Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Những người biết hối hận

LTCGVN (24.06.2012)


 Họ là những người suốt quảng đời trai trẻ đầy nhiệt huyết đã hiên ngang hiến mình cho Tổ quốc, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi ách xiềng gông của thực dân, phong kiến. Nhưng, con đường họ đi đã không được như ước mơ họ từng hoài bão, họ thấy đã bị đánh lừa, bị cướp công và cả bị phản bội. Họ đã nhận ra cái sai lầm của mình là đã gây hậu quả thảm hại cho đất nước, cho dân tộc như ngày hôm nay và họ đã can đảm nói lên cái sai lầm của mình cho mọi người biết, nhất là tuổi trẻ để tránh xa vết xe mà họ đang phải ân hận. 

Học giả Nguyễn Hiến Lê, người suốt đời chỉ lo viết sách trong đó có quyển Đắc Nhân Tâm, Quảng gánh lo đi và vui sống,… sách dịch nổi tiếng xuất bản đầu thập niên 1950. Ông không tham gia chính trị nhưng ông đã can đảm thừa nhận có một nhận định sai lầm về chính trị và đã được bộc bạch trong trong Hồi Kí tập III do nhà XB Văn Nghệ xuất bản như sau:

“Tôi vốn có cảm tình với Việt Minh, với cộng sản; ghét thực dân Pháp, Mĩ, nhất là từ 1965 khi Mĩ đổ quân ào ạt vào miền Nam; tôi khinh những chính phủ bù nhìn của Pháp, Mĩ…(trang 17)

“Chế độ mới… muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ dăm năm. Đó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng mà tôi và có lẽ cả 90% người miền Nam rút được từ năm 1975 tới nay…(trang 25)

“Chính sách đổi tiền của chính phủ càng thất nhân tâm hơn nữa… (trang 40). “Lần đó là lần đầu tiên tôi thất vọng, thấy rõ chân tướng chẳng tốt đẹp gì của các đồng chí cách mạng trong CNXH đã được Hồ chủ tịch dạy dỗ mấy chục năm. Họ bỉ ổi, bê bối còn hơn chế độ tư bản nữa”. (trang 42)

Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch MTTQ TP.HCM, người thuở còn là sinh viên đã từng biểu tình chống chính phủ VNCH, chế độ mà ông muốn lật đổ. Ngày nay sống dưới chế độ cộng sản độc tài toàn trị đã làm cho xã hội Việt Nam bị băng hoại đủ mọi mặt ngay cả việc bảo vệ Tổ quốc khiến ông phải lên tiếng “đóng góp” qua bài viết “Ai biến chất chính trị và ai là người diễn biến?”

“Viết đến đây, tôi cảm khái ngước mặt lên trời mà than rằng: “Lịch sử ơi, sao chơi trò trớ trêu và cay đắng quá vậy. Ta đi chống chế độ cũ đàn áp nhân dân, nay ta lại gặp cảnh cũ như là trong cơn ác mộng!...

“Nhân dân Việt Nam trải qua biết bao hy sinh của các thế hệ để mong ước có một chế độ xã hội tốt đẹp hơn nhưng nay lại có nhiều điền còn tệ hơn chế độ cũ. Con thuyền Việt Nam đang bị lái chệch hướng vào con đường của thời kỳ chủ nghĩa tư bản nguyên thủy, tư bản man rợ chỉ biết đấu đá, giẫm đạp lên nhau mà sống bất kể những tiếng kêu thấu trời của quần chúng”. (Bauxite Việt Nam online ngày 2-5-2012)

Và trong lần trả lời đài RFI, ông Đằng nói:

“Trước đây số anh em sinh viên chúng tôi chống Mỹ rất rõ ràng. Nhưng nay cái đau của chúng tôi là sau khi đã đấu tranh vì độc lập cho đất nước, thì chúng tôi nghĩ rằng sẽ xây dựng một chế độ tốt đẹp hơn. Nhưng không ngờ ngày nay lại xảy ra những sự kiện rất là đau lòng”. (RFI online ngày 4-5-2012)

Hai ông Huỳnh Nhật Hải, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Đà Lạt và em là Huỳnh Nhật Tấn, nguyên Phó giám đốc trường Đảng tỉnh Lâm Đồng, gia đình có truyền thống cách mạng trước 1945, có tiềm năng rất lớn về quyền lực và quyền lợi, ấy thế mà hai ông đã có lần trò chuyện với bác sĩ Phạm Hồng Sơn nói rõ nỗi lòng mình.

- H.N.Tấn: “Tôi còn nhớ trong lá đơn xin ra khỏi đảng lúc đó tôi viết một câu: “Tôi không tin đảng CSVN có thể lãnh đạo đất nước đạt được những điều tốt đẹp như đảng thường nói”.

- H.N.Hải: “Tôi không còn động cơ để phấn đấu cho mục tiêu và lý tưởng của đảng nữa…tôi không tin đảng CSVN nữa…”

“Anh em chúng tôi trước khi quyết định bỏ về đã nói với nhau là “chúng ta đi làm cách mạng không phải để xây dựng nên một nhà nước chuyên chính độc tài như thế này”…

- H.N.Tấn: “Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng nên chế độ độc tài hiện nay, đã vô tình đem lại sự đau khổ hiện nay… tôi cũng đã vô tình góp công sức đưa những người mang danh là “cách mạng” nhưng thực chất là vì quyền lực tới phá bỏ một chế độ đã được xây dựng trên những căn bản về tự do, dân chủ và nhân bản tại miền Nam Việt Nam”.

- H.N.Hải: “Bây giờ nhìn lại, con đường chúng tôi đã đi trước 1975 là một con đường sai lầm. Sự nhiệt huyết lúc đó của chúng tôi đã đem lại bất hạnh hơn là hạnh phúc cho dân tộc” (Dân Làm Báo online ngày 29-4-2012).

Trong lần trò chuyện với nhà văn nữ Phạm Thị Hoài, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự cũng đã tâm sự:

“Trên đường từ Hà Nội về Đà Lạt, tôi đã viết dự thảo tuyên bố ra khỏi đảng, chung cho Bùi Minh Quốc và tôi. Anh Quốc không đồng ý, anh nói nếu cần cứ để bị khai trừ và tiếp tục khiếu nại như một cuộc đấu tranh nội bộ đảng, làm rõ đúng sai, tranh thủ những người tốt trong đảng… Cuối cùng, sang năm 1989, cả hai đều bị khai trừ sau cuộc đấu tranh gay gắt trong Hội Văn nghệ Lâm Đồng và nội bộ đảng, không chỉ ở đảng bộ địa phương mà liên quan đến tận trung ương” (Dân Làm Báo online ngày 30-1-2012).

Nhà thơ Bùi Minh Quốc trước đây cũng đã làm một bài thơ nổi tiếng nói lên cái tâm trạng chán chường và hối hận qua bài thơ “Cay đắng thay” được nhiều người truyền tụng.

“Cái guồng máy nhục mạ con người
Mang bộ mặt của người cuốc đất
Ù lì quay
Quay
Thao thao bài đạo đức
Liệu mấy ai còn ngây?
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cổ máy này”.
(Thica net online ngày 17-2-2011)

Trần Độ, vị tướng khai quốc công thần của chế độ cộng sản, người hiến thân cho cách mạng từ tuổi trẻ, song vào những ngày gần cuối đời ông nhận ra là mình sai lầm và cay đắng vì đã làm một việc “Lại đúc nên chính cổ máy này”. Chính ông là người làm cái việc cởi trói cho văn nghệ sĩ và rồi ông đã bị sa thải khỏi đảng, cái đảng mà ông đã trọn đời phục vụ. Ông chua chát nhận định:

“Cứ xem xã hội VN hiện nay, cuộc sống VN hiện nay, thì có thể thấy một nét lớn rất đau lòng là: tất cả những gì xấu xa, tàn bạo, mà cách mạng có lúc xóa bỏ và đập tan thì nay đang được khôi phục lại hoàn toàn, mà khôi phục lại còn mạnh hơn, cao hơn, nhân danh cách mạng. Bộ máy quản lý xã hội thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính” (Nhật ký Rồng Rắn - trang 35).

Trong bài “Việc hệ trọng hàng đầu hiện nay” tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nhắc lại cái thắc mắc của ông Nguyễn Trung, nguyên đại sứ của Việt Nam ở Thái Lan nói lên điều bức xúc của ông trước hiện tình đất nước:

“Nếu biết cái đích đi tới được sau 35 năm độc lập thống nhất là thực trạng mọi mặt đất nước như hôm nay, liệu dân tộc ta trước đây có dám hy sinh chiến đấu hết thế hệ này đến thế hệ khác như vậy dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN hay không?” (Đối Thoại online ngày 11-10-2010) (*) Hỏi tức đã trả lời – tác giả.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Bắc kinh năm nay đã ngoại cửu tuần, ấy thế mà cụ vẫn thường theo dõi tình hình đất nước dưới sự cai trị của cái chính phủ mà cụ đã từng tham gia, cụ cảm thấy có trách nhiệm với việc làm của chánh phủ này.

“Dưới thời thực dân Pháp thống trị, ngay khi vận động cách mạng bí mật để giải phóng đất nước, đảng đã nêu khẩu hiệu “Người cày có ruộng” đáp ứng khát vọng của nông dân, nên nông dân hăng hái theo đảng… Sao các ông bà chính quyền hôm nay lại phản bội lại nông dân?... Tiếng kêu la thảm thiết cả cánh đồng.

“Những người bị bắt không biết ra sao, không biết có ai bị đánh chết tại trụ sở công an như đã từng xảy ra ở một số nơi không? Sao mà chính quyền bất nhân, vô đạo đức đến thế? Sao công an tàn ác dã man đến thế, đánh dân như kẻ thù? (RFA online ngày 21-5-2012).

Cụ nhạc sĩ Tô Hải, một nhà cách mạng lão thành đã “bớt hèn” nên nói lên lời “tự thú” lúc “đã về hưu”, lúc “chẳng còn gì để mất hay để sợ”. Bây giờ đã trên tuổi tám mươi, sức đã yếu, lực đã kiệt mà cụ vẫn còn nhiều trăn trở, lòng già ray rức vẫn chưa yên.

“Nhưng tôi đã quyết: 55 năm miệng bị lắp khóa kéo, nay đã già, đã về hưu, có chia xẻ với bạn đọc những hồi ức của đời mình thì cũng chẳng còn phải các lời ong tiếng ve rằng mình vì tư lợi, muốn kiếm chác cái gì…

“Hi vọng rằng sau khi đọc hồi ký này người đọc sẽ thương cảm cho tôi, cho các bạn tôi, những người ngây thơ, tội nghiệp, cả cuộc đời bị lừa dối và đi dối lừa người khác một cách vô ý thức (Hồi ký của một thằng hèn – trang 53).

Lượt qua tâm sự của những nhà cách mạng lão thành đã một thời hiến dâng cho cách mạng những mong xây dựng một đất nước hùng cường xứng danh con Hồng, cháu Lạc. Nhưng tất cả đã vỡ mộng, tất cả sự phũ phàng ngày hôm nay làm cho các cụ cảm thấy mình là người có tội đã “Đúc nên chính cổ máy này” và đã đến lúc nói lên lời “sám hối”. Tất cả các cụ vì bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ mắc phải sai lầm bị “lợi dụng” tình yêu nước nên đã tiếp tay cho những người lưu manh vong bản tôn thờ chủ nghĩa ngoại lai. Chúng ta có thể thấy được tất cả các cụ hoàn toàn bị lừa dối như lời trần tình của cụ Tô Hải trong “Nhật ký của một thằng hèn”; như tiến sĩ Hà Sĩ Phu trong “Chia tay ý thức hệ”; nhà văn Nguyễn Khải trong “Đi tìm cái tôi đã mất”; nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong “Ly thân” và còn nhiều… nhiều nữa… đều đã bị lừa và đã can đảm nói lên được điều mình bị lừa để cảnh giác cho mọi người Việt Nam còn chưa biết về cộng sản và nhất là những thanh niên, học sinh còn non trẻ thấy được con đường sai lầm của người đi trước mà tránh xa.

Nguyễn Chí Đức, người đảng viên cộng sản hăng hái tham gia biểu tình chống Trung cộng xâm lược đã bị “đồng chí” công an của “đảng ta” đạp vào mặt nên đã thấy được bộ mặt thật của cái đảng mà mình tham gia. Nguyễn Chí Đức tâm sự:

“Đặc biệt chính đảng CSVN làm thui chột tình yêu quê hương, đất nước, làm tha hóa không những các thành viên cao cấp và hàng triệu đảng viên thường mà làm băng hoại xã hội. Ai mới gia nhập đảng CSVN đều đầy hoài bão, nhiệt huyết, tâm hồn trong sáng nhưng chỉ một thời gian sau tất cả (bao gồm cả tôi) ít nhiều đều bị tha hóa, chán nản, bị nhồi sọ, bị ám ảnh bởi quyền lực tuyệt đối mà sinh ra tàn độc, thủ đoạn với đồng chí của mình nói riêng và dân tộc nói chung (Dân Làm Báo online ngày 18-6-2012).

Trong bài “Nhật ký mở đầu năm Nhâm…Rồng!” cụ Tô Hải nhắc lại lời của hai nhà cộng sản gộc quốc tế đã nói lên sự nhận định về cộng sản để đời như sau:

“J.P. Sartre giã từ chủ nghĩa cộng sản lại dám công khai lên tiếng: “Tôi phản bội tức là tôi đi tìm sự trung thành mới” hoặc “Ở hai mươi tuổi, không theo chủ nghĩa cộng sản là không có trái tim, ở tuổi bốn mươi mà vẫn đi theo chủ nghĩa cộng sản là không có cái đầu”…

“TBT đảng CS Liên Xô Gorbachev: “Cả cuộc đời tôi đi theo chủ nghĩa cộng sản chỉ thấy toàn là nói dối, nói dối và nói dối” (nghĩa là những gì vừa nói về Perestroika và Glasnost trên “cương vị cũ” cũng là nói dối nốt)” (Dân Làm Báo online ngày 30-1-2012).

Đại Nghĩa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét