Từ câu chuyện về cuộc đời của Gioan Tẩy Gỉa có thể rút ra nhiều bài học nhưng có lẽ ba điểm nổi bật nhất trong cuộc đời của Thánh nhân là: cách sống giản dị, tính khiêm nhường và sự cương quyết trước điều bất chính.
Cuộc đời của Thánh Gioan Tẩy Gỉa được Kinh Thánh kể lại như sau:
Thời vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê có một vị tư tế là Dacaria, vợ ông là bà Êlisabét. Cả hai ông bà đều là người công chính, sống đúng theo luật Chúa. Khi hai người tuổi đã cao mà không có con.
Trong một lần ông Dacaria vào dâng hương trong Đền thờ của Đức Chúa bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên hương án. Ông Dacaria sợ hãi và bối rối nhưng sứ thần bảo ông đừng sợ và cho ông biết Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét sẽ sinh cho ông một con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ông Dacaria thưa với sứ thần là ông và vợ ông đều đã lớn tuồi cả rồi. Sứ thần đáp rằng đã được Chúa sai đến để nói với ông tin mừng ấy và nói thêm “Ông sẽ bị câm, không nói được cho đến khi các điều ấy xẩy ra”. Dân chúng đứng cầu nguyện ở bên ngoài lấy làm lạ không biết vì sao ông ở trong Đền thờ lâu như vậy và khi ông trở ra thì ông không nói được nữa. Ông Dacaria trở về nhà. Ít lâu sau bà Êlisabét có thai và đến ngày sinh nờ.
Khi con trẻ được tám ngày họ đến làm phép cắt bì và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho con trẻ. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. Họ bảo bà trong họ hàng của bà chẳng có ai tên như vậy rồi họ làm hiệu hỏi người cha. Ông Dacaria xin một tấm bảng nhỏ và viết “Tên cháu là Gioan”. Ngay lúc ấy ông nói được.
Gioan lớn lên sống trong hoang địa. Ông mặc áo lông lạc đà ăn châu chấu và mật ong rừng cho đến ngày ra mắt dân Ítraen. Ông đi khắp vùng ven sông Giođan kêu gọi người ta chịu phép rửa để được tha tội. Đám đông lũ lượt kéo đến xin ông làm phép rửa. Nhiều người nghĩ Gioan là Đấng Mêsia nhưng Gioan đã cải chính và nói với họ “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”
Gioan bị vua Hêrôđê bắt giam trong ngục vì đã dám can ngăn khi vua lấy bà Hêrôđia là vợ của người anh. Tuy giam Gioan trong ngục nhưng vua biết Gioan là người công chính, thánh thiện nên không nỡ hại Gioan. Đến dịp mừng sinh nhật của mình vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Dịp này có con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ làm cho vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua rất mãn nguyện đã hứa với con gái bà Hêrôđia “Con xin gì ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được”. Cô gái đi hỏi mẹ và theo ý muốn của mẹ, cô gái nói với vua “Con muốn Ngài ban cho cái đầu của ông Gioan Tẩy Gỉa, đặt trên mâm”. Nhà vua buồn lắm nhưng đã trót thề trước mặt khách dự tiệc, không thể thất hứa. Vua sai người vào ngục chặt đầu Gioan.
Từ câu chuyện về cuộc đời của Gioan Tẩy Gỉa có thể rút ra nhiều bài học nhưng có lẽ ba điểm nổi bật nhất trong cuộc đời của Thánh nhân là: cách sống giản dị, tính khiêm nhường và sự cương quyết trước điều bất chính.
“Cuộc sống đơn sơ của Thánh Gioan Tẩy Giả cho chúng ta thấy Ngài không ham muốn của cải vật chất. Đó cũng là sứ điệp mà Thánh Gioan Tẩy Giả muốn nói với chúng ta. Vì ham muốn của cải vật chất sẽ làm cho chúng ta không phân biệt đâu là việc làm tốt, đâu là việc làm xấu. Ham muốn của cải vật chất sẽ làm chúng ta đánh mất đi lý tưởng cuộc sống. Ham muốn của cải vật chất còn là nguy cơ sẽ làm cho chúng ta chết vì của cải vật chất, một cái chết xấu hổ nhục nhã, một cái chết gây ra nhiều tai tiếng cho gia đình và xã hội. Hơn nữa ham muốn của cải vật chất sẽ làm cho chúng ta không còn nhớ đến Chúa, không còn khao khát Chúa, không còn tin Chúa là cùng đích của đời sống, vì thế cuộc đời chúng ta sẽ thiếu vắng Chúa. Thiếu vắng Chúa là chúng ta đánh mất Thiên Đàng. Vì mục đích cuối cùng của con người không phải là của cải vật chất, nhưng là Thiên Đàng. Thiên Đàng của chúng ta là chính Chúa, là hạnh phúc của mỗi người, là lý tưởng mà chúng ta phải theo đuổi”. (Linh mục Giuse Nguyễn Minh Chánh).
”Lúc ấy, sau khi bắt đầu cuộc rao giảng của mình, toàn dân đã kéo nhau đến với thánh nhân rất đông. Nhiều người trong số họ, kể cả Chúa Giêsu cũng đã bước vào dòng sông Giođan để được ngài thanh tẩy. Danh tiếng của ngài đã vang dội khắp nơi. Mọi người đều coi ngài là một vị ngôn sứ đến từ Thiên Chúa. Thậm chí, họ còn lầm tưởng thánh nhân chính là Đấng Messia mà Thiên Chúa đã báo trước. Lúc đó, thánh nhân chỉ cần im lặng thôi là có thể tận hưởng bao vinh dự dân chúng dành cho ngài. Thế nhưng, thánh nhân đã không làm như vậy”. (Linh mục Phêrô Trần Thanh Sơn).
“Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương, bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn, dân chúng lầm than, Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân. Qua mọi thời, những Ngôn sứ chân chính luôn thao thức với vận mạng Dân tộc. Vị vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, lấy vợ của anh mình là Hêrôđia. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay. Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu từ trong ngục. Đụng chạm đến những hôn quân bạo chúa thì chỉ chuốc lấy họa vào thân. Thế nhưng, lương tâm ngay chính, Gioan đã khẳng khái nói lên những lời cần phải nói cho dù phải trả gía bằng chính mạng sống mình. Sứ mạng Ngôn sứ thời nào cũng phải trả giá khi dám nói sự thật, khi dám đấu tranh cho công lý và dân chủ.” (Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An).
“Là Kitô hữu,chúng ta đã được thông dự vào một trong ba chức vụ của Đức Kitô đó là chức vụ ngôn sứ từ khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Là tu sĩ, là linh mục hay giám mục, thì trách vụ làm ngôn sứ càng phải được quan tâm chu toàn cách đặc biệt hơn. Có thể chúng ta vẫn đọc lời Chúa, vẫn giảng dạy lời Chúa, nhưng chưa hoặc không là ngôn sứ chính hiệu. Quả thật trong lịch sử vẫn có đó nhiều sứ ngôn giả hiệu, khi chỉ nói những lời dễ nghe, những lời a dua, phủ dụ lòng người, nhất là để lấy lòng kẻ có quyền, có chức hoặc vì sợ bị bách hại, bị mất thế, mất lợi, mất quyền” (Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)
Xã hội Việt Nam ngày nay đầy rẫy những “hôn quân bạo chúa” gian tham, dối trá và độc ác đã gây ra bao khổ đau cho người dân thấp cổ bé miệng. Xã hội ấy rất cần có những ngôn sứ can đảm và cương trực như Gioan Tẩy gỉa. Thực ra trong thời gian vừa qua tại Việt Nam cũng đã có những ngôn sứ “Gioan Tẩy gỉa” bất chấp hiểm nguy đã dám lên tiếng cho công lý và sự thật. Rất tiếc con số này chỉ đếm được trên đầu ngón tay còn hầu hết những ngôn sứ khác đã không làm tròn vai trò ngôn sứ khiến cho những “hôn quân, bạo chúa” như được khuyến khích để rat tay trấn áp, bóc lôt, gây khổ đau cho dân lành.
Mới đây hôm 15/5/2012 Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã ra bản “Nhận Định Về Một Số Tình Hình Tại Việt Nam Hiện Nay”. Bản Nhận Định đã nói lên những điều cần phải nói mà nhiều người cho rằng lẽ ra đã phải lên tiếng từ lâu rồi. Dù sao thì trễ còn hơn không. Hy vọng rằng không phải chỉ lần này mà HĐGMVN, những vị lãnh đạo Giáo hội cần phải thường xuyên lên tiếng, vạch rõ đường đi để giáo dân biết được phương hướng mà bước tới.
Xin Thánh Gioan Tẩy Gỉa hướng dẫn và ban sức mạnh để mỗi người Kitô hữu, nhất là các vị chủ chăn biết noi gương Thánh nhân, luôn sống can đảm và cương trực để hoàn thành sứ mạng ngôn sứ của mình và nhất là đừng bao giờ đi ngược lại đường hướng của Thánh nhân.
Lại Thế Lãng
Vermont- USA
Nguồn: NVCL
0 nhận xét:
Đăng nhận xét