Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

40 năm trận Hoàng Sa oanh liệt


LTCGVN (14.01.2014)  - Năm nay là 40 năm chẵn kỷ niệm trận Hoàng Sa. Tháng 1/1974, một lực lượng của hải quân thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa đã dũng cảm chiến đấu chống lại một lực lượng của hải quân Trung Quốc xâm phạm khu vực Hoàng Sa thuộc vùng biển nước ta, đâm thẳng vào tàu địch, xua đuổi chúng, dù chúng đông, hỏa lực mạnh hơn. Đây là một chiến công oanh liệt mang truyền thống dân tộc. 

Năm nay là một thời điểm thuận lợi cho sự nhìn lại lịch sử một cách khách quan, công bằng, minh bạch, trên lập trường dân tộc chống ngoại xâm, đính chính cách nhìn lệch lạc méo mó do lập trường đấu tranh giai cấp của học thuyết Mác xa lạ, còn bị Lênin cực đoan hóa một cách tệ hại.

Đây cũng là một dịp hiếm có để trí thức, ngành sử học, ngành giáo dục nước ta nhìn lại một lần cho rốt ráo bản chất một số sự kiện lịch sử, tự mình đính chính những sai lầm, lệch lạc trong nhận thức, để từ bỏ những lập luận, nhận định và ngôn từ sai trái.

Hãy bắt tay vào việc kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa oanh liệt chống quân bành trướng Trung Quốc một cách đàng hoàng sâu sắc, với nhiều hoạt động thiết thực. Như một số blogger đã và đang làm, hãy tường thuật lại trận hải chiến Hoàng Sa này với nhiều hình ảnh lịch sử được lưu trữ, phỏng vấn các nhân vật tham chiến còn sống ở trong nước cũng như ở hải ngoại, thăm hỏi gia đình các liệt sỹ, tổ chức các buổi chiếu phim, nói chuyện rộng khắp.

Tôi cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại 40 năm trước tôi từng phụ họa với sự giải thích của ông Lê Đức Thọ và Ban Tuyên giáo trung ương rằng: “Hãy yên tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ”. Quả là một sự trấn an gượng gạo, theo quan niệm bạn, thù, ta cực kỳ ngu muội, tăm tối, phản dân tộc.

Hiện nay đang có những việc làm đầy ý nghĩa rất đáng được hoan nghênh và hưởng ứng rộng rãi. Như nhà báo Huy Đức đã sưu tầm đầy đủ lai lịch về 74 liệt sỹ hải quân Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình trong trận đánh oai hùng này. Anh đã tìm đến gặp một số gia đình liệt sỹ, và có sáng kiến cùng một số bạn có tâm huyết dựng lên “Nhịp cầu Hoàng Sa”, nhằm quyên góp để giúp một số gia đình liệt sỹ Hoàng Sa đang lâm vào cảnh túng thiếu, đặc biệt là bà Huỳnh Thị Sinh, vợ trung tá hải quân Ngụy Văn Thà, và bà Ngô Thị Kim Thanh, vợ đại úy hải quân Nguyễn Thành Trí.

Tôi muốn đề xuất với Bộ Quốc Phòng, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Văn hóa, Hội Lịch Sử Việt Nam... nhân dịp này hãy cùng phối hợp tổ chức một số cuộc gặp mặt với những người từng dự trận hải chiến lịch sử đó. Hiện có người đang ở Hoa Kỳ như hạm trưởng Vũ Hữu San, ở Pháp như cựu chiến binh Vương Văn Hà, và ở trong nước còn có gần một chục người, hiện ở Sài Gòn, Huế, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Khánh Hòa và Bình Thuận. Nhà báo Huy Đức và ông Lữ Công Bảy, một cựu chiến binh trên Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ4, chắc chắn có đầy đủ các địa chỉ này. Đây chắc chắn sẽ là một cuộc họp rất có ý nghĩa và gây nhiều xúc động.

Trong những cuộc gặp mặt giao lưu như thế, trên tinh thần bình đẳng tôn trọng nhau, anh em ruột thịt, sẽ xóa bỏ triệt để trên thực tế sự đối lập địch ta, mọi người sẽ thấm thía rằng trong 30 năm chiến tranh, người Việt ta bắn giết người Việt ta là nhiều nhất, hăng say nhất. Đã đến lúc phải nhận ra sâu sắc điều đau đớn ấy để cùng nhau thấy rõ sự sai lầm, dại dột của mình, nhằm từ nay thương yêu, cố kết với nhau hơn, chung sức giữ nước, xây đắp tương lai hòa bình, dân chủ, phát triển phồn vinh cho toàn dân.

Đã đến lúc nhà nước nên ban hành những quy định mới, về việc sử dụng khái niệm, ngôn từ trên sách vở báo chí. Như xóa bỏ các từ “ngụy quân ngụy quyền”, “chế độ tay sai Mỹ”, “ngụy quyền bán nước”, cũng như những khái niệm đã đi sâu vào dĩ vãng trong quan hệ quốc tế như “giặc Mỹ xâm lược”, “chống Mỹ cứu nước”, đánh xong giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay...

Đã đến lúc cần có một sắc lệnh coi các nghĩa trang là chung cho các tử sỹ của các bên, và một chính sách xã hội chung cho các thương binh các bên không phân biệt, cũng như cho những gia đình quân nhân, cựu binh các bên cần trợ giúp.

Đó là tình nghĩa dân tộc được khôi phục và phát huy.

Trong nghĩa trang lớn Arlington giữa thủ đô Washington, các liệt sỹ từng chiến đấu ở hai bên trong cuộc nội chiến Nam/Bắc (1861-1865) được chôn cất bên nhau, xen kẽ nhau, không chút phân biệt. Đây không phải là sự cao thượng khoan dung của kẻ chiến thắng, chỉ là nét ứng xử của một dân tộc văn hiến.

Tấm gương nóng hổi về việc từ bỏ con đường bạo lực, thực hiện trọn vẹn hòa hợp dân tộc bị chia rẽ lâu dài của Nelson Mandela, tấm gương đẹp của Miến Điện hòa giải giữa những thế lực dân tộc từng thù ngịch nhau một thời rất đáng để mọi người Việt Nam ta suy nghĩ nhân kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa oanh liệt.

Dân chủ và Hòa hợp dân tộc sẽ là đôi cánh thần kỳ để dân tộc Việt Nam ta vươn cao bay xa trong bầu trời tự do của thời đại mới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét