Người Công Giáo thường dùng câu này để diễn tả mối liên hệ giữa các tín hữu cùng thuộc Hội Thánh Roma với nhau. Người ta cũng dùng câu đó để nói lên ý tưởng “vui với người vui, khóc với người khóc”. ( Rm 12,15)
Nguồn gốc của câu Các Thánh Cùng Thông Công đã có từ rất xa xưa trong kinh Tin Kính Các Tông Đồ và được coi là một mầu nhiệm, mầu nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công. Vậy mầu nhiệm này nghĩa là gì?
Nhân dịp các biến động dồn dập xẩy ra cho Hội Thánh tại Việt Nam những năm gần dây, từ vụ tòa Khâm Sứ, Thái Hà, qua Tam Tòa, Đồng Chiêm, Cồn Dầu v.v… cho đến mới đây nhất : Mỹ Yên, và cũng nhân lá thư của Đức Cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục giáo phận Vinh gửi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và toàn thể Dân Chúa, xin hiệp thông cầu nguyện và chia sớt những nỗi khổ đau của anh chị em đồng đạo ngoài đó, thiết tưởng người Công Giáo chúng ta không thể làm ngơ, cứ “bình chân như vại”, mặc cho thời thế xoay vần.
Bởi vậy, ai can đảm thì bày tỏ mối hiệp thông của mình theo tinh thần mầu nhiệm nói trên, bằng lời nói hay việc làm. Ai sợ liên lụy thì âm thầm cầu nguyện. Lúc này mà bảo rằng tôi không đứng về bên nào cả, cứ lửng lơ như khách bàng quang thì thật là người vô cảm và chẳng hiểu biết gì về Mầu Nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công cả.
1. Các thánh cùng thông công là gì?
Xin tạm coi kiểu nói này thuộc về thời trước. Bây giờ người ta quen nói là hiệp thông hay thông hiệp hoặc cảm thông hay thông cảm. Các thánh cùng thông công dịch từ tiếng La Tinh : Communio sanctorum. Communio lại dịch từ tiếng Hy Lạp : koinoinia. Koinoinia có nghĩa là sự tham dự, thông phần cách sâu đậm. Nhiều người hiện nay dịch là thông cảm. Thánh Phao-lô dùng từ koinoinia để chỉ hai thực tại sâu xa và gắn liền mật thiết với nhau trong đời sống của các Ki-tô hữu : đó là hiệp thông với Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy (2 Cr 12-14) và hiệp thông với máu Chúa Ki-tô trong bí tích Thánh Thể (1 Cr 12-16).
Chữ “các thánh” ở đây không phải là các thánh trên trời mà chính là các Ki-tô hữu (1 Cr 1,2), những người được hiến thánh trong Thánh Thần (Rm 15,16) khi lãnh Phép Rửa.
Lịch sử việc ghép hai chữ communio và sanctorum với nhau không được rõ ràng lắm. Chỉ biết là hai từ này được thêm vào kinh Tin Kính các Tông Đồ bên Hội Thánh Tây Phương từ những thế kỷ đầu mà không thấy trong kinh Tin Kính nào của Hội Thánh Đông Phương và cũng không thấy trong Kinh Thánh[1].
Một số Giáo Phụ Đông Phương hiểu là từ Sanctorum nói về bí tích Thánh Thể dưới dạng “các sự thiêng thánh”; một số vị khác lại hiểu về các tín hữu như thánh Phao-lô : “Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa, được gọi làm Tông Dồ của Đức Ki-tô Giê-su, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi kính gủi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh.”(1 Cr 1, 1-2)
Bên Hội thánh Tây Phương, communio sanctorum được hiểu là các mối liên hệ hiệp thông giữa các Ki-tô hữu với nhau, đặc biệt giữa những người còn sống với những người đã qua đời. Sau thời Trung Cổ, ý tưởng này vẫn còn được duy trì và nhấn mạnh cho tới ngày nay về sự tương trợ giữa hai bên : người sống cầu nguyện cho người chết và người chết đang ở trong Luyện Ngục chuyển cầu cho người còn sống. Vì vậy, người ta vẫn xin lễ cầu cho các linh hồn, và con cháu trong nhà thường xin lễ và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ và anh em họ hàng bạn hữu. Nhiều người lại còn xin lễ cho các linh hồn mồ côi, hiểu theo nghĩa những linh hồn này không còn ai là thân thích ruột thịt ở trần gian này để cầu nguyện cho nữa. Đó là một cử chỉ liên đới rất đáng biểu dương. Nhưng thực ra, các linh hồn đó vẫn được Hội Thánh cầu nguyện cho trong các thánh lễ hàng ngày.
Hiện thời, nhờ ảnh hưởng và giáo huấn của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, ý thức vềcommunio sanctorum được nới rộng và bao hàm cả những người ngoài công giáo thuộc các tôn giáo khác, và tất cả những người thành tâm thiện chí, dù họ không có liên hệ gì với Công Giáo. Công Đồng quả quyết rằng Chúa Thánh Thần hiện diện bất cứ ở nơi nào người ta hoạt động để làm cho thế giới này nên nhân bản hơn, (Truyền giáo 38) và ơn của Người cũng được tìm thấy ở bên ngoài Hội Thánh Công Giáo (Hiệp nhất 3), nơi những người thành tâm thiện chí mến yêu sự thật và hoạt động cho công lý.
2. Áp dụng cụ thể tinh thần mầu nhiệm này
Ý nghĩa mầu nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công là như nói trên, còn bây giờ áp dụng cụ thể thì thế nào?
Trước hết, tinh thần của mầu nhiệm này là đức ái trong Chúa Thánh Thần. Đức này không chỉ ràng buộc sâu sắc mối dây liên hệ giữa các Ki-tô hữu với những người thân yêu của mình mà còn cả với những người không quen biết. Chính vì vậy, khi tới nhưng nơi xa lạ mà là công giáo với nhau thì mặc nhiên người ta thấy như không xa lạ. Bởi thế, khi đến Roma hay nơi nào khác trên thế giới mà mọi người cùng đọc hay hát tiếng La Tinh, tự nhiên người công giáo như thấy gần gũi.
Thánh Thể, bí tích của tình yêu [2], bí tích của sự hiệp nhất[3] làm cho Hội Thánh mang Chúa Ki-tô nơi bản thân và được kết hiệp mật thiết với Người. Nhờ đó mọi tín hữu, những phần thân thể mầu nhiệm của Hội thánh kết hợp với nhau trong cùng một Thánh Thần và hiệp thông với nhau qua bí tích Thánh Thể. Bí tích này kết nối mọi tín hữu với toàn thể Hội Thánh, những người còn đang sống cũng như những người đã qua đời[4]. Nhờ sư hiện diện của những người tham dự thánh lễ mà những người vắng mặt, nhưng tham dự cách thiêng liêng trong tình yêu của Thánh Thần cũng có thể được hưởng nhờ ơn ích.
Mầu nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công còn có nghĩa là mọi thứ tốt lành của các Ki-tô hữu đều thuộc về cộng đoàn và có thể chia cho mọi người, vì “Đức ái làm cho của người này thành của chung cho tất cả[5], theo gương cộng đoàn tín hữu Giê-ru-sa-lem trong thế kỷ đầu :”Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán tất cả của cải lấy tiền chia cho lọi người tùy theo nhu cầu.” (Cv 2, 44-45) cũng như theo lời dạy của thánh Tôma A-qui-nô : ‘Chúa Thánh Thần liên kết Hội Thánh và ban của người này cho người khác “[6] Sự hiệp nhất trong đức ái còn muốn nói thêm rằng mọi người đều chia sẻ cho nhau các ơn huệ họ nhận được từ các thánh trên trời và các người lành dưới thế[7], và của cải vật chất Chúa ban cho các tín hữu là để họ có thể giúp đỡ lẫn nhau.[8]
Phải chăng vì vậy mới có những tổ chức từ thiện như Caritas ở mỗi nước và nhiều cơ quan khác như Secours catholique ở Pháp, Misereor, Adveniat, Kirche im not ở Đức, Cor unum ở Ý, Catholic Relief Service ở Mỹ v.v… để thể hiện cách thiết thực tinh thần mầu nhiệm này, trước hết với những người công giáo rồi đến những người ngoài công giáo.
Kết luận
Mầu nhiêm Các Thánh Cùng Thông Công, nói chung một cách rộng rãi là “thông công” với Hội Thánh trên ba bình diện : Hội Thánh hiển vinh trên trời, Hội Thánh trong tình trạng thanh tẩy nơi Luyện Ngục và Hội Thánh lữ thứ trên trần gian.
Đối với Hội Thánh trên trời, chúng ta thông công bằng cách tôn vinh, nguyện cầu; đối với Hội Thánh trong tình trạng thanh tẩy, chúng ta thông công bằng cách tưởng nhớ và cầu nguyện thường xuyện; đói với Hội Thánh lữ hành, chúng ta thông công bằng cảm thông, liên đới, chia sẻ dưới nhều hình thức.
Riêng trong tình thế hiện thời, chúng ta thông công với những người đang bị bắt bớ hành hạ vì lẽ công chính, bằng lời cầu nguyện và sự liên đới. Chúng ta liên đới với họ bằng sự bênh đỡ, qua việc lên tiếng bày tỏ mối bận tâm của mình về số phận tù đầy bất công của họ và cùng vận động để họ mau được trả lại tự do như nhiều người đã làm cho Tám giáo dân ở Thái Hà, cho Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Ngô Minh Hằng, Phương Uyên. Đinh Nguyên Kha v.v…. Công việc này đòi phải trả giá. Dám trả giá mới mong làm nên việc. Liệu chúng ta có sẵn sàng trả giá cho Công Lý và Hòa Bình hay không?
L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
[1] Communion of saints trong The Modern Catholic Encyclopedia, The Liturgical Press , Collegeville 1994 trang 186
[2] Summa theologiae lll. q. 67. a. 2; q.79. a. 4
[3] Ibid. q. 67 a. 2; q. 79 a. 5
[4] Aquinas, Commentary on John, Lectio 6
[5] John Chrysostom, On the perfection of charity : Rom 12,5
[6] Aquinas Summa theologiae lll q.79, a.7
[7] Aquinas, Sermon on the Apostles’ Creed
[8] Ibid. Iia Iiae q.32, a. 5, ad 2um
0 nhận xét:
Đăng nhận xét