Xuất phát từ một chỉ trích mang tính chất cá nhân của một ông người Pháp
nào đó về việc người Việt Nam ăn thịt chó, vậy là dấy lên một cuộc tranh luận
sôi nổi, xôn xao bất phân thắng bại giữa hai phe, phe khoái ăn thịt chó và phe
không ăn thịt chó. Một số người chẳng ngại dùng những ngôn từ nặng nề nhất để mạt
sát lẫn nhau như dã man, vô văn hóa, bạo lực… hay ngược lại là thiếu hiểu biết,
đạo đức giả… hàng ngàn comments qua lại giữa hai phe. Thú thực đọc hết các
comments đó, ai yếu bóng vía, các dây thần kinh có thể chập mạch đến tóe lửa !
Xin không nêu quan điểm cá
nhân trong vấn đề ăn hay không ăn thịt chó, chỉ xin kể hầu quý vị 3 câu chuyện
sau đây có liên quan đến thịt chó:
Chuyện thứ nhất: Năm
1998, khi tôi còn làm việc cho Tập Đoàn Total, một sếp người Pháp rất ghét những
ai ăn thịt chó. Ông cũng từng nói quan điểm ăn thịt cho là vô nhân đạo, là thế
này, thế nọ. Tôi giống sếp, không biết ăn thịt chó nên có thể nhờ đó mà được ưu
ái hơn chăng ?!?
Một hai năm
sau, cũng chẳng còn ai để ý đến quan điểm ấy của sếp. Có lần một đồng nghiệp
trong phòng tôi lấy vợ, Sếp người Pháp này cũng đi dự, cũng ăn uống no say, gần
cuối tiệc, đến bàn chúng tôi, Sếp khen mấy món ăn rất lạ và ngon, Sếp hỏi đó là
món gì thế, công thức nấu ra sao ? Mấy thằng chúng tôi giật mình chợt nhớ sếp đã
lỡ miệng ăn thịt chó mà không biết. Mấy năm đó, thịt chó thường là món chính
trong các đám tiệc cưới, vì sếp ngồi cùng bàn với mấy cụ cao niên, mà mấy cụ chả
ai biết nói tiếng Anh tiếng Pháp mà tiếp chuyện sếp. Chú rể hết hồn nói tránh
đi là thịt… cheo.
Tuần sau, sếp
cho chúng tôi nghỉ sớm chiều thứ sáu, đề nghị chú rể mới dẫn cả nhóm đi ăn thịt
cheo. Sếp bao hết chi phí và nói rất thích món thịt cheo này. Chúa ơi, muốn có
thịt cheo thì phải lên rừng, tìm đâu ra, bí quá, bọn tôi mới thú thật rằng hôm
đó sếp đã ăn thịt chó đấy sếp ơi. Sếp tái mặt hầm hầm coi bộ giận dữ lắm, đóng
sầm cửa lại. Cả tuần sau thấy sếp bứt rứt có vẻ rất khó chịu. cả phòng ai cũng
lo lắng, mất việc như chơi. Bẵng đi gần 2 tháng sau, mấy đứa trong phòng rúc
rích nói chuyện với tôi, chiều qua, chúng tình cờ đụng mặt sếp… trong một quán
thịt chó. Sếp đi một mình và đang mải mê chén thịt chó. Mấy thằng tôi được một
phen cười vỡ bụng !
Chuyện
thứ hai: Mấy anh em tôi trọ học tại khu
Ông Tạ, đường Phạm Văn Hai bây giờ, trước kia còn gọi là Thoại Ngọc Hầu. Những
năm 1986 – 1987 kinh tế đói kém, khu này thì nổi tiếng với món thịt chó Ông Tạ.
Có hai vợ chồng người bán cơm mà chúng tôi hay ăn cơm tháng ở đó, họ cãi nhau
suốt, cũng bởi cái tật hay nhậu của anh chồng, khổ nỗi, cứ nhậu là phải có thịt
chó cơ ! Mà nhậu thì lại xỉn, lại cãi nhau. Cuối cùng thì chị vợ đành phải bỏ cả
món thịt chó khoái khẩu để anh chồng bớt nhậu đi cho êm cửa ấm nhà.
Vậy mà cũng
không xong, chị vợ quyết định tìm cách cai rượu cho chồng, hỏi thăm bốn anh em
tôi có cách nào cho anh ấy bỏ rượu không ? Lúc ấy tôi trẻ người non dạ, tôi bày
cho chị một cách mà nghĩ đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy là dại, với lại, cũng
nghĩ mình chỉ nói chơi chơi vậy thôi. Tôi nói chị cứ bắt mấy con rệp ( lúc đó rệp
nhiều hơn muỗi bây giờ, sinh viên bọn tôi hay gọi là ba ba hay xe tăng phát xít
) đập nát ra, pha với chút rượu, rồi mua thịt chó về làm sao lừa cho anh ấy uống
cái thứ rượu kinh khủng ấy. Thế mà chị ấy làm thật, anh chồng ói đến mấy ngày,
ra cả mật xanh mật vàng. Sau này anh kể lại, mùi thịt chó, mùi mắm tôm, mùi rượu,
mùi hôi của rệp cứ cuộn lên, không sao nín được. Sau đợt ấy, anh chồng chừa hẳn
rượu, chừa luôn cả thịt chó, gia đình vui vẻ hẳn ra !
Chuyện
thứ ba: Bản thân tôi, nay đã 47 tuổi rồi,
nhưng mãi đến năm 40, trong một dịp vợ đỏng đảnh tôi mới biết ăn thịt chó. Chuyện
thế này, Tôi cứ nghĩ mình dị ứng với thịt chó, mỗi khi đi qua những quán thịt
chó, mấy thằng bạn tôi cứ nức nở khen thơm khen ngon đáo để, riêng tôi phải nhịn
thở đi mau cho chóng qua, vì thấy ớn ớn thế nào ấy.
Một lần nọ,
vợ giận bỏ về ngoại, tôi phải nhờ chú em kế bên sang trông nhà để còn đi công
tác xa, khi về tôi biết chú ấy khoái ăn thịt chó nên mua một bọc thịt chó để tạ
công chú em. Khổ quá, khi mua phải dặn chị bán thịt bọc mấy lần bọc cho khỏi
xông mùi thịt chó. Về đến nhà, mới hay gia đình chú ấy khóa cổng vắng nhà, đành
ôm bọc thịt chó để lên bàn bếp, úp cái lồng bàn rồi cứ thế lăn ra ngủ, quên cả
bọc thịt chó. Nửa đêm đói quá, tìm mãi trong nhà chẳng có gì ăn, ra ngoài thì
muộn, chắc chẳng còn ai bán, cái đói cứ cồn cào nhộn nhạo không sao chịu nổi,
mà khi đói, rất lạ là cái mũi nó thính vô cùng, mọi khi sợ mùi thịt chó, nhưng
đêm ấy, có đến mấy lớp bọc kín mít mà sao nó vẫn thơm thế không biết, hấp dẫn,
quyến rũ quá đi !
Cuối cùng chẳng
nhịn được, tôi bậm môi mon men mở bọc thịt chó, nhón thử một miếng, thử chút, thử
chút, rồi lại nhiều chút, hết cả bọc thịt chó lúc nào chẳng hay. Ăn xong, lại
còn phát hiện ra một triết lý về việc mình đã chẳng thông minh suốt gần 40 năm
trời. Từ dạo ấy đến bây giờ, thú thật, tôi cũng vẫn còn thích thịt chó lắm
nhưng rất hạn chế vì sợ gút. Hàm lượng đạm trong thịt chó rất cao !
Thế mới biết, trong văn hóa
ẩm thực, đa dạng và phong phú, nó tồn tại tùy theo không gian hay thời gian,
theo đặc trưng của nền văn hóa, tôn giáo, theo sở thích, theo cơ địa, thậm chí
theo hoàn cảnh của từng người và nhiều khi còn phụ thuộc vào sức khỏe v.v…. Do
đó có người cảm nhận được và có người sẽ không cảm nhận được. Rất khó có một
ranh giới dung hòa cho tất cả, tranh luận với nhau về miếng thịt chó chẳng qua
giống như chuyện thày bói xem voi, rốt cuộc rồi cũng chẳng tới đâu.
Cái đáng cho chúng ta tranh
luận ở đây không phải là miếng thịt chó mà mà là cách giết và mục đích giết.
Chính hai vấn đề này mới thể hiện sự văn minh hay dã man của con người.
Rất phản cảm nếu chúng ta bắt
gặp hình ảnh một đám thanh niên gậy gộc rầm rập đuổi theo một chú chó lạc trên
đường đến kỳ cùng với mục đích đập chết để có bữa nhậu tưng bừng. Hình ảnh này
thường xuyên xảy ra lắm.
Rất phản cảm nếu gặp một
người yêu chó của mình đến nỗi, cho nó ăn những món ăn rất sang trọng, dắt nó
đi dạo phố nhưng bịt mũi quay đi trước một người phong hủi ăn xin hay trừng mắt
với một chú bé bán vé số còm nhom đen đúa. Hiện tượng này cũng không hiếm, ngay
cả với người nước ngoài khi đến Việt Nam, điển hình là ở Công ty bà xã tôi đang
làm, ông chủ Đài Loan có mấy con chó đốm !
Xấu hổ làm sao với những đệ
tử lưu linh sau một dĩa mồi chó thơm lừng, mà đương nhiên đưa cay là vài ba xị
đế, đến khi ra về vật vờ cự cãi đánh vợ đập con hay phá làng phá xóm, hoặc chạy
xe bạt mạng, gây chuyện choảng nhau chí tử, coi trời bằng vung… Cái này thì có
lẽ là quá thường xuyên và ở khắp nơi, không cần bàn cãi !
Khủng khiếp làm sao một nhà
hàng xóm chả bao giờ ăn thịt chó, khoái nuôi chó, thích dắt chó đi dạo nhưng
không chịu dọn vệ sinh, để nó tùm lum ra đường phố. Hiện tượng này chắc chẳng
ai lạ gì !
Rất nhiều hiện tượng đáng
buồn khác, mà trong đó kinh hoàng nhất là khi mạng chó đã đổi thành một mạng
người như những người trộm chó bị mọi người xúm lại đánh hội đồng đến chết, có
khi còn đốt xác cháy đen ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc...
Thật đáng buồn, đáng lên án
với những hành vi giết thú vật chỉ để tiêu khiển, mua vui không nhằm một mục
đích nào cả, thậm chí không biết giết để làm gì, tàn sát hàng loạt, tận diệt
các loài quý hiếm, làm mất cân bằng sinh thái trong tự nhiên, cái này chẳng phải
chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước tiến bộ khác cũng đầy ra đó.
Vâng, chuyện “người xơi thịt
chó” sẽ còn là câu chuyện dài dài nhiều tập với nhiều tình tiết oái oăm, vui buồn
lẫn lộn, xin được tạm dừng nơi đây. Nhưng chuyện… “chó xơi thịt người” mới là tâm
điểm của người viết muốn nói ra. Và nơi đây, trong câu chuyện này, chỉ có những
con số khô khốc lạnh lùng, khốn khổ, xót xa !
Một vấn đề mà thiết nghĩ, cả hai phe, những người khoái ăn thịt chó và
phe không ăn thịt chó thậm chí những người đã từng lơ lửng như tôi cũng cần phải
nghĩ lại, hãy lên tiếng, viết thật nhiều comments vì đó mới chính là cội rễ của
văn minh, của tình thương mà bất cứ Việt Nam, Pháp, Mỹ hoặc bất cứ quốc gia
nào, chủng tộc nào, văn hóa nào, nghệ thuật nào, không gian và thời gian nào, đàn
ông, đàn bà, già trẻ, lớn bé, yếu đau, mạnh khỏe, tất cả đều cần phải quan tâm,
cần phải lên tiếng.
Thiết nghĩ, những cái đầu
chó nhe nanh trắng nhởn, những đùi chó thui vàng treo lủng lẳng có làm cho nhiều
người thích thú, nhiều người hãi sợ. Nhưng hãy xem, nhiều thai nhi còn chịu cảnh
phanh thây thảm khốc hơn nhiều, máu me nhầy nhụa. Có đáng sợ hơn không ?
Thiết nghĩ, ăn thịt chó đã
làm cho nhiều người tẩy chay đến thế, nhưng có nhiều thai nhi bị giết chết và
trở thành món lẩu thai nhi cho các đại gia bên Trung Quốc được cường dương đại
bổ đấy. Thậm chí đã có nhiều vụ án phanh phui chuyện giết trẻ em để lấy nội tạng
đem bán.
Thiết
nghĩ, nhiều người ăn thịt chó, nhưng thực tế, rất nhiều thai nhi bị tàn sát và
trở thành thực phẩm cho chó huấn luyện, cho lợn tăng trọng, thậm chí xay nhuyễn
ép thành nước cốt đổ xuống hồ nuôi cá giống. Lại có không ít xác thai nhi bị bỏ
thùng rác, hoặc vứt ở chân cột điện, gầm cầu, xó chợ, ruồi và kiến bu kín, chó
mèo đến xé xác, như trường hợp điển hình rất nổi tiếng của chú bé lính chì Thiện
Nhân tại Việt Nam.
Với bình quân 6 giây có một
thai nhi bị giết chết, con số này chắc chắn cao hơn rất nhiều số chó bị giết mỗi
ngày tại Việt Nam .
100% các chú chó bị giết
không có chú nào bị giết bởi chính cha mẹ của nó như trường hợp 100% các thai
nhi đều bị cha hoặc mẹ giết chết, hoặc ông bà nội ngoại ép phải chết !
Ít ra, những chú chó này đã
được sống, được chào đời, kể cả những chú chó khuyết tật, còn 100% các thai nhi
bị sát hại thì không ai có quyền được sống, quyền được sinh ra, đặc biệt là các
thai nhi bị dự đoán là có nguy cơ khuyết tật.
Đã có các phòng khám và bệnh viện dành cho chó cưng, các bác sĩ y tá nỗ
lực chữa trị những bệnh tật thương tích cho chó, trong khi lại có khá đông y
bác sĩ khác phá thai thành thạo còn hơn người ta làm thịt chó !
Đau đớn
hơn, một số chú chó già chết vì bệnh, chó con chết vì sẩy hay sinh non, cuối
cùng vẫn có được một nấm mồ, có khi còn được lo hậu sự đâu ra đấy trong một
nghĩa trang hoành tráng, được người chủ tưởng nhớ lập bia mộ và đúc tượng, trong
khi các thai nhi thì bị đem thiêu chung với rác y tế, thậm chí các cháu quá bé,
được hút ra là dội luôn vào bồn cầu, chỉ có một phần rất nhỏ không đáng kể các
bé được những người hảo tâm kín đáo xin về, lo cho yên nghỉ tại các Nghĩa Trang
Anh Hài, mà thường thì mười mấy hai chục cháu phải chen chúc nhau trong cùng một
nấm mộ !
Ngày nào con người ta còn
chấp nhận cho tự do nạo phá thai, khuyến khích hoặc dồn ép đến phá thai, thì
cái văn minh thường rêu rao đó chẳng qua chỉ là văn minh sự chết mà thôi !
Đaminh PHAN VĂN DŨNG
Theo EPHATA số 558
0 nhận xét:
Đăng nhận xét