Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái tục các buổi triều kiến chung thứ Tư hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô. Hôm thứ Tư 4 tháng 9 đã có khoảng 50,000 người tham dự. Dịp này, Đức Thánh Cha đã duyệt lại những khoảnh khắc chính trong chuyến thăm của ngài đến Brazil vào cuối tháng Bẩy vừa qua, và một lần nữa, Đức Thánh Cha khích lệ giới trẻ bước ra và thay đổi thế giới cho tốt đẹp hơn, và công bằng hơn.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến
Hôm nay tôi muốn đề cập đến chuyến thăm gần đây của tôi tại Brazil trong Ngày Giới trẻ Thế giới. Là một người xuất thân từ châu Mỹ, tôi cảm ơn Chúa vì ơn quan phòng của Ngài đã ban cho tôi hồng ân tuyệt vời này! Tôi cũng cảm ơn Đức Mẹ Aparecida về sự hiện diện liên tục của Mẹ. Nhắc lại những lời cảm ơn các nhà chức trách dân sự và Giáo Hội, tôi muốn nói rằng Brazil thật tuyệt vời! Tôi muốn dùng ba từ để mô tả chuyến viếng thăm của tôi, đó là chào đón, cử hành và sứ vụ. Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã được đặc trưng trước hết bởi sự đón tiếp mở rộng cho tất cả chúng ta, mỗi chuyến viếng thăm đều có những thách đố của nó, nhưng chúng có thể được biến đổi bởi sự chào đón tuyệt vời. Tiếp theo, là cử hành: đỉnh cao của Ngày Giới trẻ Thế giới được cảm nghiệm khi chúng ta ca ngợi Chúa, lắng nghe lời Người và thờ lạy Người trong thinh lặng. Yếu tố thứ ba là sứ vụ: Chúa Giêsu đã nói " hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" . Sau đó, Ngài còn nói thêm, "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". Điều này là thiết yếu vì chỉ trong Chúa Kitô chúng ta mới có thể mang Tin Mừng đến cho người khác. Chào mừng, cử hành, và sứ vụ: những từ ngữ này không chỉ đơn giản nhắc nhở chúng ta về Rio, nhưng còn là một nguồn cảm hứng cho cuộc sống chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta nữa.
Đức Thánh Cha cũng đã mời gọi thế giới cùng tham dự cho ngày ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình thế giới vào thứ Bẩy này. Ngài nói:
"Thứ Bảy sắp tới chúng ta cùng sống một ngày đặc biệt để ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, Trung Đông, và trên toàn thế giới. Chúng ta cũng cầu nguyện cho sự bình an trong tâm hồn chúng ta, vì hòa bình bắt đầu từ trái tim của chúng ta. Tôi lặp lại lời mời toàn thể Giáo Hội hãy sống ngày này thật sốt sắng, và ngay lúc này đây tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến các anh em chị em Kitô hữu khác, cũng như các anh chị em của các tôn giáo khác và những người nam nữ thiện chí mong muốn tham gia vào sáng kiến này, tại những nơi và theo những cách thức của riêng của họ. "
2. Đức Giáo Hoàng chúc mừng năm mới cho các nhà lãnh đạo của Công Nghị Do Thái Thế Giới
Sáng thứ Hai ngày 2 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón ông Ronald Lauder, Chủ Công Nghị Do Thái Thế Giới. Cùng đi với ông còn có các nhà lãnh đạo khác của Công Nghị, đại diện cho người Do Thái đang sống rải rác tại hơn 100 quốc gia.
Đức Giáo Hoàng đã sử dụng một công thức truyền thống để chúc mừng Năm Mới cho người Do Thái bằng tiếng Hêbrơ.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo Do Thái đã diễn ra rất thân mật. Ông Lauder đã tặng Đức Thánh Cha một bánh mật ong, là một trong những món quà truyền thống vào dịp năm mới của người Do Thái tượng trưng cho sự khởi đầu cho một năm ngọt ngào. Ông cũng tặng Đức Thánh Cha một chiếc tách Kiddush thường được dùng trong ngày Shabbat.
Trong buổi gặp gỡ này, Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo Do Thái đã nói về sự cần thiết phải tránh cho được những cuộc chiến bằng mọi giá, và các vị đồng ý dấn thân bảo vệ tự do tôn giáo, đặc biệt là cho các nhóm thiểu số, trên toàn thế giới.
Các nhà lãnh đạo Do Thái rất hài lòng với buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha. Họ gọi chuyến đi Brazil của Đức Thánh Cha là một “phép lạ”.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau đó, các nhà lãnh đạo Do Thái còn nói rằng trong 2000 năm qua, quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Do Thái Giáo chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.
3. Đức Thánh Cha công bố ngày 7 tháng 9 là ngày ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình
"Không bao giờ để xảy ra chiến tranh một lần nữa! Hòa bình là một ân sủng quý giá, mà chúng ta phải đề cao và bảo vệ." Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lo buồn trước những tin tức mới nhất về cuộc chiến tại Syria, đã lên tiếng trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1 tháng 9 để kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng hết tất cả những nỗ lực nhằm đạt đến hòa bình.
Đối với Giáo Hội, ngài kêu gọi 1.2 tỷ tín hữu Công Giáo dành một ngày để ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình.
Đức Thánh Cha nói:
"Tôi đã quyết định công bố cho toàn thể Giáo Hội, là ngày 7 tháng 9 tới đây, tức là lễ Vọng mừng Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, sẽ là ngày ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, Trung Đông, và toàn thế giới, và tôi cũng mời gọi từng người , cả các Kitô hữu, lẫn tín đồ các tôn giáo khác và tất cả những người thiện chí, hãy tham gia vào sáng kiến này bằng mọi cách có thể được."
Đức Giáo Hoàng đã than thở về những tác động tiêu cực của chiến tranh tại Syria đối với thường dân, đặc biệt là trẻ em. Ngài cũng lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hóa học.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
"Tôi mạnh mẽ lên án việc sử dụng vũ khí hóa học: Tôi có thể nói với anh chị em rằng những hình ảnh khủng khiếp trong những ngày gần đây đang đốt cháy tâm trí và trái tim tôi. Thiên Chúa và lịch sử sẽ phán xét những hành động của chúng ta, đó là điều không thể tránh được! Không bao giờ cơn lốc bạo lực có thể đem lại hòa bình. Chiến tranh gieo rắc chiến tranh, bạo lực phát sinh bạo lực."
Vào ngày thứ Bẩy 7 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ hướng dẫn các buổi cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô , từ 7 giờ tối đến nửa đêm.
4. Lãnh đạo Hồi Giáo tại Syria muốn tham dự ngày cầu nguyện 7 tháng 9 với Đức Thánh Cha.
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc cho biết là nhà lãnh đạo tối cao của Hồi giáo Sunni tại Syria muốn tham dự cùng Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi cầu nguyện cho hòa bình vào buổi tối ngày 7 tháng 9.
Trước những thảm cảnh của cuộc chiến tranh huynh đệ tàn khốc, và viễn ảnh gần kề của nguy cơ có sự can thiệp quân sự của Mỹ và các nước phương Tây vào Syria, Đại Giáo Trưởng Ahmad Badreddin Hassou, đã bày tỏ mong muốn đến Rôma để cùng tham dự với Đức Thánh Cha trong buổi canh thức cầu nguyện buổi tối thứ bảy tại quảng trường Thánh Phêrô.
Ông đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Hồi giáo khác hãy "hân hoan chào đón sáng kiến của Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình ở Syria"
5. Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình lo ngại về chiến tranh tại Syria
Thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình nói với Đài phát thanh Vatican rằng "cuộc xung đột ở Syria có tất cả các nguyên tố để bùng nổ thành một cuộc chiến tranh có kích thước toàn cầu."
Về "mối lo ngại đã được nhiều tiếng nói trong Giáo Hội đưa ra theo đó một cuộc tấn công vào Syria sẽ mở rộng bạo lực trong khu vực," Đức Tổng Giám Mục Mario Toso nói Đức Giáo Hoàng đã lên án "cuộc chiến được tiến hành với việc sử dụng vũ khí bừa bãi và ảnh hưởng đến chủ yếu là dân thường không khả năng tự vệ. Không bao giờ bạo lực có thể dẫn đến hòa bình. "
Đức Tổng Giám Mục nói thêm rằng lời kêu gọi hòa bình cho Syria của Đức Thánh Cha Phanxicô phản ánh mong muốn của người dân trên toàn thế giới. Đức Tổng Giám Mục nói rằng Đức Giáo Hoàng "lo lắng về những thảm kịch phía trước, và tác động của chúng với các cường quốc trên trái đất."
6. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Đông Phương hoan nghênh lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Các nhà lãnh đạo Kitô giáo của Giáo Hội Đông Phương vui mừng trước lời kêu gọi hòa bình cho Syria của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 01 tháng 9.
Hôm Thứ Hai 2/9, Thượng Phụ Maronite ở Beirut, là Đức Hồng Y Bechara Rai, đã đến thăm Thượng phụ Chính thống Hy Lạp Antiôkia, là Youhanna Yazigi, và hai nhà lãnh đạo cho biết họ đã "cảm thấy an ủi sâu xa bởi lời kêu gọi hòa bình của Đức Giáo Hoàng". Các vị cam kết sẽ nâng cao nhận thức trong cộng đồng của các ngài để các tín hữu tích cực tham gia vào ngày cầu nguyện chung 7 tháng 9.
Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp được gửi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, hai nhà lãnh đạo yêu cầu "tất cả các nước ngoài trong khu vực hoặc xa hơn, hãy dồn mọi nỗ lực để giải quyết xung đột thông qua hòa bình, và qua các phương tiện ngoại giao". Hai nhà lãnh đạo cho biết họ "phản đối bất kỳ sự can thiệp vũ trang của nước ngoài ở Syria", và xác nhận rằng chiến tranh "chẳng mang đến sự gì ngoài sự phá hủy và hư nát". "Chúng tôi luôn luôn muốn nói ngôn ngữ đối thoại và hòa bình. Kitô hữu chúng ta trong thế giới Ả Rập phải góp phần xây dựng văn hóa và xã hội của chúng ta, một nền văn minh của sự cùng tồn tại. Kitô hữu sẽ không bao giờ là một công cụ của chiến tranh và buôn bán vũ khí, nhưng khẳng định cam kết của họ nhằm xây dựng một xã hội dựa trên sự tôn trọng, tình yêu, và sự hợp tác với những người khác"
7. Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Hôm 31/8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, 79 tuổi, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela, lên kế nhiệm. Thông cáo của Tòa Thánh nói rằng:
“Đức Thánh Cha đã nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Tarcisio Bertone, chiếu theo khoản giáo luật số 354, nhưng ngài xin Đức Hồng Y ở lại nhiệm vụ cho đến ngày 15-10 tới đây với tất cả những năng quyền của chức vụ này.
Đồng thời, Đức Thánh Cha bổ nhiệm, Đức Cha Pietro Parolin, Sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela làm tân Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Đức Tổng Giám Mục sẽ nhận chức vụ ngày 15 tháng 10 tới đây.
Trong dịp đó, Đức Thánh Cha sẽ tiếp kiến các cấp trên và chức sắc của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, để công khai cám ơn Đức Hồng Y Tarcisio Bertone vì lòng trung thành và quảng đại phục vụ Tòa Thánh, và giới thiệu vị Quốc vụ khanh mới.
Mặt khác, cùng ngày 31/8, Đức Thánh Cha đã tái bổ nhiệm các vị Bề trên tại Phủ Quốc Vụ Khanh, đó là Đức Tổng Giám Mục Phụ tá Quốc vụ Khanh Giovanni Angelo Becciu, người Italia; Đức Tổng Giám Mục ngoại trưởng Dominique Mamberti, người Pháp; Đức Tổng Giám Mục Chủ tịch Phụ Giáo Hoàng, Georg Gaenswein, người Đức; Đức Ông Phó Phụ Tá Quốc vụ khanh, Peter Wells, người Mỹ, và Đức Ông Thứ trưởng ngoại giao, Antoine Camilleri, người Malta.”
Đức Tổng Giám Mục Parolin năm nay 58 tuổi, sinh ngày 17-1-1955 tại Schiavon tỉnh Vicenza, bắc Italia, thụ phong linh mục năm 1980, gia nhập trường ngoại giao Tòa Thánh năm 1983. Sau khi đậu tiến sĩ giáo luật tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriô với luận án về Thượng Hội Đồng Giám Mục, Cha Parolin bắt đầu phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh từ ngày 1 tháng 7 năm 1986, trước tiên tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Nigeria, rồi Mễ Tây Cơ và sau đó tại Bộ ngoại giao Tòa Thánh từ năm 1992. Ngài thông thạo tiếng Pháp, Anh và Tây Ban Nha, không kể tiếng Ý.
Ngày 30 tháng 11 năm 2002, Đức ông Parolin được bổ nhiệm làm thứ trưởng ngoại giao, thay thế Đức Ông Celestino Migliore, được thăng Tổng Giám Mục và làm Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York.
Trong tư cách thứ trưởng ngoại giao, Đức Ông Parolin đã sang Việt Nam 3 lần để viếng thăm Giáo Hội và làm việc với các quan chức Việt Nam trong những vấn đề có liên hệ với Giáo Hội: lần đầu từ ngày 27-4 đến 2-5-2004; lần thứ hai từ ngày 5 đến 11-3-2007; và lần thứ ba từ ngày 16 và 17-2-2009.
Đức Ông Parolin cũng hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh thương thuyết với các quan chức nhà nước Trung Quốc về tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại nước này.
Mùa hè năm 2009, Đức Ông Parolin được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Sứ thần tòa Thánh tại Venezuela và được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tấn phong Giám Mục ngày 12-9 cùng năm 2009.
8. Đức Thánh Cha bổ nhiệm một linh mục Tây Ban Nha làm tổng thư ký Ủy Ban Quốc Gia Thành Vatican
Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Fernando Vérgez Alzaga, 68 tuổi, làm tổng thư ký cho Ủy Ban Tòa Thánh Quốc Gia Thành Vatican. Với việc bổ nhiệm này, cha Vérgez Alzaga là nhân vật thứ hai trong chính quyền của quốc gia thành Vatican.
Cha Vérgez Alzaga sinh tại Salamanca , Tây Ban Nha, và cho đến thời điểm được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm, chức vụ cao nhất của ngài là giám đốc viễn thông cho thành phố Vatican. Là một thành viên của Hội Đạo Binh Chúa Kitô, ngài nghiên cứu triết học và thần học tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriô.
Vị linh mục Tây Ban Nha đã bắt đầu sự nghiệp của mình tại Vatican tại Bộ Đời Sống Thánh Hiến và các Tu Hội Đời, trước khi chuyển sang ngành viễn thông.
Trong tư cách tổng thư ký, ngài sẽ cùng làm việc với Đức Hồng Y Giuseppe Bertello trong việc quản lý các công việc hàng ngày của quốc gia thành Vatican, trong đó bao gồm Viện Bảo tàng Vatican , Đài quan sát và hiến binh Vatican.
9. Tòa Thánh tổ chức hội nghị về nạn buôn người
Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học và Khoa học Xã hội sẽ tổ chức vào đầu Tháng Mười Một, cụ thể là trong hai ngày 2 và 3, một hội nghị phân tích các vấn đề liên quan đến tệ nạn buôn bán người, là loại tội phạm đang lan rộng trên toàn thế giới. Ý tưởng hình thành hội nghị này đã được xuất phát từ những lá thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết tay cho Đức Cha Marcelo Sanchez Sorondo, người Á Căn Đình, hiện nay đang giữ chức Giám Đốc Học viện Giáo hoàng về Khoa học và Khoa học xã hội.
Đức Cha Marcelo nói:
"Về cơ bản, có ba chiều kích: một là việc mua bán vũ khí, thứ hai là ma tuý, và thứ ba là nạn buôn người. Nhưng theo một số người, nạn buôn bán người đang trở thành hấp dẫn nhất trong ba tội ác trên."
Tòa Thánh sẽ đề xuất đưa việc chống nạn buôn người vào Nghị định thư Palermo, là một thỏa thuận đã được hơn 100 quốc gia ký kết.
Đức Cha Marcelo đã đề cập đến một số ý tưởng do giáo sư Jose Lorente, người Tây Ban Nha, đề xuất. Ngài nói:
"Cần có một kho lưu trữ DNA của tất cả những người mất tích, của những trẻ em được tìm thấy mà không biết chúng đến từ đâu, và rất nhiều trường hợp khác. Và của những người ra trình diện và tự xưng là những người mất tích. Sau đó, khi tổng hợp các mã di truyền, đương nhiên là chúng ta sẽ tìm thấy các bậc cha mẹ và nguồn gốc của đứa trẻ. "
Mỗi năm có khoảng hai triệu người là nạn nhân của lạm dụng tình dục, và gần 60 phần trăm là phụ nữ. Vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi các nước nghèo nhưng đã nổi lên như một vấn đề toàn cầu.
Đức Cha Marcelo nói:
"Nạn buôn người cũng ảnh hưởng đến các nước giàu là những nước tạo ra nhu cầu. Nhưng nó đặc biệt gây thương tổn cho các nước nghèo bởi vì chúng là động lực cho bọn buôn người."
Nhiều chuyên gia quốc tế hàng đầu và các nhà nghiên cứu dự kiến sẽ tham dự hội nghị. Đây sẽ là hội nghị đầu tiên trong ba hội nghị riêng biệt về đề tài này sẽ diễn ra trong tương lai.
10. Liên hoan Phim Venice trình chiếu bộ phim về Giáo Hội Công Giáo dưới thời cộng sản Ba Lan
Andrzej Wajda, đạo diễn lừng danh người Ba Lan, 87 tuổi, đã đến với Liên hoan phim Venice, với bộ phim cuối cùng của đời mình là phim "Walesa, người của hy vọng."
Cụ Wajda kể lại câu chuyện về giải Nobel Hòa bình dành cho người bạn thân của Đức Gioan Phaolô II. Tên của ông là Lech Walesa, và là người đứng sau các cuộc cách mạng hòa bình được các công nhân công đoàn Đoàn Kết dẫn đầu để chống lại chế độ cộng sản Ba Lan.
Bộ phim là một ví dụ điển hình về chủ đề mà nhà đạo diễn lừng danh người Ba Lan đã theo đuổi trong suốt đời mình, đó là cuộc đấu tranh liên tục của nhân loại cho tự do và chân lý.
Cụ Wajda sẽ nhận được giải thưởng Persol , nhằm vinh danh công việc phong phú của ông trong thế giới điện ảnh. Trong suốt sự nghiệp của mình, kéo dài trong sáu thập kỷ qua, ông đã đạo diễn hơn 50 bộ phim.
11. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Chín
Ý cầu nguyện chung trong tháng Chín: cầu cho con người ngày nay biết tái khám phá giá trị của sự thinh lặng.
Chúng ta hãy cầu cho con người ngày nay, là những người luôn bị tràn ngập bởi sự huyên náo, biết tái khám phá giá trị của sự thinh lặng và học cách lắng nghe tiếng của Thiên Chúa và anh em của mình.
Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu bị bách hại.
Chúng ta hãy cầu cho các Kitô hữu bị bách hại để họ có thể trở thành chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa.
12. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn
Lịch sử của Giáo Hội Công Giáo tại Triều Tiên rất độc đáo. Tại đây giáo dân bắt đầu thờ phượng như các Kitô hữu ngay cả trước khi các nhà truyền giáo đến giảng dạy đức tin cho họ.
Một nhóm các học giả Hàn Quốc đã nghiên cứu đức tin Kitô giáo từ những cuốn sách mà Lee Sung -hoon mang về từ Trung Quốc. Những giáo dân người Hàn Quốc này đã bắt đầu dạy giáo lý và rửa tội cho trẻ em và người lớn.
Cuối cùng, những nhà truyền giáo cũng đến được mảnh đất này và kinh ngạc nhận thấy các tín hữu Kitô đã hiện diện. Thật vậy, nửa thế kỷ trước khi các nhà truyền giáo châu Âu lẻn được quốc gia Nho giáo này, 50.000 giáo dân đã trở thành người Công Giáo .
Trong thập niên 1590, một linh mục Công Giáo và một nhà sư Phật Giáo đã có mặt tại Hàn Quốc trong tư cách là tuyên úy cho những người lính Nhật đóng quân ở đó. Nhưng họ đã không thể có bất cứ tiếp xúc với người bản địa.
Tiếp xúc đầu tiên của Hàn Quốc với đạo Công Giáo đã thông qua các phái viên ngoại giao Hàn Quốc thường xuyên được gửi đến Trung Quốc, nơi họ gặp các linh mục Dòng Tên . Các linh mục đã cho họ một số sách giáo lý mà các sứ giả mang về quê hương mình. Một nhóm các học giả Hàn Quốc đã quan tâm đến những cuốn sách và bắt đầu nghiên cứu tôn giáo mới , so sánh Công Giáo với Nho giáo là triết lý truyền thống tại Hàn Quốc.
Lee Sung -hoon đã đến Trung Quốc với cha mình và trong khi ông ở Bắc Kinh đã được rửa tội với tên thánh là Peter . Người thanh niên trẻ thông minh đọc nhiều sách Công Giáo và cố gắng bắt chước các nhân đức của các thánh và thúc đẩy đức tin Công Giáo giữa những người bạn của mình. Khi trở về Hàn Quốc, ông đã tổ chức cộng đồng Công Giáo đầu tiên, tự mình rửa tội cho những tín hữu mới.
Vào năm 1785, người Công Giáo bắt đầu bị bách hại. Trong thế kỷ thứ 19, ít nhất 8000 tín hữu Công Giáo đã bị giết vì đức tin, trong đó, 103 vị đã được tôn phong vào tháng 5 năm 1984.
13. Giáo Hội Nam Hàn ngày nay
Từ năm 1960 đến năm 2010, dân số Nam Hàn đã tăng từ 23 đến 48 triệu; thu nhập bình quân đầu người từ 1.300 tăng đến 19.500 đô la; Kitô hữu tăng từ 2 đến 30 phần trăm, trong đó có khoảng 10-11 phần trăm, tức là 5,5 triệu, là người Công Giáo.
Nam Hàn hiện có 15 giáo phận bao gồm ba tổng giáo phận Seoul, Daegu, Gwangju, và giáo phận quân đội. Giáo Hội Công Giáo Bắc Triều Tiên kết hợp với Nam Hàn, bao gồm hai giáo phận là Bình Nhưỡng và Hamheung.
Về nhân sự, Nam Hàn hiện có một vị Hồng Y, 33 Giám Mục và Tổng Giám Mục, 4578 linh mục và 5,361, 400 tín hữu sinh hoạt trong 1664 giáo xứ.
Số chủng sinh là 1540 thầy. Trong khi đó số nữ tu là 10,167 chị. Số các nam tu là 1569 vị.
14. Đức Thánh Cha đề cao linh đạo của Đức Hồng Y Martini một năm sau khi ngài qua đời
Trong buổi tiếp kiến hôm thứ Sáu 30 tháng 8 dành cho Hội đồng quản trị Quỹ Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, vào ngày ngài qua đời một năm trước đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến những ảnh hưởng của linh đạo Đức Hồng Y Martini đối với Giáo Hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
"Đó là một linh đạo dành cho toàn thể Giáo Hội. Ngay cả ở "nơi tận cùng thế giới", chúng tôi cũng đọc tác phẩm của ngài. Chúng tôi linh thao với các bản văn của ngài, và ngài đã đem lại sức sống cho chúng tôi, và đã giúp đời sống tinh thần của chúng tôi."
Quỹ Đức Hồng Y Carlo Maria Martini được thành lập nhằm mục đích làm sống lại tinh thần đặc trưng cho cuộc sống và công việc của vị Hồng Y người Turin này. Quỹ sẽ hình thành một kho lưu trữ bao gồm tất cả các bài viết và các bài phát biểu của ngài. Quỹ cũng sẽ tiếp tục công việc của ngài trong lĩnh vực đối thoại liên tôn bao gồm việc hình thành các nhóm Kinh Thánh cho các Kitô hữu và người Do Thái. Đức Hồng Y Carlo Maria Martini là một chuyên gia nghiên cứu Kinh Thánh cả Cựu Ước và Tân Ước.
15. Đức Hồng Y Medardo Joseph Mazombwe, người Zambia, qua đời ở tuổi 81
Đức Hồng Y Medardo Joseph Mazombwe, nguyên Tổng Giám Mục Lusaka đã qua đời vào ngày 29 tháng 8 tại giáo xứ nơi ngài đã rao giảng nhiều nhất trong cuộc đời của mình, và cũng là nơi ngài tuyên bố nghỉ hưu khi bước sang tuổi 75.
Đức Hồng Y Mazombwe là vị Hồng Y Zambia đầu tiên. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tấn phong Hồng Y cho ngài trong công nghị Hồng Y năm 2010. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Mazombwe đã không thể tham gia vào mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng vào tháng Ba năm nay vì ngài đã quá tuổi 80.
Tại Zambia, Đức Hồng Y đã tích cực trong việc xây dựng các trung tâm giáo dục và y tế, và củng cố các tổ chức Công Giáo cả nước.
Với cái chết của Đức Hồng Y Mazombwe, hiện nay Hồng Y Đoàn có 201 thành viên trong đó có 112 vị có quyền bầu Giáo Hoàng.
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét