Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Cần vinh danh Điếu Cày



Trong phần phát biểu ý kiến, tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh, Việt kiều Canada, từ diễn đàn Hội nghị đã chính thức kiến nghị phải bổ sung Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày vào danh sách tôn vinh... Vấn đề đối với Điếu Cày bây giờ không phải là xác định ông có tuyệt thực hay không, mà đòi phải hủy bỏ bản án phi lý, phi pháp, sớm trả tự do và đền đáp xứng đáng cho ông. 

*

Rất đáng phàn nàn về bài viết nhan đề “Lật tẩy “chiêu tuyệt thực” của Nguyễn Văn Hải” của nhà báo Vũ Đại Phong đăng trên báo Công an Nhân dân ngày 29 tháng 7 năm 2013.

Tác giả tỏ ra gian trá lấp liếm sự thật nhưng cũng thật ngờ nghệch khi để lộ nhiều tình tiết tự tố cáo sự gian dối của mình trong một bài viết ngắn như sau: 

“Những ngày gần đây, một vài thông tin trên mạng có nêu việc Nguyễn Văn Hải đã “tuyệt thực” và “đang trong tình trạng nguy cấp”. Nhân đó, một số người vốn đã quen với việc kích động tụ tập khiếu kiện, bèn tập hợp nhau tới các cơ quan công quyền đưa yêu cầu can thiệp khẩn cấp. 

Trong chuyến công tác tại Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), chúng tôi đã tìm hiểu và thấy chuyện tuyệt thực của Hải chỉ là một màn kịch vụng về, nhằm thu hút dư luận đúng dịp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đi thăm một số nước, trong đó có Hoa Kỳ. 

Thông tin cho rằng Hải tuyệt thực từ ngày 24/6, tính đến nay (29/7) là hơn một tháng. Thế nhưng khi gặp Hải, tôi vẫn thấy ông ta đi lại bình thường, dù dáng vẻ hơi gầy (là tạng người vốn dĩ xưa nay của Hải); Hải vẫn nói năng hoạt bát nhưng hễ có người lạ, nhất là cán bộ ngành Kiểm sát, thì lập tức tỏ ra lệt bệt, thở không ra hơi...

Lẽ thường, một người mà tuyệt thực tới hơn 30 ngày thì chỉ còn da bọc xương, không thể gượng ngồi dậy được và chắc chắn là trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi được xem một số biên bản kiểm tra sức khỏe gần nhất (ngày 26/7) của Hải, các kết quả đều ghi nhận sức khỏe bình thường. 

Một bác sĩ tại Bệnh xá Trại giam số 6 cho hay: “Qua thăm khám định kì, chúng tôi kết luận phạm nhân Nguyễn Văn Hải đủ sức khỏe để chấp hành án. Đây là kết luận chuyên môn, chúng tôi chịu trách nhiệm về kết luận của mình”. Một phạm nhân cùng buồng giam với Hải kể: “Chú Hải có dùng cơm với tôi. Ngoài ra, chú còn có đồ ăn của gia đình gửi vào và mua theo quy định của Trại”... 

Tuy đang “tuyệt thực”, nhưng Hải vẫn nhận đủ đồ ăn thức uống do gia đình gửi vào gồm: cháo gà gói, ruốc bông, mực khô, cà phê hòa tan, sữa hộp... Bởi vậy mà Hải vẫn có đủ sức khỏe để diễn tiếp màn kịch vụng về “tuyệt thực”. Chúng tôi chợt nhớ lại việc Cù Huy Hà Vũ cũng dùng chiêu “tuyệt thực” hồi đầu tháng 6 vừa qua để gây chú ý dư luận. 

Sau khi báo chí đưa tin gặp Vũ trong trại, đăng cả ảnh chụp biên bản nhận quà của gia đình cũng có cháo gà, nước sốt gà hầm và nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác, thì dư luận đã rõ việc “tuyệt thực” là gì. Có lẽ cũng vì thế, sau khi báo chí lên tiếng vài ngày, thì Cù Huy Hà Vũ bẽ bàng gỡ gạc tuyên bố “chấm dứt tuyệt thực”. 

Thiết nghĩ, Nguyễn Văn Hải cũng nên lấy chuyện của Cù Huy Hà Vũ làm bài học mà sớm ăn uống công khai trở lại”. 

Đúng là nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã ngừng tuyệt thực và ăn uống trở lại vào ngày 27 tháng 7 năm 2013. Ông ăn trở lại vì mục đích đấu tranh tuyệt thực lần này của ông đã đạt được. Viện Kiểm sát Nhân dân Nghệ An đã phải phúc đáp đơn thư của ông. 

Vậy hỏi rằng Nguyễn Văn Hải có tuyệt thực không? 

Chắc chắn là có. 

Ngày 18 tháng 7 năm 2013, chị Ngô Thị Lộc - vợ anh Nguyễn Kim Nhàn, người cùng đi thăm chồng đang cùng bị giam với Điếu Cày tại trại tù số 6 Thanh Chương, Nghệ An về - kể rõ với tôi rằng nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cuối buổi tiếp thăm đã tranh thủ thông báo nhanh với vợ rằng Điếu Cày đã tuyệt thực đến ngày thứ 25. Lời kể có tình tiết xác thực ở chỗ: Phải đến lúc hết giờ, bị quản giáo dẫn trở lại phòng giam, Nguyễn Xuân Nghĩa mới quay lại nói nhanh với vợ thông báo ấy vì nếu nói trước đó thì buổi thăm nuôi sẽ bị cắt bỏ ngay. Tình đồng đội thắm thiết thôi thúc Nguyễn Xuân Nghĩa đã xả thân cứu bạn dù biết rằng sau khi làm việc ấy mình có thể sẽ bị trại giam trừng phạt. Cho nên thông tin của Nguyễn Xuân Nghĩa là hoàn toàn xác thực. Hoàn toàn xác thực rằng Điếu Cày, chỉ tính đến 17 tháng 7 năm 2013, đã tuyệt thực 25 ngày. 

Nhưng tại sao Vũ Đại Phong dám viết như là không có chuyện tuyệt thực mà đây chỉ là một “màn kịch vụng về”?!. 

Không cần so sánh với quốc tế, đối chiếu với quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Vũ Đại Phong cũng đã không xứng đáng. Bản “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” công bố ngày 13 tháng 8 năm 2013 viết: 

“Người làm báo Việt nguyện thực hiện những quy định về đạo đức nghề nghiệp sau đây: 

1 - Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN 

2 - Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân 

3 - Hành nghề nghề nghiệp để trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. 

4 - Sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng vụ lợi và làm trái pháp luật. 

v.v...”

Không những không “trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”, Vũ Đại Phong còn tỏ ra láo xược. Nguyễn Văn Hải đã ngoại 60, trong khi Vũ Đại Phong kém hơn ít nhất trên dưới chục tuổi. Khi người cựu chiến binh Sư đoàn Ba Sao Vàng Nguyễn Văn Hải đã nằm gai nếm mật, can trường xông lên trước hòn tên mũi đạn thì Vũ Đại Phong còn ê a trong lớp phổ thông hay lang thang tìm ve bắt bướm. Đối với Vũ Đại Phong, Điếu Cày, ít ra, như một người anh lớn. Vậy mà sao Vũ Đại Phong dám xếch mé gọi tên trống không và cao giọng khuyên răn trịch thượng nghe rất chướng tai. 

Mười sáu tuổi đã xông pha trận mạc. Nhưng, hết một cuộc chiến lại thấy dần lộ rõ một kẻ thù còn thâm độc, tham lam, ty tiện... hơn tất cả những kẻ thù trước. Ngay giữa lúc đang nắm tay nhau dương cao “16 chữ vàng” họ đã gặm nhấm mất nhiều mảng da đầu trên tấm bản đồ tổ quốc. Với vũ khí mới là chiếc máy ảnh, Nguyễn Văn Hải đã len lỏi tới địa đầu tổ quốc để chụp ảnh Thác Bản Giốc đã bị xẻo đi quả nửa, Mục Nam Quan đã bị chìm sâu vào đất Trung Quốc... để tố cáo trên trang blog của mình. Trước họa xâm lăng ngày một hiển hiện, blogger Điếu Cày đã đứng ra thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do để tập hợp lực lượng cùng tranh đấu. Song, tự xác định rằng chỉ với trang viết là chưa tròn phận sự, nhà báo đã xuống đường. 

Bước chân Điếu Cày dẫn đầu những cuộc biểu tình liên tiếp, sôi sục đầu năm 2008, phản đối Trung Quốc đưa Hoàng Sa, Trường Sa của ta vào đơn vị hành chính Tam Sa rầm rập trong lòng người Việt Nam yêu nước. 


Đúng ngày ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh sắp riễu qua Sài Gòn thì Điếu Cày cùng bè bạn đã mặc đồ đen, trên ngực áo có biểu tượng năm vòng tròn Olympic Bắc Kinh cách điệu thành chiếc còng số 8 cạnh hàng chữ “Pekin 2008”. Hình ảnh Điếu Cày đứng cao trên thềm Nhà Hát Lớn Sài Gòn, mình khoác chiếc áo tang đó, tay giương cao bảng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa Của Việt Nam” bằng chữ Việt, chữ Anh, chữ Tàu khắc họa mãi trong tâm trí chúng ta một tượng đài sừng sững quyết liệt chống Đại Hán bành trướng. 

Người chiến sỹ đã từng hiến dâng tuổi xanh của mình nơi trận mạc, người anh hùng quả cảm đã phất cao ngọn cờ chống họa xâm lăng Bắc Triều ấy làm sao có thể gian dối, ty tiện như kẻ bồi bút mạt hạng kia. Làm sao dám mở mồm nói một con người như thế mà giả vờ tuyệt thực! 

Ngày 1 tháng 8 năm 2013, tại Hà Nội, có “Cuộc gặp mặt tôn vinh hành động vì chủ quyền Biển Đảo” do Trung tâm Minh triết tổ chức, với sự tham dự của nhiều trí thức, học giả từ trong và ngoài nước, trong đó có cả cụ Lưu văn Lợi, trưởng Ban Biên giới đầu tiên của ta (nay đã 100 tuổi) và một trong 9 chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam sống sót trong trận chiến giáng trả Trung Quốc tại Trường Sa năm 1988 (Trong trận chiến này, 64 chiến sỹ của ta bị hy sinh, 9 bị bắt, 9 sống sót) 

Trong Báo cáo Tổng quan đọc trước Hội nghị thấy có hai ý đáng ghi nhận: 

- Phản ứng của nhân dân, đi tiên phong là nhân sỹ trí thức và một số tổ chức thuộc xã hội dân sự đã chứng tỏ quốc hồn quốc túy của dân tộc vẫn là truyền thống cần trân trọng 

- Phản ứng quá chậm của Nhà nước như là hình thức để “rơi tự do”, buông xuôi trong việc xác định chủ quyền của mình về Biển Đông. Ứng xử khó hiểu của Nhà nước (ngăn cản, đàn áp các cuộc biểu tình hòa bình bày tỏ tinh thần yêu nước) gây sốc lớn tới mức bất bình trong xã hội, đi ngược lại với tính chất dân chủ-tự do-độc lập mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã trọn đời tranh đấu. 

Nghe đọc đến câu “Phản ứng của nhân dân, đi tiên phong là nhân sỹ trí thức và một số tổ chức thuộc xã hội dân sự đã chứng tỏ quốc hồn quốc túy của dân tộc vẫn là truyền thống cần trân trọng”, nhiều người nghĩ ngay đến Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải. 

Đúng vậy, Điếu Cày chính là quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam. 

Hội nghị tôn vinh nhiều tên tuổi như Nguyễn Đình Đầu, Vũ Hữu San, Hồ Cương Quyết, ngư dân Mai Phụng Lưu (chủ tàu cá QNg-66478, 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ), Võ Văn Chức (chủ tàu Thành Công 07, đã tiến hành lặn tìm hài cốt liệt sỹ dưới đáy biển Gạc Ma), Phạm Vinh (thợ lặn trên tàu Thành Công 07 đã hy sinh trong quá trình lặn tìm hài cốt liệt sỹ trên tàu HQ 604 dưới đáy biển Gạc Ma)...

Trong phần phát biểu ý kiến, tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh, Việt kiều Canada, từ diễn đàn Hội nghị đã chính thức kiến nghị phải bổ sung Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày vào danh sách tôn vinh. 

Đúng vậy, vấn đề đối với Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày bây giờ không phải là xác định ông có tuyệt thực hay không, mà đòi phải hủy bỏ bản án phi lý, phi pháp, sớm trả tự do và đền đáp xứng đáng cho ông. 

Điếu Cày đã từng được tổng thống Barack Obama vinh danh trong ngày Tự do Báo chí Thế giới (3-5-2012). Hơn thế nữa, chúng ta cần tuyên dương ông như một trong những chiến sỹ tiên phong đáng tôn vinh nhất trong sự nghiệp đấu tranh chống nguy cơ Đại Hán đô hộ, bảo vệ giang sơn, giống nòi. 

Hà Nội - 4 tháng 8 năm 2013 
Số nhà 6 Tập thể Địa Vậtlý Máy bay Trung Văn - Từ Liêm - Hà Nội 
Mobi: 0984 724 165 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét