Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

RFA: Đại diện Media Defense nói về phiên xử các thanh niên công giáo


LTCGVN (24.05.2013)

chuacuuthe-305.jpg
Lực lượng an ninh bên ngoài phiên tòa phúc thẩm xử các thanh niên công giáo tại Nghệ An hôm 23/5/2013
Photo courtesy of chuacuuthe.com 
Phiên xử phúc thẩm 8 thanh niên Công giáo- Tin Lành hoạt động xã hội vừa diễn ra hôm 23 tháng 5 tại tòa án thành phố Vinh thu hút chú ý không chỉ của những người trong nước mà cả một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Media Defense Khu vực Đông Nam Á cử hai quan sát viên đến Vinh, nhưng bị lực lượng công an không cho vào tòa. Gia Minh phỏng vấn ông Asep Komaruddin thuộc tổ chức này vào tối ngày 23 tháng 5 khi ông này về lại ở Hà Nội.
Gia Minh: Trước hết xin ông giới thiệu đôi nét về bản thân cho quí thính giả của Đài Á Châu Tự Do?
LS. Asep Komaruddin: Tôi là Asep từ Indonesia, tôi đại diện của Media Defense khu vực Đông Nam Á sang đây để theo dõi phiên tòa phúc thẩm 8 thanh niên Công giáo và Tin Lành tại thành phố Vinh vào ngày hôm nay 23 tháng 5 năm 2013. Chúng tôi đến Vinh vào sáng ngày hôm qua 22 tháng 5. 


Gia Minh: Quí vị có gặp những người dân nào ở tại Vinh?
LS. Asep Komaruddin: Sau khi đến Vinh, chúng tôi có gặp thân nhân của 14 thanh niên bị bắt tù tại Nhà Thờ Trại Gáo vào chiều trước phiên xử. Ngay tại Nhà thờ đó, cũng có công an tại khu vực đó ngăn chặn người dân đến Nhà Thờ dự lễ. Theo tôi thấy có hơn 200 người đến được dưới sự chứng kiến của công an.
Bất an khi bị theo dõi
Gia Minh: Từ ngày hôm qua cho đến hôm nay các ông có bị người nào theo dõi hay không?
LS. Asep Komaruddin: Hôm qua chúng tôi không cảm thấy có ai theo dõi chúng tôi cả cho đến sau khi chúng tôi cố gắng đến khu vực để có thể tìm hiểu về tiến trình xét xử. Sáng nay chúng tôi bị lực lượng công an và bộ đội ngăn chặn không cho đến khu vực tòa án với lý do là theo qui định của Việt Nam thì không ai có thể đến được tòa vì an ninh quốc gia. Họ nói như thế.
Chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi từ tổ chức Media Defense Southeast Asia và đưa thư cho họ xem, nhưng họ nói không được vào bên trong tòa án. Họ dựng barrier chặn đường lại không ai có thể qua được. Một số người và thân nhân của những thanh niên bị xử đến ngay tại barrier đó. Lúc ấy, chúng tôi chứng kiến công an bao vây và bắt những thân nhân của những thanh niên bị xét xử.
Tôi thấy tình hình thật không ổn, vì có nhiều công an rồi nhiều người khác mà không biết họ là ai cả; tình thế thật đáng sợ vào lúc đó.
-LS. Asep Komaruddin
Chúng tôi chụp một số ảnh, nhưng công an đến bảo chúng tôi phải xóa những ảnh đã chụp. Bị cấm chụp ảnh tại khu vực đó, chúng tôi đi sang nơi khác nhưng công an mặc sắc phục đi theo chúng tôi. Bất cứ chúng tôi đi đâu họ cũng đi theo. Để thoát, chúng tôi bắt một chiếc taxi, sau lại đổi taxi đến khi thấy không còn ai theo nữa thì chúng tôi bắt xe về Hà Nội.
Tôi thấy tình hình thật không ổn, vì có nhiều công an rồi nhiều người khác mà không biết họ là ai cả; tình thế thật đáng sợ vào lúc đó. Nói thêm là ở Khách sạn tại Vinh, nhân viên lễ tân muốn giữ hộ chiếu của chúng tôi, nhưng chúng tôi không cho.
Một điểm nữa chúng tôi muốn nói là những người buôn bán gần tòa án cũng bị công an cấm buôn bán trong ngày hôm nay.
Gia Minh: Qua những điều chứng kiến được tại Vinh, bản thân ông có suy nghĩ gì?
LS. Asep Komaruddin: Theo tôi tình hình thật đáng sợ. Tình hình tồi tệ hơn, không tốt. Tôi biết chính quyền ở đó không phải là chính quyền dân chủ, mà là chính quyền cộng sản. Tại đó không có quyền tự do ngôn luận, không có quyền tự do hội họp. Trước năm 1998, tại Indonesia, chúng tôi cũng gặp tình trạng tương tự. Tuy vậy có khác biệt là tiến trình xét xử những nhà hoạt động tại Indonesia lúc bấy giờ thì các nhà báo rồi luật sư từ Malaysia vẫn được cho vào dự phiên tòa; nhưng tại đây chỉ có luật sư. Tình thế thật xấu.
Gia Minh: Tổ chức của quí vị cùng một vài tổ chức khác có gửi cho thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng một lá thư yêu cầu trả tự do cho những thanh niên Công giáo- Tin Lành hoạt động xã  hội bị bắt và kêu án tù; sau những sự kiện được chứng kiến, quí vị có thấy thư đó là vô ích hay không?
LS. Asep Komaruddin: Không, xét theo mặt nào đó hoàn toàn không vô ích, bởi chủ tịch nước, thủ tướng Việt Nam biết rằng có những tổ chức quốc tế đang theo dõi họ. Điều mà chúng tôi mong đợi là mong muốn được hỗ trợ cho các luật sư, gia đình và chính những nhà hoạt động tại Việt Nam. Điều quan trọng nhất là chính gia đình và những nhà hoạt động tại Việt Nam thấy là họ đang được bên ngoài hỗ trợ, dù rằng sự hổ trợ đó cũng khó khăn lắm.
Gia Minh: Cám ơn ông.
RFA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét