LTCGVN (04.05.2013) – Sài gòn – Phòng công lý và hòa bình DCCT Sài gòn mỗi tuần tiếp nhận hàng chục hồ sơ xin hướng dẫn giải quyết những vụ việc liên quan đến đất đai do nhà cầm quyền chiếm dụng hoặc thu hồi nhưng đền bù không thỏa đáng. Trong số những người đến đây có nhiều trường hợp đã mất cả chục năm trời mang đơn đi kêu oan, khiếu kiện hết cơ quan này đến cơ quan khác nhưng đến nay họ vẫn không được giải quyết.
Hôm nay chúng tôi giới thiệu một trong số nhiều trường hợp như vậy:
Bà Huỳnh Thị Ánh, sinh năm 1940, sống tại tổ 40, ấp Bình Hòa, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang tìm đến Phòng công lý và hòa bình DCCT ngày 25.4.2013 để xin lên tiếng và tư vấn giải quyết vụ việc bà bị nhà cầm quyền huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã thu hồi đất không đúng theo những gì pháp luật quy định.
Vụ việc như sau: Vào năm 1996, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang quy hoạch xây chợ và khu dân cư Nam Cái Dầu được chính phủ phê duyệt năm 1995 với diện tích là 6,4 ha. Tuy nhiên, những người làm quy hoạch đã tự tiện mở thêm diện tích quy hoạch làm hàng trăm hộ dân phải di dời.
Hộ bà Huỳnh Thị Ánh bị nhà cầm quyền lấy 2228 m2 đất nông nghiệp và 200 m2 đất ở.
Cụ thể, gia đình bà Huỳnh Thị Ánh đã không nhận được đồng tiền nào từ 2228 m2 đất trồng lúa. Với diện tích 200 m2 đất nhà ở, chính quyền đền bù với mức giá từ 16.000 đồng đến 90.000đồng/1m2. Riêng ngôi nhà gia đình bà Ánh đang ở được đền bù với mức giá 400.000 đồng /1m2.
Như vậy, với diện tích hơn 2000 m2 đất nông nghiệp và 200 m2 đất thổ cư, gia đình bà Huỳnh Thị Ánh chỉ nhận được số tiền là 26.932.100 đồng.
Với diện tích đất giải tỏa được từ gia đình bà Ánh cũng như một số hộ khác tại đây, chính quyền huyện Châu Phú đã chia lô bán nền. Đền bù cho dân với giá 16.000 đồng đến 90.000 đồng/1m2 nhưng khi chia lô bán nền, chính quyền nâng mức giá lên 1,6 triệu đồng/ 1m2 và mỗi nền diện tích khoảng 60 m2 có giá tới 100 triệu đồng.
Phân lô bán nền trên phần đất của gia đình bà Ánh, nhưng chính gia đình bà Ánh lại không được chính quyền dành cho một lô đất nào làm nhà để ở. Nghịch lý thay, chính quyền bắt gia đình bà phải đăng ký mua nền như bao khách hàng khác.
Chính quyền đã ép gia đình bà Ánh phải nhận số tiền 26.932.100 đồng và “khen thưởng” cho gia đình bà Ánh thêm 2 triệu đồng “vì đã chấp hành tốt”. Nhận số tiền chưa đến 30 triệu đồng, gia đình bà Ánh không thể mua một nền trên chính mảnh đất của mình mà chính quyền nay đã hét giá 100 triệu. Do đó chính quyền đã “tặng” gia đình bà Ánh 5 triệu đồng vì đã “không đăng ký mua nền”. Có lẽ cần phải tỏ ra “nhân đạo” nên chính quyền đưa cho gia đình bà Ánh thêm 3 triệu đồng gọi là tiền “trợ cấp”. Như vậy, tổng cộng tiền đền bù giải tỏa từ 2000 m2nông nghiệp và 200 m2 đất thổ cư, cộng với tiền “khen thưởng”, tiền “không đăng ký mua nền”, tiền “trợ cấp” thì gia đình bà Ánh Nhận được số tiền là 36.932.100 đồng.
Sau nhiều năm đi kêu oan khiếu kiện, vụ việc của gia đình bà Ánh và những người dân Châu Phú, An Giang đã gặp được những người có trách nhiệm liên quan đến vụ việc.
Ngày 26.10.2000, những người dân Châu Phú đã đối thoại trực tiếp với chính quyền tỉnh An Giang và chính quyền huyện Châu Phú trước sự chứng kiến của đoàn công tác liên nghành của chính phủ do Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc làm trưởng đoàn. Nhân sự kiện này, báo Tuổi trẻ ra ngày Thứ Sáu, 27.10.2000 đã phản ảnh vụ việc và cho biết: chính quyền huyện Châu Phú đã nhận ra cái sai của mình và đoàn công tác chính phủ phải xin lỗi dân.
Sau khi ‘nhận ra cái sai của mình”, chính quyền huyện Châu Phú đã giải quyết vụ việc như sau:
Vào ngày 16 tháng 02 năm 2001, chính quyền huyện Châu Phú tăng mức bồi thường cho hộ bà Ánh từ 36.932.100 đồng (bao gồm 10 triệu tiền “thưởng”, “không đăng ký nền”, “trợ cấp”) lên 47.070.100 đồng. Với số tiền này, gia đình bà Ánh vẫn chưa thể mua nổi một nền nhà ở ngay chính mảnh đất hơn 2000 m2 trước dây của gia đình bà. Gia đình bà và những người dân nơi đây tiếp tục đi kêu oan lên tỉnh và đến ngày 15 tháng 10 năm 2011, chính quyền tỉnh An Giang nâng mức bồi thường cho gia đình bà Ánh từ 47.070.100 đồng lên 56.310.100 đồng. Và với số tiền này, gia đình bà Ánh cũng chỉ đủ mua ½ nền nhà mà chính quyền đã lấy đất của gia đình bà để chia lô bán.
Gia đình bà Ánh và những người dân nơi đây tiếp tục kêu oan và khiếu kiện nhưng cấp dưới đẩy lên trên, cấp trên đẩy xuống dưới. Vụ việc đã trải qua 17 năm nhưng đến nay gia đình bà Ánh và một số người dân Châu Phú, An Giang vẫn phải tiếp tục mang đơn đi kêu oan, khiếu kiện.
Từ một gia đình có hơn 2000 m2 đất nông nghiệp và 200 m2 đất thổ cư với nhà trên, nhà dưới, bếp núc vườn tược và một quán bán càphê, nhưng sau vụ giải tỏa, gia đình bà Huỳnh Thị Ánh đã phải lang thang, ăn đậu ở nhờ. Ngược lại, chỉ với diện tích đất lấy được từ gia đình bà Ánh, chính quyền đã thu về cả chục tỷ đồng.
PV.VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét