Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi triều kiến chung hôm thứ Tư 22 tháng Năm
Trong buổi triều kiến chung hôm thứ Tư 22 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục bài giáo lý của ngài về Kinh Tin Kính. Ngài tập trung vào sự ràng buộc không thể tách rời giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Đức Thánh Cha giải thích rằng Chúa Thánh Thần giúp các tín hữu vượt qua tính ích kỷ, mở rộng lòng trí và con tim họ và thúc đẩy các Kitô hữu truyền bá Tin Mừng. Đức Giáo Hoàng cũng cầu nguyện cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận cuồng phong lốc xoáy kinh hoàng vừa diễn ra ở Oklahoma, Hoa Kỳ.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
"Trong loạt bài giáo lý của chúng ta về Kinh Tin Kính, giờ đây chúng ta chuyển từ đề tài về Chúa Thánh Thần sang phần nói về Giáo Hội duy nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền."
Chúa Thánh Thần và Giáo Hội trong thực tế là không thể tách rời. Chúa Thánh Thần linh hoạt và hướng dẫn Giáo Hội, và mỗi người chúng ta trong Giáo Hội, để thi hành lệnh truyền của Chúa Kitô là làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Chúa Thánh Thần mở lòng trí và con tim chúng ta ra trước vẻ đẹp và sự thật của Tin Mừng. Ngài giúp ta vượt qua tính ích kỷ, chia rẽ; và tạo ra sự đoàn kết, hiệp thông, hòa giải và yêu thương.
Chúa Thánh Thần cũng ban cho ta sức mạnh cần thiết để có can đảm làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, Ngài là thần khí của truyền giáo và Phúc Âm Hoá. Ngọn lửa của Chúa Thánh Thần đã được gửi xuống trên các Tông Đồ vào ngày Lễ Ngũ Tuần như lời đáp trả của Thiên Chúa trước lời cầu nguyện sốt sắng của các ngài, lời cầu nguyện nhiệt thành trong Chúa Thánh Thần phải luôn luôn là linh hồn của tân phúc âm hóa và là trung tâm của cuộc sống người Kitô hữu, chúng ta
Chúng ta hãy canh tân mỗi ngày niềm tin của chúng ta trong các hoạt động của Chúa Thánh Thần, mở rộng tâm hồn chúng ta trước sự linh hứng và ân sủng của Ngài, và cố gắng trở nên những dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông với Thiên Chúa giữa gia đình nhân loại"
Tôi mời gọi tất cả anh chị em hãy cầu nguyện cùng với tôi cho các nạn nhân, đặc biệt là cho các trẻ em, trong thiên tai mới xảy ra tại Oklahoma. Xin Chúa an ủi tất cả mọi người, đặc biệt là những bậc làm cha mẹ vừa mất đi con cái mình một cách thê thảm như vậy.
2. Đức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân cơn lốc xoáy tại Oklahoma
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Hôm thứ Hai 20 tháng 5, một trận cuồng phong với lốc xoáy đã tàn phá thị trấn Moore, một vùng ngoại ô của thành phố Oklahoma, Hoa Kỳ. Ít nhất 24 người đã thiệt mạng trong đó có 9 trẻ em.
Một trường tiểu học đã bị phá hủy và một trường học khác bị hư hỏng nặng khi cơn lốc xoáy với đường kính 800m quét ngang qua. Cơn bão hoành hành khoảng 45 phút, gây ra nhiều đám cháy và làm sập hàng loạt nhà cửa. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là thị trấn Moore, ở phía nam thành phố Oklahoma, nơi nhiều khu dân cư đã bị san bằng toàn bộ bởi sức gió lên tới 330km một giờ.
Trong Tweet đưa ra ngay sau thiên tai này, Đức Thánh Cha Phanxicô viết:
"Tôi gần gũi với gia đình của những người đã chết trong cơn lốc xoáy Oklahoma, đặc biệt là những người bị mất con. Xin anh chị em cầu nguyện cùng với tôi cho họ."
3. Đức Thánh Cha cử hành lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
"Đừng sợ hai để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và rộng mở con tim cho các sự mới mẻ của Thiên Chúa". Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 250.000 thành viên các phong trào, và hội đoàn giáo dân trong thánh lễ cử hành lúc 10 giờ rưỡi sáng 19 tháng 5, là lễ Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Họ là các thành viên của 150 phong trào, hiệp hội và đoàn thể giáo dân trong Giáo Hội về Roma cử hành Năm Đức Tin. Hàng chục ngàn tín hữu không tìm được chỗ trong quảng trường đã đứng chật dọc đại lộ hòa giải, cho tới gần bờ sông Tevere. Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có hàng chục Hồng Y, Giám Mục và hàng trăm linh mục.
Đức Thánh Cha nêu bật ba yếu tố gắn liền với hoạt động của Chúa Thánh Thần: đó là sự mới mẻ, hòa hợp và sứ mệnh rao truyền Tin Mừng.
Ngài nói:
Sự mới mẻ ở đây không phải là vấn đề phải có cái mới, không phải là việc tìm kiếm cái mới để vượt thắng sự nhàm chán, như thường xảy ra trong thời đại chúng ta. Sự mới mẻ mà Thiên Chúa mang đến trong đời ta là điều gì đó thật sự mang lại sự viên mãn, niềm vui đích thực, sự thanh thản đúng nghĩa, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chỉ muốn thiện ích cho chúng ta.
Đề cập tới sự hòa hợp là hoa trái hoạt động của Chúa Thánh Thần Đức Thánh Cha nói:
Bề ngoài xem ra Chúa Thánh Thần tạo ra sự mất trật tự trong Giáo Hội, bởi vì Người đem tới sự khác biệt các đặc sủng, các ơn; nhưng dưới hoạt động của Người tất cả điều này, trái lại, là nguồn mạch to lớn cho sự phong phú, vì Chúa Thánh Thần là Thần Khí của hiệp nhất; sự hiệp nhất không có nghĩa là sự đồng nhất, nhưng dẫn đưa tất cả tới sự hài hòa. Trong Giáo Hội Chúa Thánh Thần tạo ra sự hài hòa.
Điểm sau cùng là sứ mệnh rao truyền Tin Mừng. Đức Thánh Cha nói:
“Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta mở cửa để ra ngoài, để loan báo và làm chứng cho cuộc sống mới của Tin Mừng, để thông truyền niềm vui của đức tin, của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Điều đã xảy ra tại Giêrusalem cách đây 2000 năm không phải là một sự kiện xa xăm với chúng ta, nhưng là một sự kiện ảnh hưởng tới chúng ta, và là một kinh nghiệm sống động trong chúng ta”.
Đức Thánh Cha đã cảm ơn các tất cả các phong trào, cộng đoàn, đoàn thể, hiệp hội. Ngài nói: “Anh chị em là một ân sủng, và là sự phong phú cho Giáo Hội. Chính anh chị em là sự giầu có của Giáo Hội.”
4. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với thành viên các phong trào, cộng đoàn, đoàn thể, hiệp hội giáo dân: hãy vượt ra khỏi tháp ngà của mình.
Trước hơn 250,000 thành viên các phong trào, và hội đoàn giáo dân trong thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi anh chị em đặt Chúa Giêsu là trọng tâm đời mình và tích cực trong công cuộc truyền giáo.
Trước tiếng reo hò của anh chị em, Đức Thánh Cha nói:
"Anh chị em có mặt trên Quảng trường đã hét lên ‘Phanxicô , Phanxicô Đức Thánh Cha Phanxicô! Nhưng Chúa Giêsu ở đâu? Tôi muốn nghe Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là Chúa và Ngài ở giữa chúng ta. Từ bây giờ, đừng gào lên 'Phanxicô ', nhưng anh chị em hãy hét lên, Chúa Giêsu."
Khi nói đến cuộc khủng hoảng trên thế giới, Đức Giáo Hoàng nói rằng xã hội thường nói về nền kinh tế và chẳng đoái hoài gì đến người nghèo.
Đức Thánh Cha nói:
"Ngày hôm nay, thật đau đớn khi chuyện một người đàn ông vô gia cư trên đường phố bị chết cóng lại không được coi là tin tức. Tin tức toàn nói về những chuyện giật gân! Lại một xì căng đan! Vâng, đó là tin tức. Hãy nghĩ xem ngay trong giờ này, có rất nhiều trẻ em không có gì để ăn, nhưng đó không được coi là tin tức. Điều này là nghiêm trọng! Thật là nghiêm trọng! Chúng ta không thể im lặng về việc này. "
Vì vậy, Đức Giáo Hoàng kêu gọi mọi người hành động, đưa ra các trợ giúp và không thể thờ ơ.
Đức Thánh Cha nói:
"Như Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô thứ 16 đã cho biết, thế giới ngày nay cần rất nhiều chứng nhân. Không cần nhiều thầy giảng, nhưng cần những chứng nhân. Không thể nói xuông nhưng phải hành động. Phải sống một cuộc sống mạch lạc. Chính xác là phải sống một cuộc sống mạch lạc. "
Để sống cuộc sống mạch lạc như thế, cách tốt nhất là thoát ra khỏi tháp ngà của chính mình.
Ngài nói:
"Thật là nguy hiểm khi chúng ta khóa mình trong giáo xứ của chúng ta, với bạn bè của chúng ta, trong phong trào của chúng ta, với những người nghĩ giống như chúng ta. Nhưng anh chị em biết những gì sẽ xảy ra? Khi Giáo Hội đóng kín lại, Giáo Hội bị bệnh. "
Đức Thánh Cha nói thêm rằng:
“Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta bước vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống và cứu chúng ta khỏi nguy hiểm của một Giáo Hội vô ngộ và tự quy chiếu về chính mình, đóng kín trong tường rào của mình.”
5. Các phong trào giáo dân là ân sủng của Giáo Hội
Sau khi cử hành Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với 250,000 anh chị em tín hữu.
Ngài nói:
“Anh chị em thân mến, lễ hội đức tin bắt đầu với buổi canh thức hôm qua và đạt tới tột đỉnh với bí tích Thánh Thể sáng nay, sắp kết thúc. Một lễ Hiện Xuống mới đã biến quảng trường thánh Phêrô trở thành Nhà Tiệc Ly lộ thiên. Chúng ta đã cùng sống trở lại kinh nghiệm của Giáo Hội mới nảy sinh, hiệp nhất trong lời cầu nguyện cùng với Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu. Cả chúng ta nữa trong sự khác biệt của các đặc sủng, chúng ta sống kinh nghiệm vẻ đẹp của tình hiệp nhất, của sự nên một. Đó là công trình của Chúa Thánh Thần, là Đấng luôn luôn canh tân sự hiệp nhất của Giáo Hội”
“Tôi xin cám ơn tất cả các phong trào, cộng đoàn, đoàn thể, hiệp hội. Anh chị em là một ân sủng, và là sự phong phú cho Giáo Hội. Chính anh chị em là sự giầu có của Giáo Hội. Tôi đặc biệt cám ơn tất cả các anh chị em đến từ Roma và biết bao nhiêu miền khác trên toàn thế giới. Hãy luôn luôn đem theo sức mạnh của Tin Mừng! Đừng sợ hãi! Hãy luôn tươi vui và say mê đối với sự hiệp thông của Giáo Hội! Chúa phục sinh luôn ở với anh chị em và Đức Mẹ sẽ che chở anh chị em! Chúng ta hãy nhớ tới các anh chị em vùng Emilia Romagna, nạn nhân của trận động đất ngày 20 tháng 5 năm ngoái. Tôi cũng cầu nguyện cho Liên hiệp các hiệp hội thiện nguyện Italia chống ung thư.”
6. Tòa Thánh bác bỏ nguồn tin cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã trừ tà hôm Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống
Hôm Chúa Nhật 19 tháng Năm, sau khi cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật Hiện Xuống, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu nguyện cho một số người bệnh được mang tới cho ngài ban phép lành. Đức Thánh Cha đã đặt tay trên đầu một thanh niên ngồi trên một xe lăn để ban phép lành cho anh ta. Sau khi Đức Thánh Cha đặt tay khoảng 30 giây, người đàn ông rùng mình, miệng há hốc. Ngay sau đó các cơ quan truyền thông đời đã tung tin rằng Đức Giáo Hoàng đã ngẫu hứng tiến hành một cuộc trừ tà đầu tiên trong cương vị Giáo Hoàng.
Trong cuộc họp báo sáng thứ Hai 20 tháng 5, cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican bác bỏ điều này. Ngài nói rằng Đức Giáo Hoàng chỉ có ý định đơn giản là ban phép lành cho anh thanh niên.
Cha Lombardi nói:
"Đức Thánh Cha không có ý định thực hiện việc trừ tà. Như thường làm cho những người bệnh và những người đau khổ tiếp cận với ngài, Đức Giáo Hoàng chỉ có ý cầu nguyện cho một người đã được đưa đến với ngài."
7. Cựu sứ thần Tòa Thánh tại Ai Cập: Một cái nhìn về cuộc nổi dậy Ả Rập từ bên trong
Trong khi hầu hết mọi người cảm nghiệm về cuộc nổi dậy Ả Rập từ xa, bàng quang như khán giả truyền hình, Đức Tổng Giám Mục Michael Louis Fitzgerald, có kinh nghiệm trực tiếp, vì ngài là sứ thần Tòa Thánh tại Ai Cập.
Đức Tổng Giám Mục Michael Louis Fitzgerald nói:
"Chắc chắn là một cái gì đó đã xảy ra, tôi nghĩ rằng ngày nay quyền tự do phát biểu dành cho tất cả mọi người thực sự đã được tôn trọng hơn rất nhiều."
Mặc dù có những tiến bộ như thế, vẫn còn rất nhiều thách thức. Đức Tổng Giám Mục, người từng là sứ thần Tòa Thánh tại Ai Cập trong khoảng thời gian 6 năm từ 2006 đến 2012, đã đề cập đến điều này trong một bài thuyết trình tại Học Viện Giáo Hoàng về Ả Rập và Hồi giáo.
Đức Cha Michael nói thêm:
"Bạo lực đã xảy ra. Đã có những cuộc tấn công vào nhà thờ, vào con người. Họ không cảm thấy họ được bảo vệ thích đáng bởi chính phủ hiện nay. "
Trong khi các cuộc tấn công nhắm vào các Kitô hữu và các nơi thờ phượng là một thực tế, Đức Tổng Giám Mục nói vẫn còn quá sớm để mô tả tình hình hiện nay tại Ai Cập như một cuộc chiến tranh tôn giáo. Ngài tin rằng những kẻ đứng đàng sau các cuộc tấn công không phải là chính phủ Ai Cập hoặc những nhân vật có quyền lực trực tiếp; nhưng chỉ là những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo
Ngài nói rằng các cuộc tấn công bài Kitô Giáo là một bước thụt lùi về tự do tôn giáo gây mất ổn định xã hội và do đó dẫn đến sự khủng hoảng trong nền kinh tế của Ai Cập.
"Đất nước cần đầu tư nước ngoài, cần khách du lịch đến vì nguồn lợi du lịch là một yếu tố đáng kể trong thu nhập quốc dân"
Kitô hữu chỉ là thiểu số ở Ai Cập. Khoảng 90 phần trăm dân số là người Hồi giáo. Theo pháp luật Ai Cập hiện nay, phạm thượng chống lại Hồi giáo có thể bị phạt tù hoặc trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị tử hình.
Đức Cha Michael nhấn mạnh rằng:
"Can đảm là điều cần thiết đối với cả các Kitô hữu lẫn người Hồi giáo để duy trì các giá trị của cuộc nổi dậy Ả Rập".
Với cuộc bầu cử sắp diễn ra trong năm nay, Đức Tổng Giám Mục Michael nói rằng ngài hy vọng đất nước có thể suy tư về ước muốn thay đổi, là động lực đã khởi động cuộc nổi dậy Ả Rập.
8. Các cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha trong tháng Năm, tháng Sáu và tháng Bảy
Tòa Thánh Vatican đã công bố lịch trình công khai các nghi lễ phụng vụ mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự trong tháng Năm, tháng Sáu và tháng Bảy năm 2013. Trong những ngày còn lại của tháng Năm, Đức Thánh Cha sẽ:
- Hướng dẫn các giám mục Ý trong một tuyên xưng đức tin vào thứ Năm ngày 23 tháng Năm;
- Thăm giáo xứ Thánh Êlisabét và Dacaria ở Rôma vào Chúa Nhật Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, 26 tháng Năm;
- Cử hành Thánh Lễ tại quảng trường bên ngoài Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Laterano, sau đó dẫn đầu đoàn kiệu Thánh Thể đến Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, vào Lễ Trọng Mình Máu Chúa Kitô: Thứ Năm, 30 tháng Năm, và
- Kết thúc tháng Năm bằng cách lần chuỗi Mân Côi với khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô vào tối Thứ Sáu, 31 tháng Năm.
Trong tháng Sáu, Đức Thánh Cha sẽ:
- Chủ sự một phiên họp quốc tế về tôn thờ Thánh Thể ở Vương cung Thánh đường Vatican vào ngày Chúa Nhật 2 tháng Sáu;
- Cử hành Thánh Lễ Ngày Tin Mừng Sự sống tại Quảng trường Thánh Phêrô, Chúa Nhật 16 tháng Sáu; và
- Trao dây pallium cho các tân Tổng Giám mục chính tòa trong Thánh lễ trọng thể kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ vào ngày 29 tháng Sáu.
Trong tháng Bảy, Đức Thánh Cha sẽ:
- Cử hành Thánh lễ cho các chủng sinh và tập sinh ở Vương cung Thánh đường Vatican vào Chúa Nhật 7 tháng Bảy, và
- Tông du đến Brazil cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28 từ ngày 22 đến 29 tháng Bảy.
9. Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thư cho các tù nhân trẻ ở California
Những hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô rửa chân cho các tù nhân trẻ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, đã vượt rất xa khỏi trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên của Rome. Từ những miền xa xôi, các tù nhân trẻ, những người phải đối mặt với cuộc sống trong tù, như tại Los Angeles, đã bị đánh động vì hành động của Đức Giáo Hoàng.
Thông qua sáng kiến Công lý Phục hồi do dòng Tên khởi xướng, một số các tù nhân đã gửi thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảm ơn những gì ngài đã chia sẻ ngày Thứ Năm Tuần Thánh với các tù nhân, và xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho họ.
Một số thư viết như sau
“Đức Thánh Cha Phanxicô kính mến:
Tối nay chúng con cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của bạo lực. Các gia đình của những người chúng con đã làm tổn thương đang cần chữa lành. "
Những thư khác nói, "Đức Thánh Cha truyền cảm hứng cho con. Con hứa là sẽ tỉnh táo. "
và
"Con hy vọng con sẽ có cơ hội thứ hai và nhận được phép lành từ Đức Thánh Cha."
Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã đích thân gửi thư cảm ơn các tù nhân trẻ, với chữ ký của chính ngài, và đã yêu cầu cha giám đốc của chương trình Công lý Phục hồi 'Hãy nói với những người trẻ tuổi là tôi nhớ đến họ trong lời cầu nguyện của tôi.'
10. Người biểu tình cô đơn lại trèo lên mái vòm của Đền thờ Thánh Phêrô
Sáng thứ Ba 21 tháng 5, một người đàn ông đã trèo lên mái vòm của Đền thờ Thánh Phêrô biểu tình chống Liên Minh Châu Âu. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2012, Marcello Di Finizio, đã một lần nữa tìm được cách để trèo lên đỉnh mái vòm của Đền thờ Thánh Phêrô để tổ chức cuộc biểu tình đơn độc.
Thất vọng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế của châu Âu, một chủ quán bar 47 tuổi nói rằng ông tổ chức loại biểu tình này để chống lại Liên minh châu Âu và tình trạng của đồng euro.
Di Finizio là người thuộc miền Trieste, ở miền bắc Ý.
11. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến các Hội Giáo hoàng Truyền giáo: Công việc của anh em vẫn còn thích hợp
Hôm 17/05 là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến các Giám đốc toàn quốc của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, là cơ quan điều hợp các khu vực mà công tác truyền giáo được thực hiện.
Đức Hồng Y Fernando Filoni hiện là Tổng Trưởng của Thánh Bộ Truyền giáo, đây là cơ quan của Tòa Thánh Vatican trông nom mọi hoạt động truyền giáo do Giáo Hội thực hiện. Đức Thánh Cha cám ơn Đức Hồng Y về công việc của ngài. Đức Thánh Cha cũng nói rằng Đức Hồng Y Filoni không chỉ làm một công việc mà thôi:
"Đức Hồng Y Filoni có một công việc khác bên cạnh công việc này. Ngài là một giáo sư. Ngài thực sự dạy tôi về Giáo Hội. Vâng, đúng thế. Ngài đến gặp tôi và giải thích với tôi 'giáo phận này là thế này, và giáo phận kia này là như thế đó'. Tôi hiểu Giáo Hội nhiều hơn nhờ vào bài giảng của ngài. Thêm vào đó, tôi không trả lương cho các bài giảng của ngài, ngài giảng cho tôi miễn phí".
Đức Thánh Cha cám ơn Thánh Bộ về tất cả các công việc mà Thánh Bộ thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Ngài cũng nhấn mạnh rằng công cuộc truyền giáo vẫn còn rất phù hợp và nó giữ một vị trí đặc biệt trong con tim ngài. Ngài cho hay: "Tôi muốn nói rằng tôi chân thành đánh giá cao công việc mà anh em thực hiện, vì anh em giữ cho công cuộc loan báo Tin Mừng trở nên sống động. Đó là mẫu gương hoàn hảo về những gì mà Giáo Hội cần phải thực hiện".
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mời gọi các giám đốc duy trì một yêu cầu mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đưa ra cách đây 50 năm, nhằm bảo vệ công cuộc truyền giáo của họ và mục tiêu cuối cùng là loan báo Tin Mừng cho những người cần nhất.
12. Châu Âu là trọng tâm cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thủ tướng Đức
Thông cáo báo chí Tòa Thánh cho hay, hôm Thứ Bảy 18 tháng 05, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến nữ Thủ Tướng Đức, bà Angela Merkel, là người dẫn đầu một phái đoàn gồm 10 thành viên trong chuyến thăm chính thức Vatican. Bà Merkel là con gái của một thần học gia Tin Lành gốc Cộng Hòa Dân Chủ Đức trước đây và hiện nay đang là người điều hành nền kinh tế hàng đầu của cộng đồng Châu Âu kể từ năm 2005.
Trong suốt 45 phút của cuộc hội đàm Đức Thánh Cha Phanxicô và bà Merkel đã đề cập đến bề dầy lịch sử của mối quan hệ giữa Tòa Thánh và nước Đức, và những chủ đề liên quan đến thiện ích chung, như tình hình xã hội chính trị, kinh tế, tôn giáo tại Châu Âu và trên thế giới. Đặc biệt, hai bên cũng thảo luận về sự bảo vệ những quyền con người, về những bách hại mà người tín hữu phải hứng chịu, quyền tự do tôn giáo và về sự hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy nền hòa bình.
Sau cùng cả hai đã cùng trao đổi quan điểm về Châu Âu như là cộng đồng của các giá trị, và vai trò trách nhiệm của cộng đồng này đối với thế giới, đồng thời mong muốn sự cam kết của tất cả các thành phần, dân sự cũng như tôn giáo, đối với việc phát triển nền tảng về phẩm giá con người, được cảm hứng từ những nguyên lý bổ trợ và liên đới.
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét