Lá thư độc giả:
Đâu là quan điểm của Giáo Hội Việt Nam trong vụ Mỹ Yên?
Cuối cùng thì hai từ ‘Mỹ Yên’ được nhiều người mong đợi cũng đã xuất hiện trên website Hội đồng Giám mục VN. Chỉ có điều bản tin ‘cực ngắn’ chỉ vỏn vẹn chưa đầy 100 từ này thực chất chỉ là cú chuyền banh trách nhiệm trở về lại sân Vinh cho Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, và lý do khiến HĐGM-VN phải Lên tiếng chỉ vì “giọng điệu gay gắt” của các phương tiện truyền thông những ngày qua (không rõ Người phụ trách trang Web của HĐGMVN có cố ý mập mờ muốn kết án giới Truyền thông Công Giáo Việt Nam và ngoại quốc gay gắt? hay vì lý do gì mà không nêu rõ là Truyền thông Nhà nước CSVN gay gắt?). Nguyên văn bản tin này như sau:
”Thư chung của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh”
WHĐ (18.09.2013) – Trong những ngày qua, các phương tiện truyền thông đã liên tiếp trình bày những diễn tiến xảy ra tại giáo xứ Mỹ Yên, giáo phận Vinh, với giọng điệu gay gắt. Nhiều anh chị em giáo dân cảm thấy hoang mang, không biết thật hư thế nào. Vì thế chúng tôi đăng tải nguyên văn Thư Chung –đề ngày 06 tháng 9 năm 2013– của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh, để độc giả có thêm thông tin về vụ việc trên cũng như lập trường của giáo phận Vinh”. (hết trích)
Xem qua bản tin trên mọi người đều có thể thấy, cả nội dung lẫn lập trường đều chưa phản ánh quan điểm của Giáo Hội. Vậy quan điểm chính thức của HĐGM-VN về vụ Mỹ Yên ra sao? Trang HĐGM-VN đưa tin bảo để giúp giáo dân khỏi ‘hoang mang’ nhưng lại bằng cách ‘đùn đẩy’ trách nhiệm như vậy liệu mục đích ấy có đạt được?
-----------
Đọc “Thành Vinh thế sự’ để thấy sự yếu kém của truyền thông Giáo Hội VN
Nhân chuyện bản tin mời quí độc giả đọc bài dưới đây được viết sau khi đọc ‘Thành Vinh ký sự’ của Người Buôn Gió liên quan đến vụ Mỹ Yên vài tuần trước. Nhưng vì nghĩ vụ Mỹ Yên không nhỏ thế nào rồi HĐGM-VN cũng sẽ lên tiếng nên đã không vội gởi đăng mà chờ đợi để rồi ‘thất vọng’!
----------------
Vụ đụng độ giữa giáo dân Mỹ Yên và chính quyền âm ỉ kéo dài từ tháng 5/2013 đã bùng nổ thành chuyện lớn cuối tháng 8 đã khiến Nghệ An một lần nữa trở thành ‘điểm nóng’. Nhân vụ việc, ‘Thành Vinh ký sự’ của Người Buôn Gió Bối nhìn lại bối cảnh đạo - đời cùng nhiều nguyên nhân gần xa của một số vụ việc tại vùng đất miền Trung này mấy năm qua.
Sự hiểu biết của Người Buôn Gió, một người ngoài đạo, về nội tình Giáo Hội, về mối quan hệ Giáo Hội - chính quyền, điển hình như giữa tòa giám mục Xã Đoài và tỉnh ủy Nghệ An dễ khiến người đọc có đạo chúng ta phải ‘ganh tỵ’ với anh.
Bởi chúng ta tiếng là tu sĩ, giáo dân nhưng có khi lại chẳng hiểu tường tận về Giáo Hội của chính mình bằng Người Buôn Gió. Như đoạn anh kể về tình hình nhân sự tại tòa TGM Xã Đoài sau đây “…trong số giáo dân mới được tuyển dụng vào người ta thấy một giáo dân trẻ từng chê trách các linh mục Thái Hà là rách việc, chính giáo dân trẻ này trước đó ở Hà Nội từng đi vận động các giáo dân khác xem trang website Giao Điểm, anh ta tên là Trần Đức Hà, tên thánh hình như là Anton, một giáo dân thuộc địa phận xã Đoài. Khi Giám Mục Nguyễn Thái Hợp nhậm chức, anh ta rời Hà Nội trở về quê. Sau đó làm việc tại tòa Giám Mục, những công việc gần gũi bên giám mục Nguyễn Thái Hợp như phục vụ sinh hoạt, áo lễ, nước nôi và làm truyền thông cho website giáo phận Vinh”.
Là một blogger có tiếng trong nước, mới đầu năm nay Người Buôn Gió được đích thân thị trưởng Weimar mời sang Đức tham gia trại sáng tác do thành phố này bảo trợ. Một người viết lách có uy tín vậy khó ai dám bảo đoạn kể về nhân vật Trần Đức Hà trên hay những phân tích đánh giá về vai trò ‘bí hiểm’ của ông bí thư tỉnh ủy Nghệ An cuối ký sự giúp chúng ta hiểu rõ hơn những nguyên nhân sâu thẳm đằng sau những xung đột đáng tiếc xảy ra mấy năm gần đây tại các xứ đạo miền Trung khốn khổ này, chỉ là những nhân vật ‘hư cấu’ của trí tưởng tượng!
Tuy nhiên, cho dù nhân vật Trần Đức Hà và ông bí thư có cái tên ‘kỳ quái’ Hồ Đức Phớc kể trên có thật, đúng hoặc sai, nó cũng chẳng khiến chúng ta bận tâm cho bằng việc vì sao anh lại chịu khó lăn lộn tìm hiểu và lên tiếng bênh vực đạo chúng ta mỗi khi giáo dân đâu đó bị chính quyền xách nhiễu, trong khi ‘chủ chăn’ HĐGM-VN mới chính là nơi cần phải làm cái công việc này thì các Ngài cứ mãi im lặng như thể không hay biết gì? Rồi đến khi dư luận ‘bức xúc’ quá, thấy không thể tiếp tục im lặng được nữa thì các Ngài lên tiếng một cách ‘bất đắc dĩ’ như trên?
Người viết là phận giáo dân, chẳng dám lạm bàn về vai trò và nhiệm vụ của truyền thông Giáo Hội vốn là việc lớn vượt ngoài khả năng hiểu biết lẫn thẩm quyền của mình. Nhưng vì đang phải sống trong lòng một xã hội đầy rẫy những điều ‘chướng tai gai mắt’ diễn ra hằng ngày ở khắp mọi nơi, mỗi khi tham dự thánh lễ lại luôn được Giáo Hội mời gọi cộng tác, hiệp thông v.v... vậy mà với cách Giáo Hội thông tin cho giáo dân có vẻ còn đầy ngại ngùng và sợ hãi như hiện nay, giáo xứ này lâm nạn bởi cường quyền bổn đạo ở giáo xứ kế bên chẳng hay biết, mà giáo dân không biết thì lấy gì ‘cộng tác’ với ‘hiệp thông’?
Thật vậy, nhìn lại thái độ im lặng của Giáo Hội qua nhiều vụ việc từ Tòa Khâm Sứ, Thái Hà năm 2007 cho đến Tam Tòa, Loan Lý, Đồng Chiêm, Cồn Dầu và nay là Mỹ Yên v.v... bất cứ ai quan tâm đến tinh hình đất nước, Giáo Hội đều khó tránh khỏi cảm giác có điều gì đó không bình thường? Càng ‘khó hiểu’ hơn khi vài năm gần đây ngày càng xuất hiện nhiều nhân sĩ trí thức trong nước công khai lên tiếng phản đối những chủ trương, chính sách, hành xử sai của nhà cầm quyền và cũng đã có không ít những ‘bề dưới’ là linh mục tu sĩ giáo dân dám công khai tên tuổi khi tham gia ký tên vào các thỉnh nguyện thư đòi hỏi dân chủ hóa đất nước, thậm chí ngay cả đến một cô bé sinh viên mới 20 tuổi đời như Phương Uyên mà cũng còn dám tuyên bố đanh thép không hề sợ lao tù cộng sản ‘không cần giảm án’ngay trước tòa Long An, trong khi ấy Giáo Hội chúng ta như còn đang ‘ẩn mình’ chốn nao, mà vụ Mỹ Yên đang là trở nên khó hiểu nhất từ trước đến nay?
Nếu như trong các vụ việc trước đây HĐGM-VN không lên tiếng còn được hiểu là vì dính dáng đến vật chất là tranh chấp tài sản, vốn là vấn nạn lớn chung của cả nước, một số nơi như Tòa Khâm Sứ, Giáo Hoàng Học viện Đà Lạt đang thương thảo không nên làm ‘rối bời’ thêm v.v... thì vụ Mỹ Yên lần này lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Công an giả dạng thường dân gây hấn ngăn cản việc hành đạo của giáo dân khi họ tham dự hành hương tại Trại Gáo hôm 22/5 dẫn đến bạo lực làm 30 giáo dân bị đánh, vài người bị trọng thương. Sau đó vì chuyện chính quyền bắt bớ giáo dân trái phép để ‘trả thù’ giáo dân phản ứng lại thì bị vu cáo gây rối, ngay cả bản thân Đức Cha Nguyễn Thái Hợp cũng bị vu khống v.v... sai trái của chính quyền như vậy tưởng đã quá rõ nhưng không hiểu sao HĐGM-VN vẫn ngại ngùng chẳng dám lên tiếng?
Nếu HĐGM-VN chưa nắm chắc hết mọi tình tiết sự việc không ai bắt các Ngài phải bình luận chuyện đúng sai, nhưng việc đưa tin khách quan về những gì đang xảy ra thiết nghĩ là việc cần làm ngay mà không nên ‘né tránh’, bởi đó chính là ‘tin tức Giáo Hội VN’ mà không thể nói khác đi được !
Rất tiếc là vừa qua vụ Mỹ Yên nghiêm trọng và kéo dài hàng tháng trời là thế, gần như cả thế giới đều biết, vậy mà giáo dân trong nước thậm chí có thể ngay các tại giáo phận kế Vinh, đi lễ hàng ngày nhưng liệu có mấy người biết?
Còn những ai khi biết nhờ thông tin bên ngoài nếu muốn tìm sự việc qua tiếng nói chính thức của Giáo Hội trên trang HĐGM-VN coi như họ đã ‘thất vọng’ hoàn toàn? Tệ hơn nữa là sau khi cả hệ thống báo đài nhà nước đồng loạt vào cuộc nói sai sự thật về Mỹ Yên, ‘bôi nhọ’ luôn cả Đức Cha Nguyễn Thái Hợp vậy mà khi vào mục Tin tức Giáo Hội Việt Nam tìm đỏ mắt vẫn chẳng thấy hai từ Mỹ Yên đâu!? Thay vào đó vẫn chỉ những tin cũ giám mục này linh mục kia được thụ phong, tấn phong, cha cố này mất giám mục khác qua đời v.v…
Hay là giáo xứ Mỹ Yên không thuộc Giáo Hội nên không được hân hạnh đưa vào mục tin tức này chăng?
Chúng ta đang sống trong lòng một đất nước ngày càng lộ ra quá nhiều điều tồi tệ, do bởi hệ thống luật pháp vốn đã bất cập lại còn bị ‘chà đạp’ bởi chính những người có trách nhiệm bảo vệ nó khiến hằng ngày bao thứ ‘tai ương’ luôn sẵn sàng đổ ập xuống đầu dân lành, bất kể lương giáo. Khi tai họa chẳng may xảy đến trong một gia đình, ông bà bố mẹ luôn phải là những người đầu tiên và cần thiết nhất thể hiện trách nhiệm của mình với đàn con, trước khi trông đợi sự giúp đỡ nào khác từ bên ngoài thì giáo dân cũng vậy, họ biết cậy nhờ ai nếu đó chẳng phải các linh mục, các giám mục, các Hồng Y và Hội đồng Giám mục sao?
Nhu cầu thông tin của con người và khả năng đáp ứng hoàn hảo của nhiều phương tiện hiện đại ngày nay đang trở nên cơ hội lẫn sự thách thức về khả năng cho các lãnh đạo của mọi tổ chức. Bất kỳ sự im lặng hay chậm trễ thông tin mà không có lý do chính đáng rất dễ trở nên ‘lạc điệu’ và bị xem là ‘có lỗi’ trước công luận.
Điển hình như trong vụ Mỹ Yên, những ngày qua nếu chẳng may có giáo dân nào đó vì sự thiếu thông tin của Giáo Hội về nhà xem TV đọc báo giấy trong nước mà quay sang ‘chửi bới’ Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, thử hỏi rằng tội ấy họ sẽ phải mang hay Giáo Hội gánh chịu, mà cụ thể là ai?
Có những lý giải cho rằng người ở vào địa vị cao thì giữ im lặng thường được đánh giá cách ứng xử khôn ngoan. Do vậy, mỗi khi xảy ra sự cố va chạm giáo dân với với chính quyền, các vị trong HĐGM-VN càng ‘kín tiếng’ nhiều chừng nào thì nhà nước VN sẽ càng dễ bị rơi vào lúng túng khó xử chừng nấy, do chẳng biết đâu quan điểm của Giáo Hội mà lường v.v... ???
Lập luận này thoạt nghe qua thì có vẻ logic nhưng thực tế cho thấy nó hoàn toàn vô nghĩa trước một nhà cầm quyền chủ trương dùng vũ lực để cai trị dân. Họ sẵn sàng trấn áp khi cần thay vì lẽ ra phải giải quyết bằng sự nghiêm minh của pháp luật. Từ con số 2 giáo dân nhỏ nhoi bị đánh đập trong vụ Tòa Khâm Sứ cuối 2007 là anh Lê Quốc Quân (hiện đang bị giam cầm trái phép) và chị giáo dân người Mường, nay sau 6 năm với vụ Mỹ Yên con số này đã là 30 và mức độ tàn nhẫn cũng hơn xưa rất nhiều, đó chính chính là bằng chứng hết sức vô lý của một Giáo Hội im lặng chịu đựng cường quyền.
Tóm lại, sự thiếu vắng tiếng nói chính thức của của Giáo Hội trong nhiều vụ việc những năm qua, không chỉ về chuyện giáo dân bị đánh đập mà còn cả về những lần chính quyền nhiều nơi đã có những hành vi phạm Thánh, xâm phạm quyền tự do tôn giáo... vẫn đang là dấu hỏi lớn trong tu sĩ lẫn giáo dân nhiều nơi, và đang cần được giải đáp. Phải chăng đây là ‘lệnh’ từ nhà cầm quyền CSVN kèm với những ‘hứa hẹn’ hay áp lực nào đó khiến các Ngài phải im lặng, hay đơn thuần chỉ là sự vâng phục đường lối tòa thánh như trường hợp Quốc vụ khanh Tòa Thánh là Hồng Y Tarcisio Bertone với Đức Cha Ngô Quang Kiệt trong vụ Tòa Khâm Sứ?
Nhưng cho dẫu có bất cứ lý do gì, nếu im lặng lần này lại cứ tiếp tục bị chồng chất bởi lần im lặng kế tiếp trong tình hình xã hội ‘bạo loạn’ ngày càng lấn lướt như hiện nay, trong bế tắc lý giải giáo dân khó tránh khỏi chỉ còn lởn vởn vài câu hỏi trong đầu, HĐGM-VN không lên tiếng vì không muốn, không dám hay... không thèm lên tiếng ???
Trước khi gởi bài viết này đi, người viết thận trọng một lần nữa vào lại trang HĐGM-VN (với chút hy vọng mong manh sẽ không phải gởi nữa) thấy mới có thêm 2 bản tin về vụ Mỹ Yên, như vậy tổng cộng trước sau là 3 lần lên tiếng, chỉ có điều tất cả chỉ là sự lặp lại muộn màng từ website của giáo phận Vinh. Đó là các bài Tuyên bố của Linh mục đoàn giáo phận Vinh và Thư của Đức Cha Phaolô Nguyễn thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh gửi các giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Thánh Phêrô cuối cùng rồi Ngài cũng trở nên viên đá tảng của Giáo Hội và là người được Chúa giao nắm giữ chìa khóa nước Trời, nhưng giá như vào dịp tuần Thánh hằng năm chúng ta không phải nghe hội thánh nhắc lại mẩu ‘chuyện buồn’ rằng Ngài cũng đã từng chối Chúa đến những 3 lần khi xưa.
Sàigòn, 23/9/2013
Alf Hoàng Gia Bảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét