Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Đất còn là sở hữu toàn dân thì dân còn mất đất



Bình Dương – Sự bất cập của việc không công nhận quyền tư hữu đất đai trong Hiến pháp, tạo ra nhiều kẽ hở dung túng cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhóm lợi ích mang “mác” công ty nhà nước, dự án công chiếm đất, làm cho tình hình dân oan trong lĩnh vực đất đai ngày càng trầm trọng, đặt nhiều người dân oan trắng tay phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, lòng dân oán hận. Thậm chí là những dự án của các công ty tư nhân và cả nước ngoài cũng được quan chức địa phương móc nối để “ăn đất” của dân.
Sau hơn 3 tuần lễ làm việc – kể từ ngày 24.03.2013 -, Phòng Công Lý Hòa Bình của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, 38 Kỳ Đồng, Quận 3, Sài Gòn (CLHB-DCCT) đã đón nhận hơn 130 hồ sơ của dân oan đến liên hệ để được trợ giúp. Đây là bằng chứng tình hình dân oan tại Việt Nam rất nhiều. Trong số hồ sơ dân oan đến liên hệ và phòng CLHB – DCCT tiếp nhận thì hồ sơ về nhà đất chiếm đến 98%.

Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại Trưởng Văn Phòng CLHB – DCCT cho biết:
“Người dân đến đây đông lắm, có một số hồ sơ cá biệt cả mấy chục Gia đình bị oan sai chỉ vì nhà cầm quyền địa phương áp đặt cưỡng bức, lợi ích dự án mang lại không phục vụ cho cộng đồng hay quốc gia mà chỉ cho một cá nhân hay nhóm lợi ich mang mác công ty nhà nước để trục lợi”.
Thấu hiểu nỗi oan ức từ người dân và ngay chính Giáo hội Công giáo cũng là nạn nhân trong chính sách cướp đất của nhà cầm quyền cộng sản,  Ngày 01.03.2013 vừa qua Hội Đồng Giám Mục VN đã đại diện cho gần bảy triệu giáo dân Công giáo gửi Bản nhận định và góp ý sửa đổi hiến pháp (HĐGMVN), trong đó có đề cập đến việc sở hữu đất đai. “Hiến pháp hiện nay chỉ công nhận quyền sử dụng đất, không công nhận quyền sở hữu đất của công dân. Chính điều này đã gây ra nhiều lạm dụng và bất công nghiêm trọng. Vì thế, Hiến pháp mới cần công nhận quyền sở hữu đất đai của công dân và các tổ chức tư nhân như phần lớn các quốc gia trên thế giới” (HĐGMVN).  Điều này cho thấy sự bất cập trong chính sách đất đại của nhà cầm quyền quá bất cập mà không hiểu họ cố ý hay vô ý để kẽ hở cho những người có chức có quyền dễ dàng chiếm đoạt đất của người dân chỉ với câu đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng lại do nhà nước quản lý, nên muốn lấy lúc nào thì lấy.
Chi Kiều Oanh nhân viên Phòng CLHB cầm một hồ sơ trên tay cho biết: “Hồ sơ này cả mấy chục người nông dân tại Cần Thơ lên tận đây nhờ Phòng CLHB giúp họ để đòi lại công bằng”. Đất của người dân sau 1975 bị quân đội trưng dụng canh tác sau đó không sử dụng nữa giao lại cho nhà cầm quyền địa phương, theo đúng thì địa phương phải trả lại đất cho người chủ đất, nhưng họ muốn chiếm đất nên đưa cho chủ đất một ít tiền với cái chiêu bài đền bù hoa màu và ngay từ lúc đó người dân đã bị lừa và đất đai của họ bị bè lũ tham quan chiếm mất.
Người dân bị cướp đất đã đi qua tất cả các cửa công quyền từ trung ương đến địa phương, nơi này chỉ qua chỗ kia, họ bị đá như quả bóng, từ hành pháp, lập pháp, tư pháp tất cả đều làm ngơ, hứa suông rồi lại đi vào quên lãng. Vào Google đánh từ Khiếu kiện đất đai là có con số hơn hai triệu kết quả mà Google tìm được, con số này tự phản ánh sức nóng và tính chất nghiêm trọng của việc khiếu kiện đất đai.
Linh mục Đinh Hữu Thoại nói: “Có lẽ người dân oan không còn nơi nào đến nữa, nên khi nghe tin Dòng Chúa Cứu Thế thành lập phòng CLHB để trợ giúp cho những người nghèo, bị oan ức trong xã hội đúng theo linh đạo Thánh An Phong – đấng sáng lập dòng, ngài là vị luật sư của người nghèo – người dân oan họ tìm đến với phòng CLHB. Có những trường hợp đau lòng lắm, họ ròng rã đi từ Nam ra Bắc hơn 20 năm tiêu tốn bao nhiêu công sức, tiền của nhưng đến nay cũng không có kết quả.”
Trong những năm gần đây việc khiếu kiện về đất đai ngày một nghiêm trọng hơn, quyết liệt hơn, người dân thất vọng chán ghét với sự thờ ơ của chế độ cộng sản vì nói rất hay làm rất dở, từ trung ương đến địa phương đều dùng mọi thủ đoạn ra sức vơ vét sống chết mặc bay miễn sao tiền thày bỏ túi là được. Người dân oan họ tự hiểu khiếu kiện riêng lẻ từng người không có tác dụng, họ tự tập họp nhau lại và đi khiếu kiện tập thể. Với phương thức mới này cũng có những thành công, hiệu quả của việc này đánh động dư luận trong nước và quốc tế vì sự thật được phơi bày, làm cho nhà cầm quyền cộng sản không thể lấp liếm ba hoa cho những mỹ từ mị dân “Chính quyền nhân dân, do dân, vì dân và luôn lo cho dân”, nên nhà cầm quyền cộng sản chụp mũ cho những người dân oan đi khiếu kiện tập thể là “mang màu sắc chính trị, bị thế lực thù địch xúi giục, diễn tiến hòa bình”.
Ngày 18 tháng 04 năm 2013 với tư cách là Tổng Thanh tra chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh đã tuyên bố hùng hồn trước cử tọa tham dự cuộc họp tập trung lãnh đạo các Bộ ngành và 22 tỉnh, thành phố do Thanh tra chính phủ tổ chức rằng. “Đối với những đoàn khiếu kiện tập thể quá khích, đặc biệt mang màu sắc chính trị tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn thì yêu cầu phải có biện pháp cưỡng chế. Các địa phương có đoàn đông người phải phối hợp để thu thập tài liệu chứng cứ xử lý dứt điểm”. Xử lý dứt điểm mà ông Tranh nói đến là sẽ mạnh tay đàn áp, khủng bố, bắt bớ, bỏ tù mà nhà cầm quyền thường dùng chứ không phải là việc xem lại sự việc sẽ trả lại đất hay đền bù cho người dân oan.
Thái Hà, Cồn Dầu, Tiên Lãng, Văn Giang, Dương Nội, Thanh Oai… chỉ  là những địa danh bình thường như bao địa danh khác trong lãnh thổ Việt Nam, có thể người dân Việt nam không biết đến nếu không có những cuộc tập trung biểu tình của các dân oan dẫn đến các cuộc đàn áp dã man, bắt bớ, tù đày mà nhà cầm quyền cộng sản ra tay với người dân.
Từ việc bất cập, mập mờ, lạm dụng từ chính sách đất đai của nhà cầm quyền cộng sản ngay trong hiến pháp, nên có rất nhiều tổ chức cá nhân ngoài và trong cộng đồng mạng lên tiếng góp ý sửa đổi luật sở hữu đất đai trong Hiến pháp.
Ngày 19.01.2013 Kiến nghị 72 đã được 72 vị nhân sỹ, trí thức lập ra gửi cho nhà cầm quyền cộng sản đề nghị 7 điều cần sửa đổi lại Hiến Pháp, trong đó có phần kiến nghị “Kiến nghị về sở hữu đất đai: Không thừa nhận sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng về đất đai cùng tồn tại với sở hữu nhà nước là tước đoạt một quyền tài sản quan trọng bậc nhất của người dân. Đánh đồng sở hữu nhà nước với sở hữu toàn dân về đất đai là tạo điều kiện cho quan chức các cấp chính quyền tham nhũng, lộng quyền, bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp cùng trục lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân.” Ký tên ủng hộ cũng có sự ủng hộ của ba vị Giám mục, Đức GM. Giuse Ngô Quang Kiệt nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, Đức GM Giuse Nguyễn Chí Linh phó Chủ tịch Hôi đồng Giám mục Việt Nam, Đức GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp Trưởng ban Công lý và Hòa bình.
Ngày 01.03.2013, linh mục Giuse Dương Hữu Tình, Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam đại diện cho gần bảy triệu giáo dân công giáo, đã đến và trao Thư góp ý của  HĐGMVN cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tại số 37 Hùng Vương, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Bức thư này cũng được các chức sắc tôn giáo như Hòa Thượng Thích Quảng Độ – Ngũ Tăng thống GHVNTN,  Cụ Lê Quang Liêm – Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy cùng người dân công giáo và không công giáo ủng hộ mạnh mẽ, tạo niềm tin trong cộng đồng. Mới nhất, một số chức sắc của 5 tôn giáo đang hoạt động tại VN đã ra một Tuyên Bố Chung về Hiến pháp 1992.
Quyền sở hữu đất đai, tài sản cá nhân là quyền cơ bản của con người, quyền này đã được quy định trong bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ký kết, việc không công nhận của nhà cầm quyền cộng sản là đi ngược lại với xu thế của thế giới tiến bộ. Việc thay đổi quyền sở hữu đất đai trong Hiến pháp đã đến lúc phải làm ngay. Người xưa có câu lấy dân làm gốc, dân là nước chế độ là thuyền, nước có thể đưa thuyền đi và nước cũng có thể làm thuyền lật. Quan nhất thời, dân vạn đại.
Nguyễn Hưng
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét