Từ đó, đã xảy ra biết bao nhiêu vụ chính quyền cộng sản áp bức, cưỡng chế bằng vũ lực để cướp đoạt đất đai của người dân. Đất đai là nguồn sống chính của nông dân, nên khi họ bị tước đoạt đất đai thì họ mất kế sinh nhai, bị đẩy vào đường cùng. Trên danh nghĩa, chính quyền cũng có đền bù một số tiền rẻ mạt cho những đất đai bị cưỡng chế; số tiền đó chỉ có tính tượng trưng, không thể giúp người nông dân tạo nên được một cuộc sống mới, mà trái lại họ bị đẩy vào cảnh bế tắc không lối thoát. Kể từ năm 1980 – là năm HP XHCN ở VN được ban hành – đã có hàng triệu người bị tước đoạt ruộng đất như vậy, họ được gọi là “dân oan”. “Dân oan” là một thảm kịch của hàng chục triệu người lao động VN hiện nay! Họ đã đi khiếu kiện trên 30 năm trời tại các cơ quan nhà nước, nhưng vô hiệu, vì các cơ quan này không hề giải quyết thỏa đáng, thậm chí lờ đi. Vì quá oan ức, “dân oan” ở khắp nơi đã nhiều lần quyết liệt đứng lên đấu tranh. Đặc biệt là cuộc biểu tình hàng nghìn người cuối năm 1996 ở tỉnh Thái Bình, rồi biến thành cuộc nổi dậy trong nhiều tháng hồi năm1997 của hàng chục nghìn nông dân 5 huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Đông Hưng, Thái Thuỵ (trong số 7 huyện) tỉnh Thái Bình; tiếp đến là hai cuộc nổi dậy của hàng chục nghìn người Thượng vùng Tây Nguyên hồi năm 2001 và năm 2003; sau đó là cuộc biểu tình 27 ngày đêm liền hồi năm 2007 của hàng nghìn nông dân 19 tỉnh thành miền Nam là Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước, Mỹ Tho, Bến Tre, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận… và 9 quận huyện tại Sài Gòn.
Điều nổi bật đáng ghi nhận là trong khi tiến hành việc cưỡng chế thu hồi đất, cán bộ nhà nước cố ý phóng đại nhu cầu thực sự của kế hoạch với chủ đích là để chiếm đoạt được càng nhiều đất càng tốt, chiếm hữu phần thặng dư không dùng, và đem bán lại cho nhà kinh doanh nào trả giá cao nhất (với giá cao gấp 10 lần hoặc hơn nữa so với giá bồi hoàn) và chia nhau bỏ túi số tiền sai biệt. Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Tham Nhũng năm 2012, tham nhũng trong lãnh vực đất đai được xếp hạng hai, chỉ sau lãnh vực giao thông vận tải.[1]
Việc cưỡng chiếm này thường xảy tại các vùng đất phì nhiêu được bồi đắp qua nhiều thế hệ nông dân và đã gây những thiệt hại quá lớn lao cho giới nông dân thấp cổ bé miệng, không biết cậy nhờ kêu cứu vào đâu. Sự tham nhũng và bất công trong việc quản lý đất đai nầy góp phần không ít tạo nên hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội càng ngày càng lớn hơn. Người giàu càng giàu thêm, và người nghèo càng nghèo đi. Trong những năm vừa qua con số cán bộ nhà nước và con buôn đầu cơ đất đai móc ngoặc với cán bộ bỗng dưng trở thành tỷ phú, gia tăng một cách bất ngờ. Tệ trạng nầy đã xảy ra từ lâu, tuy nhiên trong những năm gần đây càng ngày càng trở nên phổ biến và tồi tệ hơn.
Việc tước đoạt quyền sở hữu của người dân đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng tác hại đến cuộc sống của người dân Việt Nam. Ngoài việc làm tăng thêm đội quân thất nghiệp trong nước và tạo ra hàng triệu “dân oan”, chính sách tước đoạt quyền sở hữu đất đai của người dân đã và đang đẩy “dân oan” vào đường cùng với cuộc sống vô cùng khốn khổ. Nhiều người mất nhà cửa, ruộng đất đã trở thành vô gia cư. Những “dân oan” vô gia cư tiếp tục đi khiếu kiện một cách vô vọng từ năm này qua năm khác. Theo báo cáo của chính phủ, trong năm 2012 số khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, bao gồm khiếu nại việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; khiếu nại tranh chấp đất đai; khiếu nại đòi lại đất cũ… chiếm 74,7% tổng số đơn khiếu nại.[2]
Hình ảnh hàng ngàn dân oan không biết tựa vào đâu lũ lượt kéo nhau về tận Hà Nội, Sài Gòn và các thị trấn lớn trên toàn quốc để đòi hỏi bồi thường đất bị cưỡng chiếm để phục vụ “mục đích phát triển” càng ngày càng trở thành quen thuộc tại VN. Họ phải ăn dầm nằm dề xung quanh các công sở như Quốc Hội tại Hà Nội, hoặc các cơ quan chính quyền địa phương, để tố cáo tham nhũng và bất công xảy ra cho họ, những người dân “thân cô thế cô”, và đòi hỏi bồi thường thỏa đáng. Họ sống rất cơ cực ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng hoặc vườn hoa Lý Tự Trọng gần Hồ Tây ở Hà Nội trong cảnh màn trời chiếu đất, ngày mưa rét cũng như ngày nóng nực, chịu đói chịu khát chỉ để tiếp tục khiếu kiện đòi công lý.
Cần nhấn mạnh ở đây rằng trong những vụ chính quyền cưỡng chế tước đoạt đất đai bằng bạo lực như vậy thường thì công an, cảnh sát mặc sức đánh đập gây thương tích cho nhiều người dân, thậm chí nhiều khi đã gây tử vong cho “dân oan”, như ở Trảng Bom, Đồng Nai (năm 2008), ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa (năm 2010), hoặc đã khiến cho người dân tự sát vì quá uất ức, như đã xảy ra ở Sơn Trà, Đà Nẵng (năm 2011), ở Thăng Bình, Quảng Nam (năm 2012), ở Cần Thơ (năm 2012). Có những hành động man rợ không thể nào tưởng tượng nổi, như đánh người đến chết, tấn công vào đám tang, đánh đập người đi đưa tang và tang chủ, cướp quan tài![3]
Cũng cần nói thêm rằng, từ nhiều năm qua, nhà cầm quyền VN đã trắng trợn cướp đoạt đất đai của các tổ chức tôn giáo trong nước: Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Gần đây nhất, việc ngang nhiên đập phá nhà thờ và tu viện Camelo của Tổng giáo phận Hà Nội vào tháng giêng 2013,[4] và phiên tòa xử án nặng nề “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” tại tỉnh Phú yên ngày 04-02-2013 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”[5] thực chất chỉ là những vụ cướp đoạt tài sản của các tổ chức tôn giáo.
Trong lúc đó những người có thiện chí muốn giúp đỡ dân oan khiếu nại, thì lại bị chính quyền đàn áp thẳng tay và cầm tù. Đó là trường hợp của những nhà hoạt động cho quyền lợi của dân oan như Hồ Thị Bích Khương ở Nghệ An, bị kết án 5 năm tù giam ngày 29-12-2011; nhà tranh đấu cho dân oan Lê Thanh Tùng bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử 5 năm tù giam ngày 10-8-2012; ba nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi nông dân là ông Nguyễn Kim Nhàn, Đỗ Văn Hoa và Đinh Văn Nhượng bị tòa án Bắc Giang xử từ 4 đến 5.5 năm tù giam ngày 16-7-2012. Cả 5 người nầy đều bị xử cùng với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN ViệtNam” (Điều 88 Bộ Hình luật). Cụ bà Lê Hiền Đức, một người tranh đấu tích cực cho dân oan và từng đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã bị công an hành hung gây thương tích ngày 1-6-2012.
Trong năm 2012 đã xảy ra những vụ cưỡng chế đất rất nghiêm trọng, nhà cầm quyền đã huy động hàng trăm, có khi hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động, bộ đội, dân phòng đến các làng đánh đập rất tàn bạo nông dân để tước đoạt hàng trăm mẫu đất đai của họ. Sau đây là một vài vụ điển hình:
Vụ 1. Cưỡng Chế Đất Tại Huyện Tiên Lãng, Thành Phố Hải Phòng Tháng Giêng 2012 [6]
Từ năm 1993, chính quyền huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã giao cho hai gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, xã Vinh Quang 21 mẫu đất bãi biển trong số đó có 19,3 mẫu khu đầm ven biển với thời hạn sử dụng 14 năm. Khu đầm hoang này, chưa được khai phá cho nên ông Vươn cùng với em và cả gia đình đã phải tốn rất nhiều công sức và tiền của để đắp đập ngăn nước biển tràn vào. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng con đập đã đứng vững, hai anh em làm các công trình để nuôi thủy sản. Vài năm gần đây, họ bắt đầu có được thu nhập để trả dần món nợ vay ngân hàng. Bọn quan chức tham nhũng trong chính quyền bèn rắp tâm cướp đoạt thành quả lao động vất vả của hai anh em ông Vươn. Hồi tháng 04.2008, chính quyền ra lệnh thu hồi 19,3 mẫu khu đầm của ông Vươn, mặc dù chưa hết hạn sử dụng. Ông Vươn và em trai không đồng ý, đến tháng 04.2009, chính quyền vẫn một mực bắt phải trả lại, hai anh em phản đối. Ngày 05-01-2012, chính quyền huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng đã đưa hàng trăm công an, cảnh sát, bộ đội đến cưỡng chế khu đầm 19,3 mẫu của ông Đoàn Văn Vươn. Ông Vươn và em trai đã quyết liệt chống cự, họ đã dùng súng hoa cải bắn lại làm mấy cảnh sát và người lính bị thương. Hai anh em ông Vươn đã bị bắt ngay, nhà cửa và của cải của họ bị đốt đập phá sạch, vợ con họ trở thành vô gia cư. Đến nay hai anh em ông Vươn vẫn còn bị giam giữ để chờ ngày xử án về tội chống người thi hành công vụ và âm mưu giết người. Hai anh em ông Vươn vẫn tiếp tục khiếu nại. Vụ này gây chấn động lớn trong dư luận xã hội, dân chúng bênh vực anh em ông Vươn.
Vụ 2. Cưỡng Chế Đất Tại Huyện Văn Giang, Tỉnh Hưng Yên Tháng Tư 2012 [7]
Tiếp đó, hồi tháng 04.2012, chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ra lệnh cưỡng chế thu hồi đất trên 500 mẫu của khoảng 4000 hộ dân để làm dự án khu đô thị-thương mại-du lịch Ecopark của công ty Đầu tư Bất động sản Việt Hưng. Người dân được đền bù 43000 đồng một mét vuông, một mức giá mà họ cho là quá rẻ mạt, quá bất công nên 1800 hộ ở ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao kiên quyết phản đối không chịu nhận tiền đền bù. Thế là sáng sớm ngày 24-04-2012, chính quyền huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên đã huy động một lực lượng hùng hậu đến 2000 ngàn công an, cảnh sát cơ động xông vào xã Phụng Công, xã Xuân Quan chặn đứng các ngả vào cánh đồng, rồi bắt giữ và đánh đập một số người canh phòng trên đồng ruộng của họ. Nông dân ở các nơi khác đổ xô đến yểm trợ bà con bị tấn công thì công an, cảnh sát đánh đập họ rất dã man, nhiều người bị thương, máu me đầm đìa, có người chết ngất vì bị xịt hơi cay vào mũi. Cuối cùng những người dân tay không đã bị đẩy lùi trước lực lượng cưỡng chế hùng hậu của chính quyền CS. Công an đã bắt 20 người dân (trong số đó có một phụ nữ con còn bú). Sau khi cướp đất rồi, cho đến nay nhiều người dân trong xã vẫn còn bị công ty Việt Hưng cho bọn tay chân côn đồ đánh đập và khủng bố tinh thần dân chúng.
Vụ 3. Cưỡng Chế Đất Ở Huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định Tháng Năm 2012 [8]
Từ cuối năm 2007, chính quyền huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã muốn lấy 165 mẫu đất của dân ba xã Liên Minh, Liên Bảo và Kim Thái thuộc huyện Vụ Bản để bán cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam thực hiện dự án khu công nghiệp Bảo Minh. Nhưng những người có đất bị thu hồi không chấp nhận mức đền bù quá thấp, 120 hộ đã phản đối, không chịu nhận tiền đền bù và kiên quyết giữ đất mặc dù bị chính quyền dọa nạt, o ép đủ điều. Ngày 09-05-2012, chính quyền huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã huy động gần 300 công an, cảnh sát cơ động và dân phòng đến cưỡng chế chiếm đoạt khu đất 165 mẫu tây và đánh đập dân chúng rất tàn nhẫn, có chị phụ nữ bị đánh chết ngất rồi kéo lê vứt trên đường. Công an bắt 5 người dân, rồi cướp trên 165 mẫu đất của dân ba xã nói trên.[9]
Vụ 4. Khỏa Thân Để Chống Cưỡng Chế Thu Hồi Đất Tại Quận Cái Răng, Tỉnh Cần Thơ Tháng Năm 2012 [10]
Ngày 22-05-2012, chính quyền quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ đã ra lệnh cưỡng chế thu hồi lô đất của gia đình bà Phạm Thị Lài. Gia đình bà không đồng ý mức giá bồi hoàn, nên đã khiếu nại nhiều lần ở nhiều cấp chính quyền từ năm 2002 mà không được giải quyết. Ông chồng bà quá uất uức đã uống thuốc trừ sâu tự tử may được cứu chữa đang nằm bệnh viện. Thế mà chính quyền vẫn đưa lực lượng cưỡng chế đến bắt hai mẹ con bà Lài để chiếm đất của gia đình bà. Không có cách gì chống cự khác, bà và con gái bà là Hồ Nguyên Thủy bèn khỏa thân ra để chống lại bọn người đến cưỡng chế, nhưng chúng vẫn lôi hai mẹ con đi xềnh xệch trên mặt đất để chiếm cho kỳ được lô đất của gia đình bà… Mỉa mai nhất là sau đó, ngày 19.06, Uỷ ban Nhân dân quận Cái Răng đã buộc tội bà Phạm Thị Lài cản trở thi công khu dân cư lô 49 thuộc khu đô thị mới Nam Cần Thơ và quyết định xử phạt hộ bà Lài 1,5 triệu đồng về tội cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và còn phạt thêm 80 nghìn đồng nữa vì tội không mặc quần áo vi phạm thuần phong mỹ tục![11]
Vụ 5. Cưỡng Chế Đất Đông Triều, Tỉnh Quảng Ninh Tháng Mười Hai Năm 2012[12]
Tỉnh Quảng Ninh và huyện Đông Triều đã có kế hoạch nâng cấp khu vực Đông Triều lên làm thị xã vào năm 2015. Tuy nhiên, trong quá trình bồi thường đất bị thu hồi, nhiều người dân cho rằng tiền bồi thường quá thấp, chưa tới 40 nghìn đồng một mét vuông, “chỉ được một bát phở” nên người dân không chịu di dời. Theo quyết định cưỡng chế, hết ngày 23 tháng12 chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế; vì thế ngày 21-12-2012 cả nghìn người kéo đến vây kín khu vực đối diện dự án khu đô thị Kim Sơn. Nhiều người mang theo quan tài, nằm lăn ra đường ngăn trở giao thông, gây nghẹt Quốc lộ 18A. Chính quyền huyện Đông Triều đã tổ chức lực lượng tháo gỡ các khẩu hiệu phản đối và lều bạt do người biểu tình dựng lên. Vì người dân tiếp tục kéo đến ngày càng đông nên khoảng 12 giờ lực lượng an ninh được điều đến, tạo nện xung đột với người biểu tình. Vụ xung đột lên cao vào khoảng 17 giờ khi nhiều người dân dùng gỗ, đá tấn công lượng an ninh. Phải đến 19 giờ tối đám đông mới được giải tán. Trong lúc xảy ra ẩu đả giữa chính quyền và người dân, một số người dân đã bị bắt giữ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét