Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Trung Quốc đã sai lầm chí tử về sách lược để rơi vào tình huống khó cải biến theo chiều thuận, đành phải “trơ mắt ếch” đứng nhìn Mỹ đang triển khai lực lương khu vực Châu Á -Thái Bình Dương.

LTCGVN (22.06.2012)

Trung Quốc đã tạo thế mới cho quan hệ Việt - Mỹ

Bùi Văn Bồng

Sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ (Leon Panetta) thăm Cam Ranh (3-6-2012) và được tiếp đón ở Hà Nội sau hơn 37 năm giải phóng miền Nam, trong đó có 17 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, đã được nhiều phương tiện truyền thông thế giới loan tin và bình luận sôi nổi. Trước đó, ngày 17-6-2011 đã diễn ra cuộc Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng Mỹ-Việt thường niên lần thứ tư diễn ra tại thủ đô Washington. Hai bên nhất trí rằng việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế; mọi tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và hợp tác, không gây sức ép hay sử dụng vũ lực. Hai bên cho rằng các tuyên bố lãnh thổ và lãnh hải cần phải phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố 2002 về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc và khuyến khích các bên đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử đầy đủ.
Sự kiện này khiến người ta nghĩ ngay đến một lô-gic: Chính Trung Quốc đã đưa tới sự kiện này, một sự kiện làm hoảng hốt và bực bội tột độ đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh, làm thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới. Và rằng, cũng chính Trung Quốc đã và đang tạo ra những “lát cắt” khoét sâu hố ngăn cách trong quan hệ Việt-Trung, vô hình trung tự bản chất hành động của họ đã thúc đẩy sự tạo dựng và gắn kết chặt chẽ hơn quan hệ Việt-Mỹ. Điều đó, tất nhiên là ngoài ý muốn và bản thân TQ đã không thể lường trước. Sự kém cỏi về tính toán, sự thiếu bình tĩnh, và cũng vì nóng vội do lòng tham hối thúc, Trung Quốc đã gây ra hậu quả “thất sách” đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ (Leon Panetta) thăm Cam Ranh (3-6-2012) và được tiếp đón ở Hà Nội
Điều không nói ra thì ai cũng biết, rằng Việt Nam cũng không dễ gì cho phép Mỹ đặt chân đến Cam Ranh như một căn cứ quân sự, giữ một vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng đối với toàn vùng biển Đông. Nhưng với “cây gậy” khi to, khi nhỏ, khi có chông chà, khi có vẻ trơn tru mà Trung Quốc quậy phá ở Biển Đông, xâm phạm không những lãnh hải của Việt Nam mà của nhiều nước khác trong khu vực, buộc người ta phải lánh xa và cảnh giác các mối quan hệ với Trung Quốc. Rõ ràng Mỹ đã biết chớp thời cơ tận dụng lợi thế đó do Trung Quốc đem “cúng”. Ba thế mạnh quân sự là vũ khí, con người cùng với nghệ thuật tác chiến và quan hệ đồng minh đều không có một quốc gia nào xem nhẹ. Xuất phát từ quy luật của công tác bảo vệ an ninh trong chiến lược quốc phòng, quốc gia nào cũng phải nghĩ đến đối tác, xác định đối tượng để đảm bảo an toàn hiệu quả hơn.
Việc đến thăm Cam Ranh của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ diễn ra đã đạt được thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là trao đổi các chuyến thăm song phương ở cấp bộ trưởng quốc phòng mỗi ba năm. BT Panetta cho biết chuyến đi của ông là để cải thiện mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Sau đó ông đã đến Hà Nội, nơi ông đã được tiếp đón và làm việc với đối tác đồng cấp của phía Việt Nam, ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng. Hai bên đã trao đổi các hiện vật thời chiến tranh và đồng ý mở rộng một số địa điểm tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích (MIA) trong thời chiến tranh Việt Nam.
Suy cho cùng, trước sự “bất hảo” và tự tạo ra những động thái nguy hiểm của Trung Quốc đã phát sinh tình huống để Việt Nam phải mở ra hướng mới là thúc đẩy mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ. Việc Việt Nam mời ông Panetta tới Vịnh Cam Ranh là một bước đi táo bạo, có tầm chiến lược phòng thủ đất nước. BT Phùng Quang Thanh cho biết, mối quan hệ quốc phòng thân thiện, ổn định và toàn diện với Hoa Kỳ là lợi ích chung của cả hai nước cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong tinh thần đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khuyến khích các tàu hậu cần và kỹ thuật Hoa Kỳ đến các cảng thương mại của Việt Nam để bảo dưỡng. Hai Bộ trưởng đã đồng ý nâng mối quan hệ quốc phòng song phương lên một tầm cao mới, với phát biểu đáng chú ý của ông Panetta, rằng “Chúng tôi có một mối quan hệ phức tạp nhưng chúng tôi không bị ràng buộc bởi lịch sử đó”. Ông Panetta nói như thế là để khẳng định sự cam kết của hai nước Việt-Mỹ “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trao cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta các lá thư của quân nhân Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh có thể hiểu là VN muốn nhắc lại rằng, trong quan hệ hai nước đừng để xảy ra như quá khứ đã diễn tiến làm thiệt hại nặng nề cho cả hai bên, mà nhân dân là người chịu thiệt hại, đau khổ nhiều nhất. Mặt khác, ông Panetta cũng nhắc khéo rằng bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào từ phía Hoa Kỳ cũng sẽ đòi hỏi Việt Nam cải tiến về vấn đề nhân quyền…
Theo tác giả Phương Nguyễn, Nghiên cứu sinh Chương trình Đông Nam Á thuộc CSIS chuyên trách vấn đề Việt Nam: Chuyến thăm của ông Panetta là một biểu tượng sống động trong mối quan hệ Mỹ-Việt được tăng cường chỉ 17 năm sau khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đối với Hoa Kỳ, tiếp cận vào cơ sở ở Vịnh Cam Ranh có thể trở thành một khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ Việt-Mỹ.
Dù sao thì Mỹ cũng mừng thầm và cũng thầm cảm ơn Trung Quốc, do thiếu tỉnh trí và thấp mưu, đã giúp Mỹ có thêm cái cớ để Mỹ can thiệp và tăng cường sức mạnh quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương mà lại được các nước có chủ quyền ở Biển Đông hoan nghênh, thậm chí yêu cầu. Mỹ cũng mừng là: Kết hợp với cảng Changi ở Singapore và Vịnh Subic ở Philippines, Cam Ranh có thể thúc đẩy sự tiếp cận liên hoàn của Hải quân trên Biển Đông và hỗ trợ các nỗ lực của họ trong việc bảo vệ tự do hàng hải ở trên vùng biển này.
Có thể nói, bằng cách mời ông Panetta đến thăm Cam Ranh, Việt Nam củng cố lại thông điệp đã gửi ra lần đầu tiên khi mở lại cảng này cho phép tàu của Hoa Kỳ ghé thăm vào năm 2009: chào đón sự tham gia của Hoa Kỳ trong các hoạt động hàng hải ở Biển Đông. Tất nhiên, tình huống trong quan hệ đã đến mức như vậy thì những trở ngại từ phía đối trọng khác trong khu vực sẽ tiếp tục giúp mối hợp tác quân sự ngày càng sâu đậm hơn. Quan trọng nhất là hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, điều mà ngay cả những người ở Washington cũng háo hức thừa nhận rằng cần nêu rõ các mục tiêu có thể thực hiện được trong thời gian ngắn hạn. Các lãnh đạo phía Việt Nam vẫn kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục lãnh đạo khu vực và muốn mở rộng hợp tác song phương, kể cả các lĩnh vực an ninh, hàng hải, thương mại, và kinh tế. Rõ ràng Trung Quốc tự cho là siêu cường, nhưng thiếu hẳn một sự tính toán khôn ngoan mang tầm chiến lược trong khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là cả Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo ông Diêu Thụ Khiết, Giáo sư Hoa kiều tại Anh quốc, hiện là Viện trưởng Viện Trung Quốc học đương đại, Đại học Nottingham (Anh Quốc): “Trung Quốc đã là nước lớn nhưng luôn trong tình trạng bị bao vây kìm kẹp, thậm chí bị người khác “oán hận”. Nguyên nhân chính: Chính sách ngoại giao thiếu mưu trí; giới quan chức ngạo mạn, không biết cách học hỏi, luôn tự cho bản thân họ là đúng, khí phách thiên triều… Chúng ta không nhìn nhận ra vấn đề này, luôn tự cho mình là đúng, mù quáng tôn vinh bản thân là lớn mạnh, luôn luôn chiêm ngưỡng một cách quá đáng chính bản thân, đây mới chính là căn nguyên tồn tại của các vấn đề. Nền ngoại giao hiện nay mà Trung Quốc đang thực thi, ai nghe lời, ai nịnh bợ cần tiền thì Trung Quốc sẽ đối xử tốt với họ. Còn ai chỉ trích phê bình, ai chế giễu thì Trung Quốc sẽ căm hận. Cần biết rằng, những quốc gia không ngừng nịnh bợ cần tiền Trung Quốc đều là những quốc gia không có vị thế quốc tế. Chỉ có những quốc gia dám lên tiếng chỉ trích phê bình, thậm chí dám mắng nhiếc Trung Quốc, mới có năng lực ảnh hưởng đến toàn thế giới”. Và rằng “Trung Quốc vẫn chưa phải là quốc gia lớn nhất, mạnh nhất thế giới, giới quan chức phổ thông đã tồn tại thói quen coi những người nước ngoài như là nô tài của bản thân, thật sự là có khí phách của thiên triều. Giới quan chức phổ thông đã như vậy, giới quan chức cấp cao thì lại càng quá đáng hơn. Xin hỏi rằng, người nước ngoài đặc biệt là những quốc gia nhỏ yếu liệu có thật sự trở thành bạn bè của Trung Quốc được không, có thể không sợ sệt, không “hận” Trung Quốc được chăng?”.
Để đáp lại thiện chí chưa từng có của Hà Nội, Washington có thể sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, bao gồm các chuyến thăm và trao đổi ở cấp cao, tăng cường tập trận chung, hỗ trợ giáo dục quân sự và đào tạo sĩ quan Việt Nam, phối hợp giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, cũng như điều phối hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Sự ra đời của mối quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ mang nhiều hứa hẹn nhưng không kém phần tinh tế, và cần thời gian để tạo dựng niềm tin cũng như hiểu biết lẫn nhau để phát triển.
Hoa Kỳ còn là đối tác quan trọng quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam là tất nhiên. Điều không có gì khó hiểu, một vấn đề mang tính quy luật là nước yếu không đủ sức tự bảo vệ, trước thế lực nguy cơ thù địch ngày càng tăng sự đe dọa đến an toàn, an ninh, chủ quyền dân tộc, bắt buộc phải tạo dựng và mở ra các quan hệ mới có sự “tạo thế” đối trọng cần thiết . Cái khẩu hiệu cửa miệng “hữu hảo” của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với âm mưu và hành động, không ai ngu dại gì mà tin được mãi, buộc người ta phải cảnh giác và có biện pháp tự vệ, kể cả tự vệ trước mắt và lâu dài ở tầm chiến lược. Lòng tham không giới hạn thường phải trả giá. Mà “quả báo” nhỡn tiền đối với Trung Quốc là Mỹ đã gắn kết chặt chẽ hơn với các nước trong khu vực Biển Đông, từ Việt Nam đến Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Australia, Philippines và cả Nhật Bản. Nay Trung Quốc đã sai lầm chí tử về sách lược để rơi vào tình huống khó cải biến theo chiều thuận, đành phải “trơ mắt ếch” đứng nhìn Mỹ đang triển khai lực lương khu vực Châu Á -Thái Bình Dương.
Cái thế trận chữ C của Mỹ trên Biển Đông mà Trung Quốc làm rùm beng lên, coi như gọng kìm, lo sợ trở thành bàn tay giơ thế võ của Mỹ sẵn sàng xiết cổ Trung Quốc khi cần thiết. Người Việt Nam có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; hoặc câu: “Có hàng xóm, tắt đóm mượn đèn”. Nay khác với thời phong kiến ngày xưa nhiều rồi, không còn cái lối “Thiên triều” với “Chư hầu” nữa. Dù nhỏ đến mấy, khi đã thành quốc gia độc lập, được thế giới công nhận thì đều bình đẳng trong quan hệ và giao thương với bất cứ ai, đủ quyền xây dựng đối tác trong cung cách làm ăn gắn với xu thế toàn cầu hóa. Trung Quốc đem lòng tham và máu bá quyền để hành xử, làm mất lòng các nước, tự tách mình ra khỏi khu vực và cộng đồng quốc tế là coi như tự sát.
B. V. B.
Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/38151

0 nhận xét:

Đăng nhận xét