, mà cả phía các anh em Linh Mục.
Miền Bắc rất nhiệt thành sôi nổi, mọi người tuôn đến như lễ hội từ nhiều ngày trước, dòng người ken cứng khiến khó có thể di chuyển vào khu vực tang lễ nếu không đi thật sớm, cơn mưa tầm tã nhưng mọi người vẫn sẵn sàng đội mưa tìm đến, đội mưa tham dự, khăn tang trắng rợp trời, trống kèn inh ỏi. Bà con Giáo Dân nhiều người sử dụng máy chụp hình riêng hoặc chụp bằng điện thoại di động. Vì quá đông nên việc lo trật tự có phần vất vả nhiêu khê. Lễ phục của các Linh Mục đồng tế có phần trịnh trọng, những bộ áo lễ dày cộm ( vì cũng bắt đầu vào thu se lạnh ), may bằng thứ vải ngoại đắt tiền, riêng giải khăn tang xé rất to bản ( đồng nghĩa với việc tốn kém ) phát cho mọi Linh Mục Tu Sĩ để mang. Đặc biệt gần như toàn bộ các Linh Mục đều đi giầy Tây.

 Tang Lễ ở Vĩnh Long đơn giản hơn, các Linh Mục đồng tế không mang tang, trừ những vị có quan hệ mật thiết với Đức Cha, phần đông dùng loại áo lễ nhẹ ( vì miền Nam quanh năm nóng ) may bằng vải nội hóa bình dân, khá nhiều vị mang dép da có quai. Tuy trời không mưa nhưng số người đến chỉ tham dự vừa đủ sân Nhà Thờ Chính Tòa, đoàn lo việc chôn cất ít người hơn, nhưng ban trật tự thì đông hơn, Nhà Thờ Chính Tòa to hơn nên việc xoay sở tổ chức cũng dễ dàng hơn, không khí mát hơn, lúc này miền Nam đang mùa mưa, nên cảm giác bầu khí dễ chịu. Chỉ một đội kèn duy nhất nên không bị ồn ào và Giáo Dân ít chụp hình bằng máy chụp riêng hoặc điện thoại di động.
Sự kiện hai vị Mục Tử ra đi đột ngột làm bàng hoàng mọi người bàng hoàng, Hội Thánh mất mát và những trống vắng mà các Đức Cha để lại khá to lớn, tâm tình của mọi người, nhất là qua các lời chia sẻ và giảng trong các tang lễ cho thấy điều đó. Khi vĩnh biệt ra đi, dư luận nhân ái hơn với người quá cố, người ta nhìn nhiều hơn và rõ hơn vào các nhân đức của kẻ ra đi để lại, người ta nhìn các sự kiện bằng con mắt tích cực và yêu thương thay vị khắt khe và thiên về kết án.
Hành trình làm người và làm Mục Tử của hai Đức Cha được soi và chiếu rõ hơn về nhưng nét hy sinh đại độ, những nét đau khổ và thánh thiện, những nét gian nan và đắng cay. Những lúc đó người ta công bằng hơn với kẻ nằm xuống, nhân từ hơn với các khiếm khuyết và bác ái hơn với những sai lầm.
Những phương thế để ôn lại cuộc đời hai Đức Cha đã cho chúng ta thấy rõ hơn con đường các ngài đã đi là những nẻo đường đầy gian khổ, trong vai trò Mục Tử, những băn khoăn trăn trở cho đoàn chiên đã giày xéo con tim và cuộc đời các ngài, những tiếng thở dài lo toan đàng sau những lễ nghi lộng lẫy huy hoàng và những lời “kính thưa, kính gởi” phiêu diêu, người Mục Tử vẫn cứ phải đi trên con đường nhiều gập ghềnh gian nan đắng đót.
Trong một lần mới đây, tôi có dịp gặp Đức Cha Micae của vùng Tây Nguyên trong một nhóm rất nhỏ quy tụ mừng ngài nhân dịp kỷ niệm 10 năm Giám Mục. Anh em bảo: đánh lừa ông cụ chứ cụ mà biết thì cụ không tới. Năm nay Đức Cha đã vào tuổi về hưu ( 75 ) nhưng vẫn di chuyển nhanh nhẹn, vẫn lo cho con cái dân tộc như đang là những ngày sung sức, vẫn là những câu chuyện đầy ưu tư cho Giáo Phận, cho mục vụ, cho sự thăng tiến con người và vẫn là những bữa cơm chiều sớm trong những chuyến lữ hành thăm viếng ( Đức Cha thường đi liên tục, thay đổi hành trình liên tục, bỏ cơm trưa, chỉ vào quán ăn nếu tìm được khi sực nhớ là đã quá 2g00 chiều ). Ngài đã chọn con đường chông gai, "nhiều gập ghềnh gian nan đắng đót" như vừa nói ở trên đối với với các Mục Tử.
Tôi đi qua huyệt mộ của hai Đức Cha trong tang lễ, đáy mộ hun hút sâu vì nhỏ hẹp, người ta bỏ các ngài xuống đơn giản chỉ với chiếc quan tài, không cái gì được mang theo vào lòng huyệt, bỏ lại sau lưng tất cả, nụ cười hạnh phúc hay nước mắt đắng cay. “Hãy vào cửa hẹp”, bài Tin Mừng hôm nay lên tiếng ( Lc 13, 22 – 30 ).
Tuần tới, có hai người đàn ông, sau nhiều lần chọn và lần này cũng vẫn chọn cửa hẹp để đi, hai vị Giám Mục mới của Hội Thánh ( Đức Cha Phụ Tá Giáo Phận Vinh và Đức Cha Phụ Tá Giáo Phận Hưng Hóa ) sẽ chính thức lên đường với hành trình cửa hẹp, hãy cầu nguyện cho các ngài.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 24.8.2013
Theo EPHATA số 576

0 nhận xét:

Đăng nhận xét