Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Người Con yêu dấu (Chúa Nhật I thường niên, năm A – Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa)

LTCGVN (12.01.2014) 
Người Con yêu dấu

(Chúa Nhật I thường niên, năm A – Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa)

“Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2:7). Người Con đó là Đức Giêsu Kitô, là Ngôi Lời có từ khởi đầu, vẫn hướng về Thiên Chúa và là Thiên Chúa (Ga 1:1), ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (Ga 1:4).
Trên núi Tabor, khi được chứng kiến Chúa Giêsu biến hình, chính các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng được nghe tiếng phán ra từ đám mây: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9:7).
Nói đến người con là có Tình Phụ Tử ẩn chứa trong đó rồi. Nhưng ở đây, Tình Phụ Tử không đơn thuần như tình cha con bình thường về nhân tính mà là Tình Phụ Tử về thần tính của ngôi vị Thiên Chúa. Tình Phụ Tử của con người đã có cái gì đó thiêng liêng lắm rồi, huống chi Tình Phụ Tử của Thiên Chúa.

Về tình thương và công cha nghĩa mẹ trần gian, chúng ta đã phải ghi tạc sâu đậm suốt đời, chứ không thể coi đó là “chuyện dĩ nhiên” mà một số ác tử bất hiếu nhẫn tâm đối xử tàn tệ với song thân phụ mẫu của mình. Vì thế, ca dao Việt Nam đã vừa so sánh, vừa đặt vấn đề và vừa nhắn nhủ mỗi chúng ta là những người con yêu:
Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy từng trời cao
Đố ai đếm được những vì sao
Đố ai đếm được công lao mẫu từ
Đức Giêsu Kitô là Người Con Yêu Dấu mà ngôn sứ Isaia đã nhắc tới từ ngàn xưa với danh xưng “Người Tôi Trung”. Chính trong “Bài Ca Thứ Nhất” của Người Tôi Trung, Người Con đó được xác định: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo” (Is 42:1-4).
Chữ “công lý” được đề cập 3 lần, điều đó cho thấy Người Con này rất cương quyết, tuy thật thà nhưng thẳng thắn trừng trị những kẻ ngang bướng, không tôn trọng Chân Lý, dám bóp méo Sự Thật. Chính trong “Bài Ca Thứ Nhất” cũng nói tới những “đặc tính” của Người Tôi Trung: không kêu to, không nói lớn, không trù dập kẻ yếu thế, không yếu hèn, không khuất phục,...
Chính Người Cha đã xác nhận thế này: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42:6-7). Người Cha rất chính trực nên Người Con cũng rất thẳng thắn, bình thường hóa cách nói như Việt ngữ là “Cha nào, Con nấy” (theo nghĩa tích cực và tốt lành).
Cả Cha và Con đều tuyệt đối tuyệt vời và tuyệt vời tuyệt đối. Nhưng có điểm vô cùng đặc biệt “không giống ai” là Cha và Con đều chính trực, không thiên vị, không phe cánh, không vị nể, luôn thẳng thắn, thế nhưng lại giàu lòng thương xót. Phàm nhân không thể nào hiểu nổi!
Người Tôi Trung đó chính là Người Con Yêu Dấu, là Đấng Ái Tử, tôn danh Giêsu Kitô, Đấng đã giáng sinh nơi Hang Belem và chịu chết trên Đồi Can-vê. Người Con Yêu Dấu đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Chúa của chúng ta. Thật vui mừng và hạnh phúc biết bao! Vì thế, chúng ta phải nghe lời kêu gọi của tác giả Thánh Vịnh: “Hãy dâng Chúa, hỡi chư thần chư thánh, dâng Chúa quyền lực và vinh quang. Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người, và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện” (Tv 29:1-2). Thiên Chúa dũng mãnh vô song, Ngài hiện hữu mọi nơi nhưng không ai có thể nhìn thấy Ngài, mà chỉ có thể nhận biết: “Tiếng Chúa rền vang trên sóng nước, Thiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm, Chúa ngự trên nước lũ mênh mông. Tiếng Chúa thật hùng mạnh! Tiếng Chúa thật uy nghiêm! Tiếng Chúa lay động cả rặng sồi, tuốt trụi lá cây cao rừng rậm” (Tv 29:3-4, 9a).
Chúng ta phải tuyên xưng Ngài ở mọi nơi, mọi lúc, và với mọi người. Còn khi ở trong thánh điện Ngài, tất cả phải cùng hô: “Vinh danh Chúa!” (Tv 29:9b). Câu này cũng “nhắc khéo” và “nhắc lớn” (chứ không “nhắc nhỏ”) đối với mỗi chúng ta: “Đừng chỉ là CHIÊN khi ở trong nhà thờ, còn ra khỏi nhà thờ thì hóa thành CỌP”.
Với tinh thần bảo vệ chân lý và làm theo sự thật, có lần Thánh Phêrô đã thẳng thắn lên tiếng: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào cũng đều được Người tiếp nhận. Người đã gửi đến cho con cái nhà Ít-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người” (Cv 10:34-35a). Rất rõ ràng. Thiên Chúa là thế. Tuy nhiên, người ta thường ảo tưởng rằng mình đã được rửa tội, là Kitô hữu chính hiệu, và vẫn giữ đạo đầy đủ thì chẳng có gì phải lo. Vâng, người ta chỉ chú trọng mức “giữ đạo” chứ không cần “sống đạo”. Thực sự không biết hay không muốn biết? Giữ đạo mới là mức tiêu cực, sống đạo mới là mức tích cực. Vì quên hay cố ý quên?
Giáo hoàng Phêrô nói thêm về Người Con yêu Dấu: “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng. Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10:35b-38). Những điều này không “xa lạ”, vì Kitô hữu nào cũng đã rạch ròi. Nhưng biết để mà biết thì vô ích, mà phải làm cái gì đó “khác” hơn thì mới đúng ý Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15). Chưa cần đi đâu xa, hãy “đi” tới nơi gần nhất là người lân cận, nghĩa là sống sao cho bất kỳ ai gặp chúng ta thì họ cũng có thể “nhìn thấy” Chúa nơi chính mỗi chúng ta.
Ông Gioan thể hiện nết giản dị rất rõ: “Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3:4). Quá mức giản dị, giản dị tới mức “bụi đời”. Người giản dị là người sống sâu sắc, có tư tưởng thâm thúy và khác người. Người ưa bề ngoài là người nông cạn, muốn dùng “hình thức” để khỏa lấp “khoảng trống” trong tâm hồn. Ông-bụi-đời cũng luôn cương trực, thẳng như ruột ngựa, ông nói thẳng thắn với tinh thần yêu thương và khiêm nhường: “Tôi, tôi làm phép rửa cho quý vị trong nước để giục lòng quý vị sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Ngài. Ngài sẽ làm phép rửa cho quý vị trong Thánh Thần và lửa. Tay Ngài cầm nia, Ngài sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3:11-12).
Sau đó, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Gio-đan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Sao lại như vậy nhỉ? Thế nên ông một mực can Ngài và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3:14). Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3:15). Thì ra là thế. Biết được ý Đức Giêsu rồi, ông Gioan mới chiều theo ý Ngài.
Đêm Chúa Giêsu giáng sinh đã có những điềm lạ tỏ tường, nay lại có điềm lạ khác: Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra, Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người Con yêu Dấu. Đặc biệt hơn là có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3:17).
Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con sống đúng bổn phận và trách nhiệm làm con cái. Từ buổi mai, xin cho chúng con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca (Tv 90:14). Nguyện xin Chúa dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh Tôn Nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài (Tv 67:2-3). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

0 nhận xét:

Đăng nhận xét