Ucanews - Tân Quốc vụ khanh Tòa Thánh có tầm nhìn và kinh nghiệm ngoại giao,
Các nhà quan sát Vatican và ngay cả các vị hồng y cũng nóng lòng muốn biết hiệu quả xử trí việc cải cách Giáo triều vốn là việc làm rất cần thiết của Đức Thánh cha Phanxicô, và hôm thứ Bảy ngài đã ra quyết định bổ nhiệm vị trí quan trọng nhất trong triều đại của mình – và là quyết định cho thấy Đức Giáo hoàng người Argentina thực sự quyết tâm khi nói về thay đổi.
Đức Tổng Giám mục Pietro Parolin được bổ nhiệm làm tân Quốc vụ khanh Tòa Thánh, thường được xem là ‘thủ tướng’ của Vatican, hôm thứ bảy. Ngài là người giàu kinh nghiệm trong các ngoại giao đoàn của Tòa Thánh, nằm trong số được kính trọng nhất và hiểu rất rõ những thách thức đứng trước Giáo hội tại Á châu – hiện nay là mảnh đất màu mỡ nhất của Giáo hội.
Các giáo hoàng thường chọn những người có kinh nghiệm làm cánh tay phải nhưng Đức Bênêđictô XVI đã quyết định phá bỏ truyền thống này vào năm 2007 khi ngài bổ nhiệm Đức Hồng y Tarcisio Bertone, người phụ tá tin cậy lâu năm, vào chức vụ này. Do không có kinh nghiệm ngoại giao và có ít kinh nghiệm quản lý, Đức Hồng y thần học gia chuyên nghiệp Bertone không có nhiều kinh nghiệm khi đảm nhận chức vụ Quốc vụ khanh.
Đức Hồng y Bertone vui tính nhưng đôi khi vụng về có trách nhiệm phần nào về nhiều việc bất hạnh ảnh hưởng đến triều đại của Đức Bênêđictô, vốn mang nhiều tai tiếng và Giáo triều bất tài khiến nhiều vị hồng y lên án chỉ trích trong các cuộc họp trước Mật tuyển viện 2013.
Do đó, việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Parolin, vốn là người dày dạn tại Văn phòng Quốc vụ khanh nổi tiếng thận trọng và thực dụng, sẽ giúp giải quyết những vấn đề này theo tinh thần được Đức Phanxicô đưa ra.
Trong thông cáo đầu tiên kể từ khi được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh, đức tổng giám mục người Ý đặt những giá trị phục vụ và khiêm tốn lên hàng đầu, những giá trị thường được Đức Phanxicô gọi là đặc trưng của những ai thích các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội.
“Tôi cảm nhận ơn kêu gọi này rất mạnh mẽ, một sự ngạc nhiên nữa và mới nhất của Chúa trong đời tôi”, Đức Tổng Giám mục Parolin viết. “Đặc biệt là tôi cảm thấy toàn bộ gánh nặng trách nhiệm đặt lên người tôi: ơn gọi này trao cho tôi một sứ mệnh khó khăn và đầy thách thức, khiến tôi thấy sức mình yếu và khả năng kém.
Nhưng vai trò của Quốc vụ khanh không chỉ là người ‘đứng đầu các nhân viên’ sau Đức Giáo hoàng. Chức vụ này còn đòi hỏi điều phối mối quan hệ của quốc gia nhỏ bé nhất thế giới này với các nước còn lại trên thế giới cũng như với hàng ngàn giám mục của Giáo hội.
Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Vatican, Đức Tổng Giám mục Parolin từng phục vụ tại châu Phi và Mỹ Latin. Hiện nay ngài là đại sứ của Vatican tại Venezuela, và đến ngày 15-10 ngài sẽ đảm nhận chức vụ mới.
Nhưng khi còn làm Thứ trưởng Ngoại giao Vatican (đến 2009), ngài giám sát một số hồ số quốc tế nhạy cảm nhất của Giáo hội. Và ngài có được nhiều kinh nghiệm về châu Á khi đi khắp châu lục này từ Bình Nhưỡng đến Jakarta.
Ngài thu xếp cho Vatican từng bước nối lại quan hệ với Cộng sản Việt Nam, cuối cùng dẫn đến tái thiết quan hệ ngoại giao vào năm 2011. Quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam bị cắt đứt cách đó 40 năm khi Cộng sản chiếm Sài Gòn.
Dưới thời Đức Bênêđictô, ngài còn giám sát việc Đức Giáo hoàng người Đức nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa Vatican với Trung Quốc và Việt Nam. Bắt đầu nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc là Tông thư gửi người Công giáo Trung Quốc năm 2007, nhưng việc này không ngăn được chính quyền Bắc Kinh thúc ép các vụ bổ nhiệm giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức Thánh cha.
Khi Đức ông Parolin được bổ nhiệm đến tòa sứ thần Tòa Thánh Caracas và được tấn phong làm tổng giám mục năm 2009, một số nhà quan sát Vatican miêu tả động thái này là cách xử phạt phương pháp thực dụng của Đức Tổng Giám mục Parolin, vốn được xem là mâu thuẫn với phong cách tập trung vào rao giảng sự thật hơn là phương pháp ngoại giao tế nhị của Đức Bênêđictô.
Việc miêu tả này có đúng hay không vẫn còn chờ xem xét.
Tuy nhiên, điều dường như chắc chắn hơn đó là với tư cách là nhà ngoại giao chuyên nghiệp Đức Tổng Giám mục Parolin sẽ áp dụng kiến thức mang sắc thái thực tế về thế giới, nơi mà dấu chỉ đức tin mạnh mẽ không được dùng để gây ấn tượng trong ngoại giao.
Và nhìn lại kinh nghiệm trước đây của mình, tân Quốc vụ khanh Tòa Thánh có thể sẽ làm cho châu lục lớn nhất và là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới đối với Giáo hội trở thành một ưu tiên cấp thiết hơn trong nghị trình của Vatican.
Alessandro Speciale
Nhà báo tự do sống tại Rôma
Nguồn: Ucanews
0 nhận xét:
Đăng nhận xét