Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Suy niệm CHÚA NHẬT THỨ HAI MƯƠI THƯỜNG NIÊN: 'Chiến Ðấu Vi Ðức Tin'


CHÚA NHẬT THỨ HAI MƯƠI THƯỜNG NIÊN

GIÊ-RÊ-MI-A 38,4-6.8-10 ; DO-THÁI 12, 1-4 ; LU-CA 12,49-53

Chiến Ðấu Vi Ðức Tin



Khi một ai đón nhận Thiên Chúa trong đời sống mình, rồi việc làm cũng như lời nói hằng lấy danh Chúa Trời mà hành động, tất thường họ luôn bị sự chống đối của những kẻ thù chung quanh mình. Thực thế Lời Chúa cùng hành động nhân danh Thiên Chúa và Chúa Ki-tô làm nghịch lý cùng làm phiền tóai thế gian. Vì Lời Chúa làm cho bộ mặt ngụy tạo của người ta bị lột trần. Lời Chúa xua trừ những sự dối trá, hạ bệ những kẻ kiêu căng ngạo mạn. Cũng thế, Lời Chúa mang lại sự bênh vực, nâng đỡ cho người yếu thế, kẻ thấp hèn, người cô thế và cô thân. Lời Chúa cũng chỉ vào mặt những người giàu có, những kẻ quyền lực, thường áp bức những người góa phụ, kẻ neo đơn cùng người nghèo khổ, người dân đen không tiếng nói.

Vì thế chúng ta không lạ gì, không ngạc nhên gì khi những người bạn của Thiên Chúa, và các môn đệ chân chính của Chúa Ki-tô, thường bị người đời ngược đãi cùng chẳng mấy ai tiếp nhận. Ðọc Thánh Kinh chúng ta biết được vô số vị Ngôn Sứ trong thời Cựu Ước đã bị dân Do Thái xua trừ, ám hại. Rất nhiều vị trong các vị Ngôn Sứ đây đã bị dân chúng diết chết. Như bài đọc nhất tường thuật lại cho chúng ta những sự việc xảy ra cho Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a, trong khi vua Na-bu-cô-đô-nô-sô đang sẵn sáng xua quân đội chiếm lấy Giê-ru-sa-lem, thi Ngôn Sứ nhân danh Thiên Chúa loan báo sự thất thủ của thành Thánh này, và khuyến cáo dân chúng nên chạy trốn khỏi thành để cứu lấy mạng mình (Giêrêmia 3ê,2). Tuy nhiên vua Xít-ki-gia-hu không chịu nghe lời khuyến cáo của Ngôn Sứ Giê-ri-mi-a thí chớ, còn ngang ngược bảo thánh nhân là làm nản lòng binh sĩ. Rồi ông giao Ngôn Sứ cho đám thủ lãnh, và dẫn thánh nhân đi rồi thả xuống một cái hầm nước.

Qủa chúng ta thấy những điều xảy ra cho các Ngôn Sứ, thi cũng xảy ra cho Chúa Giê-su như thế. Lý do, là những lời Chúa Giê-su tuyên bố nhân danh Chúa Cha, từ đó Chúa Giê-su lột mặt trần cùng chống lại những kinh sư, những luật sĩ Do Thái vào thời Ngài, đã tùy tiện giải thích Luaật Chúa một cách vô nhân. Lỳ do nữa, Chúa Giê-su có các cử chỉ âu yếm cùng thương xót các tội nhân và các người bị xã hội Do Thái khai trừ, loại bỏ : như những người phong hủi và điên khùng. Nhất là, Chúa Giê-su chống lại những người giàu có hà tiện, có con tim vô cảm với tha nhân. Chúa làm cho họ chướng mắt, khi Ngài tỏ ra yêu thương hết những người cùng khốn, bị xã hội Do Thái kết án như phường thu thuế, hàng đĩ điếm, kẻ ngoại tình tội lỗi vv.. Một mình Chúa Giê-su kiên cường chống lại hủ tục của những người Pha-ri-siêu cùng những Luật Sĩ vụ hình thức, mà họ xem trọng cho là truyền thống như rửa chân tay trước khi ngồi vào bàn ăn. Ngài chống lại những Kinh Sư, Luật Sĩ và hàng Tư Tế Do Thái đó, là những người chỉ biết ngồi cao, ăn trước hết, lại còn bóp méo cùng giải thích sai lạc Lời Chúa theo ý mình, và bắt dân chúng phải tuân thủ, trong khi đó thì họ một ngón tay cũng chẳng đụng vào. Bởi chính vì những lý do này, hạng Kinh Sư, Luật Sĩ cùng Tư Tế Do Thái đồng lòng quyết định lên án tử Chúa Giê-su, cùng đòi đóng đính Ngài trên thập giá cho hả cơn căm túc bấy lâu nay.

Do thế, những việc xảy ra cho các Ngôn Sứ cùng Chúa Giê-su xưa kia, thời nay chắc chắn cũng sẽ xảy ra cho các môn đệ của Chúa, khi các môn đệ đi theo con đường của Ðấng Tôn Sư Vạn ThếHệ. Ðây chính là những điều Bài Tin Mừng hôm nay công bố một cách minh bạch mà chúng ta vừa mới nghe qua với những lời làm chúng ta kinh ngạc. Chúng ta nghĩ rằng Chúa Giê-su đã đến với trái đất chúng ta, để mang lại hòa bình cho nhân gian ư. Phải chăng ngay từ lúc Chúa Giê-su hạ sinh, các Thiên Thần không hát lời : « vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm » đó sao ? (Luca 2,14). Và rất nhiều đoạn Tin Mừng, sau khi Chúa Giê-su sống lại, Chúa há chẳng nói cùng chúc bình an cho các tông đồ và môn đệ mình chăng ? (Luca 24,37 ; Gioan 20,19). 

Vâng quả đúng ! Lý thực tất mọi lời nói cùng lời chúc bình an của Chúa Giê-su đó, là sự bình an của nội tâm, là bình an của tâm hồn và con tim. Chúa Giê-su đã nhìn thấy trước ở nơi các tông đố cùng môn đệ của mình có một sự hiện hữu của ngôn ngữ chia rẻ. Thế nên từ đó Ngài mới phán rằng : « anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết không phải như thế, nhưng đem sự chia rẻ. Vì kể từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẻ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba, cha chống lại con trai, con trai chống lại cha, mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ » (Luca 12,52-53). Thực vậy ở đâu có người lãnh hội Lời Chúa, thi Tin Mừng mang lạ bình an, nhưng ở đâu có người từ khước Lời Chúa, thì tự sinh ra sự chia rẻ. Thông thường những người vô lương bất chính, tất không thích sự hiện diện của người công chính lương thiện. Cũng như những người xảo trá, gian dối lừa lọc, thì chẳng ưa những lời nói ngay thẳng, chính trực. Cũng thế, những người bóc lột, trục lợi, thì không muốn những người lên án và vạch tội xấu xa của họ. Vả nữa, những ai có con tim chai đá, ù lì, thì luôn muốn xa tránh những lời mời gọi tha thứ cùng thống hối. Cũng như ai mơ tưởng một đời sống thoải mái, dễ dàng hay muốn tạo thành sự giàu sang, thì họ không muốn một ai đó nhân danh Thiên Chúa, mời gọi họ chia sẻ của cải cùng quên đi chính mình để phục vụ tha nhân.

Quả thế, đức tin vào Chúa Kitô là nguồn gốc của sự chia rẻ. Những người tin một cách mạnh mẽ vào Chúa Ki-tô, để quên mình dấn thân bước theo Ngài, ắt thường phải chấp nhận bơi lội ngược giòng đời. Ðể rồi cuộc đời của họ, có một ngày sẽ bị đối xử như các Ngôn Sứ và như Chúa Ki-tô bị ngược đãi cùng đóng đinh vào thập giá. Thế đó, thế giới và xã hội hôm nay vẫn còn biết bao nhiêu vị anh hùng tử đạo can trường, làm nhân chứng hùng hồn cho một cuộc đời xã thân đi theo Chúa Ki-tô. Bất cứ ở đâu, ở nơi chúng ta sống hay mọi miền trên địa cầu, những ai đã và đang rao giảng Tin Mừng trong những nơi có sự đố kỵ với Ki-tô giáo một cách triệt để : thì chúng ta thấy có các hiện tượng tiêu cực, có những vụ ám sát, nổ bom phá Nhà Thờ, hay giết các Tu Sĩ, Giám Mục, Linh Mục cùng giáo dân do một số người quá khích có phản ứng hận thù với người Ki-tô giáo (điển hình một vài nước Hồi Giáo cực đoan ở Trung Ðông và Á Châu : nhu Irak, Pakistan vv..). Qủa làm Ki-tô hữu trong lòng thế giới ngày nay, nhất là các nước Hồi Giáo cuồng tín, cực đoan, hay Ki-tô giáo là thiểu số, thì khó tránh làm sao khỏi bị bách hại. Vi nhân danh Tín Mừng và tình yêu Chúa Ki-tô, mà nhiều anh chị em ngày nay đã xã thân bênh vực sự thật cùng công lý, bênh vực công bằng xã hội, và giúp đỡ người nghèo khổ, tranh đấu cho quyền lợi của người dân đen bị hà hiếp, áp bức đến cùng khốn, bênh vực người thấp cổ bé miệng, mà các anh chị em đó phải chịu cảnh tù đày cùng bách hại.

Như thế, giữa Tin Mừng của Chúa Ki-tô và thế gian, hiện thực vẫn chưa có Hòa Bình. Vì hòa bình chỉ cho những ai biết hoán cải, cùng thành tâm chịu sữa lỗi. Bởi vậy đời sống Ki-tô hữu là một cuộc chiến đấu. Nếu như đời sống đó không phải là một sự dấn thân chiến đấu, thì ta nên tự xét lại bản thân mình, và tự vấn về tính đích thực của đời Ki-tô hữu của ta. Vì thế, thánh Phao-lô qua lá thư Do Thái, thánh nhân hiểu rõ được chuyện này, và ngài biết tất cả sự trung thành với Chúa Ki-tô cùng Tin Mừng, có thể đòi hỏi chúng ta phải thực thi một ngày nào đó. Bời đó thánh nhân mời gọi chúng ta can đảm cùng kiên trì chiến đấu. Thánh Phao-lô cũng mời gọi chúng ta hãy chạy đua trong sự thử thách này. Cuối cùng, thánh nhân nhấn mạnh rằng : mắt chúng ta hãy hướng nhìn lên Chúa Ki-tô để học nơi Chúa lòng tin cùng sự kiện tòan. Thánh Phao-lô khẩn khoản mời gọi chúng ta hướng nhìn lên Chúa Ki-tô : Ðấng đã từ khước niềm vui cho mình, để cam chịu khổ hình thập giá, không ngại chi ô nhục, và nay Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cùng hiển trị với Thiên Chúa (Dothái 12,2).

Ðể từ đó, đoạn kết của lá thư Do Thái, thánh nhân nói một câu làm cho chúng ta thấy hổ thẹn với chính mình : « quả thật trong cuộc chiến đấu với tội lỗi cùng sự dữ, anh chị em vẫn chưa chống trả đến nỗi đổ máu mình ra » (Dothái 12,4). Qua câu nói của thánh Phao-lô đây, chúng ta có thể nói rằng : thực anh chị em vẫn chưa chiến đấu để chống trả với tội lỗi, với những sự bất công của xã hội, với sự an sinh của tha nhân cho đến đổ máu mình ra, hầu loại bớt các sự xấu, sự dữ đó, để bước theo Chúa Ki-tô xây dựng một Vương Quốc Mới với Ngài. Vương Quốc Mới đó, chính là Vương Quốc tình yêu, huynh đệ, tỉ muội, Vương Quốc bình đẳng và công bằng cùng chia sẻ cơm áo. Vi thế, chúng ta còn chiến đấu đến khi nào để trở thành người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô đây ? Amen. 


Lm. Phêrô Lê Quang Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN


0 nhận xét:

Đăng nhận xét