Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Kháng thư của mục sư Nguyễn Trung Tôn

Ms. Nguyễn Trung Tôn & Nguyễn thị Bích Khương

LTCGVN (24.04.2013)

Kháng thư lần thứ 1
V/v Ông Hoàng Doãn Đức, Phó Chánh án Tòa Hình sự
Tòa án Nhân dân Tối cao trả lời đơn khiếu nại của tôi.
            Kính gửi:
- UBTV Quốc hội nước CHXHCNVN.
- Tòa án NDTC nước CHXHCNVN.
- Viện KSNDTC nước CHXHCNVN.
            Tên tôi: Nguyễn Trung Tôn  - Sinh năm 1971
            Sinh trú quán tại: Thôn Yên Cổ, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
            Nghề nghiệp: Nguyên là mục sư nhiệm chức của Hội Thánh Phúc Âm Toàn Vẹn Việt Nam.
            Hiện tại: Đang bị quản chế tại địa phương, thôn Yên Cổ, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
            Kính thưa quý cơ quan: Ngày 15-1-2011 tôi bị công an huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ra lệnh bắt khẩn cấp tại Nghệ An. Ngày 17-1-2011 công an huyện Nam Đàn thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của tôi tại thôn Yên Cổ, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 22-1-2011 Cơ quan ANĐT tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố tôi về tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” theo điểm c khoản 1 điều 88 BLHS. Ngày 29-12-2011 TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử tôi với tội danh trên và kết án tôi 2 năm tù giam và 2 năm quản chế.

            Khẳng định việc làm của mình là không có tội, và quá trình tố tụng các cơ quan tố tụng đã làm không đúng quy định của pháp luật trong việc bắt, khám xét chỗ ở, khởi tố và truy tố xét xử tôi, nên tôi đã làm đơn kháng án lên tòa án tối cao. Ngày 30-5-2012, TATC đã mở phiên tòa phúc thẩm và tiếp tục tuyên y án. Tôi khẳng rằng mình vô tội, nên đã làm đơn khiếu nại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 21-11-2012 tôi nhận được thư trả lời “Tòa án nhân dân tối cao – Số 635/TA-HS v/v trả lời đơn” do ông Hoàng Doãn Đức ký. Trong thư trả lời có đoạn viết “Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm đã xem xét khách quan, toàn diện các tình tiết vụ án để kết án anh về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là đúng pháp luật, không oan; không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án nếu trên”.
            Kính thưa quý vị: Tôi thấy có rất nhiều phi lý bất công trong vụ án của tôi mà cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đưa ra xét xử và buộc tội tôi.
            I - Những phi lý trong việc bắt giữ và khởi tố:
            1- Về việc công an huyện Nam Đàn ra lệnh bắt khẩn cấp tôi tại nhà chị Hồ Thị Bích Khương là hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luật.
            “Điều 81 Bộ Luật TTHS. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp.
            1-Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:
A- Khi có căn cứ cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
B- Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xãy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
C- Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trôn hoặc tiêu hủy chứng cứ.”
            Khi công an vào nhà chị Hồ Thị Bích Khương, tôi vẫn còn đang ngủ cùng cháu Đức con chị Khương. Tôi không thuộc trường hợp nào trong các trường hợp trên; vì vậy không ai được phép ra lệnh bắt khẩn cấp tôi!
            (Tôi xin hỏi ông Hoàng Doãn Đức: như vậy đã có khách quan trong qua trình bắt giam, truy tố và xét xử tôi chưa?). Tại sao tôi lại bị bắt khẩn cấp?
            2- Về việc cơ quan CSĐT công an huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An tiến hành điều tra đối với tôi là hoàn toàn vi phạm Khoản 4 điều 110 Bộ Luật TTHS 2003 quy định:
            Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xãy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xãy ra tội phạm, thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.”
            (Tôi xin hỏi ông: Tôi không phải người có nhân khẩu tại Nghệ An, không phạm tội gì tại Nghệ An, không viết bài tại Nghệ An, việc bắt giữ tôi tại Nghệ An không có cơ sở, vậy tại sao CQCSĐT công an tỉnh huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An lại tiến hành khám xét nơi ở của tôi tại thôn Yên Cổ trước cả khi ra quyết định khởi tố và sau đó chuyển cơ quan ANĐT công an tỉnh Nghệ An tiến hành điều tra đối với tôi?)        
            II- Việc làm của tôi không thể bị xem là “Hành vi phạm tội”.
            1- Làm ra: Việc tôi viết ra ba bài viết trên là thể hiện quyền tự do bày tỏ quan điểm, và thái độ của mình trước những bất công trong xã hội. Trong tất cả nội dung bài viết không có một từ nào đề cập tới nhà nước CHXHCNVN. Những tài liệu tôi làm ra hoàn toàn nói lên những sự kiện có thật và tôi đưa ra quan điểm của mình trước những sự kiện đó, đồng thời có những nhận định và lời cảnh báo, cho những người cầm quyền của đảng cộng sản về những hậu quả có thể xảy ra. Việc tôi làm như trên không thể xem là phủ nhận thành quả của đảng cộng sản hay phỉ báng chính quyền nhân dân, hay xuyên tạc; lại càng không thể nói là chống nhà nước CHXHCNVN.
            2- Tàng trữ: Cất giữ với số lượng lớn (Đại từ điển tiếng Việt. Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB ĐHQG TPHồ Chí Minh năm 2010, trang 1426). Tôi bị đưa ra truy tố với 3 bài viết mà cơ quan điều tra in ra từ máy tính của họ, trên email của tôi. Như vậy không thể khép tôi có hành vi tàng trữ! Vì tôi không cất giữ trong người, trong nhà, trong máy tính. Những bài viết kia là trong hộp thư điện tử, do nhà mạng lưu giữ! Đây là lãnh vực thư tín hoàn toàn được luật pháp bảo vệ. Hơn nữa tôi khẳng định những bài viết của tôi không có nội dung chống nhà nước CHXHCNVN nên không thể gọi đây là hành vi phạm tội.
            3- Lưu hành: Đưa ra xử dụng rộng rãi (Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB ĐHQG TPHồ Chí Minh năm 2010, trang 988). Việc tôi dùng email để gửi thư điện tử cho một vài người quen có cùng quan điểm là việc trao đổi thư tín hết sức bình thường, nội dung bài viết cũng hết sức bình thường, không thể xem là hành vi lưu hành phạm pháp!
            · Nội dung cả ba bài viết của tôi được trích trong bản cáo trạng của VKSND :
            1. Bài: “Đảng Cộng sản Việt Nam và các sự kiện sai trái, tội lỗi được gọi là những cuộc cải cách lớn
            Có trích đoạn: “… Chủ nghĩa cộng sản chủ trương thần thánh hóa chính họ nên từ khi mới xuất hiện ở Việt Nam nó đã gây ra những tội ác tầy trời như tôi đã nói ở trên nhằm tiêu diệt đối thủ, dùng bạo lực cùng chính sách ngu dân, để thuần hóa nhân dân cả hai miền đất nước sau năm 1975….. Cho đến nay đảng cộng sản Việt Nam không còn là một đảng theo đúng nghĩa của nó nữa, mà đã và đang lột xác thể hiện rõ nguyên hình là bầy Sa tan ác quỷ” Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An thì bài này có nội dung“Xuyên tạc vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam”
            Xin thưa quý vị! Không thể nói những gì tôi nói trong bài viết này là “xuyên tạc” Vì những gì tôi nói là có thật! Và đây cũng là quyền tự do tư tưởng và quan điểm chính trị của tôi! Tại sao tòa án không đưa toàn bộ nội dung ra để tranh luận? Nội dung này không thể xem là “Chống nhà nước CHXHCNVN”
            2. Bài: “Thêm một thương binh cựu chiến binh Việt Nam tham gia Khối 8406.” Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An, bài này có nội dung “xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam”. Trích đoạn viết “Thật đáng buồn cho dân tộc Việt Nam, khi bị rơi vào tay cộng sản, họ sẵn sàng vắt chanh bỏ vỏ… Trong quá trình chịu đựng bất công và chứng kiến những bất công của chế độ này, anh Nguyễn Hữu Hoàng đã nhận thấy con đường đúng đắn để bước đi trong phần đời còn lại. Cần xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị của đảng cộng sản Việt Nam trên đất nước này. (Thực tế anh là Hồ Hữu Hoàng, có thể VKS lầm khi đánh máy). Nội dung của bài viết này tôi có đề cập tới trường hợp của một cựu chiến binh, thương binh bị ngược đãi, cắt chế độ… Sự việc này có thật! Sao tòa án không chất vấn anh Hồ Hữu Hoàng về những gì tôi đã đưa ra? Và như vậy không thể xem đây là “nội dung chống nhà nước CHXHCNVN”
            3. Bài: “Chuyện buồn muôn thủa của người dân Việt dưới chế độ cộng sản” Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An bài này có nội dung “đòi xóa bỏ đảng cộng sản”. Trích đoạn viết “Tôi thẳng thắn cảnh báo với nhà cầm quyền cộng sản rằng: Nếu quý vị tiếp tục lừa dối nhân dân, thì một thời gian không xa cả dân tộc Việt Nam sẽ đứng lên lật đổ chế độ lừa dân phản nước mà quý vị đang bám vào duy trì chúng để đào bới, ăn cướp của nhân dân” Đây là nội dung sự việc có thật xãy ra tại quê tôi. Tôi chỉ nhân chuyện này cảnh báo cho đảng cộng sản Việt Nam biệt và tỉnh ngộ! Không thể coi đây là có “nội dung tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”
            4- Việc tôi giúp chị Hồ Thị Bích Khương lập địa chỉ email, sửa lỗi chính tả một số bài viết của chị hay cho chị mượn email của tôi để gửi thư thì hoàn toàn không thể xem là hành vi phạm tội. Vì giữa tôi và chị Hồ Thị Bích Khương có mối quan hệ (mục sư và tín đồ), việc thầy trò giúp đỡ nhau trong cuộc sống là hoàn toàn trong sáng, đây là một hành động dân sự bình thường được luật pháp bảo vệ.
            Ấy vậy nhưng trong phần kết luận của bản cáo trang ghi: “Trong thời gian từ năm 2009 đến đầu năm 2011, Hồ Thị Bích Khương và Nguyễn Trung Tôn đã có nhiều bài viết có nội dung chống nhà nước CHXHCNVN, phỉ báng chính quyền nhân dân và chế độ chính trị, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam để thành lập một nên chính trị mới đa nguyên đa đảng. Như vậy có đủ cơ sở xác định bị can Hồ Thị Bích Khương và Nguyễn Trung Tôn có lý lịch dượi đây đã phạm tội” Tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.”
            Kính thưa các quý cơ quan: Bản tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng lời bất hủ về quyền con được trích trong Bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, Tạo Hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Nội dung này đã được cụ thể hóa trong hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng như nước CHXHCNVN ngày nay.
            Vậy việc làm của tôi chỉ là thể hiện quyền mưu cầu hạnh phúc trên ngay đất nước mà chính tổ tiên cha ông tôi và nhiều người dân khác đã hy sinh để gây dựng nên.
            Hơn nữa cho tới ngày hôm nay chưa có một văn bản pháp quy nào có khái niệm cụ thể về một nhà nước XHCN là gì? Ngay cả nhà nước cộng sản Trung Hoa là đàn anh của cộng sản Việt Nam mà còn chưa dám xưng là nhà nước XHCN. Họ cho rằng phải mất khoảng 300 năm nữa nhà nước Trung Hoa mới có thể xây dựng thành công nhà nước XHCN. Vậy thì ở Việt Nam chưa thể nào có một nhà nước XHCN thì làm sao lại quy chụp cho chúng tôi chống lại một chế độ không thực hữu? Việc cảnh tỉnh đảng cộng sản Việt Nam để đảng có thể nhận thấy những sai phạm mà chuyển mình, thay đổi cho phù hợp với lòng dân là một việc làm và thái độ tốt. Không thể coi đây là hành vi chống phá nhà nước CHXHCNVNHơn nữa Theo điều 2 của Hiến pháp thì Nhà nước CHXHCNVN là nhà nước của dân do dân và vì dân. Đảng cộng sản Việt Nam chỉ là một thiểu số trong đại gia đình nhân dân Việt Nam, vì vậy việc làm của tôi chỉ là nhắc nhở đảng cộng sản cần làm tốt hơn trong vai trò làm đầy tớ phục vụ nhân dân. Việc tôi cổ súy đa nguyên đa đảng không thể xem là hành vi phạm tội, vì nhà nước VNDCCH nay là CHXHCNVN vốn dĩ là nhà nước đa đảng.
            Ý kiến của tôi chỉ bày tỏ thái độ và tâm nguyện của một người dân trong một quốc gia, để đảm bảo tự do và mưu cầu hạnh phúc. Đúng với tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Đúng với quy định của khoản 2 điều 19 Công ước quốc tế về những Quyền dân sự và chính trị năm 1966, Việt Nam tham gia năm 1982: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền nay bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.” Chẳng lẽ khi xét xử chúng tôi, tòa án đã không nghiên cứu các quy định của pháp luật và công ước quốc tế? Tự lấy quan điểm của riêng một nhóm người nào đó để áp đặt tội danh cho tôi, bất chấp những quy định của pháp luật và công ước quốc tế như vậy, thế mà ông Hoàng Doãn Đức, phó chánh tòa lại cho là khách quan, chính xác, công bằng sao? Nếu những việc làm trên của tôi là “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” thì Ông Trương Tấn Sang nói: “Tham nhũng đang là một vấn nạn nghiêm trọng, ban đầu chỉ là một bộ phận, sau đó là một bộ phận không nhỏ, bây giờ có đồng chí nói là một tập đoàn!?
            Ông Trương Tấn Sang dùng lối nói ẩn dụ giàu hình ảnh, tạo ấn tượng rất mạnh: “Trước đây chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì có nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ! Không nhẽ cứ để hoài như vậy? Mai kia người ta nói bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được? Một con sâu đã nguy, một bầy sâu là chết cái đất nước này!” (Phát biểu với cử tri thành phố Hồ Chí Minh 7-5-2012). Nội dung này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn quốc. Chẳng lẽ cũng “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN” sao?
            III- Những phi lý trong một phiên tòa được gọi là : “Khách quan”.
            1- Tòa án không có tính độc lập trong xét xử.
            Thưa các quý cơ quan: Theo bản cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An thì tôi bị truy tố về tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”
            Vậy tôi xin hỏi: như vậy có phải tôi là bị cáo còn bị hại chính là “Nhà nước CHXHCNVN” Vậy sao trong cả hai phiên xử đều không có ai đại diện cho bị hại tới dự phiên tòa với tư cách bị hại? Mức độ thiệt hại do tôi gây ra cho bị hại là bao nhiêu? Bằng chứng của những thiệt hại ấy là gì? Khi xét xử Chủ tọa phiên tòa đã nhân danh “nhà nước CHXHCNVN” để xét xử và tuyên án. Như vậy có phải các ông chủ tọa của cả hai phiên xử đều đã nhân danh bị hại để tuyên xử bị cáo không? Khi mà bị hại nắm trong tay tất cả quyền lực, các thành phần tiến hành tố tụng toàn là đảng viên đảng cộng sản, họ thuộc nhóm đối tượng bị tôi phê phán trong các bài viết của mình, thì làm sao gọi là khách quan? Phiên tòa được thông báo xử công khai nhưng khi xét xử lại không cho dân chúng vào tham dự.
            Đây không thể gọi là một phiên tòa khách quan được! Vì quyền lực, số đông đều nằm trong tay “Bị hại”!
            2- Tiêu hủy bất hợp pháp những tài sản không phải là vật chứng.
            Cơ quan công an huyện Nam Đàn khi khám xét chỗ ở của gia đình tôi, đã thu giữ của gia đình: 10 đầu tài liệu, 223 đĩa DVD, VCD, CD các loại, một bộ máy vi tính, một máy in. Khi bắt tôi tại Nam Đàn, thu của tôi 1 máy ảnh, một USB và 1 DCom 3G. Qua quá trình điều tra không chứng minh được những tài sản trên là vật chứng. Cả 3 bài viết mà tòa đưa ra kết án tôi đều lấy xuống từ email, mở bằng máy tính của cơ quan điều tra. Như vậy theo đúng nguyên tắc, Tòa phải trả lại số tài sản trên cho tôi và gia đình. Nhưng đằng này tòa ngang nhiên tuyên bố tiêu hủy. Tại sao ông Hoàng Doãn Đức lại nói là khách quan?
            Cái khách quan mà ông Đức nói tới ở đây là loại khách quan nào? Có phải quyền lực nằm trong tay ai thì sức mạnh và lẽ phải nằm trong tay kẻ đó không?
            Kính thưa các quý cơ quan: Nay tôi đã ra khỏi nhà tù nhỏ để bước vào nhà tù lớn tại Việt Nam. Vì tình hình sức khỏe không được tốt nên cho tới hôm nay tôi mới viết thư này gửi tới quý các cơ quan đề nghị xem xét lại nội dung thư trả lời của ông Hoàng Doãn Đức, Phó chánh tòa tối cao đối với tôi. Đề nghị các quy cơ quan trả lời kháng thư này của tôi và sớm tuyên bố tôi vô tội. Vì ngay từ đầu, tiến trình bắt giữ và truy tố tôi đã hoàn toàn sai trái. Giờ đây tiếp tục áp dụng quản chế tôi tại địa phương chỉ vì quan điểm chính kiến. Một chính quyền tự mệnh danh là “của dân do dân và vì dân” lại có những hành xử như vậy, làm sao xứng đáng ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp quốc?
            Đảng và nhà nước Việt Nam luôn khẳng định trước quốc tế và người dân rằng ở Việt Nam không có ai bị bắt giữ vì lý do chính trị; trên thực tế thì lại có rất nhiều người phải ở tù trong trường hợp tương tự như tôi. Vào ngày 3-3-2013 Trong lá đơn của tôi xin đi thăm gặp chị Hồ Thị Bích Khương, trưởng công an xã Quảng Yên, người trực tiếp được giao nhiệm vụ quản chế tôi đã khẳng định tôi từng là một tù nhân chính trị khi xác nhận vào đơn như sau : “Xác nhận: Anh Nguyễn Trung Tôn SN 1971 hiện đang thực hiện thời gian quản chế tại địa phương (nhân thân bị phạt tù chính trị). Tại địa phương anh Tôn chấp hành bình thường”. Ông Lê Quang Kỳ ký tên đóng dấu khảng khái khẳng định tôi là một tù nhân chính trị. Là một công an xã bình thường ông Lê Quang Kỳ còn nhận ra điều này, vậy mà ở vị trí một phó chánh tòa ông Hoàng Doãn Đức lại không biết sao?
            Cuối cùng một lần nữa tôi đề nghị UBTV quốc hội, VKSND tối cao, TAND tối cao có hình thức giải quyết trả lời rõ ràng cho tôi về những những vi phạm của các cơ quan đã tham gia trong quá trình tố tụng và xét xử tôi, trả lại sự công bằng cho tôi. Để đảm bảo uy tín của nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
            Xin cảm ơn!
            Thanh Hóa ngày 22 tháng  04 năm 2013
            Nguyễn Trung Tôn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét