Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14-21/6/2012

LTCGVN (23.06.2012)


1. Sáng 19 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, người Croatia, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã mở cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh để giới thiệu Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13 sẽ tiến hành tại Rôma từ ngày 7 đến 28 tháng 10 năm nay về đề tài “Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin”.



Tài liệu làm việc dài khoảng 80 trang, được ấn hành bằng các thứ tiếng La Tinh, Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ba Lan. Văn kiện này sẽ được dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận tại công nghị các Giám Mục thế giới.



Hiện diện tại cuộc họp báo còn có Đức Ông Fortunato Frezza, Phó Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục.



Tài liệu Làm việc được soạn thảo dựa trên các bản trả lời từ các nơi trên thế giới gửi về, theo 71 câu hỏi gợi ý trình bày trong Tài liệu Đề cương được công bố hồi tháng 2 năm ngoái.



Đức Tổng Giám Mục Eterovic người Croatian nói: “Dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 là chủ tịch của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đại diện của hàng Giám Mục toàn thế giới sẽ suy tư về việc thông truyền đức tin Kitô trong một bầu không khí cầu nguyện, đối thoại và hiệp thông huynh đệ. Đây là một trong những thách đố lớn của Giáo Hội, được đào sâu trong bối cảnh tái truyền giảng Tin Mừng. Vì thế hai khía cạnh của đề tài Thượng Hội Đồng Giám Mục có liên hệ mật thiết với nhau và bổ túc cho nhau. Mục đích việc tái truyền giảng Tin Mừng là thông truyền đức tin Kitô. Nghĩa vụ cấp thiết thông truyền cho các thế hệ trẻ Tin Mừng của Chúa Kitô - không làm gián đoạn tiến trình thông truyền đức tin - được diễn ra trong lãnh vực tái truyền giảng Tin Mừng”.



Suy tư của Thượng Hội Đồng Giám Mục được phong phú hơn nữa nhờ liên hệ với Năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 năm nay theo quyết định của Đức Thánh Cha qua Tông thư dưới đạng Tự Sắc “Porte fidei” tức là “Cánh cửa đức tin”, nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 và kỷ niệm 20 năm công bố sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo.



2. Đại Hội Thánh Thể Quốc tế tại Dublin



Chiều Chúa Nhật 17 tháng 6, Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp Video cho các tham dự viên Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50 và loan báo Đại hội lần thứ 51 sẽ tiến hành tại thành phố Cebu, Philippines vào năm 2012.



Đại hội Thánh thể quốc tế lần thứ 50 đã kết thúc sau một tuần lễ tiến hành với chủ đề “Thánh Thể: hiệp thông với Chúa Kitô và giữa chúng ta với nhau”. Thánh Lễ bế mạc lúc 4 giờ chiều do Đức Hồng Y Marc Ouellet, Đặc Sứ của Đức Thánh Cha và là Tổng trưởng Bộ Giám Mục chủ sự, cùng với đông đảo các Hồng Y, Giám Mục và linh mục đến từ hơn 120 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, trước sự hiện diện của 80 ngàn tín hữu Ai Len và nước ngoài.



Cuối thánh lễ, sứ điệp Video của Đức Thánh Cha đã được công bố cho các tham dự viên:



Đại Hội Thánh Thể Quốc tế đã kết thúc với một Thánh Lễ Chúa Nhật tại Dublin, nơi một tin nhắn video từ Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã được truyền. Trong số những thứ khác, Đức Giáo Hoàng đề cập đến sức mạnh của Thánh Thể, kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II và tai tiếng lạm dụng tình dục của Ireland.



Trong video, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, nhận định:



“Lòng biết ơn và niềm vui vì lịch sử tin yêu lớn lao dường nào ấy vậy mà gần đây đã bị giao động một cách kinh khủng vì những tội do các linh mục và những người thánh hiến đã phạm đối với những người đã được ủy thác cho họ chăm sóc. Thay vì chỉ cho các em con đường dẫn về Chúa Kitô, về Thiên Chúa, thay vì làm chứng về lòng từ nhân của Chúa, thì họ lại lạm dụng các em và làm thương tổn uy tín sứ điệp của Giáo Hội. Làm sao chúng ta có thể giải thích sự kiện những người đã thường xuyên lãnh nhận Mình Thánh Chúa và xưng thú các tội lỗi của mình trong bí tích thống hối mà lại xúc phạm dường ấy? Đó thực là một mầu nhiệm. Nhưng hiển nhiên là đạo Kitô của họ không còn được nuôi dưỡng bằng cuộc gặp gỡ hân hoan với Chúa Giêsu Kitô: nhưng chỉ là một tập quán mà thôi.” 



3. Những diễn mới trong vụ Vatileaks



Trong cuộc họp báo hôm 18 tháng 6, Cha Lombardi cũng cho biết tính đến ngày 16 tháng 6, Ủy ban 3 Hồng y điều tra về những vụ thất thoát tài liệu đã nghe 23 người, gồm cả các cấp trên lẫn nhân viên, giáo sĩ cũng như giáo dân tại Tòa Thánh, và cả những người không phải là nhân viên tại Vatican. Trong số những người đó, cố nhiên có ông Paolo Gabriele, người quản gia của Phủ Giáo Hoàng . Bình quân, mỗi tuần Ủy ban nghe từ 4 đến 5 người.



Cha Lombardi mạnh mẽ bác bỏ tin của báo La Stampa, xuất bản tại Torino, cho rằng trong các cuộc hỏi cung hồi tuần trước, ông Gabriele đã tiết lộ tên của những người đồng phạm và những người sai ông lấy cắp tài liệu từ dinh Tông Tòa. Cha Lombardi nói: “Đó thực là chuyện bịa đặt, với những giả thuyết vô căn cứ”.



Cha Lombardi tái kêu gọi giới báo chí hãy theo những sự kiện có thực của cuộc điều tra đang tiến hành và hiện giờ người ta chưa thể xác định bao giờ cuộc điều tra này sẽ chấm dứt. Thẩm phán điều tra chưa chấp nhận đơn của các luật sư xin cho ông Gabriele được quản thúc tại gia. 



Mặt khác, trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Công Giáo Famiglia Cristiana ở Roma, Đức Hồng Y Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhận xét rằng trong vụ Vatileaks, một số ký giả đã theo gương tiểu thuyết gia Dan Brown (tác giả cuốn tiểu thuyết “Bộ mật mã da Vinci” (Code da Vinci), tưởng tượng ra những chuyện hoang đường và huyền thoại.” Tất cả là giả tạo và sự thật là có một ý chí muốn chia rẽ đến từ ma quỉ. Sự đoàn kết chung quanh Đức Thánh Cha là điều căn bản, mang lại sức mạnh cho công việc của Giáo Hội”.



Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Bertone cũng khẳng định rằng không có vị Hồng y nào dính líu trong vụ này. Được hỏi về lời quả quyết này, cha Lombardi nói: “Dĩ nhiên là Đức Hồng Y Quốc vụ khanh, giống như Đức Giáo Hoàng đã làm là tái khẳng định sự tín nhiệm nơi các cộng sự viên thân cận nhất của Ngài. .. Tôi thấy trong cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Bertone, điều quan trọng ngài nhắm đến là đào sâu quan hệ giữa tự do báo chí, tự do ngôn luận, và việc bảo vệ đời sống riêng tư của mỗi người. Nhiều khi người ta có cảm tưởng các thứ tự do ngôn luận và báo chí là quyền tự do tấn công, gây tổn thương cho người khác”.



4. Tòa Thánh lên án các cuộc tấn công chống lại các Kitô hữu ở Nigeria



Trong cuộc họp hôm 18 tháng 6, phát ngôn viên của Vatican, Cha Federico Lombardi, được lên tiếng chống lại các cuộc tấn công của các nhà thờ Công Giáo ở Nigeria. Một ngày trước đó, hôm Chúa Nhật 17 tháng 6, năm nhà thờ đã bị đánh bom ở bốn thành phố.



Cha Lombardi nhận định rằng các cuộc tấn công là "kinh hoàng và không thể chấp nhận được" Ngài lên tiếng kêu gọi đoàn kết các nỗ lực để "loại bỏ chủ nghĩa khủng bố” tại Nigeria.



Các cuộc tấn công đã xảy ra tại phía bắc của Kaduna, làm hàng chục người dân bị thương. Hiện vẫn chưa rõ có trường hợp tử vong nào hay không. Mặc dù chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm cho các cuộc tấn công, các quan sát viên tin rằng những vụ này do nhóm Hồi Giáo cực đoan Boko Haram gây ra.



Sau những vụ nổ hôm Chúa Nhật, lệnh giới nghiêm 24 giờ đã được áp đặt trong tiểu bang Kaduna.



5. Buổi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 17 tháng 6



20 ngàn tín hữu đã tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha dưới bầu trời nắng gắt. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa 2 dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 11 thường niên năm B, để khích lệ các tín hữu tin tưởng và hy vọng giữa những khó khăn, vất vả và cơ cực. 



Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người rằng hôm thứ Tư 20 tháng 6, là Ngày Thế Giới về người tị nạn, do Liên Hiệp Quốc đề xướng. 



“Tôi muốn lưu ý cộng đồng thế giới về những hoàn cảnh của bao nhiêu người, nhất là các gia đình, buộc lòng phải rời bỏ quê hương, vì bị đe dọa trước các cuộc xung đột võ trang và những hình thức bạo lực trầm trọng khác.”



Tòa Thánh cầu nguyện và liên tục quan tâm tới các anh chị em ấy, đồng thời cầu mong rằng các quyền của người tị nạn luôn được tôn trọng và họ sớm có thể đoàn tụ với những người thân yêu.



Đức Giáo Hoàng cũng nói về dụ ngôn hạt cải và làm thế nào nó tượng trưng cho Vương quốc của Thiên Chúa. Cả hai dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 11 thường niên đều dùng hình ảnh hạt cải, được coi là nhỏ nhất trong mọi thứ hạt. Dù nhỏ như vậy, nhưng nó đầy sức sống, từ đó nảy sinh một mầm có thể chui ra khỏi đất, mọc lên dưới ánh sáng mặt trời và tăng trưởng đến độ trở thành một “cây lớn hơn mọi cây khác trong vườn” (Xc Mc 4,32). Cũng vậy Nước Thiên Chúa bao gồm những người thanh bần trong tâm hồn, những người không tín thác nơi sức riêng của mình, nhưng nơi sức mạnh của tình yêu Chúa, những người không đáng kể trước mặt thế gian; nhưng chính qua họ mà sức mạnh của Chúa Kitô được biểu dương và biến đổi những gì có vẻ không phải quan trọng.



Đức Thánh Cha không quên nhắc đến lễ phong chân phước vào chiều Chúa Nhật 17 tháng 6 và nói rằng: “Tôi vui mừng nhắc nhớ rằng chiều hôm nay, tại thành Nepi, trong giáo phận Civita Castellana, sẽ có lễ phong chân phước cho Cecilia Eusepi, qua đời lúc mới được 18 tuổi. Thiếu nữ này đã mong ước trở thành một nữ tu thừa sai, nhưng buộc lòng phải rời bỏ tu viện vì bệnh tật, sống với niềm tin không lay chuyển, chứng tỏ một khả năng hy sinh lớn lao để cứu vớt các linh hồn. Trong những ngày cuối đời, trong sự kết hiệp sâu xa với Chúa Kitô chịu đóng đanh, Cecilia thường lập lại: “Thật là đẹp dường nào khi hiến thân cho Chúa Giêsu, là Đấng đã tận hiến vì chúng ta”.



6. Đức Thánh Cha tiếp tân đại sứ Tây Ban Nha 



Sáng thứ Hai 18 tháng 6, Đức Thánh Cha đã tiếp tân đại sứ Tây Ban Nha cạnh Tòa Thánh là ông Eduardo Gutiérrez là người thay thế cho cựu nữ đại sứ Maria Jesús Figa, là người phụ nữ đầu tiên của Tây Ban Nha được bổ nhiệm làm đại sứ cạnh Tòa Thánh.



Năm ngoái, bà Maria Jesús Figa đã trình quốc thư lên Đức Thánh Cha chỉ vài ngày trước lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II và đi cùng với Hoàng tử Tây Ban Nha đến dự buổi lễ này.



Thời gian bà làm đại sứ tuy ngắn ngủi nhưng đầy các biến cố trong đó nổi bật là chuyến viếng thăm Tây Ban Nha của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhân dịp Ngày Giới trẻ Thế giới tại Madrid với sự tham dự của gần 2.000.000 bạn trẻ.



Tân đại sứ Eduardo Gutiérrez, năm nay 54 tuổi tốt nghiệp Luật Khoa và đã phục vụ như là một nhà ngoại giao từ năm 1985 tại các nước Sudan, Uruguay và Mexico.



Gần đây, ông là cố vấn của Đảng Bình Dân Tây Ban Nha về chính trị quốc tế.



Trong suốt bảy năm triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, Tây Ban Nha đã thay bốn đại sứ Tây Ban Nha là Jorge Dezcallar, Francisco Vázquez, Maria Jesus Figa và bây giờ là Eduardo Gutiérrez.



Đại sứ quán Tây Ban Nha cạnh Tòa Thánh là cơ quan đại diện ngoại giao thường trực lâu đời nhất trên thế giới. Tòa đại sứ đã bắt đầu mở cửa từ năm 1480 với ông Gonzalo de Beteta là đại sứ đầu tiên. 



7. Ca đoàn tổng hợp Australia mang âm nhạc Úc đến châu Âu



Nhóm thanh niên này là một phần của ca đoàn tổng hợp trẻ Australia đang đi du lịch khắp châu Âu trong một chuyến lưu diễn.



Tại Rôma, họ đã thực hiện tại trung tâm văn hóa của nhà trọ Domus Australia vừa mới được Đức Thánh Cha khánh thành. Julie McKenna người điều hành ca đoàn tổng hợp trẻ Australia, người đã liên tục làm việc với giới trẻ trong 35 năm qua cho biết từ khi dàn hợp xướng trẻ Australia được thành lập, các chuyến lưu diễn nghệ thuật của Úc sang Âu Châu đã gia tăng mạnh mẽ. 



Julie McKenna nói: 



"Chúng tôi đã lưu diễn thường xuyên trong 24 năm qua, với các tour du lịch đến các miền khác nhau của châu Âu và châu Mỹ."



Giảng viên âm nhạc của nhóm là George Ellis nhận xét chuyến đi đã cho phép giới trẻ nhìn thấy quê hương của một số nhà soạn nhạc lừng danh nhất trên thế giới.



Ông cho biết:



"Chúng tôi bắt đầu ở London và sau đó đến Áo, nơi sinh, hay ít nhất là nơi hoạt động của các nhà soạn nhạc như Schubert, Beethoven và Brahms. Vèo một cái cuối cùng chúng tôi đã đến Rôma sau khi thực hiện một show ở Florence. Thật là một chuyến đi tuyệt vời và hoàn tất chuyến đi ở Rôma thì thật là một giấc mơ đẹp đã trở thành sự thật. "



Giới trẻ tham gia trong ca đoàn tổng hợp các giáo phận là những trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 18. Họ đến từ mọi giáo phận của Úc



8. Tại sao người dân Rôma kính thánh Rita với hoa hồng và bánh mì



Nhà thờ Thánh Biển Đức tại Rôma trong khu phố nổi tiếng Trastevere /Tras-ti-vê-rê/. Điều thú vị là cộng đoàn này có lòng sùng kính đặc biệt đối với thánh Rita vì nhờ vị thánh này mà nhà thờ của họ đã được mở lại. 



Cha Francois Bandet, cha sở của giáo xứ cho biết: 



“Nhà thờ của chúng tôi được biết đến như là nhà thờ Thánh Rita ở Trastevere, bởi vì vào năm 1938, lời cầu nguyện của một phụ nữ đã được nhậm lời qua một phép lạ do lời cầu bầu của Thánh Rita. Lòng sùng kính vị thánh này đã trở nên rất mạnh mẽ trong khu vực Trastevere đến mức nhà đã bị đóng cửa, nhưng nhờ phép lạ xảy ra nơi người phụ nữ này mà nhà thờ của chúng tôi đã được mở lại để tôn kính thánh Rita. "



Người đàn bà được cha Francois Bandet nhắc đến tên là Elvira Ranaldi. Cháu của bà Elvira Ranaldi là bà Maria Cristina Parmiani cho biết:



"Bà tôi là Elvira Ranaldi, đã không xin một điều cụ thể nào. Nhưng một ngày kia, tại một cửa hàng, bà ngửi thấy một mùi hương mạnh mẽ hay mùi hoa hồng. Sau đó, vào ban đêm, trong một giấc mơ, một nữ tu đã nói với bà nơi cần phải giải phẩu. Các bác sĩ trước đó không thể tìm thấy rối loạn nào nơi bà tôi. Vâng, sau cuộc giải phẩu đó, bà tôi đã được chữa khỏi. Bà tôi muốn làm một cái gì đó cho Thánh Rita vì vậy bà đã xin cho nhà thờ được mở cửa trở lại. "



Từ 74 năm nay, vào ngày 22 tháng Năm hàng năm, tại nhà thờ có một buổi lễ đặc biệt kính thánh Rita.



Chỉ trong một vài giờ, khoảng 3.000 người hành hương đã đến nhà thờ mang theo một bông hồng và một mẩu bánh mì. 



Cha Francois Bandet, cho biết: 



"Hoa hồng là một biểu tượng của Thánh Rita và bánh mì, đại diện cho tình yêu và lòng quảng đại của Thiên Chúa với chúng ta. "



Năm nay, người ta đếm được gần 4.000 hoa hồng và khoảng 66 kg bánh mì đã được mang đến nhà thờ. 



9. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ trao tặng Đức Thánh Cha món quà tượng trưng cho hòa bình



Hôm 15 tháng 6, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã gặp gỡ với ông Nassir Abdulaziz Al-Nasser, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ông đã đảm nhận vị trí này vào năm 2011 như là vị chủ tịch thứ 66 của tổ chức này.



Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã trao cho ông chủ tịch một bản sao con dấu Vatican và ông Al-Nasser trao tặng cho Đức Thánh Cha một bia khắc chữ 'hòa bình' được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đó là một món quà tượng trưng vì vị chủ tịch của Liên Hợp Quốc đã đặt vấn đề hòa giải để giải quyết các tranh chấp trên thế giới như là nhiệm vụ chính của ông.



Tháp tùng ông chủ tịch trong cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha còn có phu nhân, con trai của ông và đoàn tùy tùng của Liên Hiệp Quốc.



10. Tiến bộ trong các cuộc đàm phán giữa Tòa Thánh và Israel



Tòa Thánh và Nhà nước Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 1993 qua Hiệp Định Căn Bản. Tuy nhiên, từ năm 1999, Tòa Thánh và Israel vẫn đang trong tiến trình đàm phán về các vấn đề xung quanh tình trạng pháp lý của Giáo Hội ở Israel và các giáo xứ Công Giáo trên lãnh thổ Israel.



Raymond Cohen, Giáo sư tại Đại Học Hebrew ở Giê-ru-sa-lem cho biết:



"Các cuộc đàm phán đề cập đến các quyền và đặc quyền của Tòa Thánh, và của Giáo Hội tại Israel, như đã được thiết lập trong thế kỷ 19 bởi Đế quốc Ottoman."



Ông Amnon Ramon của Học Viện Do Thái Học Jerusalem Institute for Israel Studies tại Giê-ru-sa-lem cho biết 



"Cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến các loại thuế, tình trạng, quyền tài phán của các Giáo Hội, vì thế đây là một vấn đề là rất cấp bách."



Những chủ đề này đang được thảo luận trong một diễn đàn tổ chức bởi Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá.



Các cuộc đàm phán về tình trạng pháp lý của Giáo Hội đã bắt đầu trở lại vào năm 1999. Nhưng trong nhiều năm, có rất ít tiến bộ. Raymond Cohen cho biết, một phần là do bạo lực diễn ra thường xuyên tại nước này.



Raymond Cohen nói:



"Chính quyền tại Giê-ru-sa-lem có rất nhiều điều phải bận tâm. Nổ bom trên xe buýt. Tôi thích đi thăm một ngôi chợ, nhưng nó đã bị đánh bom đến chín lần, vì vậy chúng tôi không thể chú tâm vào các cuộc đàm phán, nhưng kể từ năm 2006, các cuộc đàm phán đã đạt được những tiến bộ rất tốt. "



Cộng đồng Kitô hữu chỉ chiếm một thiểu số nhỏ ở Israel. Một số người dự đoán chỉ có khoảng 170.000 người Công giáo Ả Rập trong nước. Tuy nhiên, Cohen cho biết tổng số người Công giáo thực sự cao hơn nhiều. Có lẽ khoảng 300.000 và 400.000, vì có nhiều di dân Kitô giáo.



Ông Raymond Cohen cho biết thêm:



"Có hàng trăm hàng ngàn công nhân nhập cư từ Philippines và Ấn Độ và cũng có cả những người Công Giáo là người Do Thái, là những người thường ít được biết đến."



Mặc dù các cuộc đàm phán này đã diễn ra ì ạch trong 13 năm, nhiều quan sát viên tin rằng các cuộc đàm phán đang đi dần đến chung cuộc do tình hình tại Do Thái đã ổn định hơn. Một cuộc họp chính thức giữa hai quốc gia sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm 2012 tại Israel.



11. Đức Hồng Y Henri Schwery của Thụy Sĩ qua tuổi 80, số cử tri hồng y giảm xuống còn 121



Hôm 15 tháng 6 Đức Hồng Y Henri Schwery của Thụy Sĩ đã qua tuổi 80, nghĩa là ngài sẽ không còn quyền bỏ phiếu bầu Giáo Hoàng.



Đức Hồng Y Schwery được thụ phong linh mục ngày 07 tháng Bảy năm 1957 ở tuổi 25. Ngài đã được tấn phong Hồng Y vào năm 1991 bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sau đó, ngài tham gia trong mật nghị bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào tháng Tư năm 2005. Bây giờ Thụy Sĩ chỉ có một Hồng Y có quyền bầu cử là Đức Hồng Y Kurt Koch, người đã được tấn phong Hồng Y trong năm 2010.



12. Tiến trình hiệp thông của Nhóm Lefebvre



Trong cuộc họp báo hôm 14 tháng 6, cha Federico Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết nhà lãnh đạo của Huynh Đoàn Thánh Piô X là Giám Mục Bernard Fellay đã có cuộc họp kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ vào ngày 13 tháng 6 tại Vatican với những giới chức của Bộ Giáo Lý Và Đức Tin. 



Trong cuộc họp này, Bộ Giáo Lý Và Đức Tin đã thông báo cho Huynh Đoàn Thánh Piô X biết Đức Thánh Cha sẵn sàng ban cấp quy chế một giáo hạt tòng nhân cho tổ chức này nếu họ chấp nhận các tiền đề đạo lý đã được trao cho họ hồi tháng Chín năm ngoái và quy về hiệp thông với Rôma.



Cha Federico Lombardi nói:



"Trong cuộc họp này, họ đã được trao cho một tài liệu đính kèm với đề nghị ban cấp quy chế một giáo hạt tòng nhân cho họ như là cách thích hợp nhất để nhìn nhận tình trạng giáo luật của Huynh Đoàn."



Quyết định cuối cùng liệu có hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo giờ đây phụ thuộc vào Giám mục Fellay. Cha Federico Lombardi cho biết thêm là Giám mục Fellay nói rằng ông sẽ đưa ra câu trả lời trong một "thời gian hợp lý".



Cha Federico Lombardi nói thêm là:



"Huynh Đoàn sẽ có tổng tu nghị trong tuần đầu tiên của tháng Bảy. Đó sẽ là một cơ hội cho các nhà lãnh đạo của Huynh Đoàn suy tư về vấn đề này."



Giáo hạt tòng nhân là một thể chế rất linh hoạt của Giáo hội Công giáo tương tự như một giáo phận. Nhưng không giống như một giáo phận, giáo hạt tòng nhân không bị ràng buộc trên phương diện địa lý.



13. Đức Giáo Hoàng gặp Tổng Giám đốc tổ chức Lương Nông Quốc Tế để thảo luận về cuộc chiến chống nạn đói trên thế giới



Hôm 14 tháng 6, Đức Giáo Hoàng đã tiếp kiến ông Jose Graziano da Silva Tổng Giám đốc Lương Nông Quốc Tế gọi tắt là FAO, để thảo luận về cuộc chiến chống nạn đói trên thế giới



Trong cuộc họp ngắn, Da Silva đã nói về việc tăng cường quan hệ giữa Tòa Thánh và FAO, để cùng nhau, họ có thể chiến đấu chống lại nạn đói trên thế giới.



Trong cuộc tiếp kiến, ông Da Silva đã lên tiếng ca ngợi sự dấn thân sâu sắc Giáo Hội trong cuộc chiến chống lại nghèo đói trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. 



Hai vị cũng đề cập đến Hội nghị sắp tới Liên Hiệp Quốc về Phát triển bền vững, sẽ được tổ chức từ ngày 20 đến 22 tháng 6 tại Rio, Brazil. Cả hai vị đã chia sẻ hy vọng chung rằng các cộng đồng nông thôn lại một lần nữa sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất và phân phối hàng hóa.



Vị Giám đốc đã đến thăm Đức Giáo Hoàng cùng với hai nhân viên của mình. Các trụ sở chính FAO đều được đặt tại Rome. Ông Tổng giám đốc đã nhận vai trò mới của mình vào ngày 01 tháng 1 năm nay. Nhiệm kỳ 3 năm của ông sẽ kết thúc vào tháng Bảy năm 2015.

VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét