Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Chiến tranh Vietnam dưới tầm nhìn của một tuần báo Công Giáo Hoa Kỳ




Trên tuần báo Công Giáo The America, số ngày 25 tháng 3 vừa qua, linh mục Raymond A. Schroth, Dòng Tên, đã duyệt lại con đường xã luận của tuần báo này đối với cuộc chiến tại Việt Nam và sự can thiệp của Hoa Kỳ tại đó. 

Hơn hai mươi năm sau biến cố Điện Biên Phủ, tuy tuần báo The America phải đương đầu với nhiều chủ đề nhức đầu như Công Đồng Vatican II, kiểm soát sinh đẻ, thế hệ trẻ và các cuộc bạo động chống chiến tranh, nhưng chủ đề gây chia rẽ nhất trong ban biên tập là Chiến Tranh Việt Nam. 

Tháng 7 năm 1954, đại diện Hoa Kỳ, Liên Bang Xô Viết, Anh, Trung Hoa, Pháp và Nam Bắc Việt Nam đã chấm dứt nhiều tuần lễ thương thảo tại Genève để tìm giải pháp thống nhất “Đông Dương”. Hiệp Định Genève phân chia Việt Nam tại vĩ tuyến 17 với điều kiện quốc gia Việt Nam sẽ được tái thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956. Nhưng cuộc tổng tuyển cử này không bao giờ được tổ chức. Vì tại Nam Việt Nam, nền Cộng Hòa mới mẻ đã bầu Ông Ngô Đình Diệm làm tổng thống, trong khi tại Bắc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã lập chính phủ cộng sản để tiến hành cuộc chiến tranh du kích tại Miền Nam.

Trong thời gian này, linh mục Vincent S. Kearney, Dòng Tên, người từng viếng thăm Việt Nam và hay lên tiếng về chủ đề chiến tranh ở đây, trong bài “Vietnam after Geneva” (9/11/54) cho rằng Hiệp Định Genève đã đem lại cho Cộng Sản Bắc Việt nhiều lợi thế đáng kể. Với một biên giới dài với Trung Hoa, người và vũ khí rất dễ xâm nhập qua biên giới. Người Cộng Sản lại đang thắng cuộc chiến tranh ý thức hệ; ban ngày, họ đóng vai “nông dân hiền hoà” nhưng ban đêm họ “mọc lên” từ đồng lúa để đặt mìn trên đường và quấy phá người Pháp. 

Linh mục Masse, Dòng Tên, người cũng từng thăm viếng Việt Nam, trong bài “The Revolt in Vietnam” (11/26/60), phúc trình rằng người Nam Việt Nam càng ngày càng bất mãn với Ông Diệm vì ông đã cử nhiệm nhiều người trong gia đình ông vào các chức vụ cao cấp và không cho phép tự do báo chí cũng như đối lập nghị trường. Thực tế, ông là một nhà độc tài. Ấy thế nhưng Cha Massae vẫn coi Ông Diệm là một nhà ái quốc liêm chính, một triết gia tìm cơ sở siêu hình cho nền dân chủ Á Châu. 

Nói chung, trong thời gian này, các người chủ biên của tuần báo America coi Việt Nam như một cuộc chiến tôn giáo đang chia rẽ Hoa Kỳ. Một số công dân vẫn coi Hoa Kỳ chính trực như một “thành trên đồi”, nhưng nhiều người khác tin rằng xứ sở đang đánh mất linh hồn của mình cho cuộc chiến hao phí nhân mạng. Tháng 5 năm 1963, Ông Diệm xua quân dẹp cuộc biểu tình của Phật Giáo tại Huế, nơi anh ông là Đức Cha Ngô Đình Thục, làm giám mục. Có tin binh lính đã bắn vào đám đông, sát hại một số người biểu tình, trong đó, có trẻ em. Bất ổn lan tới Sài Gòn. Tuy biết mình không thể bênh vực mọi chính sách của Ông Diệm, tuần báo America vẫn giữ lập luận tiêu chuẩn của mình là: kẻ thù Ông Diệm là Cộng Sản; các sai lầm của ông bị cường điệu thái quá. Dù sao, ông vẫn là người mà ta cần. 

Đảo chính

Cuộc ám sát vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 cả Ông Diệm lẫn người em và cố vấn không chính thức của ông là Ngô Đình Nhu đã khiến tuần báo viết bài xã luận cho rằng nếu không có Ông Diệm, toàn diện Việt Nam đã bị Cộng Sản Hà Nội thống trị rồi. Các chủ biên đều nhận rằng Ông Diệm đã hy sinh tự do báo chí để thắng cuộc chiến tranh: “Có thể ông sai. Có thể ông đúng. Ta hãy chờ xem” (16/11/1963). 

Cả sau khi tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào cuối tháng 11 năm đó, tuần báo này vẫn tiếp tục cho rằng Ông Diệm tốt cho Việt Nam, người Phật Giáo đã rơi vào bẫy của Hà Nội và người Công Giáo đang bị bách hại. Bởi thế, các chủ biên nhiệt liệt hoan hô việc tổng thống Lyndon B. Johnson ra lệnh tấn công Bắc Việt tiếp sau vụ tầu Maddox bị hải quân miền Bắc tấn công tại Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8 năm 1965. Ông Johnson còn sử dụng thẩm quyền hậu-vịnh-Bắc Bộ do Quốc Hội trao cho để nới rộng chiến tranh. Cuối năm 1968, ông đã hoàn tất “Operation Rolling Thunder”, một chiến dịch ném bom kéo dài, và nâng con số binh lính lên tới 536,000 người. Đến lúc này, gần 40,000 binh sĩ Hoa Kỳ đã bỏ mình trong các trận đánh. 

Tại Hoa Kỳ, phong trào hòa bình xuất hiện dưới nhiều hình thức: trong đó có biểu tình ngồi, đầy trang quảng cáo phản chiến và nhiều hành động bất tuân, như đốt thẻ trưng binh. Tờ America không chấp nhận bất cứ hình thức nào. Chủ bút tờ báo còn nặng lời chỉ trích một lá thư gửi tổng thống Johnson đăng trên tờ New York Times dưới tựa đề “Nhân danh Thiên Chúa, hãy ngưng lại!”. Lá thư này được ký bởi 2,500 linh mục, mục sư, và giáo sĩ Do Thái. Tuần báo America gọi lá thư này là “tiếng gào ủy mị” chỉ tổ làm vui lòng Cộng Sản. 

Những giọng nói mới

Một cái nhìn khác bắt đầu xuất hiện trên tờ America sau khi linh mục Daniel L. Flaherty, S.J., chủ biên điểm sách, phỏng vấn tiểu thuyết gia Morris West, tác giả cuốn The Ambassador, một tiểu thuyết dựa nhiều vào Ông Diệm. West mô tả gia đình ông Diệm như “những người Công Giáo bất khoan nhượng của thời Trung Cổ” và chính West đã từ bỏ các cuộc thập tự chinh có tính quân sự chống lại chủ nghĩa Cộng Sản. Hơn nữa, trong bài “Christian Realism in Vietnam” (30/8/66), John C. Bennett thẳng thừng quả quyết: “trước nhất ta cần thấy rằng ta đang can dự vào các hành vi phi nhân không thể khoan dung được về phương diện luân lý”. Bennett khuyên người Mỹ nên từ bỏ niềm tin vốn ám ảnh họ xưa nay rằng chế độ Cộng Sản là số phần tệ hại nhất xẩy ra cho một quốc gia. Tháng 6 năm 1967, các dấu hiệu của một cuộc tự vấn lương tâm bắt đầu xuất hiện. Linh mục Davis hỏi nhiều bằng hữu, trong đó có một giám mục và năm linh mục cùng một câu hỏi này “Ta có nên rút chân ra không?”

Trong câu trả lời, John Deedy, một chủ biên của tờ Commonweal, cho hay Hoa Kỳ đang thi hành “một sứ mệnh bất chính và liều lĩnh… gần như diệt chủng”. Ấy thế nhưng bài xã luận ngày 23 tháng 9 vẫn cố gắng giải thích tại sao Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam. Bài xã luận cho rằng chúng ta ở đó “để ngăn ngừa 17 triệu người Việt khỏi bị nuốt chửng bởi chủ nghĩa cộng sản tham ăn và gây hấn. Chúng ta không ở đó để nuôi dưỡng những chiếc rễ yếu ớt của dân chủ”. Nhưng chỉ trong mấy tháng sau đó, khi cả thương vong lẫn làn sóng chống chiến tranh dâng cao, các nhà phê bình đưa ra yếu tố mới cho phương trình luân lý: liệu phí tổn luân lý có tương xứng với phương thế chính trị hay không? 

‘Các người anh em nhân bản của ta’

Ngày nay, người Công Giáo Mỹ nào cũng nghĩ năm 1968 là một bước ngoặt. Năm sóng gió đó có các vụ ám sát Martin Luther King Jr. và Robert F. Kennedy, vụ bạo động tại Đại Hội Đảng Dân Chủ tại Chicago, việc leo thang cuộc chiến tại Việt Nam và thông điệp “sự sống con người” của Đức Phaolô VI, là thông điệp thực tế đã tha hoá phần đông một thế hệ vì đã cấm đoán việc ngừa thai. Khoảng giữa thập niên 1960, báo chí Công Giáo toàn quốc mỗi ngày mỗi quan tâm hơn tới các vấn nạn luân lý do cuộc chiến nêu ra. Năm 1965, tờ Commonweal (Công Giáo) càng ngày càng ủng hộ những người biểu tình chống chiến tranh, và đến tháng 12, năm 1966, các chủ biên của họ tuyên bố rằng: “Hoa Kỳ nên rút chân ra khỏi Việt Nam”. 

Tháng Giêng năm 1968, tờ National Catholic Reporter (Công Giáo) tuyên bố “Chiến tranh Việt Nam hiện nay rõ ràng vô luân”. Chỉ trước đó một tháng, các chủ bút tờ U.S. Catholic lên án chiến tranh Việt Nam là vô luân, vì cho rằng bom lửa và oanh kích trải thảm đang giết cả những người chiến đấu lẫn người không chiến đấu, việc giết người đang thú vật hóa kẻ giết người, và việc nước Mỹ càng ngày càng can thiệp vào Việt Nam đã phân hóa người Mỹ và làm hao phí tài nguyên quốc gia. 

Cùng tháng đó, một bài xã luận của tờ America gợi ý rằng việc ngưng oanh kích, mà các giám mục của Nam Việt Nam yêu cầu, có thể sẽ dẫn tới bàn hội nghị, nhưng thêm rằng “đã đến lúc phong trào hòa bình phải ngưng việc bào chữa cho Hà Nội”. Trong bối cảnh này, một bài báo đáng lưu ý của linh mục John McLaughlin, Dòng Tên, một phụ tá chủ bút, khiến nhiều người cau mày. Với tựa đề “A Bombing Pause?” (1/27/68), bài báo này khởi đầu như sau: “Ta đang mau chóng tiến tới khúc quanh quan trọng trong chiến tranh Việt Nam, một khúc quanh đòi phải ngưng ném bom vô điều kiện Miền Bắc”. Việc ngưng ném bom này sẽ giảm thiểu cảnh đau khổ cho nhân dân Bắc Việt Nam: “dù ta đang có chiến tranh với những người dân này, nhưng họ là anh em nhân bản của ta”. 

Nhưng mùi hương hòa bình mau chóng tan biến với cuộc tấn công Tết Mậu Thân vào cuối tháng Giêng, khi Việt Cộng lợi dụng lợi thế đường hầm, những đường mòn hóa trang và lòng hiếu khách của các đồng minh ở địa phương, đã đột nhiên tấn công khắp Nam Việt Nam, kể cả cổng Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Cuộc tấn công này diễn ra ngay trong ngày Tết, ngày người Việt Nam mừng tân niên, nghĩa là lúc ai cũng ngầm hiểu phải có cuộc ngưng chiến không chính thức. Về phương diện kỹ thuật, phía Hoa Kỳ “chiến thắng” vì đã gây nhiều tổn hại nặng nề cho quân chính qui Hà Nội và Việt Cộng, nhưng tại chính quê nhà, Nước Mỹ chịu một trấn thương tâm lý rất nặng và trấn thương này mãi mãi không lành lặn. 

Ngày 11 tháng 5, năm 1968, Cha Davis trao nhiệm vụ chủ biên cho Cha Donald R. Campion, Dòng Tên, một nhà xã hội học 46 tuổi. Ngài thừa hưởng một ban nhân viên gồm 13 tu sĩ Dòng Tên, những người sau đó ít năm đã chia thành 3 phe đối với chính sách về Việt Nam: tiếp tục hoàn toàn hỗ trợ chính phủ; hỗ trợ tổng quát nhưng dè dặt về luân lý; kết án về luân lý coi chiến tranh là không chính nghĩa và phải chấm dứt ngay lập tức. 

Vì nghĩ rằng không ai nên viết về chiến tranh khi chưa cảm nghiệm về nó, nên linh mục Michael V. Gannon, một giáo sư sử tại Đại Học Florida, đã qua Việt Nam để lắng nghe chính các chiến binh tại trận tiền trong một tháng. Ngày 31 tháng 8, năm 1968, ngài viết bài “Up Tight in Vietnam”, trong đó, ngài cho rằng hầu hết binh sĩ cũng bối rối và ngã lòng về cuộc chiến giống hệt người ở quê nhà. Một binh sĩ mô tả động lực của anh chỉ là cố sống sót, giúp bạn bè sống sót để “thoát khỏi địa ngục này”. Tệ hơn nữa, một tuyên úy Thệ Phản cho hay: nhiều binh sĩ thích giết chóc. Trong những cuộc tán gẫu về đêm, họ rộ lên cười khi có người kể lại mình đã đâm bụng nhiều “tên VC”. Mục sự này tự hỏi “Ta phải làm gì với những thanh niên này?”.

Tu sĩ Dòng Tên ngồi tù 

Một số tu sĩ Dòng Tên cảm thấy buộc lòng phải chống đối chiến tranh, dù có vì thế mà vi phạm luật pháp. Các hoạt động của linh mục Daniel Berrigan, S.J., khiến ông phải biệt xứ một thời gian ở Châu Mỹ La Tinh, một việc bị tờ National Catholic Reporter cho là có sự can thiệp của hàng giáo phẩm, nhưng tờ America thì bác bỏ việc này. Cha Berrigan cũng đã qua Hà Nội để lãnh nhận các tù binh được Cộng Sản đồng ý trả tự do. Ngài mô tả cuộc viếng thăm này trong một cuộc phỏng vấn. Rồi tháng 5, 1968, 9 nhà tranh đấu, trong đó, có Cha Berrigan, xâm nhập hội đồng trưng binh tại Catonsville, Md., đốt sạch các hồ sơ trưng binh tại một bãi đậu xe. 

Trong một bài xã luận về phiên tòa và kết án Chín Người của Catonsville, các chủ bút thú nhận có sự chia rẽ giữa họ với nhau nhưng đồng ý với nhau trong các điểm sau: Đạo Luật “Selective Service” cần được tu chính để cho phép người ta có quyền phản đối lương tâm một cách có chọn lựa, và các bị cáo có quyền bất đồng. Nhưng liệu người ta có quyền thách thức lương tâm người khác đến nỗi bác bỏ tự do của họ hay không? Câu trả lời là không. Các chủ bút vì thế kết luận: 9 người này đã chọn lầm phương thế để bất đồng. 

Một năm sau, 15 người ở Chicago lại làm một cuộc tấn công tương tự vào họi đồng trưng binh. Bài “What to Do About Joe Mulligan?” (9/20/69), của Cha James C. Fleck, S.J., liên quan tới một trong 15 người này, đó là Joseph Mulligan, 27 tuổi, một sinh viên thần học Dòng Tên, chưa chịu chức, quê ở Detroit. Cha Fleck phỏng vấn một số bè bạn của Mulligan. Điều chắc chắn là Bộ Tư Pháp sẽ xử, kết án và cầm tù Mulligan. Nhưng Dòng Tên phải làm gì đây? Họ có cần phải trả lệ phí cho luật sư bênh vực hay không? James O’Connor, S.J., một giáo sư giáo luật, chống lại hành động của Mulligan và không muốn cho anh được thụ phong, nhưng Dòng là một gia đình và đã là gia đình thì phải trả lệ phí cho việc bênh vực con cái mình. Robert Hartnett, S.J., một nhà khoa học chính trị, người nổi tiếng chống lại quan điểm săn lùng Cộng Sản của TNS Joseph McCarthy, tuyên bố: “Nếu anh ta muốn hành động như thế, đáng lý anh ta không nên gia nhập Dòng”. 

Trong khi đó, linh mục Robert F. Drinan, S.J., khoa trưởng Cao Đẳng Luật Khoa Boston, người sắp tranh cử vào Quốc Hội vào năm 1970, qua Việt Nam. Trong bài “Political Freedom in Vietnam” (28/6/69), ngài tiết lộ rằng chính phủ Thiệu Kỳ đã giam cầm ít nhất 20,000 người “vì sự đối lập không Cộng Sản của họ đối với chế độ Sài Gòn”. Cha Drinan tranh cử vào quốc hội với cương lĩnh chống chiến tranh. Ngài phục vụ 5 khóa quốc hội cho tới năm 1980, khi Đức Gioan Phaolô II yêu cầu huyền chức ngài; một phần vì Đức GH chống việc các linh mục giữ chức vụ chính trị nhưng chính yếu vì Cha Drinan ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai.

Điểm ngoặt 

Năm xã luận 1969 chấm dứt với cuộc thảm sát Mỹ Lai. Các chủ bút thắc mắc không biết có phải người Mỹ đã đánh mất khả năng thương tiếc người bị thảm sát hay không? Liệu xúc cảm nhân bản có trở thành một thương vong mới của cuộc chiến hay chăng? 

Nếu có một điểm ngoặt rõ ràng trong thái độ của tờ America về chiến tranh, thì điều đó hết sức rõ ràng trong bài xã luận “Easter and the American Conscience” (4/10/71). “Điều ta cần làm là tự vấn về chính sự đồng lõa của ta”. Bài xã luận cho rằng ta chịu trách nhiệm đối với nền văn hóa phụ từng sản sinh ra những tên giết người của Charles Manson, và quyết định thúc đẩy cuộc chiến tàn bạo ở Việt Nam. Theo các chủ bút, vì Phục Sinh là lời mời gọi người hối cải tiến tới cuộc sống mới, nên ta phải chấm dứt sự can thiệp vào cuộc chiến ấy càng sớm càng tốt. Việc hủy hoại sự sống của người vô tội “đã vượt quá cái điểm lợi lộc tương xứng nhân danh công lý”.

Cuối cùng Đức Cha Marvin Bordelon, giám đốc Văn Phòng Quốc Tế Sự Vụ của Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ (tiền thân của HĐ Giám Mục Hoa Kỳ), đã “giải mã” bản tuyên bố khó hiểu hồi tháng 11 của các giám mục Hoa Kỳ về chiến tranh (1/8/72). Ngài viết: đối với một số người, bản tuyên bố chỉ có nghĩa “việc can thiệp thêm của Hoa Kỳ vào cuộc chiến ở Đông Nam Á rõ ràng là vô luân”. Đức Cha Thomas Gumbleton của Detroit cho hay bất cứ ai đồng ý với các giám mục “có thể từ khước không tham chiến”. Tuy nhiên, Đức TGM của New Orleans là Đức Cha Philip Hannan không đồng ý như thế. 

Qua xuân 1972, tờ America đề nghị ân xá cho những người chống trưng binh đang ngồi tù và những người đang trốn khỏi nước; các cuộc hòa đàm ở Paris đang được tái tục; và nhiều chiến thắng ở mặt trận đang tăng cường Bắc Việt Nam. Tại một cuộc họp của ban chủ bút vào tháng 5, việc chiến thắng theo nghĩa cổ điển đã không còn được coi là một khả hữu nữa. Cùng lắm, Hoa Kỳ chỉ có thể bác bỏ không cho người Cộng Sản Việt Nam một chiến thắng quân sự rõ rệt, nhưng không thể bảo đảm cho người Nam Việt Nam một nền hòa bình lâu dài. Ấy thế nhưng các chủ bút vẫn viết rằng can thiệp thêm về quân sự là điều không thể “chấp nhận được nữa về chính trị hay luân lý”. 

Hai tháng sau khi Henry Kissinger tuyên bố “hòa bình đang ở tầm tay”, cú sốc cuối cùng xuất hiện khi chính phủ Nixon ra lệnh oanh kích Hà Nội và Hải Phòng vào dịp Giáng Sinh, “một cuộc không kích kéo dài và tàn hại chưa từng được phát động chống kẻ thù nào chỉ trong vòng hai tuần”. Tờ America viết rằng không thể có bất cứ biện minh nào cho hành vi tàn bạo ấy. 

Ngày 30 tháng 4, 1975, xe tăng của lục quân Bắc Việt Nam đã phá sập cổng dinh Độc Lập ở Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Trực thăng Hoa Kỳ bốc nhân viên Tòa Đại Sứ Mỹ và nhiều người khác khỏi mái nhà.

Bài học quá khứ

Đọc diễn trình xã luận trên đây ta thấy tuần báo America chỉ là điều được Đức Ông Charles Pope của tổng giáo phận Hoa Thịnh Đốn gọi là nhiệt kế, hoàn toàn phản ảnh dư luận thời thượng. Lúc dư luận này còn ủng hộ ông Diệm và chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa, thì tờ America cũng ủng hộ. Trái lại khi dư luận ấy đổi chiều, tờ America cũng không ngần ngại đổi chiều theo. Điều đáng buồn là sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, với việc hàng triệu người Việt liều chết vượt biên, vượt biển tìm tự do bằng bất cứ phương tiện nào, một cuộc bỏ phiếu bằng máu và nước mắt, và đa số đã chọn Hoa Kỳ làm quê hương thứ hai, quan điểm của tờ America đối với chiến tranh Việt Nam vẫn là thái độ của một chiếc nhiệt kế cho phe thân cộng . Tờ báo vẫn cho rằng: “Hai mươi năm sau ngày Tổng Thống Minh đầu hàng, Việt Nam thật tươi đẹp, thịnh vượng và hoà bình. Ở Hà Nội, tôi đi thăm Hồ Chí Minh được ướp xác trong ngôi mộ có điều hòa không khí. Tại viện bảo tàng tội ác chiến tranh ở Sài Gòn, có chiếc máy chém tượng trưng cho chế độ cai trị của người Pháp. Trong một bức hình, một anh G.I. hãnh diện giơ cao, như khoe thành tích, chiếc đầu lâu, chiếc bả vai và cánh tay trái nát bươm của một cán binh Việt Cộng bị lựu đạn làm nổ tung… Trong nhà thờ chính tòa, tôi kính viếng chiếc quan tài để mở của vị giám mục 84 tuổi của Sài Gòn… Hôm ấy, tôi nhận cho riêng mình câu nói mà phóng viên chiến trường Neil Sheehan viết trên tờ New York Thời Báo: “Tôi không thể không lo ngại việc chúng ta tự thoái hóa chính mình trong diễn trình tiến hành cuộc chiến tranh này… Và tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không làm việc ấy một lần nữa, nhân danh một thứ thập tự chinh chống Cộng nào đó”. 

Người ta sợ rằng đối với lập trường sai lạc trên đây, người Việt tại các nước tự do có một phần trách nhiệm, vì đã chỉ chú trọng nói với những lỗ tai cố tình điếc của cộng sản Hà Nội và trong khi Hà Nội nói với những lỗ tai sẵn sàng nghe của thế giới tự do, thì chúng ta ít chú trọng tới việc này.

Vũ Văn An

0 nhận xét:

Đăng nhận xét