Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

RFA: Biển Đông đầy biến động


Nói biển Đông lại nổi sóng e không còn đúng nữa, vì trên thực tế đó đã là vùng biền động thường xuyên trên khía cạnh chính trị. Biến động mới nhất là Việt Nam phản đối Trung Quốc gọi thầu khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông.
Illustrated Wikipedia map
Vùng biển Thái Bình không yên bình

Không coi luật biển Việt Nam ra gì

Trung Quốc bác bỏ, nói sự phản đối đó vô hiệu. Trước lúc sự kiện này xảy tới, Trung Quốc đã phản đối Luật biển của Việt Nam vừa được quốc hội thông qua.  Tại sao Trung Quốc gọi thầu vào lúc này?
Đó là những lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam, trùng lên những lô từ 128 đến 132, và trùng từ lô 145 đến lô 156. Từ giới hạn đó vào Quảng Ngãi chỉ cách 76 hải lý, cách khu gần nhất ở Nha Trang là 60 hải lý.  Điểm gần nhất giữa Nha Trang và Phan Thiết có 57 hải lý và cách đảo Phú Quý 30 hải lý, theo như Tổng Giám Đốc PetroVietnam tuyên bố.
overlapped-blocks
Việt Nam mạnh mẽ phản đối và kêu gọi các công ty ngoại quốc đừng tham gia đấu thầu, vì khu vực này đã được thăm dò và khai thác từ nhiều năm nay do PetroVietnam cùng các đối tác ngoại quốc là các Tập đoàn dầu khí gồm ONGC VIDESH của Ấn Độ, GAZPROM của Nga, và Exxon Mobil của Hoa Kỳ.
Trung Quốc gọi thầu có thể để trả đũa việc mà Trung Quốc đã phản đối là Luật Biển của Việt Nam được quốc hội thông qua hồi tuần trước. Trung Quốc muốn chứng tỏ Luật Biển của Việt Nam vô hiệu, Bắc Kinh không coi ra gì.

Tái khẳng định “Lưỡi Bò”

Có ý kiến khác hơn thế, cho rằng bằng cách gọi thầu như vậy, Trung Quốc vừa trả đũa vừa tái xác định chủ quyền lãnh hải theo đường Lưỡi Bò mà họ áp đặt.  CNOOC, tức Tập đoàn dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc, nói là 7 lô trong số 9 lô này nằm trong vùng trũng mà họ gọi Trung Kiến Nam và 2 lô nằm trong một phần của các vùng trũng Vạn An và Nam Vĩ Tây, cũng do Trung Quốc đặt tên.
Tuy nhiên đây cũng không phải là điều bất ngờ, mà Việt Nam có thể đã dự đoán trước sau gì Trung Quốc cũng làm như vậy, từ khi Bắc Kinh phản đối New Delhi về dự án hợp tác với Việt Nam ở hai lô 127, 128 mà sau cùng Ấn Độ đã bỏ.
Ấn Độ quả đã rời đi và phải trả cho PetroVietnam 15 triệu đô la đền lại hợp đồng, nhưng New Delhi tuyên bố rằng công ty Ấn Độ đã rời bỏ hoàn toàn vì lý do kỹ thuật.
Việc mời thầu của Trung Quốc ở 9 lô trùng lên hải phận đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ có triền vọng ra sao?

Ai vội bỏ thầu!

Có hy vọng là các công ty ngoại quốc sẽ tiếp tục khai thác, thăm dò ở những nơi đã có  hợp đồng, nhưng sẽ phải do dự, chần chừ, để chờ xem diễn tiến cuộc tranh chấp lãnh hải ra sao ở những nơi chưa ký hợp đồng, và cũng chờ xem thái độ của Hoa Kỳ , Nhật Bản, Ấn Độ như thế nào.
Là những công ty quốc tế già đời, họ chưa vội lao ngay vào chỉ vì mối lợi dầu khí.
Thứ nhất, nhiều công ty quốc tế chủ trương không làm ăn ở những nơi có tranh chấp. Và thứ nhì là nguồn dầu khí để thăm dò và khai thác không hề thiếu đối với họ.
Thêm vào đó các công ty phương Tây làm ăn còn có đạo đức chính trị, một phần nữa cũng có sự tham vấn với chính phủ của họ, mà người ta tin rằng những chính phủ này không bênh vực Trung Quốc.
indian-oil-rig
Hoa Kỳ  và Nga từng tuyên bố họ có toàn quyền hợp tác kinh tế tại biển Đông, trong lãnh hải hợp pháp của các quốc gia liên quan. Các công ty đó sẽ quyết định hợp tác ở phần nào, với nước nào trong khu vực.

Ngoài ra, khu vực bị Trung Quốc gọi thầu đã có sẵn những phần diện tích mà các công ty Ấn Độ, Nga và Mỹ đã ký hợp đồng thăm dò - khai thác với Việt Nam. Total với BP chẳng lẽ tranh giành những lô dầu sát cạnh hay trùng hợp với GazProm, Exxon Mobil và ONGC?

Quyền tự do lưu thông

Trong những công ty quốc tế đó có Exxon Mobil của Mỹ. Hoa Kỳ không phê chuẩn Công ước Luật biển, Exxon Mobile có thể phán định phần nào thuộc về nước nào không?
Tuy không phê chuẩn Công Ước Luật biển nhưng Hoa Kỳ vẫn tôn trọng quan điểm của các quốc gia đối tác về lãnh hải và thềm lục địa. Song song với sự tôn trọng đó, Hoa Kỳ cũng giành quyền sử dụng hành lang đường biển dọc bờ biển mọi quốc gia trên khắp thế giới, trong những điều kiện không vi phạm luật biển quốc tế.
Ở biển Đông người ta thấy có lần Trung Quốc đã gây sự với máy bay thám sát của Hoa Kỳ hoạt động ở phía Nam đảo Hải Nam, chính vì Mỹ giành lấy quyền tự do lưu thông đó.
Biển Đông là hải lộ sinh tử của Trung Quốc cũng như của Nhật Bản và Hàn quốc ở Đông bắc Á.
Nhật, Hàn là hai đồng minh chí cốt,  hai cái chân đứng vững chắc của Hoa Kỳ ở Đông Á. Một phần lớn là vì yếu tố đó mà Mỹ thường nói hành lang thuỷ lộ biển Đông liên quan đến quyền lợi thiết yếu của họ .

Lưỡng đầu thọ địch?

Trong khi đó thì Philippines cùng Trung Quốc rút tàu ra khỏi Scarborough, và Manila lại khánh thành nhà trẻ trên đảo Thị Tứ mà họ đặt tên là Paga-sa. Phải chăng Việt Nam rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch”?
Thực ra Manila chẳng qua chỉ gỡ thể diện với người dân của họ trong lúc diễn ra cuộc đối đầu ở Scarborough, nơi mà hai bên bảo nhau kéo tàu ra khỏi vùng bãi cạn.
Thế “lưỡng đầu thọ địch”, có thể hình dung như uốn mình theo chữ S để tay với nắm Hoàng Sa, chân với giữ Trường Sa, thì Việt Nam đã phải gánh chịu từ khi Trung Quốc tấn công biên giới năm 1979 rồi công khai trở mặt áp bức trên biển Đông, chẳng phải chỉ vì mấy cái nhà trẻ của Philippines.
Đảo Thị Tứ là đảo lớn thứ nhì ở Trường Sa. Lớn nhất ở Trường Sa là đảo Ba Bình, cũng là tên của Việt Nam đặt, nhưng đã do Đài Loan chiếm đóng.  Đảo Thị Tứ trên bản đồ thế giới vẫn mang tên là Thitu Island, vì các nhà địa lý, hải hành quốc tế không biết viết dấu chữ Việt, chứng tỏ Việt Nam đã công bố chủ quyền nơi đó từ lâu.
blue-ridge-flagship
Nhưng chủ quyền ở Trường Sa nói chung, thì trên thực tế Việt Nam chỉ giữ được những đảo, đá, bãi hiện đang chiếm giữ chứ không thể nào giữ được tất cả, vì nó quá xa Bà Rịa- Vũng Tàu,  trong khi Palawan của Philippines ở gần nó hơn.
Việt Nam ban hành Luật biển xác định chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa để rộng đường ăn nói trên trường quốc tế và đề cao tinh thần tuân thủ Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc. Nhưng Trung Quốc cứ gọi đó là sự vi phạm Bản Tuyên bố về Ứng xử và vi phạm các hiệp ước song phương về lãnh thổ, lãnh hải.
Thực ra, về lãnh hải, hai bên chỉ ký Hiệp ước phân định vịnh Bắc bộ, theo đó Việt Nam vì nguyên tắc quốc tế về đường trung tuyến giữa hai lãnh hải, đã phải nhường cho Trung Quốc một số diện tích kha khá. Lãnh hải biển Đông nơi có các lô dầu khí không nằm trong hiệp ước này.
Bản tuyên bố về Ứng xử thì chính Trung Quốc đã vi phạm trước cả Philippines lẫn Việt Nam bằng những hành vi gây căng thẳng như diễu tàu Ngư Chính, đánh cá ở sát bờ Philippines, bắt giữ trấn lột tàu cá Việt Nam, gọi thầu ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam… nhưng vẫn lu loa lên án, vu ngược cho láng giềng “16 chữ vàng”!

Dù sao chăng nữa…

Việt Nam còn có lợi thế được phương Tây ủng hộ. Trong khi Hoa Kỳ kiên quyết đặt chân đứng ở châu Á, Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta chẳng phải ngẫu nhiên đến thăm tàu Mỹ và đặt nhẹ bàn chân lên bãi cát trắng Cam Ranh, thì Trung Quốc khó lòng lấn chiếm vào hải phận miền Trung bằng kinh tế cũng như bằng vũ lực.
Nhưng dù sao chăng nữa, nai lưng gánh vác lấy nhiệm vụ của chính mình, Việt Nam phải thật cương quyết chống lấn chiếm và xâm thực cả trên biển lẫn trên đất, cả chính trị lẫn kinh tế, thì mới mong giữ được nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét