LTS: Cách đây vừa đúng 5 năm, ngày 25/9/2008, trong lúc vụ việc tại tòa Khâm sứ – giáo xứ Thái Hà đang ở vào giai đoạn khốc liệt, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra “Bản quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”.
Những “vấn đề” mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề cấp tới 5 năm trước đây với ước mong “góp phần tích cực vào việc phát triển đất nước cách ổn định và vững bền”, vẫn đang là những vấn nạn nhức nhối trong xã hội Việt Nam, cách đặc biệt đang được nhà cầm quyền phô diễn tại giáo xứ Mỹ Yên, giáo phận Vinh trong suốt gần một tháng qua.
Nhiều người khi theo dõi vụ việc tại Mỹ Yên đều cho rằng đã tới lúc Hội đồng Giám mục Việt Nam không thể không lên tiếng về vụ Mỹ Yên để người giáo dân biết đâu là lập trường của Giáo hội?
Trong khi chờ đợi tiếng nói của Giáo hội qua Hội đồng Giám mục, nhân kỷ niệm 5 năm “Bản quan điểm của Hội đồng Giám mục về các vấn đề hiện nay” được công bố, chúng tôi đăng lại ở đây để quý độc giả thấy được tính liên tục trong lập trường của Giáo hội về các vấn đề xã hội và hiệp thông cầu nguyện cho Giáo hội Chúa Kito ở Việt Nam luôn là Giáo hội “Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền”.
QUAN ĐIỂM CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY
Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt Nam cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chúng tôi, các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Giáo Hội không có chức năng làm chính trị, nhưng cũng không đứng bên lề xã hội. Do đó, là những người lãnh đạo trong Giáo Hội, chúng tôi có trách nhiệm rao giảng giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, nhằm thăng tiến con người và đời sống xã hội cách toàn diện. Sau khi cầu nguyện và trao đổi với nhau, chúng tôi muốn bày tỏ quan điểm của mình về một số vấn đề quan trọng trong hoàn cảnh hiện nay.
I. TÌNH HÌNH
1. Tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài và chưa được giải quyết thoả đáng là vấn đề thời sự, trong đó có đất đai của các tôn giáo nói chung và Giáo hội Công giáo nói riêng, cụ thể như vụ việc Toà Khâm Sứ cũ (số 42 Nhà Chung) và Giáo xứ Thái Hà (số 178 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội). Chắc chắn có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng ở đây chúng tôi muốn lưu ý đặc biệt đến điều này: luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Thêm vào đó, nạn tham nhũng và hối lộ càng làm cho tình hình tệ hại hơn. Thiết nghĩ không thể có một giải quyết tận gốc nếu không quan tâm đến những yếu tố này.
2. Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ. Quả thật, chưa bao giờ các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như ngày nay, nhờ đó con người được gia tăng hiểu biết và phát triển tình liên đới. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chỉ thực sự mang lại lợi ích cho con người và cộng đồng xã hội khi phục vụ sự thật và phản ánh thực tại cách trung thực. Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này.
3. Cũng trong tiến trình giải quyết những xung đột nêu trên và nhiều vụ việc khác, một số người có khuynh hướng sử dụng bạo lực, và như thế, tạo thêm bất công trong xã hội. Điều này đang có chiều hướng gia tăng, không những trong các vấn đề lớn của xã hội mà ngay cả trong đời sống gia đình cũng như tại học đường. Bạo hành và bạo lực bắt nguồn từ chính tâm hồn con người, nơi đó cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối không ngừng diễn ra. Nếu không được hướng dẫn và tập luyện, con người sẽ dễ dàng chiều theo những tham vọng ích kỷ của mình, và cái ác sẽ lan tràn trong đời sống xã hội. Do đó, việc giáo dục đạo đức và huấn luyện lương tâm phải là trách nhiệm hàng đầu của toàn xã hội, và cần đến sự tham gia tích cực của người dân cũng như các tổ chức xã hội.
II. QUAN ĐIỂM
Đứng trước tình hình trên, chúng tôi có những đề nghị cụ thể như sau:
1. Trước hết, nếu luật về đất đai còn nhiều bất cập thì nên sửa đổi cho hoàn chỉnh. Việc sửa đổi này cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17). Vì thế, chúng tôi cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đòi hỏi này lại càng khẩn thiết hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nhịp sống chung của thế giới. Đây sẽ là tiền đề cho việc giải quyết tận gốc những vụ khiếu kiện về đất đai và tài sản của người dân, đồng thời góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển vững bền của đất nước.
2. Kế đến, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những thông tin bị bóp méo hoặc cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Toà Khâm Sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì cần phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
3. Cuối cùng, truyền thống văn hoá và đạo đức của dân Việt vốn nhấn mạnh đến tình tương thân tương ái và sự hài hoà trong xã hội. Tuy nhiên khi giải quyết những tranh chấp gần đây, đáng tiếc là đã có những hành vi sử dụng bạo lực, làm mất đi tương quan hài hoà trong cuộc sống. Vì thế, chúng tôi tha thiết ước mong mọi người hãy chấm dứt mọi hình thức bạo lực, trong hành động cũng như trong ngôn từ. Cũng không nên nhìn những tranh chấp này theo quan điểm chính trị và hình sự. Một giải pháp thoả đáng chỉ có thể đạt được nhờ đối thoại thẳng thắn, cởi mở và chân thành, trong hoà bình và tôn trọng lẫn nhau.
Phát xuất từ ước mong góp phần tích cực vào việc phát triển đất nước cách ổn định và vững bền, những suy nghĩ này mong được gửi đến tất cả anh chị em đồng đạo cũng như mọi người thành tâm thiện chí. Chúng tôi xác tín rằng khi tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước trên nền tảng công bằng, sự thật và tình yêu, thì quê hương Việt Nam sẽ ngày càng giàu đẹp, mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người, và góp phần kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
Làm tại Toà Giám mục Xuân Lộc, ngày 25.09.2008
TM. HĐGM Việt Nam
Chủ tịch
Giám mục Phêrô NGUYỄN VĂN NHƠN
Nguồn: WHD
0 nhận xét:
Đăng nhận xét