Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

"Chưa bao giờ nền giáo dục kém và đáng xấu hổ thế này"

LTCGVN (25.06.2012) 

"Chất lượng nền giáo dục nước ta chưa bao giờ kém thế này, kém đến mức đáng xấu hổ. Nếu ngành giáo dục không thay nhanh tạo ra một cuộc đại phẫu, cắt bỏ hoàn toàn những ung nhọt ấy thì có lẽ sự thất vọng sẽ bị đẩy đến mức tột cùng, chẳng còn ai đủ sức kiên trì chờ đợi nữa", Nhà thơ Vũ Quần Phương lo ngại khi đánh giá về nền giáo dục nước nhà.
Vụ tiêu cực thi cử ở trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang) một lần nữa gióng lên hồi chuông đáng báo động về chất lượng giáo dục Việt Nam. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã có những chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam về chất lượng của nền giáo dục đang tồn tại nhiều vấn đề như hiện nay.

Nhà thơ Vũ Quần Phương


TÔI SẴN SÀNG PHÁ RÀO KÉO BỘ TRƯỞNG LUẬN LÊN BỜ
MẸ GS. NGÔ BẢO CHÂU: "CHÂU VẪN CÒN KỲ VỌNG VÀO NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM"

Có phần thiệt thòi cho những người bị đuổi việc

- Thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, theo ông quyết định cho thôi việc đối với 6 giám thị, cán bộ ở Trường THPT DL Đồi Ngô – Bắc Giang có hợp lí hay không?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi nghĩ rằng luận về tội thì quyết định đó là đúng, nhờ có chú học sinh quay được clip đem ra trình làng chúng ta mới thấy được tiêu cực và xử lí những người đó.
Nhưng đứng trên phương diện toàn thể phong trào thi cử, cũng như giám thị hiện nay tôi thấy phân vân và nghĩ có phần thiệt thòi cho họ vì họ bị lấy ra làm mẫu, làm thí điểm. Nếu xét theo hàng ngang ta sẽ biết rằng việc buông lỏng trong thi cử có xảy ra ở nhiều nơi, nhìn vào tỷ lệ đỗ là rõ.
Muốn chấn chỉnh được hiện tượng tiêu cực này cần phải có biện pháp triệt để chung cho toàn ngành giáo dục, chứ chỉ xử lí những người này thôi thì sẽ không thể giải quyết được tận gốc những tiêu cực mang tính toàn thể này được. Tiêu cực thi cử không phải là khuyết điểm riêng ở chỗ này mà còn xảy ra ở nhiều chỗ khác nữa.
- Giám thị bị đuổi, còn những người lãnh đạo chỉ bị cách chức theo ông thì việc xét xử này có thực sự là công bằng hay không?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Quan điểm của tôi luôn luôn là những người nào chịu trách nhiệm chính sẽ phải chịu hình phạt cao hơn vì người lãnh đạo cao nhất là người gây nên tất cả.

- Theo ông cần làm thế nào để chấn chỉnh được nạn tiêu cực này ở diện rộng?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi thấy cách đây vài năm, khi ông Nguyễn Thiện Nhân ở chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phát động nghiêm ngặt khẩu hiệu “Nói không với tiêu cực”, tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp có tụt xuống, việc thi cử được chấn chỉnh, nghiêm túc hơn. Tôi nghĩ rằng mình đã có kinh nghiệm làm rồi thì sao không tiếp tục đẩy mạnh, bổ sung thêm những biện pháp hay, nếu làm được như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ loại bỏ được tiêu cực.

Nếu cứ như thế này thì cuộc thi không còn ý nghĩa nữa, nên bỏ đi. Tổ chức một kì thi tốn kém mà trong 100 em để loại ra không đầy 1 em thì có đáng không?

Đừng làm hao hụt tâm hồn Việt- Thưa ông, đúng là năm 2007 khi thực hiện chủ trương “Hai không”, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lần 1 bị giảm đáng kể từ 94% giảm xuống còn 66%, có trường còn không có học sinh nào đỗ tốt nghiệp lần 1. Nhưng sau đó chưa đầy một tháng, BộGD&ĐT tổ chức thi lần 2, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lại được nâng lên đáng kể. Ngay như trường Đồi Ngô năm 2007 chỉ có 27 học sinh đỗ tốt nghiệp lần 1, nhưng qua lần 2 lại đỗ đến 80 – 90%. Ông có thấy điều gì đó không bình thường ở đây?
Nhà thơ Vũ Quần Phương
: Tôi cho rằng có hiện tượng đó là do chúng ta đã thay đổi tiêu chuẩn đỗ, hạ thấp tiêu chuẩn ấy xuống. Việc chấn chỉnh thi cử này cần phải làm một cách tiệm tiến, có lộ trình cho nhiều năm. Vì nếu chỉ một năm tỉ lệ đỗ tốt nghiệp từ 90% giảm ngay xuống 20% thì sẽ làm xô lệch rất nhiều nhân sự trong xã hội, tác động tới cả việc cung cấp sinh viên cho các trường ĐH,CĐ, cũng như nhiều nhu cầu khác và nhất là học sinh chưa quen, phụ huynh chưa quen, tạo ra những may rủi vô lối.

Đừng làm hao hụt tâm hồn Việt vì những tiêu cực trong giáo dục


- Thưa ông, nền giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều tấm gương học rất tốt. Đoàn đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic vẫn luôn đạt kết quả cao, không thua kém bất cứ nước nào, chúng ta vẫn có Giáo sư rất trẻ và tài giỏi như GS. Ngô Bảo Châu, GS. Vũ Hà Văn chẳng hạn... Điều đó cho chúng ta hy vọng có thêm nhiều điểm sáng nữa, và có thể khỏa lấp những thiếu sót chăng?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Còn nhiều điểm sáng, nhưng nhìn vào đại trà thì ta hỏng. Thắng lợi cục bộ thì ta vẫn giữ được một phần nào đó, nhưng thắng lợi cục bộ thì không đại diện được cho cả ngành giáo dục, nó đã tách khỏi đại trà. Trường chuyên, lớp chọn là cái tốt nhưng không phải là đại diện.

Về những người cụ thể như Ngô Bảo Châu, nền giáo dục của ta chỉ đóng góp đào tạo ra người ấy một phần ban đầu thôi, còn chủ yếu là do nền giáo dục nước ngoài đấy chứ.

Phải nói rằng thành tựu giáo dục của ta mới là từng điểm, từng diện thôi và nó không nhân lên được. Còn về toàn diện thì chúng ta đang bị tụt xuống. Hiện nay đang có hiện tượng học sinh “di tản” tại chính đất nước của mình: các em học trường nước ngoài mở tại nước mình, tốn kém tiền bạc và làm hao hụt tâm hồn Việt.

Nền giáo dục chưa bao giờ kém đến đáng xấu hổ thế này- Để thay đổi được một cách toàn diện cần phải có sự thay đổi mang tính đột phá từ chính những người quản lí, nhưng dường như không mấy người dám "dấn thân" thực sự?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi nghĩ rằng việc thay đổi này là rất khó, vì cơ chế kén người tài vào lo việc ở ta không rõ ràng và chưa chuẩn nên khó mà tìm người thực tài, gánh vác những việc quan trọng của đất nước. Câu chuyện này không phải bây giờ mới nói, nhưng khổ lắm, nói mãi rồi mà vẫn cứ phải nói nữa đấy vì có thấy chuyển biến gì đáng kể đâu.

- Theo ông, liệu sang năm tình trạng tiêu cực trong thi cử có còn xảy ra như năm nay hay không?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Nếu Bộ GD&ĐT can thiệp một cách mạnh tay, sáng tạo, kiên trì thì có thể sẽ làm cho hiện tượng tiêu cực này giảm đi đáng kể, tiến tới lành mạnh trở lại. Còn ngại can thiệp, ngại đụng chạm... thì nó vẫn tồn tại thôi. Chất lượng nền giáo dục nước ta chưa bao giờ kém thế này, kém đến mức đáng xấu hổ. Nếu ngành giáo dục không thay nhanh tạo ra một cuộc đại phẫu, cắt bỏ hoàn toàn những ung nhọt ấy thì có lẽ sự thất vọng sẽ bị đẩy đến mức tột cùng, chẳng còn ai đủ sức kiên trì chờ đợi nữa.
- Cụ thể thì chúng ta có thể thay đổi được gì sau vụ việc Đồi Ngô này không, thưa ông?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi nghĩ rằng nên biến vụ việc Đồi Ngô này thành cú hích lớn cho sự thay đổi nền giáo dục, ít nhiều thì cũng phải có sự chuyển động. Nếu không thay đổi được gì thì thật là tiếc công cho những người đã thực hiện việc tố cáo tiêu cực, cho những người tâm huyết với ngành giáo dục và chất thêm lo âu cho toàn dân .

Xin trân trọng cảm ơn chia sẻ của Nhà thơ!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét