Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Rôma từ kinh đô đế quốc sang kinh đô Giáo Hội



Giới hạn của quyền lực và vô hạn của Chúa Phục Sinh

Cũng như con người bị giới hạn bởi tuổi thọ, thì quyền lực cũng không thể vượt qua ngưỡng cửa của thời gian để vươn đến sự trường tồn bất tử. Nếu như kiếp nhân sinh có sinh có tử thì một thể chế có thịnh ắt có suy. Đó là quy luật thường hằng bất biến vượt ngoài tầm kiểm soát của con người. Cho dù kẻ tham quyền cố vị có tìm mọi cách để kéo dài thêm tầm ảnh hưởng của mình. Điều này minh nhiên đã được lịch sử chứng minh.

Trước sức mạnh của ý chí, quyền lực cũng phải tìm đến điểm dừng. Kẻ quyền thế có thể dùng mọi cách để chứng tỏ uy lực, nhưng không thể chiếm được tinh thần của dân chúng. Tầng lớp chức quyền có thể sử dụng bộ máy vũ lực để trấn áp nhưng không thể làm cho tất cả mọi người ra khiếp đảm. Họ có thể tước đi sinh mạng của kẻ khác nhưng không thể khuất phục được ý chí của lòng người. Họ có thể lắm bạc nhiều tiền nhưng không mua được tình cảm của người khác. Và còn rất nhiều những lợi thế khác của giới cầm quyền có trong tay nhưng cũng không thể kéo dài được tuổi thọ thể chế của mình. 

Trong khi đó, Con Thiên Chúa tuy bị hạn chế bởi thân phận làm người, thì ngài vẫn mang bản tính Thiên Chúa đích thực. Cách hành xử của Đức Giêsu khác hẳn với người đời. Ngài giảng dậy dân chúng như người có uy quyền. Ngài yêu thương tất cả, ngay đối với những kẻ gây ra đau khổ và cái chết cho mình. Sức mạnh của tình yêu hoàn toàn xóa bỏ được thù hận và ghét ghen. Đó là khi còn sống, hành động của Ngài đã phát huy tác dụng. Đến khi Chúa Giêsu phục sinh, sức mạnh của ngài vượt ra hẳn không gian và thời gian. Sự chết không còn kìm chân Ngài được nữa. Ngài muốn đi đâu tùy ý, hiện ra với ai cũng được, rồi làm bất kể việc gì cũng xong…Đó chính là điểm khác biệt quyền lực trần thế và sức mạnh phục sinh, giữa một bên bị giới hạn và bên kia là vô giới hạn.

Rôma đế quốc trở thành kinh đô Giáo Hội

Nếu thời Chúa Giêsu, Ngài hành động theo như cách mong đợi của người dân là giải thoát dân tộc khỏi ách của đế quốc Rôma thì quả là một kỳ công. Người dân lúc đó chỉ nghỉ được như thế. Ngoài ra, họ không dám nghĩ rằng đạo của Đức Giêsu lại có thể chọn kinh thành của một đế quốc La Mã hùng cường làm kinh đô cho mình.

Người ta cũng không hiểu nổi, những môn đệ công khai chối bỏ Thầy mình và cao chạy xa bay để mặc Thầy mình gặp nạn, với lý do bảo toàn tính mạng trước quyền lực tối cao của đế quốc La Mã tại đất nước mình, thì ngay sau biến cố ấy, những người này lại dám mạo hiểm đặt chân đến chính kinh đô Rôma của đế quốc để rao giảng sứ điệp của một kẻ tử tội mà chính họ đã kết án và hành quyết. Người đời cũng không hiểu nổi, một kẻ hăng hái bách hại những Kitô hữu như Saolê lại trở thành Phaolô để đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.

Đó chính là sức mạnh của Chúa Phục Sinh tác động trên những con người yếu đuối và tầm thường để họ trở nên những nhân chứng sống động và có thể vượt lên trên những nỗi sợ hãi và hạn chế của mình. Đó chính là cách thức mà Đức Kitô dùng để đặt nền tảng vững chắc cho Giáo Hội của mình. Đặc biệt là, nơi bóng dáng những con người tầm thường ấy đã chất chứa sức mạnh của Chúa Phục Sinh. Sức mạnh đó xuyên qua giới hạn sự chết nơi những con người này để biến họ thành những hạt giống chấp nhận thối đi để đem lại một mùa bội thu cho Giáo Hội. Hình ảnh này thấy rõ rệt nhất trên vương cung thánh đường Thánh Phêrô tại Rôma, tại đó chúng ta thấy tượng của Chúa Giêsu cầm trong tay cây thánh giá cùng với các môn đệ của mình. Mỗi người đều cầm nơi mình những khí giới mà chính bản thân đã chấp nhận tử đạo để uống cạn chén đắng mà Thầy mình đã uống, và để bước đi trên con đường thập giá mà Thầy mình đã đi qua. Cho dù các tín hữu bị bách hại khắp đó đây ở mọi thời đại, thì Giáo Hội của Đức Kitô vẫn tồn tại cho đến ngày Ngài quay trở lại trần gian vào thời cánh chung. 

Thay lời kết

Thiên Chúa hằng hữu vượt lên trên dòng thời gian. Chính Ngài mới là chủ thể của lịch sử. Những kế hoạch của Ngài vượt lên trên cả tính toán của loài người. Những gì con người cho là không thể thì đều có thể đối với Ngài. Giáo Hội chính là của Chúa Kitô nên luôn luôn đứng vững trước hết mọi sức mạnh trần thế và quyền lực của tử thần cũng không làm gì nổi. Một tổ chức dưới con mắt người đời xem ra có vẻ tầm thường, trong đó cũng không tránh khỏi những con người cùng với tính toán trần tục của mình. Cho dù bị đánh phá ngay bên trong hay bên ngoài, Giáo Hội vẫn tồn tại vì Chúa muốn thế như Ngài đã từng khẳng định điều này với Phêrô : « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi » (Mt 16, 18).

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét