Sau khi trình lên tổng thống, Sorensen đã gọi lại cho Cousins: Tổng thống Kennedy rất sẵn lòng để Đức Giáo Hoàng can thiệp. Đường nào thì bây giờ lập trường của hai bên đã rõ ràng, không bên nào chịu lùi bước. Tổng Thống có cảm giác tình hình đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Trong ít giờ nữa, hạm đội Mỹ sẽ chặn đoàn tàu Liên Xô trên Đại Tây Dương. Khi ấy, chuyện gì sẽ xảy ra? Tuy cương quyết, nhưng Kennedy vẫn bị ám ảnh có thể chỉ sáu tiếng đồng hồ nữa, ông sẽ bấm nút để phóng các hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân. Nếu thế hàng trăm triệu người sẽ chết. Như vậy là cha Morlion và Cousins đã đoán đúng; cần một tiếng nói thứ ba.
Phía Mỹ có vẻ đã tiếp nhận. Phía Liên Xô thì sao? Từ hôm nổ ra khủng hoảng, các thành viên Liên Xô tham dự hội thảo ở Andover rất bồn chồn. Họ cảm thấy bất an, chỉ muốn mau chóng về nước. Cha Morlion tham khảo ý kiến các thành viên chính trong đoàn Liên Xô, viện sĩ Evgeny Fedorov, tướng Nicolai Talewsky, nhà báo Yuri Jukov. Một trong những người này đã điện về Kremli: “Chúng tôi tin chắc rằng đồng chí thủ tướng là người yêu hòa bình và không hề muốn cho hằng triệu người chết”. Từ Matxcơva, ông Khrutchev hồi đáp: ông tán thành hành động can thiệp của Đức Gioan XXIII. Ông mong Đức Giáo Hoàng đề nghị Mỹ rút tàu chiến về và ngưng phong tỏa Cuba.
Đêm 23 rạng ngày 24/10, Đức Gioan XXIII thảo thông điệp cùng với hai người cộng sự: Đức Cha Dell Acqua, phụ khuyết ở phủ Quốc Vụ Khanh và Đức Ông Igino Cardinale. Có lúc Đức Thánh Cha bảo: “Các vị cứ tiếp tục đi. Lát nữa tôi trở lại”. Rồi Ngài đi vào nhà nguyện riêng, cầu nguyện hồi lâu.
24/10/1962- Sáng ngày 24, sứ điệp của Đức Thánh Cha được chuyển tới Sứ Quán Mỹ và sứ quán Liên Xô ở Roma. Đến trưa, đài phát thanh Vatican truyền đi nội dung sứ điệp:
“Lạy Chúa, xin nghe lời tôi tá Chúa khẩn cầu… Kìa bầu trời quốc tế đang vần vũ những mây mù bão táp, gieo lo âu sợ hãi cho hàng triệu gia đình…6
Hòa bình! Hòa bình!… Chúng tôi khẩn nài các nhà cai trị đừng làm ngơ giả điếc trước tiếng kêu van của nhân loại. Xin các vị dốc tận lực để cứu vãn hòa bình. Được như thế, các vị sẽ tránh cho thế giới khỏi mọi nỗi khủng khiếp của chiến tranh, mà khi đã nổ ra thì không ai có thể lường trước được hậu quả sẽ ghê gớm thế nào. Xin các vị tiếp tục thương lượng, vì thái độ thẳng thắn chân thành và cởi mở là một chứng tá lớn cho lương tâm mỗi người và trước lịch sử. Phát huy, tạo điều kiện và chấp nhận thương thảo, ở mọi cấp bậc và trong mọi thời, là quy luật của sự khôn ngoan sáng suốt, đáng cho trời chúc lành, người ca tụng.”
Nghe nói Đức Thánh Cha đã tự tay chỉnh sửa khá nhiều bản văn do các người cộng sự soạn thảo. Dự thảo ban đầu dùng ngôn ngữ có phong cách ngoại giao. Thay vào đó, Đức Thánh Cha đã viết một sứ điệp vừa là lời cầu nguyện, vừa là tiếng gọi lay động lương tâm. Đọc sứ điệp thấy Đức Gioan XXIII đang phát ngôn thay cho mọi người dân lành đang bị đe dọa.
Lời kêu gọi đã truyền đi rồi. Hòa bình thế giới rồi sẽ ra sao? Mặt trận chính trị vẫn rất gay gắt. Thủ tướng Khrutchev gửi thư cho tổng thống Kennedy:
“Thưa tổng thống, xin Ngài thử nghĩ nếu chúng tôi gửi đến Ngài một tối hậu thư như Ngài vừa đưa ra với chúng tôi bằng các hành động của Ngài, thì Ngài sẽ phản ứng thế nào?…
Điều Ngài tuyên bố đâu phải là cấm vận cấm vận, đúng hơn Ngài đang công bố một tối hậu thư, và Ngài đe dọa nếu chúng tôi không tuân lệnh, Ngài sẽ dùng võ lực. Xin Ngài suy nghĩ điều Ngài đang nói! Vậy mà Ngài lại muốn thuyết phục tôi đồng ý được sao? Đồng ý với những yêu cầu đó nghĩa là gì? Nghĩa là chúng tôi không được điều hành quan hệ với các nước khác bằng lí trí nữa, nhưng bằng cách vâng theo bạo quyền. Ngài không nại đến lý trí, Ngài chỉ muốn đe dọa chúng tôi thôi.
Hành động của Mỹ đối với Cuba là ăn cướp trắng trợn. Nếu Ngài làm như vậy thì chỉ là sự điên cuồng của chủ nghĩa đế quốc đến hồi đốn mạt. Thật bất hạnh, nhân dân các nước, và nhân dân Mỹ cũng không hơn gì, có thể phải khốn khổ vì sự điên cuồng ấy, bởi với sự xuất hiện của võ khí hiện đại, thì Hoa Kỳ đã mất hẳn vị thế bất khả xâm phạm trước đây.
Vì lẽ đó, thưa tổng thống, nếu ngài cân nhắc hiện tình với cái đầu lạnh, chứ đừng buông theo đam mê, Ngài sẽ hiểu rằng Liên bang Xô Viết không thể nào cam chịu mà không khước từ những yêu cầu bạo ngược của Hoa Kỳ… Do đó, chính phủ Liên Xô không thể chỉ thị cho hạm trưởng các tàu Liên Xô đang đi Cuba phải tuân lệnh của các lực lượng hải quân Mỹ đang phong tỏa đảo quốc này. Chỉ thị của chúng tôi cho các thủy thủ Liên Xô là tuân thủ khít khao những tiêu chuẩn mọi nơi đều chấp nhận về hải hành trên các vùng biển quốc tế, dù một tấc cũng không lùi. Và nếu Mỹ xâm phạm những quyền đó, thì Mỹ phải ý thức trách nhiệm của mình về hành động đó. Chắc chắn chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn cảnh tàu Mỹ ăn cướp trên biển khơi. Khi đó về phần mình, chúng tôi sẽ buộc lòng có những biện pháp mà chúng tôi xét thấy là cần thiết và đủ để bảo vệ quyền của chúng tôi. Chúng tôi có tất cả những gì cần thiết để đạt mục đích ấy. Kính thư…”
Ở Washington, trong cuộc họp của Excomm, bộ trưởng Quốc Phòng báo cáo có một tàu ngầm Liên Xô gần những chiến hạm Mỹ. Nói chung, quan điểm của Excomm là nếu có tàu ngầm can thiệp vào vụ cấm vận thì phải hủy diệt tàu ngầm đó.
Tình Thế đã thêm căng thẳng . Tuy nhiên, bắt đầu xuất hiện một vài sự kiện khả dĩ dự báo một cuộc xuống thang. Đó là những sự kiện nào?…
LM Mátthêu Vũ Khởi Phụng, DCCT
(còn tiếp)
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét