LTCGVN (22.06.2012) – California, USA – Mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày được gọi là “Báo chí Cách mạng Việt Nam”, cán bộ ngành Tuyên giáo từ trung ương xuống địa phương lại có dịp trổ tài khoe khoang thành tích làng báo, nhưng vẫn không quên lên giọng “giáo khoa thư” rao giảng luân lý đạo đức nghề nghiệp, bạo miệng cảnh giác “các thế lực thù địch, diễn biến hòa bình”, nhưng lại quên mất kẻ nội thù đứng trước mặt.
Năm 2012, kỷ niệm 87 năm ngày này (21-6-1925 – 21-6-2012) cũng vẫn bản cũ sao lại, nhưng có nhiều biến cố xẩy ra trong đảng và xã hội đã “xô ngã” nhiều “tượng đài thành công” đến ngượng mặt của làng báo Việt Nam.
Trước tiên, hãy đọc lời chích nhẹ của Lê Dõan Hợp, nguyên Bộ trương Thông tin và Truyền thông : “Trong những năm qua, báo chí nước ta tăng nhanh về số lượng, chất lượng và hình thức, nội dung đa dạng và phong phú hơn. Xét ở khía cạnh thông tin, báo chí làm được nhiều việc, nhưng chức năng giáo dục, phản biện, thậm chí vươn lên làm giám định thì chưa tốt…Báo chí ta hiện thiên về khen, nặng viết về hội nghị, hội thảo. Báo góp ý phê bình với tính chất phản biện để xây dựng thì ít, chưa đủ tầm, đủ lực và sức thuyết phục chưa cao.
Những vấn đề nóng của xã hội báo chí chưa khoan đến đáy, chưa xoáy đến gốc, chưa chọc sâu đến tận cùng. Tôi thấy chúng ta còn thiếu những bài báo có tính chiến đấu cao, dám lăn xả vào cuộc sống.” (VietnamNet, 21/06/012)
Cái tên “Báo cách mạng” do đảng CSVN tự “may áo” mặc cho báo chí của đảng từ Tháng 6/1985 để đánh dấu chuyện ra đời của báo Thanh niên do Hồ Chí Minh chủ trương ngày 21/6/1925.
Nhưng từ đó đến nay, làng báo của đảng đã “cách mạng” được bản thân đến đâu thì chỉ có lịch sử sau này mới “giải mã” được xem có thật những “nhá báo” Cộng sản Việt Nam đã xứng đáng được gọi là những người “chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng – văn hóa” như đảng tuyên truyền hay không?
Nhưng chính người Cộng sản đã khoe nhìn nhận làng báo này là “Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.” (Lê Nguyễn, báo Điện tử đảng CSVN, 21/06/012).
Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 cũng viết Báo chí có nhiệm vụ : “ Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Nói một cách nôm na: Báo chí là cái loa của đảng và nhà nước.
Nhưng có thật cái làng của những người làm báo phải, trước nhất “Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” như đã viết trong 9 Điều Qui định về đạo đức người làm báo đã xứng đáng được nhân dân tin cậy chưa, hoặc đã làm tròn nhiệm vụ “phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân” , hay chỉ biết viết theo lệnh đảng, dù trái với sự thật, lương tâm và lòng dân ?
Bởi vì nếu những người làm báo Cộng sản Việt Nam đã làm đúng phương châm chỉ dậy của nhà báo kỳ cựu Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương rằng họ phải có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” thì làm gì có những nhà báo “có mắt” mà không nhìn thấy 11 Cuộc xuống đường biểu tình của hàng trăm người dân từ Sài Gòn ra Hà Nội năm 2011 phản đối Tầu âm mưu xâm lấn biền đảo và lãnh thổ Việt Nam ?
Dạo ấy, có báo còn viết những người biểu tình chỉ “đi ngang qua” Tòa Tổng Lãnh sự Trung Quốc ở Thành phồ Hồ Chí Minh như đi chơi rồi tự giải tán , trong khi thật sự là họ đã căm phẫn mang theo biểu ngữ, bích chương, gào thét lên án Trung Quốc mà không có báo nào dám viết bài, đăng hình ?
Trong khi ấy thì cả thế giới được đọc tường thuật từng giây phút diễn hành của đòan người biểu tình và nhìn tận mắt hình ảnh, xem Video công an đàn áp dã man người dân yêu nước biểu tình bảo vệ Tổ quốc, nhưng người dân Việt Nam lại không hay biết gì vì báo, đải của đảng được lệnh cúi mặt làm ngơ và ngậm miệng !
Họ sợ đảng vì đảng sợ Tầu, hay nếu nói đến Tầu là đụng đến vấn đề “nhậy cảm” làm phương hại đến mối giao hảo giữa hai nước của tinh thần “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt” ?
(“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.)
Đây cũng là bằng chứng tại sao cả làng báo “cách mạng Việt Nam” đã không dám hé răng khi báo chí Trung Cộng dám chửi thẳng vào mặt lãnh đạo và nhân dân Việt Nam “vô ơn, bạc nghĩa và phản bội” khi họ kêu gọi quân đội Tầu tấn công chiếm hết các vùng lãnh thổ bao gổm các vùng biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông mà họ nói của họ.
Thế mà, trong bài viết “lên lớp” của mình trên báo đảng hôm 21/06 (2012), Lê Nguyễn đã thuyết minh dõng dạc rằng : “ Để thực hiện tốt chức năng của mình, báo chí cần đưa thông tin nhanh, kịp thời nhưng điều quan trọng là thông tin được đưa ra phải chính xác. Khi đưa tin cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng và chỉ công bố thông tin khi đã xác minh đúng sự thật. Làm báo không được phép hời hợt, đơn điệu, một chiều.
Các phóng viên hiện nay muốn làm báo tốt phải xông xáo, chịu khó rèn luyện “bút lực”, dấn thân, tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp… và điều quan trọng là phải thật sự tâm huyết với nghề, say mê nghề. Khi đã yêu nghề là thường gắn với sáng tạo và chấp nhận dấn thân, mạo hiểm… Hơn thế, sự cẩn trọng và kiến thức của mỗi nhà báo là vô cùng quan trọng. Chính những điều đó không cho phép họ để sai sót vì sự tín nhiệm của bạn đọc đối với phóng viên và tờ báo.”
Qúa hay va rất chính xác, nhưng hồi có các cuộc biểu tình chống Tầu thì Lê Nguyễn ở đâu mà không thấy “dấn thân” như những em bé, cụ ông, lão bà và nhiều thanh niên, thiếu nữ khác trên một số đường phố Sàigòn và quanh tượng đài Lý Thái Tổ gần bở hồ Gươm ở Hà Nội ?
TỪ VĂN GIANG ĐẾN VỤ BẢN
Chưa hết, trước “tiếng hót” của Lê Nguyễn, độc giả ở Việt Nam còn được nghe Thiện Văn hát ca trong bài “Tự do báo chí ở Việt Nam-thực tiễn sinh động” trong báo Quân đội Nhân dân ngày 25/04/2012 như sau:
“Trong hoạt động thực tiễn, chưa bao giờ báo chí được phát huy quyền dân chủ, hoạt động cởi mở, thông thoáng như những năm qua. Là người gắn bó lâu năm với hoạt động báo chí, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Bên cạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, báo chí luôn phát huy quyền dân chủ rộng rãi, chủ động tham gia phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi quốc nạn tham nhũng và các tệ nạn, tiêu cực xã hội. Báo chí thực sự là diễn đàn để phát huy quyền làm chủ, quyền tự do ngôn luận của người dân, là một kênh thông tin quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Báo chí Việt Nam không có “vùng cấm”, mà luôn phản ánh trung thực, toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, cả những mặt tích cực và tiêu cực, cả tình hình trong nước và quốc tế….”
Bài viết này xuất hiện chỉ một ngày sau vụ nông dân Văn Giang tỉnh Hưng Yên bị cả ngàn công an, dân phòng và băng đảng “xã hội đen” được thuê mướn đến đàn áp cưỡng chế đất cho dự án độ thị Ecopark ngày 24/04 (2012). Trong vụ này, những hìng ảnh, Video công an bắn đạn cay, đạn khói vào dân và đi lùng dân đánh đập tàn bạo gây thường tích cho một số người trong số có 2 phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam, Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long đã được truyền đi khắp thế giới.
Thế mà rất ít có báo tường thuật, đăng hình. Thảng hoặc đó đây xuất hiện ít bài rồi được lệngh gỡ xuống hay được lệnh phải im tiếng luôn, không được “tò mò” thêm chuyện của hai phóng viên bị đánh !
Như vậy thì báo chí đã được “hoạt động cởi mở, thông thoáng” ở chỗ nào trong xã hội có nhiều miệng lưỡi của những kẻ có chức, có quyền đã nói ngang nói ngược trước những sự thật hiển nhiên ?
Sau Văn Giang đến lượt nông dân ở Vụ Bản tỉnh Nam Định đị đàn áp cưỡng chế đất ngày 09/05 (2012) dã man không kém Văn Giang mà không thấy báo, đài trong nước nói năng gì, dù đầy đủ hình ảnh biểu tình, dựng lều, căng biểu ngữ đòi công bắng, chống cưỡng chế của nông dân đã được phóng lên Internet cho cả thế giới nhìn ?
Như vậy mà Hà Minh Huệ dám bảo là “Báo chí Việt Nam không có “vùng cấm”” à ?
PHẢN ĐỘNG NƯỚC NGÒAI ?
Thậm chí, không cần trưng bằng cớ cho báo chí biết mà Phó Chủ tịch thường trực Ủy Ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào còn báo cáo với Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng ngày 02/05 (2012) rằng :” Những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển, thì nhất định phải có biện pháp xử lý kiên quyết.
Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền.”
Kể cả Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng “tát nước theo mưa” để nói với Báo chí tại hành lang Quốc hội ngày 14-06 (2012) về vụ Văn Giang : “Vừa rồi, việc thu hồi hơn 5ha liên quan đến 166 hộ, do các thế lực bên ngoài lợi dụng, kích động nên trở thành vấn đề chính trị chứ không phải sai phạm gì. Việc này thì tỉnh cần làm thế nào để thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân, cơ quan thông tin đại chúng về tình hình thực tế. Chúng ta phải nói cho khách quan, trách nhiệm Nhà nước đến đâu, người dân đến đâu, sai đâu phải sửa đó, vi phạm pháp luật thì phải xử. Chúng ta phải làm sao không để thế lực nào lợi dụng để làm to chuyện lên.”
Nếu biết rõ “thế lực bên ngoài” và “những người lợi dụng dân chủ” đã cấu kết với nhau gây rối ở Văn Giang thì tại sao không công bố cho cả nước biết ?
Chuyện tầy đình có liên hệ đến danh dự của Tỉnh Hưng Yên và Nhà nước vẫn còn gây bất bình cho nhiều tầng lớp người dân trong nước mà lại để cho im thì kể cũng lạ.
Sự “thay gió, đổi chiều, xuống thang” của làng báo gọi là “cách mạng” trong việc thông tin các vụ người dân biểu tình khiếu kiện và cưỡng chế đất đai đã xẩy ra sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Báo cáo đánh giá Công tác Báo chí năm 2011 vào ngày 31 Tháng 3 2012, trong đó đã cảnh cáo báo chí về sự tích cực qúa đáng của họ trong vụ cưỡng chế đất của gia đình ông Đòan Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng ngày 05/01/2012.
Báo cáo viết : “Có bài báo, tờ báo thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không khách quan, mang tính một chiều. Đơn cử, liên quan vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) mặc dù đã được Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông 4 lần nhắc nhở, định hướng nhưng có một số tờ báo vẫn thông tin dồn dập, quá liều lượng cần thiết, mất cân đối với những vấn đề quan trọng khác của đất nước. Đáng lưu ý, trong khi nhấn mạnh sai phạm của chính quyền ở Tiên Lãng, Hải Phòng, lại thông tin “nương nhẹ” về những vi phạm, sai phạm của ông Đoàn Văn Vươn theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng. Một số báo thông tin, bình luận có tính suy diễn, cho rằng, gốc của vấn đề, vụ việc là do sở hữu toàn dân về đất đai trong khi thực ra, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức, thực hiện sai các quy định pháp luật đất đai về cho thuê đất, thu hồi đất, cưỡng chế đất cũng như do các quy định về quản lý đất đai thiếu đồng bộ, chống chéo, phức tạp.”
Khi lên án báo chí như thế thì báo cáo lại không dám nói năng gì đến những hành động sai trái của các cấp lãnh đạo ở Tiên Lãng và Hải Phòng cũng như lực lượng quân đội và công an đã tham gia cưỡng chế gây phẫn nộ cho cả nước.
Như vậy thì nên coi ngày kỷ niệm 87 năm của “Báo chí Cách mạng Việt Nam” hôm 21 tháng 06 (2012) như là một thành tích đáng dựng bia đá tuyên dương hay lên án cho điều được gọi là tự do báo chí phản cách mạng ở Việt Nam ?
Phạm Trần
0 nhận xét:
Đăng nhận xét