Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần nơi thế gian

LTCGVN (27.06.2012)

Tôi rất bất ngờ khi bạn bè từ nước ngoài gởi cho bài luận “Bản chất của Thành Công” của Hà Minh Ngọc, học sinh lớp 10 tại Việt Nam, viết theo đề tài “Một bài học ý nghĩa, sâu sắc mà cuộc sống đã tặng cho em.” Tìm trên Google đưa ra kết quả 23.100 nguồn. Xin xem toàn văn của Tuổi Trẻ Online:
Trang Web của Tổng Giáo Phận Huế cũng đăng tải:
Như vậy thì ngoài những rùm beng về một số siêu người mẫu lộ ảnh nóng hay bán dâm, những nhức nhối về nền kinh tế rất khó khăn hiện nay… thì dân ta vẫn luôn biết trân trọng những gì thật sự là cao đẹp.
Tôi vốn không ngưỡng mộ nền văn nghệ văn chương Xã Hội Chủ Nghĩa mang tính giáo điều hoang tưởng, cố rập khuôn con người thành những cỗ máy không có suy tư độc lập, đề cao sự nhẹ dạ của những con người ngây ngô trong các tác phẩm Ruồi Trâu, Thép Đã Tôi Thế Đấy...
Năm 1975 lần đầu tiên xem một bộ phim Xã Hội Chủ Nghĩa mang tên “Đường Về Quê Mẹ” ( sản xuất năm 1971 ), tôi phải hãi hùng trước cảnh đám trẻ cùng xem phim vỗ tay reo hò khi anh chàng Núi vác nguyên một trái bom nặng cả tấn trên vai ( ngay đến một con voi cũng không mang nổi ) và chạy vòng quanh một cái núi như một nhà vô địch Olympic.
Một anh hùng trong một bộ phim khác ngày hôm trước còn đi cầy ruộng với một con trâu ( cho đúng với lập trường đấu tranh giai cấp ) thì sau khi giác ngộ cách mạng và trở thành chiến sĩ tình báo trong lòng quân địch đã biết nhảy đầm điệu nghệ như ca sĩ Nguyễn Hưng khiến cho các cô gái chết mê chết mệt, bắn súng giỏi như Điệp viên 007, nói ngoại ngữ như gió, đối đáp trôi chảy thâm sâu khiến cho ngay cả Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục phải khiếp sợ ?!?
Không biết các anh hùng này bây giờ biến đi đâu hết khiến cho giấc mơ vàng Olympic của Việt Nam vẫn chưa đạt được và làm gì còn có tin kinh hoàng như sau: Trong số 700 giáo viên của tỉnh Bến Tre tiến hành kiểm tra, chỉ có 61 người đạt yêu cầu. Ở Huế, chỉ 5 trong số 500 giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học và trung học đạt chuẩn trong kỳ thi do Hội đồng Anh tổ chức.
Bài văn “Bản chất của Thành Công” xuất phát từ nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa được nhiều người đánh giá là khác lạ và có sức lan tỏa mãnh liệt vì nó đưa ra một định nghĩa không theo khuôn khổ sáo mòn.
Nếu thành công là có thành tích tỏa sáng vượt lên trên mọi người khác thì chỉ rất ít người dám nhận mình thành công. Thành công chính là ở chỗ nhìn ra ý nghĩa của thành công đối với chính mình, dù mình đã thất bại, và đối với những con người chung quanh mình, dù họ rất nhỏ bé trong xã hội.
Một người con trai biết vào bếp nấu cho mẹ một bữa ăn dù rất dở, đó là thành công. Xã hội tôn vinh những thủ khoa á khoa trong các kỳ thi tuyển nhưng chính các học sinh thất bại, họ chiếm đa số tuyệt đối, cũng thành công đấy chứ nếu họ đã biết cố gắng hết sức và, quan trọng hơn, biết đón nhận những cơ hội khác đang chờ đón họ. Thi rớt không phải là đường cùng.
Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm ? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành-công-bị-trì-hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.
Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates ? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.
Độc đáo nhất là ý thức Bảo Vệ Sự Sống của bài viết:
Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi” ( Hà Minh Ngọc, Bản chất của thành công ).
Bài viết này dù mang tính thế tục, đặt nặng tình người giữa những cá nhân với nhau, coi tình người cao đẹp mới là chuẩn mực của thành công, nhưng đối với tôi nó lại tỏa sáng âm hưởng của Tin Mừng Chúa Giêsu dành cho người nghèo.
Tin Mừng chỉ dành cho người nghèo chứ không dành cho ai khác và Chúa Giêsu cũng chỉ muốn mang đến Tin Mừng cho người nghèo.
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” ( Lc 4, 18 ).
Dòng Chúa Cứu Thế có tôn chỉ Loan báo tin mừng cho người nghèo, nhất là những người bị bỏ rơi hơn cả. http://cuuthe.org/lichsutinhdongchuuacuuthe.shtml
Càng ngày cách Loan Báo Tin Mừng của chúng ta càng trở nên lạc lõng không được thế gian đón nhận bao nhiêu vì chúng ta chỉ nói cho nhau nghe chứ không nói theo cách thế gian có thể chấp nhận được.
Giả sử em Hà Minh Ngọc là một học sinh Công Giáo đang học Giáo Lý thì với đề tài “Bản Chất Của Nên Thánh” em sẽ viết ra sao với tầm nhìn của mình ?
Đối với Kitô hữu thành công ở trong đạo tức là Nên Thánh theo như đòi hỏi của Chúa Giêsu.
“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên Trời là Đấng hoàn thiện” ( Mt 5, 48 ).
Đó là một đòi hỏi tuyệt đối, không Kitô hữu nào có thể chối từ được. Không làm được điều này là vĩnh viễn đánh mất luôn Nước Trời.
“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” ( Mt 13, 45 – 46 ).
Tôi mạo muội cho rằng em Hà Minh Ngọc có thể sẽ viết bài văn như sau:
Đã bao giờ bạn tự hỏi Nên Thánh là gì mà mọi Kitô Hữu theo lời dạy của Chúa phải dành trọn cuộc đời để theo đuổi ? Không Nên Thánh thì coi như ta đã phí uổng cuộc đời mình đi.
Phải chăng, đó là kết quả hoàn hảo trong mọi việc đạo đức, chính xác đến từng chi tiết ? Hay đó là cách nói khác của từ có thánh đức tỏa sáng được mọi người nể phục như Thánh Martin de Porrès có thể bay sang Phi Châu, Trung Quốc và Nhật Bản. Thánh Antôn thành Pađua có tài giảng đạo lôi cuốn đến độ chim trời cũng phải sà xuống đất mà nghe. Thánh Phanxicô Xaviê đi khắp tứ phương thiên hạ. Hay bạn sẽ cho rằng mình phải thuộc về thành phần “ưu tuyển” của Đức Mẹ theo như Thánh Louis de Monfort đề cao…?
Bạn buồn rầu vì Nhà Hội Nghị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xây dựng hoành tráng quá, tốn kém đến 50 tỷ, mà con trâu của bạn lại lăn đùng ra chết bất ngờ khiến bạn không có cơ hội đóng góp ( gởi của về cho đời sau ). Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người Nên Thánh theo một cách giản dị đến bất ngờ.
Nên Thánh là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8 tháng 3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.
Nên Thánh còn là một cậu bé không được thông minh lắm, không bao giờ đạt thành tích cao trong việc học. Từ nhỏ, cậu đã nuôi ước mơ trở thành một Linh Mục. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé cũng được tham dự một kỳ thi tuyển ứng sinh cho chức Linh Mục. Qua được vòng một thi viết cậu lại vấp ngã ở vòng hai vấn đáp vì cậu mắc tật cà lăm và vĩnh viễn đánh mất ước mơ của mình. Nhưng đó không phải là thất bại mà là Nên Thánh đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Nên Thánh ấy, liệu có mấy người đạt được ?
Cũng như cậu, còn có bao nhiêu ứng sinh khác thất bại trên con đường theo đuổi ơn gọi của mình vì nhiều lý do khác nhau. Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là Nên-Thánh-bị-trì-hoãn mà thôi. Cuộc đời vẫn chào đón họ với những cơ hội Nên Thánh không hề kém giá trị. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên và cũng là bản chất của Nên Thánh.
Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một chân dung Nên Thánh, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có vị Thánh nào mà không có tình cảm thiêng liêng như thế ?
Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là Nên Thánh vĩ đại chăng ? Nhưng có một Nên Thánh khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích-lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hy vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá-học-của-một-người-cha.
Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hy sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, cô vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một con đường Nên Thánh lớn lao”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.
Kitô Hữu luôn khát khao Nên Thánh, nhưng mù quáng theo đuổi Nên Thánh với những cuộc hành hương tốn kém đến tận Jerusalem, Roma, Fatima, Lourdes thì thật là vô nghĩa. Con cái bạn sẽ phải làm Linh Mục hay Tu Sĩ chăng ? Bạn tự hào vì có quen thân với vài Đức Cha chăng ? Mỗi ngày bạn sẽ đọc 150 kinh Kính Mừng chăng ? Vào lúc 3 giờ chiều bạn sẽ chạy vội đến Nhà Thờ tham dự lễ nghi kính Lòng Thương Xót Chúa chăng ? Bạn muốn Nên Thánh ư ? Vậy thì dành ưu tiên cho những việc làm nhàm chán không tên để cho gia đình bạn luôn được ngăn nắp gọn gàng. Bạn không thể trợ giúp những bệnh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh cũng không sao. Nhưng khi có dư chút đỉnh hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có cả về tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự Nên Thánh.
Cũng có khi bạn ước mơ Nên Thánh theo cách của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chăng ? Chúa đâu có đòi hỏi bạn phải vĩ đại như thế. Nên Thánh chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn bằng lòng chấp nhận con đường Nên Thánh mà Chúa đã dành cho bạn với cuộc đời nghèo khổ long đong chẳng ra gì của bạn. Nên Thánh đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế !
Bạn được sinh ra, đó là một Thánh Tích vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của Thánh Tích ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi tội lỗi. Còn đối với tôi, Nên Thánh là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là Nên Thánh.
NGUYỄN TRUNG
Theo EPHATA số 515

0 nhận xét:

Đăng nhận xét