Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Thiền với kinh Mân Côi


THIỀN VỚI KINH MÂN CÔI

Cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi từ lâu đã được Giáo Hội noi gương các Thánh hết lời khuyên nhủ thực hành. Nhưng trong thực tế khó thể phủ nhận kinh này đã không còn được coi trọng “ Ngày nay kinh Mai Khôi đã trở thành một chuỗi kinh đơn điệu nhàm chán và máy móc mà chỉ các ông già bà già cùng những người đạo đức còn đọc để “ ăn mày ăn xá”. Còn giới trẻ đặc biệt là phía đàn ông con trai chẳng cảm thấy vui gì khi “ lần hột” ( Lm Thiện Cẩm - Bông hồng cài áo Mẹ” – Tb CG&Dt số 977 ngày 25/9/1994). Giới trẻ đặc biệt là đàn ông con trai ở đây ám chỉ hạng người trí thức. Còn ông già bà già cho giới bình dân thất học. Giới trí thức đã chẳng còn …thấy vui gì khi lần hột, điều ấy có phải chăng là đã nói lên giá trị thực của Kinh Mân Côi ? Hoàn toàn không phải vậy, bởi lẽ nếu hiểu như thế thì chẳng lẽ các Thánh lại không phải là những trí thức hay sao ?Thử hỏi có ai…trí thức cho bằng các Thánh Đa Minh, Thánh Louis Maria Mong Pho, Thánh Anphongso, Thánh Pio Năm Dấu v.v…Riêng với Thánh Anphongso ngài còn quả quyết = phần rỗi đời đời của tôi là ở trong chuỗi Mân Côi.

Có lẽ cũng cần phân biệt hai loại trí thức, một là trí thức do học hỏi qua thầy dạy hoặc sách vở mà có. Thứ trí thức này Thánh Phaolo cho đó là sự khôn ngoan loài người. Ngoài ra còn một loại trí thức khác không do học hỏi nơi người khác nhưng do tự mình tu tập, sống đạo mà có và đây chính là sự khôn ngoan Thiên Chúa. Giữa khôn ngoan loài người và khôn ngoan Thiên Chúa có sự khác biệt triệt để thế này “ Chớ có ai tự lừa dối mình = Nếu có ai trong anh em tưởng mình khôn ngoan trong đời này thì khá trở nên ngu dại để được trở nên khôn ngoan. Vì sự khôn ngoan của thế gian này đối với ĐCT là sự ngu dại. Như có chép rằng = Ngài khiến kẻ khôn ngoan mắc quỷ kế của họ” ( 1C 3, 18 -19 ).

Khôn ngoan thế gian đối với khôn ngoan Thiên Chúa chỉ là sự ngu dại. Thế nhưng con người lại chỉ ham chuộng khôn ngoan thế gian để rồi bài bác khinh chê khôn ngoan Thiên Chúa. Sở dĩ có điều trái ngược như vậy là bởi họ đã mắc phải quỷ kế. Quỷ kế này đã được thực hiện bởi Satan ngay từ thuở khai thiên lập địa nơi Vườn Địa Đàng “ Rắn nói cùng người nữ rằng = ĐCT há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao ? Người nữ đáp rằng = Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn. Song về phần trái của cây mọc giữa vườn ĐCT có phán = Hai người chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá động đến, e khi hai người phải chết chăng. Rắn bèn nói với người nữ rằng hai người chẳng chết đâu nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái cây đó mắt mình mở ra sẽ như ĐCT biết điều thiện và điều ác” ( St 3, 1 -5).

Rút cục thì nguyên tổ đã chống lại mệnh lệnh Thiên Chúa cứ ăn trái cây phân biệt để rồi bị đuổi ra khỏi Địa Đàng. Câu chuyện đầy tính minh triết của Kinh Thánh này có ý ám chỉ về hai loại tâm. Một là Tâm Vô Phân Biệt và hai là Tâm Phân Biệt “ Giehova ĐCT lập một cảnh vườn tại Eden ở về hướng đông và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó. Giehova ĐCT khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt và trái ăn thì ngon. Giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện điều ác” ( St 2, 8 -9). Cây sự sống chỉ cho Tâm Vô Phân Biệt tức khôn ngoan Thiên Chúa.Còn cây phân biệt chỉ cho Tâm Phân Biệt tức khôn ngoan loài người.

`Tâm Vô Phân Biệt là chân tâm tức cái tâm bất sanh bất diệt không bao giờ thay đổi. Còn Tâm Phân Biệt là tâm sanh diệt luôn thay đổi. Nói có hai loại tâm nhưng nó lại không ở ngoài nhau. Điều này có thể ví như nước và sóng. Nước thì lặng trong không có tướng mạo hình thù gì cả. Còn sóng thì có sóng lăn tăn sóng bạc đầu, sóng thần v.v..Khi không có gió thì biển lặng sóng êm nhưng khi có gió bão thì sóng nổi ầm ầm. Có gió thì có sóng, không có gió thì sóng lại trở về nước, bởi đó cho nên nói nước và sóng không hai là vậy. Qua ví dụ này cho thấy mặc dầu có sự khác biệt giữa chân tâm và vọng tâm nhưng lại không ở ngoài nhau. Chân Tâm là THỂ còn vọng tâm là DỤNG của THỂ. Từ THỂ mà đã phát sinh ra DỤNG để rồi lại trở về THỂ, đây là vấn đề vô cùng lớn lao của Thiền Tông nói riêng và của tôn giáo nói chung. Thiền tông chủ trương trở về với bản thể bằng cách hoàn toàn tịnh tâm. Thiền là cách phát âm của chữ Trung Hoa ( Chan Na = Thiền Na ) dịch sang từ Hán Việt là Tịnh Lự có nghĩa là dứt bặt tư lự, không nghĩ thiện cũng không nghĩ ác.

Huệ Năng sau khi được đức ngũ tổ Hoàng Nhẫn trao y bát bèn đi về phương nam. Khi ấy có tăng tên là Huệ Minh đuổi theo định dành lại y bát nhưng khi nắm lấy “ Áo Pháp” thì không sao giở lên được bèn sợ hãi nói với Huệ Năng ( Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa ) “ Hành giả, tôi đến đây không phải vì Y. Huệ Năng bước ra ngồi trên bàn thạch. Tu sĩ Huệ Minh đảnh lễ và bạch = Xin hành giả thuyết pháp cho tôi nghe. Huệ Năng nói = ngươi đã vì pháp đến đây thì phải dẹp hết các duyên, chớ sanh một niệm nào cả thì ta sẽ thuyết cho ngươi nghe. Tu sĩ Huệ Minh tĩnh tâm giây lâu, Huệ Năng nói tiếp = Đừng nghĩ thiện đừng nghĩ ác chính trong lúc đó mới rõ “ Diện Mục Bản Lai của Minh thượng tọa” ( Pháp Bửu Đàn Kinh – Phẩm Tự Tự ).

Một khi đã bặt được hết các duyên, không nghĩ thiện, không nghĩ ác ( bất tư thiện bất tư ác ) thì sẽ nhận ra được Bổn Lai Diện Mục tức bộ mặt thật xưa nay của mình. Sự nhận ra ấy nhà Thiền gọi là Kiến Tánh. Tuy nhiên để…Kiến được Tánh là điều vô cùng khó. Kinh Niết Bàn nói “ Tất cả chúng sanh trong bảy thú và các vị Thanh Văn Duyên Giác đều chẳng thấy được Phật Tánh của mình. Các vị Thập Trụ Bồ Tát mới thấy được nhưng thấy không rõ. Duy chỉ có chư Phật và các vị Đại Bồ Tát mới thấy được rõ ràng” Bởi lẽ có sự khó khăn đó nên ngoài Thiền tông là pháp môn tự lực còn có Tịnh Độ tông dựa vào tha lực để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Đạo Phật là đạo giải thoát sanh tử và để đi đến sự giải thoát rốt ráo ấy thì chỉ có hai con đường đó là Thiền tông và Tịnh Độ tông. Tuy nhiên trong thời …mạt mạt pháp này thì việc tu Thiền cần phải gắn với tu Tịnh gọi là Thiền Tịnh song tu. Tổ Vĩnh Minh là tổ thứ sáu của tông Tịnh Độ nói “ Có Thiền lại có Tịnh cũng như cọp mọc thêm sừng. Hiện đời làm thầy dạy của người, đời sau làm Phật, làm tổ. Trái lại có Thiền mà không Tịnh, mười người hết chín người chần chờ. Đến lúc ấm cảnh hiện tiền chớp mắt theo nó mà đi” ( HT Thích Trí Tịnh – Thiền Tịnh Quyết Nghi ).

Thiền tông hoàn toàn không dựa vào tha lực nên rất khó. Trái lại Tịnh Độ tông biết dựa vào tha lực nên rất dễ ai có tu là có đạt. Sở dĩ Tịnh Độ tông dễ thực hành lại mau kết quả là do nương theo Đại Nguyện của Phật Adiđà “ Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn chạy thì mẹ dẫu nhớ còn làm gì được. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, mẹ con đời đời chẳng rời xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật đời này đời sau quyết định thấy Phật cách Phật chẳng xa. Chẳng nhờ đến phép phương tiện nào khác mà cũng tỏ ngộ được tâm của mình như người ướp hương thân có mùi hương” ( Kinh Vô Lượng Thọ - Quyển hạ )/

Nếu có thể gạt bỏ sự khác biệt về ngôn từ sẽ thấy chân lý tối thượng vốn dĩ là một, không thể có hơn một chân lý mà là chân bao giờ. Nói mười phương chư Phật thương nhớ chúng sanh có nghĩa là nói đến Đại Nguyện Cứu Độ. Sự thương nhớ ấy trong Đạo Chúa được diễn tả có khi là sự nhớ thương của người chồng kêu gọi người vợ phản bội trở về “ Hỡi con cái bội nghịch hãy trở về vì Ta là chồng ngươi” ( Gr 3, 14 ). Có khi là người cha ngóng đợi đứa con hoang đàng trở về “ Khi còn ở đàng xa cha thấy nó thì động lòng thương xót chạy ra ôm lấy cổ nó mà hôn riết” ( Lc 15, 20 ).

Thiên Chúa là Cha, Ngài không khi nào không thương xót nhớ đến chúng ta. Nhưng nếu chúng ta không thương nhớ đến Ngài thì chẳng bao giờ có thể gặp được nhau. Toàn bộ việc cầu nguyện phải chăng chỉ có một mục đích là để cho con người được nhớ đến Đấng là Cha ? 

I/- Kinh Mân Côi = phương pháp để nhớ Chúa.

Về nguyên nhân cơn khủng hoảng hiện nay, đức cố hồng y FX Nguyễn Văn Thuận đã đặt câu hỏi và tự trả lời như sau = Tại sao Hội Thánh khủng hoảng ? Vì đã hạ giá việc cầu nguyện” ( ĐHV 134 ). Hạ giá có nghĩa người ta đã không còn coi việc cầu nguyện như là một nhu cầu khẩn thiết nữa. Đang khi đó Đức Kito là tấm gương của sự cầu nguyện và Ngài hằng khuyên nhủ “ Các con hãy tỉnh thức cầu nguyện luôn, tâm linh thì sẵn sàng còn xác thịt lại yếu đuối” ( Mc 14, 38 ) Thánh Đa Minh được Đức Mẹ đích thân trao truyền Kinh Mân Côi và từ đó đến nay trải qua gần mười thế kỷ Giáo Hội đã cổ xúy việc thực hành bằng cách siêng năng tụng đọc kinh này hầu lãnh nhận vô vàn công phúc. Bằng chứng cụ thể nhất là chiến thắng vịnh Lepant ngày 7.10.1571. Tiếp đó vào những năm 1858 tại Lộ Đức và 1917 tại Phatima Đức Mẹ cũng đã hiện ra nhiều lần để thông qua các em nhỏ truyền bá một phương pháp cầu nguyện vừa dễ lại vừa hết sức công hiệu. Dẫu vậy có người lại nêu một quan điểm hoàn toàn khác “ Thánh Đa Minh đã dùng cái nền tảng của lòng sùng kính này để xây dựng nên truyền thống SUY NIỆM NHỮNG MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ bằng cách giảng dạy cho các tín hữu nghe biết về những biến cố của cuộc đời Chúa Giesu” ( Lm TC Tb Cg&Dt số 977 ngày 25.9.1994).

Suy niệm mầu nhiệm Cứu Độ thì khác hẳn với lãnh nhận ơn Cứu Độ. Suy niệm mầu nhiệm theo như tác giả bài viết nói là để nghe biết về những biến cố cuộc đời Chúa Giesu. Cái việc nghe biết này cùng lắm cũng chỉ là để có những kiến thức về cuộc đời của Chúa, Ngài nói gì làm gì sống và chết ra sao v.v… chẳng những chẳng ích lợi gì mà còn khiến cho người thủ đắc nó ngày càng xa rời con đường của Chúa là đường dẫn đến Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6). Đức Kito là con đường duy nhất đến với Chúa Cha cũng là thực tại bất sinh bất diệt hằng cửu ở nơi mỗi người. Suy niệm chẳng qua chỉ là hành vi của lý trí phân biệt nó khiến con người càng ngày càng xa rời thực tại là chân tâm vô phân biệt.

Phân tích chữ “ Suy Niệm” ta thấy nó gồm bởi chữ “ Suy” và chữ “ Niệm”. Suy tức là suy tưởng nghĩ ngợi phân biệt. Còn Niệm là sự nhớ nghĩ. Vậy suy niệm ở đây chỉ là sự nhớ nghĩ phân biệt. Đới với Thiền thì cái sự nhớ tức là Niệm ấy có phân ra hai thứ, một là niệm chúng sanh và hai là niệm Chân Như Phật Tánh. Niệm chúng sanh là sự nhớ nghĩ về những gì diễn ra trong phạm vi thế giới hiện tượng. Còn niệm Chân Như Phật Tánh là tưởng nhớ bản thể giới tức cõi bất diệt đời đời. Bao lâu còn nhớ nghĩ với tâm phân biệt là còn sống trong vòng trói buộc của vô minh. Để thoát ra khỏi vô minh thì phải dừng cái tâm phân biệt đó lại. Tổ sư Lâm Tế nói “ Chỗ ông dừng một niệm là cây Bồ Đề. Ông một niệm không thể dừng được là cây vô minh”. Trong thực tế đời sống chúng ta không ai lại không có ít nhiều kinh nghiệm về cái sự “ một niệm không thể dừng” này. Nửa đêm chợt tỉnh giấc, không thể ngủ lại đầu óc cứ lan man nhớ nghĩ hết chuyện này việc khác muốn thôi không nhớ nghĩ nữa nhưng không thể được. Đang ăn mà tâm trí cứ bận nhớ nghĩ việc làm ăn lời lỗ này nọ mà không biết mình đang ăn gì. Đang đứng nghiêm trang trong nhà thờ nghe cha chủ tế đọc Phúc Âm nhưng tâm trí lại cứ dong duổi tận đâu đâu chẳng còn biết nội dung bài sách Thánh nói gì v.v…

Con người cho rằng mình sống bằng thân xác, có thân xác mới có thể đi lại nói năng ăn uống làm việc này việc nọ. Thế nhưng thực ra thân xác chỉ là cái dụng cụ của tư tưởng và đúng như giáo sư William James nói “ Chính cái tư tưởng là người tư tưởng” Thực vậy có tư tưởng đi mới đi. Có tư tưởng nói mới nói. Có tư tưởng ăn mới ăn…Tư tưởng cũng tức là Tâm, từ ở nơi tâm là cái vô hình mà đã phát ra hành động là cái hữu hình. Tư tưởng thiện thì phát ra hành động thiện, tư tưởng ác thì phát ra hành động ác. Đức Kito nói “ Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người thiện do chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do chứa ác mà phát ra điều ác” ( Mt 12, 34 ).

Tất cả muôn sự muôn vật đều từ nơi tư tưởng mà phát xuất. Thế nhưng do bởi vô minh che lấp nên con người không thể nhận ra điều ấy để rồi cứ mặc tình chứa chất ở nơi mình những tư tưởng gian ác = tham lam ganh ghét oán thù đố kỵ v.v..để rồi lãnh nhận mọi hậu quả xấu mà không biết. Một khi đã nhận ra tất cả đều do tư tưởng thì vấn đề đặt ra không phải là dứt bỏ tư tưởng nhưng là làm sao để chuyển hóa nó. Kinh Mân Côi chính là phương thế vô cùng hữu hiệu cho việc chuyển hóa ấy nhờ nơi cấu trúc đặc biệt của nó. Như ai nấy đều biết Kinh Mân Côi truyền thống gồm bởi ba mùa Vui Thương Mừng. Mỗi mùa có năm thứ, mỗi thứ lại có mười Kinh Kính Mừng. Lý do cần có ba mùa như thế là bởi mỗi mùa lại có những thứ Ngắm khác nhau. Ngắm Mùa Vui khác với Mùa Thương, Mùa Mừng và ngược lại. Ngắm trong Phép Lần hạt Mân Côi tương tự như tính chất Quán của Thiền. Quán không phải là cái nhìn của mắt thấy tai nghe v.v..nhưng đó là …cái nhìn của Tâm. Cái nhìn này chỉ lặng lẽ quán sát một cách khách quan những động thái sinh khởi của tư tưởng chứ không có ý can thiệp vào.

Tư tưởng luôn biến hóa sinh diệt, tư tưởng này vừa diệt thì tư tưởng khác lại sinh ( Niệm niệm tương tục ). Đối với những ai không tu tập thì không có cách chi nhận ra được sự sinh khởi của tư tưởng. Để nhận ra sự sinh khởi ấy, Thiền tông tu tập bằng cách Tham Công Án ( Kung an ) hoặc Khán Thoại Đầu. Tịnh Độ tông có Phép Trì Danh lấy câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật làm phép tu. Đạo Công Giáo có Kinh Mân Côi được các Thánh và các đức giáo hoàng hết lòng sùng mộ. Đức Léon XIII được thế giới tặng cho danh hiệu Giáo Hoàng Mân Côi nói “ Kinh Mân Côi là cách sùng kính được ban bởi trời. Không còn phương pháp nào tốt lành và giá trị bằng”

Kinh Mân Côi quả thật có giá trị vô song được hết thảy các Thánh công nhận. Thế nhưng trong thực tế thì như đã biết ngày nay kinh này chẳng còn mấy ai thực hành “ Một giáo sĩ có trách nhiệm ở địa phương tuyên bố = Lộ Đức một thời là thủ đô Kinh Mân Côi mà sau Công Đồng ( Vatican 2 ) kinh này không còn hợp với não trạng người tín hữu nữa” ( Michel Servant – Ngày của Chúa ). Sở dĩ không còn hợp với não trạng của tín hữu bởi vì thời này là thời của duy lý thực dụng. Người ta chẳng thấy có ích lợi chi với việc cầu nguyện hơn nữa lại còn cứ lặp đi lặp lại mãi có một Kinh Kính Mừng như thế để làm gì !!! Mặt khác Kinh Mân Côi còn bị người ta viện dẫn lời Chúa để chê trách “ Khi các ngươi cầu nguyện đừng lập đi lập lại cách vô ích như dân ngoại. Vì họ tưởng rằng nói nhiều thì được dủ nghe” ( Mc 6, 7 ).

Ví lần chuỗi với việc nhiều lời của dân ngoại là hoàn toàn không đúng. Lý do bởi vì cái đối tượng khẩn cầu của dân ngoại ấy thuần túy chỉ là gỗ đá vô tri. Dù có xin xỏ nhiều đến đâu cũng vô ích. Trái lại cầu nguyện trong Đạo Chúa là cầu với Đấng ở nơi mình “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện với Cha ngươi là đấng ở nơi ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6,6 ). Phòng kín ám chỉ cho nội tâm con người, vào phòng kín đóng cửa lại có nghĩa khi cầu nguyện ta cần phải xoay cái tâm trở vào bên trong. Tuy nhiên việc xoay vào bên trong là rất khó bởi lẽ tâm trí con người do bởi ảnh hưởng của tội nguyên tổ là tội phân biệt thế nên nó luôn luôn hướng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật để tìm cầu. Xoay cái tâm trở vào bên trong là rất khó nhưng đây lại là điều không thể không làm. Lý do bởi vì chỉ có …xoay vào như thế mới cho ta được nhớ đến Chúa.

Kinh Mân Côi là phương thế tuyệt diệu có thể cho ta nhớ Chúa chính là nhờ ở nơi cấu trúc đặc biệt của nó không giống với bất cứ kinh nguyện nào khác. Việc nhớ Chúa ở đây đơn giản chỉ có nghĩa khi lần hạt cần phải nhớ ta đang ở trong mùa nào, thứ nào và hạt thứ mấy. Mỗi hạt là một Kinh Kính Mừng, nhớ hạt tức là ghi nhớ Lời Chúa ở trong tâm tưởng mình. Sự ghi nhớ Lời Chúa ( Chánh Niệm ) như thế nếu được thực hành một cách kiên trì bền bỉ thì tâm ta ngày càng được định tĩnh nối kết ta với Chúa. Chân phước Bartolo Longo nói “ Chuỗi MC là là giây xích cột buộc chúng ta vào với Thiên Chúa” ( Nguồn Thánh Mẫu Học – Linh Tiến Khải – Sức Mạnh cứu rỗi của Kinh Mân Côi – 01.8.2013 ).

II/- Nhớ Chúa để thoát khổ

Trong tất cả những lần hiện ra Đức Mẹ luôn khuyên nhủ con cái hãy siêng năng lần hạt để cứu mình và cứu thế giới. Lời khuyên ấy đã được rất nhiều người bất kể nam nữ trẻ già thực hiện và gặt hái ơn phúc vô kể. “ Cha Thánh Pio Năm Dấu là một tấm gương ngoại thường về việc lần hạt. Tính trung bình mỗi ngày cha Pio lần hơn một trăm chuỗi Mân Côi. Thật là điều không thể tin được nếu chính cha không vén mở cho chúng ta điều đó và nếu hàng trăm tín hữu đã không tận mắt chứng kiến. Họ trông thấy vị linh mục Capucino này liên lỉ lần hạt không biết mỏi mệt ngày đêm, hết năm này sang năm khác với tràng chuỗi trong đôi tay mang vết thương rướm máu. Thật vậy có thể nói rằng cha Pio lần hạt suốt ngày. Có lần cha nói rằng cha muốn ngày kéo dài ra 40 giờ đồng hồ để cha có thể lần hạt nhiều gấp đôi”.

Trong một thế giới mà ngay cả những người tự nhận là Công Giáo mà còn khinh thường, thậm chí bài bác Kinh Mân Côi như thế thì trường hợp của cha Thánh Pio quả đúng là…ngoại thường. Tuy nhiên ngoại thường không có nghĩa là bất bình thường. Trái lại đây chỉ là một trong số những con người đã có lòng xác tín vào lời khuyên của Đức Mẹ. Chị Lucia đã được Đức Mẹ hiện ra ở Phatima năm 1917 nói “ Kể từ khi Đức Trinh Nữ Rất Thánh đã ban sự hữu hiệu cho tràng chuỗi Mân Côi, thật không có vấn đề vật chất hay tinh thần, quốc gia hay quốc tế nào không thể giải quyết với Kinh Mân Côi và với các hy sinh của chúng ta. Chị còn nói = Sự suy đồi của thế giới chắc chắn là hậu quả của sự sa sút tinh thần cầu nguyện. Chính để cho thấy trước sự lạc hướng này mà Đức Mẹ đã tha thiết xin chúng ta lần hạt Mân Côi…Kinh Mân Côi là khí giới mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể dùng để bảo vệ mình trong cuộc chiến…” ( Nguồn Linh Tiến Khải – Thánh Mẫu Học số 367 ).

Không có vấn đề vật chất hay tinh thần, quốc gia hay quốc tế nào không thể giải quyết nếu người ta chịu siêng năng lần chuỗi. Điều ấy có nghĩa Kinh Mân Côi có thể giải quyết được tất cả những nỗi khổ đau của con người bất kể ở không gian thời gian nào. Mặc dầu vậy để có thể đạt được kết quả ấy thì nhất thiết cần phải có phương pháp và phương pháp đó chính là phép nghe để thoát khổ. Về phép nghe này Đức Kito nói “ Vậy hãy coi chừng về cách các ngươi nghe. Vì hễ ai có sẽ cho thêm. Còn hễ ai không có dẫu điều họ tưởng mình đã có cũng sẽ bị cất đi luôn” ( Lc 8, 18 ).

Chúa nói hãy coi chừng về cách các ngươi nghe thì cách nghe ở đây chính là nghe lời Chúa. Kinh là lời Chúa, đọc kinh là một phương thế cầu nguyện để giúp ta được nhớ đến Chúa. Tuy nhiên trong thực tế thì việc đọc kinh ngày nay đã trở thành một thứ hình thức máy móc không có thực chất. Miệng đọc nhưng tâm trí thì lại cứ để mãi ở tận đâu đâu. Thánh Thomas tiến sĩ nói “ Kẻ để trí khôn suy tưởng những sự dông dài thì nó nhạo báng ĐCT. Vì cũng như khi nói chuyện với người thế gian mà chẳng để trí khôn vào những lời mình nói tức là nhạo báng người ấy vậy” ( Thánh Anphongso – Kẻ Nữ Tu Thánh Thiện )Đọc kinh thì phải nhớ Chúa là Đấng hằng hữu ở nơi mình. Đọc kinh mà chẳng hề nhớ chi đến Chúa nhà Thiền gọi đó là bị kinh chuyển “Có vị tăng tên là Pháp Đạt xuất gia hồi mới bảy tuổi, thường tụng kinh Pháp Hoa đến bái lạy tổ Huệ Năng nhưng đầu không cúi sát đất bị tổ quở trach = Lạy mà không chịu cúi đầu sát đất thì thà đừng lạy, đó là chứng tỏ tâm ngươi có ẩn một vật đã từ lâu chất chứa tập quán chi chăng ? Pháp Đạt bạch = con có tụng kinh Pháp Hoa được ba ngàn bộ. Sau khi nghe tổ giảng giải về ý nghĩa cũng như mục đích của việc tụng kinh. Pháp Đạt biết lỗi bèn thưa = Như vậy chỉ cần đạt nghĩa lý chớ không cần nhọc sức đọc kinh chăng ?Tổ nói = kinh có lỗi chi mà ngăn cấm ngươi tụng, nhưng tụng kinh cần phải biết = mê với ngộ đều do người, tổn với ích đều tại mình, miệng tụng thì tâm làm tức là chuyển kinh. Còn miệng tụng mà tâm không làm tức là bị kinh chuyển” ( Pháp Bửu Đàn Kinh – Phẩm Cơ Duyên ).

Đọc kinh mà nếu chỉ có ngoài miệng đọc theo người ta còn tâm trí thì cứ mặc tình chia lòng chia trí việc này chuyện kia thì đó là bị kinh chuyển. Để cho việc đọc kinh cũng là cầu nguyện với Chúa thì phải làm sao chuyển được kinh tức Thân Khẩu Ý phải tương ưng với nhau. Thân thì ngồi ( quỳ ) nghiêm trang ngay ngắn, miệng thì đọc rành rõ tiếng nào ra tiếng ấy còn ý thì không khởi phân biệt này nọ luôn bám chắc vào lời kinh. Kinh nghiệm cho biết đọc kinh không ai là không chia lòng chia trí. Thế nhưng điều ấy chẳng những không trở ngại cho việc cầu nguyện. Trái lại nếu ta tỉnh thức biết ngay đó là chia trí ( vọng tưởng ) để quay về với kinh cũng tức là lời Chúa thì càng khiến cho lực quán sát của ta ngày càng sắc bén. Vọng tưởng tham sân khởi lên khi nào là biết khi ấy, biết được vọng thì vọng liền tiêu. Lực quán sát này sở dĩ có được là nhờ bởi Lời Chúa “ Vì lời Chúa là lời sống động, sắc bén hơn mọi gươm hai lưỡi, xuyên thấu chỗ phân cách tâm và linh, cốt với tủy. Lời đó phê phán tâm tình cũng như ý tưởng của con người” ( Dt 4, 12 ).

Lời Chúa là sức mạnh và sức mạnh ấy đanh tan vọng tưởng nhờ lực quán sát. Phàm phu chúng ta không ai là không sống trong vọng tưởng phân biệt và vì thế mà khó thể cưỡng chống lại sự chi phối của ngoại cảnh ( ma quỷ thế gian xác thịt ) Bị ngoại cảnh chi phối tất sẽ không sao tránh khỏi khổ đau bởi lẽ không có chỗ để mà nương tựa. Cái nỗi khốn khổ nhất của con người không phải là đói cơm rách áo, bệnh hoạn ốm đau hay rộng lớn hơn như chiến tranh thiên tai dịch bệnh ô nhiễm môi trường nhưng là bởi không có chỗ để tựa nương. Đức Mẹ truyền trao kinh Mân Côi và hết lòng khuyên bảo con cái phải siêng năng tụng đọc chính là để cho ta nương tựa vào Lời Chúa để thoát khỏi mọi tai nạn khổ ách. Việc thực hành Kinh Mân Côi tuy dễ mà khó, khó mà dễ. Dễ là bởi bất cứ ai cũng thực hành được, ngay cả những người ốm đau liệt giường liệt chiếu. Còn khó là bởi không tin mà đã không tin thì chẳng có việc chi có thể thành tựu. Chuyện kể tướng Na Aman của Syria bị bịnh cùi, thoạt đầu không nghe lời tiên tri Elise xuống tắm sông để được khỏi. Các cận thần súm lại cùng nhau nói = Cha ơi nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó đến mấy há chẳng làm để được khỏi sao ? Phương chi rày người bảo cha rằng hãy tắm thì được sạch lại không làm. Người bèn xuống sông Gioc Đan và tắm mình bảy lần theo như lời truyền của người nhà Đức Chúa Trời. Người liền được sạch và thịt người trở nên như trước giống như của một đứa trẻ” ( 2V 5, 1 -14).

Cốt lõi của Kinh Mân Côi là Kinh Kính Mừng, các Thánh không ai lại không mộ mến kinh này vì đã nhận ra ơn ích vô cùng của nó. Thánh Bonaventura quả quyết “ Nếu ta chào Mẹ bằng Kinh Kính Mừng thì Mẹ Maria sẽ chào lại bằng vô vàn ơn phúc”.

Phùng Văn Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét