Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

[Video VietCatholic] Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19/4-25/4 - Đức Thánh Cha mời gọi giới trẻ dâng hiến tài năng cho tha nhân và Giáo Hội



1. Buổi đọc kinh Truyền Tin Thứ Tư 24 tháng Tư


Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục thu hút một con số đông đảo đến bất ngờ các tín hữu và du khách hành hương trong buổi triều kiến chung hôm thứ Tư 24 tháng Tư tại Quảng trường Thánh Phêrô. Hơn 70,000 anh chị em đã tham dự buổi tiếp kiến chung.



Đức Giáo Hoàng đã dùng xe Jeep mui trần để chào thăm anh chị em tín hữu trong vòng 20 phút. Các tín hữu đã hò reo nhiệt liệt trong khi ngài hôn một số lượng lớn các trẻ sơ sinh và những người khuyết tật trên đường đi. 



Bài giáo lý hôm nay là lần thứ hai trong vòng mấy ngày qua Đức Thánh Cha đã lên tiếng trực tiếp đối thoại với những người trẻ, khích lệ họ sử dụng cuộc sống và kỹ năng của mình để giúp đỡ tha nhân.



Ngài nói:



Anh chị em thân mến:



Tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về Kinh Tin Kính, giờ đây chúng ta xem xét các bài viết liên hệ đến việc Chúa Kitô đến lần thứ hai: "Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết". Lịch sử nhân loại đã bắt đầu với việc tạo ra người nam và người nữ theo giống hình ảnh Thiên Chúa thế nào, thì nó sẽ kết thúc như vậy với sự trở lại của Chúa Kitô và với cuộc phán xét sau cùng. Các dụ ngôn của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa và trách nhiệm với nhau trong đời này. Dụ ngôn của các trinh nữ khôn ngoan và dại dột nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để gặp gỡ Chúa khi Ngài lại đến. Dụ ngôn về những nén bạc nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta phải biết sử dụng một cách khôn ngoan ân sủng của Thiên Chúa, làm cho chúng sinh hoa, kết trái dồi dào. Tôi đặc biệt yêu cầu các bạn trẻ hiện diện nơi đây hãy sử dụng hào phóng những tài năng Chúa ban để mang lại thiện ích cho những người khác, cho Giáo Hội và thế giới của chúng ta. Cuối cùng, dụ ngôn ngày phán xét sau cùng nhắc nhở chúng ta rằng, cuối cùng, chúng ta sẽ được đánh giá trên cơ sở là tình yêu của chúng ta dành cho tha nhân và đặc biệt là cho những người trong lúc quẫn bách. Thông qua các dụ ngôn, Chúa dạy chúng ta hãy chờ đợi ngày Chúa lại đến không phải với nỗi sợ hãi nhưng với sự tin tưởng cậy trông, luôn cảnh giác về những dấu chỉ sự hiện diện của Ngài và thành tâm liên lỉ trong lời cầu nguyện và các hoạt động bác ái, để khi Ngài đến, Ngài sẽ thấy nơi chúng ta những đầy tớ tốt lành và trung tín.



Đức Thánh Cha nói thêm:



Tôi rất vui mừng chào đón những người hành hương Việt Nam đến từ Tổng Giáo phận Sàigòn, do Đức Hồng Y Jean-Baptiste Phạm Minh Mẫn hướng dẫn. Tôi cũng chào đón nhóm các Thầy dòng Đức Bà đang tham gia vào một chương trình hiệp nhất tinh thần. Lời chào đón chân tình của tôi cũng được gởi tới các du khách đến từ trường Cao đẳng Hồi giáo Cambridge ở Anh. Với tất cả các du khách nói tiếng Anh hiện diện trong buổi triều yết hôm nay, bao gồm những người từ Anh, Ireland, Na Uy, Úc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, tôi khẩn cầu Chúa ban cho anh chị niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh.



2. Đức Thánh Cha cử hành lễ mừng bổn mạng



Đức Thánh Cha đã mừng lễ bổn mạng tại nhà nguyện Thánh Phaolô trong dinh Tông Tòa với 45 vị Hồng Y thường trú tại Roma, và một số chức sắc thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.



Đầu thánh lễ, Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, đã đại diện các Hồng Y chúc mừng lễ bổn mạng Đức Thánh Cha và nhắc lại vài nét nổi bật trong cuộc đời của thánh Giorgio: Người đã từ bỏ chức vụ sĩ quan cấp cao trong quân đội của hoàng đế Roma, để trở thành chiến binh của Chúa Kitô. Thánh nhân cởi bỏ binh giáp để mặc lấy áo giáp đức tin và đức ái. Đức Hồng Y Sodano cầu chúc Đức Thánh Cha được hồng ân sức mạnh Kitô mà Chúa Thánh Linh phú cho các vị tử đạo trong mọi thời đại. Chính hồng ân sức mạnh Thánh Linh đổ tràn tâm hồn viên sĩ quan trẻ Giorgio của quân đội Roma, đã giúp thánh nhân đương đầu với mọi khó khăn trong việc từ bỏ binh nghiệp để trở nên môn đệ Chúa Kitô, phân phát tài sản của mình cho người nghèo. Đức Hồng Y niên trưởng nói thêm rằng: ”Cùng với Đức Thánh Cha, chúng con cũng cầu xin ơn sức mạnh Kitô cho những người đang còn chịu đau khổ vì đức tin, như thời thánh Giorgio. Như cách đây mấy ngày, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng con rằng thời kỳ của các vị tử đạo vẫn chưa chấm dứt!”.



Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:



"Tôi cũng cảm ơn tất cả các hiền huynh đã mong muốn hiện diện tại đây hôm nay: Cảm ơn các chư huynh đệ. Bởi vì tôi cảm thấy được chào đón. Cảm ơn các hiền huynh. Tôi cảm nhận được lòng ưu ái của các hiền huynh và cảm kích về điều đó."



Dựa vào bài Tin Mừng trong ngày lễ, Đức Thánh Cha đã nói về sự mở rộng của Giáo Hội, bắt đầu với cuộc bách hại đầu tiên mà các Kitô hữu tiên khởi phải gánh chịu.



Đức Thánh Cha ghi nhận là chính lúc Giáo Hội bị bách hại, thì cũng là lúc bùng lên công trình truyền giáo của Giáo Hội: các tín hữu Kitô bị bách hại như thế đã đi tới tận miền Fenicia, đảo Cipro, và Antiokia, để công bố Lời Chúa. Họ mang trong mình lòng nhiệt thành tông đồ và nhờ đó đức tin được phổ biến. Và khi đến Antiokia, các tín hữu ấy đã bắt đầu nói với cả những người Hy Lạp. 



Đức Thánh Cha nói:



“Đó là cách Giáo Hội tiến lên. Ai đã có sáng kiến nói với cả những người Hy Lạp? Chính Thánh Linh đã giúp họ có sáng kiến nói với cả những người Hy Lạp, đã thúc đẩy họ đi xa hơn nữa! Tại Jerusalem bấy giờ, có những người nghe tin về điều ấy, thì cảm thấy căng thẳng, và họ đã gửi Barnaba đến ‘thanh tra tông tòa’; với một chút tinh thần khôi hài, chúng ta có thể nói cuộc thanh tra tông tòa của Barnaba ấy là khởi điểm thần học của Bộ giáo lý đức tin!”



Đức Thánh Cha cũng trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục hai lần khi giải thích rằng để tìm kiếm Chúa Giêsu, người ta phải là một phần của Giáo Hội.



Đức Thánh Cha nói:



"Căn tính Kitô giáo không phải một thẻ căn cước, nhưng là sự thuộc về Giáo Hội. Bởi vì không thể tìm thấy Chúa Giêsu bên ngoài Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục cho biết: ‘Muốn sống với Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội, theo Chúa Giêsu bên ngoài của Giáo Hội, yêu mến Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội là một sự phân đôi vô lý.’"



Đức Thánh Cha cảnh giác thái độ chiều theo hoặc thỏa hiệp với thế gian, tìm an ủi nơi trần thế mà không ý thức về những bách hại và khó khăn. Ngài nói: ”Nếu chúng ta muốn tiến bước một chút trên con đường trần thế, thương thảo với thế gian - như những người Macabêu xưa kia bị cám dỗ muốn thực hiện, thì chúng ta sẽ không bao giờ được sự an ủi của Chúa. Và nếu chúng ta chỉ tìm an ủi, thì đó chỉ là một sự an ủi hời hợt, chứ không phải là ơn an ủi của Chúa, chỉ là một sự an ủi của phàm nhân. Giáo Hội luôn tiến bước giữa Thập Giá và sự Phục Sinh, giữa bách hại và sự an ủi của Chúa. Đó chính là hành trình của Giáo Hội: ai tiến trên con đường này thì không sai lầm”.



Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được lòng nhiệt thành tông đồ, thúc đẩy chúng ta tiến bước, như anh em với nhau! Hãy tiến bước, mang theo danh Chúa Giêsu giữa lòng Hội Thánh là Mẹ chúng ta, và như thánh Ignatio đã nói, Giáo Hội ‘có phẩm trật và Công Giáo’



Ngoài Đức Thánh Cha Francis, cũng có các vị khác tại Rôma kỷ niệm lễ bổn mạng Thánh George bao gồm: anh trai Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 là Đức Ông Georg Ratzinger, đang ở tại Castel Gandolfo, và Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein. Ngài đã đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà nguyện Pauline.



3. Phiến quân Syria nhanh chóng đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô 



Hôm thứ Hai, phiến quân Syria đã chặn xe chở hai vị Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Hy Lạp và Syria trên đường từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ về Aleppo. Tài xế đã bị bắn chết. Đức Tổng Giám Mục Yuhanna Ibrahim là Tổng Giám Mục thành Aleppo của Chính Thống Giáo Syria, Đức Tổng Giám Mục Boulos Yazigi là Tổng Giám Mục thành Aleppo của Chính Thống Giáo Hy Lạp, và hai linh mục tháp tùng đã bị phiến quân bắt cóc.



Trong một bản tuyên bố đưa ra cùng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các vị giáo sĩ bị bắt cóc và kêu gọi hòa bình cho Syria.



Theo tổ chức cứu trợ Công giáo L'Oeuvre d'Orient, lúc 2 giờ chiều thứ Ba 23 tháng Tư, phiến quân đã trả tự do cho cả bốn vị. 



4. Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình ở Venezuela và đối thoại "dựa trên sự thật”'



Trước tình trạng bất ổn chính trị ở Venezuela, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một lời kêu gọi đặc biệt vào trưa Chúa Nhật 21 tháng Tư, sau khi ngài đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng chung với các tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha nói rằng Ngài lo lắng về tình trạng bất ổn, và kêu gọi các nhà lãnh đạo Venezuela hãy tìm kiếm một giải pháp hòa bình.



Đức Thánh Cha Phanxicô nói:



"Tôi theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra ở Venezuela. Tôi lo ngại sâu sắc, cầu nguyện liên lỉ và hy vọng rằng họ sẽ tìm ra phương cách đúng đắn và hòa bình, để vượt qua các khó khăn nghiêm trọng mà đất nước đang trải qua. Tôi mời gọi người dân thân yêu của Venezuela, và đặc biệt là các nhà hoạch định thể chế và chính khách hãy từ chối mạnh mẽ bất cứ hình thức bạo lực nào, và thiết lập một cuộc đối thoại dựa trên sự thật, sự công nhận lẫn nhau, lợi ích chung và tình yêu đất nước".



Ngay sau lời tuyên bố của Đức Thánh Cha, cả Tổng thống đắc cử Nicolas Maduro, và nhà lãnh đạo đối lập, Henrique Capriles, đã cám ơn Đức Thánh Cha.



Tổng thống tân cử Maduro gửi tin nhắn của mình trên Twitter:



@ NicolasMaduro



"Tôi đồng ý với Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi đang quan tâm về sự không khoan dung, hận thù và bạo lực vốn gây ra nhiều thương vọng. Cùng với Ngài, trọng kính Đức Thánh Cha, chúng ta cầu khẩn Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc và Thánh Phanxicô Assisi hãy bảo vệ người dân và ban hòa bình, cùng với lời chúc lành của Đức Thánh Cha. Xin cho đất nước sớm có hoà bình”.



Còn ông Henrique Capriles, nhà lãnh đạo phe đối lập, cho biết rằng ông chỉ công nhận cuộc bầu cử sau khi có cuộc kiểm phiếu lại. Ông cũng trả lời cho Đức Thánh Cha thông qua mạng xã hội.



@ Hcapriles



"Xin triệu lần cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về việc Ngài lưu tâm đến Venezuela, và việc tìm kiếm các giải pháp dựa trên cơ sở sự thật".



Đức Hồng Y Jorge Urosa của Venezuela cảm ơn Đức Thánh Cha vì đã cầu nguyện cho Venezuela, và nói rằng "Hội đồng Giám mục Venezuela muốn đóng một vai trò trung gian hòa giải để thúc đẩy đối thoại".



Các Giám mục Venezuela kêu gọi mọi người bình tĩnh, sau khi Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia công bố một cuộc kiểm toán về cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống mới đây.



Theo kết quả ban đầu, ông Nicolás Maduro, phó tổng thống của cố tổng thống Hugo Chávez đã đánh bại lãnh tụ đối lập Henrique Capriles Radonski với một tỉ lệ sít sao chỉ là 2%. Ông Maduro đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống.



Các Giám mục Venezuela nói trong một tuyên bố là kết quả bầu cử cho thấy "sự phân cực chính trị rất rõ ràng, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Venezuela",



Các giám mục nói tiếp: "Nhân danh Chúa, chúng tôi khuyên các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội hãy loại trừ sự công kích, nói xấu lẫn nhau, và những thứ ngôn ngữ kích động, nhằm tránh cuộc chiến đường phố, thường dẫn đến các hành vi bạo lực và đôi khi dẫn đến cái chết nữa, để lắng nghe Lời Chúa đang mời gọi đối thoại và hòa giải".



5. Đức Thánh Cha đối thoại với thanh niên và thúc giục họ theo đuổi các lý tưởng lớn hơn



Quảng trường Thánh Phêrô đã vang lên vô số câu trả lời của thanh thiếu niên đối với Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Một lần nữa, dòng khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô quá đông, nên dòng xe cộ đã phải ngưng bắt đầu từ Quảng trường Đức Thánh Cha Piô XII .



Trong khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng, Đức Thánh Cha đã phá vỡ khoảng cách giữa Ngài và Quảng trường, và bắt đầu cuộc trò chuyện với giới trẻ hành hương.



Đức Thánh Cha Phanxicô nói:



"Tôi muốn hỏi các bạn: có khi nào các bạn nghe tiếng Chúa mời gọi các bạn đi theo Ngài cách gần gũi hơn không, khi đang có một mong muốn, một bồn chồn nhất định nào đó? Các bạn đã vâng nghe lời Chúa không? Tôi không thể nghe các bạn ... Các bạn đang ở đây! Các bạn đã có mong muốn nào để làm tông đồ của Chúa Giêsu không? Giới trẻ phải có những ước muốn về các lý tưởng cao đẹp. Các bạn có nghĩ như vậy không? Các bạn đồng ý không? Hãy hỏi Chúa Giêsu những gì Ngài muốn nơi các bạn và hãy cản đảm lên! Hãy can đảm, hãy hỏi Chúa đi!"



Trước đó, vào buổi sáng, Đức Thánh Cha đã truyền chức linh mục cho 10 phó tế. Ngài nhắc lại rằng đằng sau mỗi ơn gọi, luôn luôn có một người, một người bà, một người cha, một người mẹ hay cả một cộng đoàn đang cầu cầu nguyện. Ngài nói thêm rằng ơn gọi được sinh ra trong lời cầu nguyện và qua cầu nguyện.



Các bạn trẻ đã nồng nhiệt reo hò hưởng ứng nhưng Đức Thánh Cha đề nghị các bạn trẻ hãy nồng nhiệt chào đón Chúa Giêsu.



Ngài nói:



"Cảm ơn các bạn rất nhiều vì các lời reo hò, nhưng các bạn cũng hãy chào đón Chúa Giêsu, hãy hô vang 'Chúa Giêsu' thật lớn tiếng".



Đức Thánh Cha Phanxicô cũng xin mọi người cầu nguyện cho người dân Venezuela đang phải chứng kiến bạo lực gia tăng sau cuộc bầu cử với kết quả sát sao.



Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng nói về các nạn nhân của trận động đất mạnh ở Trung Quốc, làm 200 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương.



Đức Thánh Cha Phanxicô nói:



"Suy nghĩ của tôi cũng đang gần gũi với những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở miền tây nam của Hoa Lục. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân và cho những người đang đau khổ vì trận động đất dữ dội".



Trong số các lời chào mừng, Đức Thánh Cha đã đặc biệt nhắc đến một nhóm thanh niên ở Venice. Ngài đã kết thúc cuộc gặp gỡ với khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô trong một lời chào rất đặc trưng của Ngài.



Ngài nói:



"Tôi chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành, và dùng một bữa ăn trưa ngon miệng!"



6. Ra mắt chương trình web để cải thiện thế giới trong 21 ngày



Thay đổi thế giới trong 21 ngày. Đó là thách thức mà một cơ quan quan hệ công chúng Mexico đưa ra trên mạng lưới điện toán toàn cầu. Chương trình này được gọi là "Nhân loại: 21 ngày của lòng tốt". Mặc dù bản thân ông Nico Nogues không là người Công giáo, ông cảm thấy lo âu rằng đã có rất nhiều các chương trình dành cho việc làm đẹp hoặc giảm cân, nhưng không có một chương trình nào để sống cho ra con người hơn.



"Xin chào, tên tôi là Nico Nogues, và tôi nghĩ rằng rằng ngày nay chúng ta lo lắng quá nhiều cho chính chúng ta".



Chương trình này là một kế hoạch hành động trong vòng 21 ngày với các đề nghị như hiến máu, hoặc chỉ đơn giản là nấu ăn cho người khác.



Tuy nhiên, Nico Nogues nói rằng hành vi nhân hậu đứng đầu danh sách và tốn thời gian nhất, nhưng cũng làm hài lòng nhất đó là tìm việc làm cho người khác trong vòng 21 ngày. 



Nhờ các mạng xã hội, trong những ngày đầu tiên, 8.500 người đã tải chương trình về máy tính, và ba trường học đã khích lệ học sinh tham gia chương trình.



Các hành vi khác của lòng tốt bao gồm việc mua cho người nào đó một bó hoa, đồng ý với một ai đó, không ăn miếng trả miếng với họ, hoặc tặng một vật dụng mà bạn không dùng nữa cho người đang cần nó. Chính các hành động nhỏ này có thể làm cho thế giới trở nên một nơi tốt hơn.



7. Kỷ niệm tám năm ngày Đức Bênêđíctô XVI làm Giáo Hoàng



Ngày 19 tháng 4 năm 2005, lúc 16g50 khói trắng bốc ra khỏi ống khói phía trên nhà nguyện Sistine. Các Hồng Y đã chọn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger làm Đức Tân Giáo Hoàng.



Khoảng một giờ sau, Ngài bước ra ban công nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô. Thế giới đã diện kiến nhân vật kế nhiệm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đó là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.



Cuộc bầu cử đã qua đi được tám năm. Ngài đã chủ trì một triều đại giáo hoàng trí thức, đắm mình trong các viễn tượng thần học sâu sắc. Nhưng triều đại này đã kết thúc vào ngày 28 tháng 2, sau khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ chức vì lý do sức khoẻ.



8. Đức Thánh Cha nói với các giám mục Á Căn Đình: Một Giáo Hội mà không vượt ra ngoài chính mình, thì sớm muộn gì cũng sẽ đau yếu



Đức Thánh Cha Phanxicô viết một lá thư cho các Giám mục Á Căn Đình, cho thấy một lần nữa phong cách trực tiếp và cảm thức hài hước của Ngài. Trong tài liệu ngắn, viết bằng tiếng Tây Ban Nha, Ngài vạch ra phương pháp tiếp cận quản trị của Ngài. Ngài kêu gọi các Giám mục hãy chọn con đường mục vụ truyền giáo, để Giáo Hội không bị bệnh "do không khí tù túng của những căn phòng đóng kín".



Trong thư, Ngài cũng nói với các Giám mục là Ngài thích "ngàn lần một Giáo Hội có tai nạn hơn một Giáo Hội bị bệnh", khi qui chiếu đến các vấn đề mà sự mở rộng có thể gây ra, trái ngược với sự thụ động của Giáo Hội.



Đức Thánh Cha cũng nói đùa rằng ngài không còn có thể tham gia hội họp với các Giám mục Á Căn Đình nữa, do "các cam kết gần đây", ý nói về vai trò của mình như là Đức Thánh Cha.



Một gợi ý khác được đề cao trong lá thư, là lời mời gọi các Giám mục Á Căn Đình hãy sử dụng các tài liệu Aparecida như một hướng dẫn cho sứ vụ mục vụ của các ngài.



9. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tân Đại sứ Bồ Đào Nha bên cạnh Tòa Thánh



Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức xác nhận việc chính phủ Bồ Đào Nha bổ nhiệm tân đại sứ bên cạnh Tòa Thánh, trong cuộc tiếp kiến sáng thứ Năm 18 tháng 4 tại Dinh Tông Tòa.



Đại sứ Antonio Carlos Carvalho di Almeida Ribeiro đã trình quốc thư lên Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc tiếp kiến ngắn bằng tiếng Tây Ban Nha. Vị đại sứ Bồ Đào Nha, cũng giới thiệu gia đình của mình.



"Hân hạnh được gặp Ngài"



Hai con trai của đại sứ đem quà tặng Đức Thánh Cha Phanxicô, và con cả của đại sứ tự hào nói được tiếng "Porteño", tức là thổ ngữ Tây Ban Nha tại Buenos Aires.



"Đây là một người nói được tiếng Porteño"



"Cha có quà để tặng các con đây, hai tràng chuỗi"



"Cha sẽ chúc lành cho các con"



Chàng thanh niên cũng lãnh đạo một phong trào Công giáo ở đất nước mình, trong đó họ bảo trợ các đôi hôn nhân. Chàng thanh niên nói với Đức Thánh Cha.



"Cặp vợ chồng mà chúng con đang tài trợ bị ung thư tuyến tụy, vì thế từ Panama họ viết thư này xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho họ".



"Cha sẽ làm điều đó."



Một thành viên trong gia đình cũng dâng tặng Ngài một thánh giá, gợi ý cách vui vẻ rằng Đức Thánh Cha nên sử dụng thánh giá này trong Thánh Lễ hàng ngày của Ngài tại Nhà trọ thánh Marta. Chuyện này làm cho mọi người cười.



Sau khi giới thiệu gia đình của mình, đại sứ cũng giới thiệu một số Giám mục Bồ Đào Nha, và dâng tặng Đức Thánh Cha một món quà thú vị là một chai rượu vang với một ly và nút chai thủy tinh. Đức Thánh Cha tặng lại gia đình một huy chương Giáo hoàng.



Nhà ngoại giao Bồ Đào Nha được bổ nhiệm đầu năm nay, nhưng chưa được công nhận do Đức Thánh Cha Bênêđíctô từ chức và Tòa Thánh bận rộn cho cuộc bầu cử Tân Giáo Hoàng.



10. Quốc Vương Ả-rập Saudi gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô 



Đại sứ Vương quốc Ả-rập Saudi tại Ý là ông Salh Mohammad Al Ghandi đã trao thông điệp của Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz al Saud cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến thân mật diễn ra tại Đại Thính Đường Phaolô VI hôm thứ Tư 17 tháng Tư.



Ả Rập Saudi là một trong tám quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Tòa thánh Vatican.



Mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức, giữa hai nước đã có một loạt các cuộc họp bán chính thức. Các mối quan hệ giữa hai nước vẫn còn nhiều khó khăn vì Kitô hữu không có quyền tự do thờ phượng công khai trong Vương quốc này.



Việc đối thoại giữa hai nước được thúc đẩy sau một cuộc họp giữa Quốc vương Abdullah và Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tại Vatican vào năm 2007. Cuộc hội kiến của hai vị là dấu hiệu tích cực nhất giữa các hai quốc gia trong các năm qua.



Trong khi đó, công chúa Hussa Al-Sabah, của nước Kuwait, đã tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Đức Thánh Cha hôm 17 tháng Tư. Công chúa đã ngồi ở một trong các hàng đầu tại quảng trường Thánh Phêrô và đã có một cuộc nói chuyện ngắn ngủi với Đức Thánh Cha, qua một thông dịch viên.



11. Triều đại Giáo Hoàng sẽ được dâng hiến cho Đức Mẹ Fatima vào ngày 13 tháng 5



Chỉ vài giờ sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một yêu cầu đặc biệt với Đức Hồng Y José Policarpo của Bồ Đào Nha. Đức Thánh Cha xin Đức Thượng phụ Lisbon hãy dâng hiến triều đại giáo hoàng của Ngài cho Đức Mẹ Fatima.



Trong tháng Tư, các Giám mục Bồ Đào Nha đã tổ chức hội nghị thường niên, và các ngài đã quyết định thực hiện buổi lễ dâng hiến này theo ý Đức Thánh Cha.



Buổi lễ sẽ được tổ chức vào ngày 13 tháng 5, và được Đức Hồng Y Policarpo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha, chủ sự. Các Giám mục cũng đã mời khách hành hương tham dự nghi lễ này nhằm cầu nguyện cho công việc phục vụ mục vụ của Đức Thánh Cha.



12. Lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II có thể diễn ra trong năm nay



Andrea Tornielli của tờ La Stampa cho biết là một hội đồng Y Khoa đã xác nhận rằng không thể giải thích về mặt khoa học một trường hợp lành bệnh được cho là nhờ sự cầu bầu của Chân Phước Gioan Phaolô II. Giờ đây, nếu các nhà thần học và các vị Hồng Y công nhận sự chữa lành này như một phép lạ, nó sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cho việc phong thánh cho Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.



Theo ông Tornielli, hồ sơ y tế liên quan đến phép lạ đã được trình lên Tòa Thánh Vatican vào tháng Giêng. Các bác sĩ nghiên cứu trường hợp trên đã đồng ý rằng sự chữa lành là không thể giải thích. Trường hợp hiện nay sẽ được xem xét bởi một nhóm các nhà thần học do Thánh bộ Phong Thánh bổ nhiệm. Nếu phúc trình của các ngài cũng là thuận lợi, các vị Hồng Y trong Thánh bộ sẽ được yêu cầu xác nhận phép lạ, và sau đó, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, việc phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II có thể được sắp xếp để tổ chức.



Ông Tornielli gợi ý là có thể Chân Phước Gioan Phaolô II sẽ được phong thánh vào cuối năm 2013.



13. Việc phong chân phước cho Đức Tổng Giám mục Romero sẽ được xúc tiến 



Con đường dẫn tới việc phong chân phước cho Đức Tổng Giám mục Oscar Romero đã được khai thông. Cáo thỉnh viên của án phong chân phước cho Đức Tổng Giám Mục người El Salvador vừa cho biết như trên.



Đức Tổng Giám Mục Romero đã bị bắn chết trong khi đang cử hành Thánh Lễ tại San Salvador vào năm 1980. Lực lượng cánh hữu dưới quyền của Roberto D'Aubisson, một chính trị gia hàng đầu của El Salvador, bị nghi là đã giết hại ngài. 



Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, cáo thỉnh viên của vụ án nói với tờ National Catholic Reporter rằng Tòa thánh Vatican đã nghiên cứu hồ sơ về Đức Tổng Giám mục Romero kể từ năm 1996. Cả Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đều nhiều lần nhắc đến Đức Tổng Giám Mục Romero như một vị tử đạo vì đức tin. Tuy nhiên, một số người hoài nghi đã đặt câu hỏi liệu vị giám chức El Salvador đã bị giết chết do thù hận vì đức tin, hay do các lý do chính trị.



Gần đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai thông tiến trình này. 



14. Chủ tịch Ủy ban Công Lý Quốc Nội và Phát Triển Nhân Văn của Hội Ðồng Giám Mục Mỹ bày tỏ "sự thất vọng sâu sắc" sau thất bại về luật kiểm soát súng



Đức Giám mục Stephen Blaire, giáo phận Stockton, Chủ tịch Ủy ban Domestic Justice and Human Development, tức là Công Lý Quốc Nội và Phát Triển Nhân Văn, của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, đã bày tỏ sự thất vọng sâu sắc sau thất bại của Thượng viện, nhằm giảm bớt tình trạng bạo lực do súng đạn gây ra tại Mỹ.



Thượng nghị sĩ Harry Reid, lãnh đạo đa số Thượng viện, đã thất bại trong việc thông qua luật kiểm soát súng, sau một cuộc bỏ phiếu với tỷ số 54-46 nhằm ủng hộ một dự luật theo đó cảnh sát sẽ kiểm tra lý lịch chặt chẽ những người dùng súng. Dự luật thất bại vì thiếu sáu phiếu cho đủ 60 phiếu cần thiết theo qui định của Thượng viện Mỹ.



Đức Giám mục Stephen Blaire nói trong một thư gửi cả các nhà lãnh đạo khối đa số Thượng viện Mỹ lẫn các nhà lãnh đạo khối thiểu số: "Trước hàng loạt các sự kiện bi thảm, chẳng hạn như vụ nổ súng tại Trường Tiểu Học Sandy Hook, sự thất bại trong việc hỗ trợ các quy định khiêm tốn về kiểm soát súng, là một thất bại về mặt đạo đức xã hội, và là một thất bại trong việc thúc đẩy các chính sách bảo vệ và bênh vực công ích. Chúng tôi kiên quyết thúc giục Quốc hội hành động và chúng tôi hỗ trợ pháp luật, nhằm thúc đẩy một nền văn hóa sự sống bằng cách giảm bớt bạo lực súng và cứu sống nhiều mạng người".



15. Đại Hội Giới Trẻ Thế giới: Vatican và Ý cho mượn các tác phẩm của Da Vinci và Caravaggio để triển lãm ở Brazil



Tháng Bảy tới, ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2013 sẽ biến Rio de Janeiro trở thành thủ đô cho thanh thiếu niên trên toàn thế giới. 



Bên cạnh đó, thành phố này cũng sẽ là thủ đô nghệ thuật nữa. Đây là lần đầu tiên, hơn 100 tác phẩm ở Vatican và ở một số viện bảo tàng Ý sẽ được đưa đến Brazil.



Cuộc triển lãm mang tên "Theo bước chân Chúa", kéo dài từ ngày 11 tháng Sáu đến ngày 15 tháng Chín, sẽ trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Mỹ thuật các tác phẩm của Leonardo da Vinci, Caravaggio, và thậm chí cả tác phẩm quan trọng của phòng thánh nhà nguyện Sistina, tượng Mandylion của Edessa, là tranh tượng thánh đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo.


VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét