Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Bóng người hòa bình (4)


VRNs (26.04.2013) – Hà Nội – 24-12-1962. Mấy tia hy vọng rạng lên trong ngày 24/10. Trước thời điểm lệnh cấm vận bắt đầu có hiệu lực, tình báo Mỹ nhận thấy có điều khác lạ. Mười chín tàu Liên Xô đang trên đường sang Cuba, thì mười sáu chiếc, trong đó có năm chiếc phía Mỹ hồ nghi là chở tên lửa, đã giảm tốc độ, thậm chí có chiếc đã quay ngược mũi tàu. Điều tình báo Mỹ khi đó chưa biết, là trong số tàu quay ngược về, có chiếc Poltava, chở 20 đầu đạn hạt nhân. Tình báo Mỹ cũng mới chỉ phát hiện những tên lửa Liên Xô ở Cuba, nhưng chưa biết hơn 100 trái bom hạt nhân đã được đưa vào nội địa Cuba, và đang chuẩn bị lắp ráp với tên lửa. Tàu Liên Xô giảm tốc và chuyển hướng những con tàu trên Địa Trung Hải được báo cáo với Excomm lúc 10h25 sáng. Tổng thống Kennedy ra lệnh hoãn lệnh cấm vận thêm một tiếng, trong khi nghe ngóng tình hình.

Cùng ngày hôm nay, một doanh nhân Mỹ đang có chuyến thăm và làm việc ở Matxơcơva trước khi về nước đã bất ngờ nhận được điện thoại triệu tập đến gặp thủ tướng Khrushchev. William Knox là chủ tịch công ty Westinghouse International. Nhà lãnh đạo Liên Xô nói liên miên suốt ba tiếng đồng hồ. Ông vẫn biện bạch là tên lửa ở Liên Xô chỉ để phòng thủ chứ không phải để tấn công. Nhưng đồng thời ông cũng đưa ra lời thách thức: “Tôi không ham tàn phá thế giới … Nhưng tùy các vị, nếu các vị muốn tất cả chúng ta gặp nhau dưới địa ngục”.
Knox nhận xét ông Khrushchev trông mệt mỏi, mất ngủ và rất bồn chồn. Rõ ràng thủ tướng Liên Xô cũng đang trong tình trạng rất căng thẳng. Ý nghĩa của cuộc nói chuyện thì rõ ràng là ông Khrushchev muốn qua Knox gửi một thông điệp nữa cho phía Mỹ.
Dù sao gần đến thời điểm cấm vận, bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ lại nâng báo động từ Defcon 3 lên Defcon 2. Đó là mức báo động cao nhất của quân lực Mỹ cho đến ngày nay. Defcon 2 là báo động đỏ, được ban hành nếu chiến tranh hạt nhân cận kề. Gần 200 máy bay B52 liên tục trực chiến trên không. 145 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa sẵn sàng nhận lệnh báo động. Bộ chỉ huy Phòng Không  dàn thế trận, 161 hỏa tiễn chặn hỏa tiễn, được trang bị bom hạt nhân, khoảng 50 hỏa tiễn trong số này phải sẵn sàng tham chiến trong vòng 15 phút. 23 máy bay B 52 mang bom hạt nhân quần thảo gần không phận Liên Xô.
Sáng 25/20/1962- 1 giờ sáng, tổng thống Kennedy trả lời bức điện của thủ tướng Khrushchev:
“ Ngài chủ tịch thân mến.
Tôi đã nhận được thư Ngài đề ngày 24/10. Tôi rất tiếc là Ngài vẫn tỏ ra không hiểu điều gì đã khiến chúng tôi hành động trong vụ này.
Diễn tiến của mọi biến cố thật rõ ràng. Tháng 8 đã có những báo cáo về những chuyến tàu lớn chở trang bị quân sự và các kỹ thuật gia từ Liên Xô sang Cuba. Đầu tháng 9, tôi đã cho thấy rất rõ là Hoa Kỳ coi như bất kỳ chuyến tàu nào chở võ khí tấn công đến Cuba cũng tạo ra tình thế hết sức nghiêm trọng. Sau đó, chính phủ tôi đã nhận được từ quí chính phủ và quí vị đại diện những bảo đảm rất mực minh bạch, cả công khai lẫn riêng tư, rằng không có võ khí tấn công được gửi sang Cuba…
Vì dựa vào những bảo đảm long trọng hồi đó mà tôi đã yêu cầu người trong nước tôi phải tự kiềm chế khi họ đòi hành động về vụ này. Thế rồi tôi được biết chắc, không thể nghi ngờ được nữa, điều mà Ngài cũng không phủ nhận, tức là tất cả những lời bảo đảm công khai đó đều giả dối và mới đây giới quân nhân của các Ngài đã triển khai cả một loạt các căn cứ hỏa tiễn ở Cuba. Thưa Ngài chủ tịch, tôi xin Ngài nhận rõ một điều, là trong vụ này, không phải tôi đã gây ra sự thách thức và từ đó sự thể ở Cuba đã đòi hỏi phải đáp ứng như tôi đã thông báo.
Một lần nữa, tôi lấy làm tiếc rằng những biến cố đó đã làm tổn hại quan hệ giữa chúng ta. Tôi mong quí chính phủ có những hành động cần thiết để phục hồi tình trạng như trước đây.
Chân thành …”
Tối ngày 25, CIA báo cáo bên Cuba vẫn khẩn trương lắp đặt hỏa tiễn. Tổng thống Kennedy ra lệnh lắp đặt bom hạt nhân trên các máy bay dưới quyền điều động của SACEUR, tức là bộ chỉ huy tiền phương  các lực lượng không kích của Mỹ trong trường hợp có chiến tranh với Liên Xô.
Cũng ngày hôm nay, tiếng nói của nước cộng sản khổng lồ thứ hai đã cất lên. Nhân dân nhật báo Bắc Kinh, trong bài xã luận quan trọng, tuyên bố: “650 triệu người Trung Quốc, không phân biệt nam nữ, sát cánh với nhân dân Cuba.”
Nói chung, ngày 25 tháng 10 vẫn là một ngày hết sức căng thẳng.
Tuy có một tia hy vọng vì đoàn tàu Liên Xô giảm tốc và đổi hướng, nhưng văn thư trao đổi giữa hai bên vẫn kết tội nhau nặng nề. Mỹ vẫn ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Một điều khi ấy Mỹ chưa biết là trên lãnh thổ Cuba đã có hơn 100 đầu đạn hạt nhân và bộ chỉ huy Liên Xô được quyền khai hỏa nếu Mỹ tấn công tổng lực vào đảo quốc. Chủ tịch Fidel Castro thì quyết liệt muốn giáng trả Mỹ dù cho Cuba có phải tan hoang. Chính quyền Mỹ cũng bồn chồn vì khả năng Liên Xô trả đũa ở Berlin (Đức). Với sự lên tiếng của Trung Quốc, những điểm nóng không còn giới hạn ở Châu Mỹ và Châu Âu mà đã lan đến Châu Á. Kinh nghiệm lịch sử cũng như chủ trương chính sách cho thấy rằng khi thấy cần, chủ tịch Mao Trạch Đông không ngần ngại hy sinh cả trăm triệu sinh mạng người Trung Quốc. Đang khi thế giới hồi hộp theo dõi vụ Cuba, thì chiến tranh đã bùng nổ thực sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở vùng biên giới Himalaya. Các giám mục Ấn Độ đã phải xin nghỉ họp công đồng Vatican II để về nước với đoàn chiên trong thời điểm hiểm nguy.
Nói theo lời Đức Gio-an XXIII: “ Bầu trời quốc tế đang vần vũ những đám mây đen bão táp”.
Mátthêu Vũ Khởi Phụng, CSsR
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét