Từ đầu năm 2013, chính quyền Việt Nam mở ra đợt « lấy ý kiến nhân dân » cho dự án sửa đổi Hiếp pháp 1992. Thoạt tiên thời gian dành cho việc sửa đổi Hiến pháp chỉ được quy định cho đến hết tháng 03/2013, tuy nhiên trước các đòi hỏi của công luận, chính quyền chấp nhận kéo dài thời hạn góp ý kiến Hiến pháp cho đến trước kỳ họp thứ hai của Quốc hội, tháng 10/2013. Trung tuần tháng 04/2013, một loạt các đề xuất mới đã được Ban biên tập soạn thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp thu, trong đó có phương án đổi lại tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội này.
Cho đến khi kết thúc kỳ họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội (từ 14-16/05/2013) - phụ trách chuẩn bị kỳ họp Quốc hội đầu năm -, chủ trương thảo luận hai phương án liên quan đến tên nước trong bản Hiến pháp sửa đổi vẫn được giữ nguyên. Điều này được khẳng định trong cuộc họp báo của Văn phòng Quốc hội, trước kỳ họp Quốc hội, thứ Sáu 17/05. Điều khá bất ngờ là, trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, thứ Hai 20/05, việc đổi tên nước đột ngột bị loại khỏi văn bản dự thảo, cùng với một loạt các phương án khác liên quan đến điều 4 - quy định sự lãnh đạo của Đảng -, chế độ sở hữu đất đai hay nhiệm vụ của quân đội.
Trả lời phỏng vấn RFI, đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết quyết định này « bộc lộ rất rõ một xu thế chung của các nhà lãnh đạo Việt Nam » là « e ngại việc đổi tên nước có liên quan (…) đến định hướng phát triển về mặt chính trị và bản chất của nhà nước ».
Trọng Thành(RFI)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét