1. Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 14 tháng 11
Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 14 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã khích lệ anh chị em tín hữu hãy làm chứng về đức tin và niềm hy vọng Kitô Giáo của mình trong một thế giới đang bị thống trị bởi một thứ chủ nghĩa vô thần "thực dụng".
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Trong bài giáo lý về năm Đức Tin, chúng ta đã thấy rằng khát vọng mầu nhiệm về Thiên Chúa nằm sâu trong trái tim con người. Qua ân sủng của Người, Thiên Chúa linh hứng và đồng hành với chúng ta trong những cố gắng tìm kiếm Người và đạt đến hạnh phúc trong Người. Nhưng ngày nay, thường khó có thể biện minh đức tin của chúng ta giữa một thế giới tục hóa, bởi vì chúng ta đang phải đối mặt với một chủ nghĩa vô thần "thực dụng", nghĩa là một xu hướng suy nghĩ và sống như thể Thiên Chúa không hề tồn tại .
Tuy nhiên, một khi tách Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, chúng ta trở nên hèn kém. Thật vậy, chúng ta có được phẩm giá cao trọng là nhờ chúng ta được tạo ra bởi Thiên Chúa và được mời gọi để sống hiệp thông với Ngài. Là tín hữu, chúng ta cần phải đưa ra những lý do đầy thuyết phục về đức tin và niềm hy vọng của chúng ta.
Chúng ta có thể tìm thấy những lý do này trong chính trật tự và vẻ đẹp của thiên nhiên, là điều tự nó đã đưa ra khẳng định về Đấng Tạo Hóa. Những lý do này cũng có thể thấy được trong sự khao khát sự vô tận hiện diện trong lòng con người. Sự khao khát ấy chỉ được thỏa mãn nơi Thiên Chúa. Chính đức tin soi sáng và biến đổi cuộc sống của chúng ta thông qua sự hiệp thông hàng ngày với Chúa. Qua chứng tá đức tin sống động của mình, chúng ta có thể làm cho người khác nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra nơi Đức Kitô.
2. Buổi đọc kinh truyền tin trưa Chúa Nhật 11 tháng 11
Mặc dù thời tiết không thuận lợi với mưa và gió lớn, hàng ngàn khách hành hương cũng đã tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô để lắng nghe những lời huấn đức của Đức Giáo Hoàng trong buổi đọc kinh truyền tin trưa Chúa Nhật 11 tháng 11. Đức Giáo Hoàng đã trình bày những suy tư của ngài về sự rộng lượng. Ngài giải thích rằng ngay cả những người nghèo cũng có thể hào phóng với Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha nói:
"Trong Tin Mừng hôm nay, bà góa nghèo dâng vào Đền Thờ mọi thứ bà sở hữu. Xin cho sự dâng cúng vô điều kiện của bà có thể linh hứng cho chúng ta chỉ nên cậy dựa vào một mình Thiên Chúa mà thôi, trong khi đặt để mọi thứ khác đúng vị trị và giá trị thích hợp của chúng."
“Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật tuần này trình bày cho chúng ta 2 bà góa như mẫu gương đức tin. Hai bà được trình bày song song với nhau: một bà trong Sách Các Vua quyển thứ I (17,10-16), và bà thứ hai trong Tin Mừng theo thánh Marco (12,41-44). Cả hai bà đều rất nghèo túng, và chính trong thân phận ấy hai bà chứng tỏ một niềm tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhấn mạnh:
“Không ai nghèo túng đến độ không thể cho đi một cái gì đó. Thực vậy cả hai bà góa hôm nay đều chứng tỏ niềm tin của họ bằng cách thực hiện một cử chỉ bác ái: một bà thi hành cử chỉ ấy đối với vị ngôn sứ, và bà thứ hai thi hành việc làm phúc. Qua đó họ chứng tỏ sự hiệp nhất không thể tách rời giữa đức tin và đức ái, cũng như giữa lòng mến Chúa và yêu người - như Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước nhắc nhở chúng ta. Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả, mà chúng ta kính nhớ hôm qua (10-11), đã khẳng định rằng: ‘Trên cán cân công lý của Chúa không phải trọng lượng của dâng cúng là đáng kể, nhưng là trọng lượng của con tim. Bà goá trong Tin Mừng đã đặt vào hòm tiền của đền thờ hai đồng xu nhỏ và vượt quá tiền dâng cúng của những người giàu. Không cử chỉ từ nhân nào thiếu ý nghĩa trước mặt Chúa, không có lòng từ bi nào mà không có hoa trái’”
3. Giáo Hội và Tòa Thánh khích lệ tất cả những người dấn thân chống lại tai ương bạo lực và tội ác, nhất là nạn khủng bố và các tổ chức tội phạm.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Sáu 9 tháng 11, dành cho một ngàn tham dự viên đến từ 190 quốc gia, vừa kết thúc khóa họp thứ 81 của tổ chức cảnh sát quốc tế, Interpol, tại Roma.
Bộ trưởng nội vụ Italia đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha. Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ngài mô tả “Interpol như một thành trì của an ninh quốc tế, giữ một chỗ đứng quan trọng trong việc thực thi công ích, vì một xã hội công chính cần phải có trật tự và tôn trọng luật pháp, để đạt tới một cuộc sống chung yên hàn trong xã hội”.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Ngày nay những hình thức trầm trọng nhất trong các hoạt động tội phạm là nạn khủng bố và các tổ chức bất lương. Nạn khủng bố là một trong những hình thức bạo lực tàn ác nhất, gieo rắc oán thù, chết chóc. Đi từ một chiến lược khuynh đảo tiêu biểu của một số tổ chức cực đoan, nạn khủng bố nhắm phá hủy và giết người, nó trở thành một hệ thống đen tối với những đồng lõa chính trị, sử dụng cả những phương tiện kỹ thuật tối tân, những nguồn tài chánh to lớn, và đề ra những dự án rộng lớn”.
Đức Thánh Cha kêu gọi bài trừ tội ác bằng các qui luật luân lý và pháp lý đồng thời ngài cũng kêu gọi sự dấn thân đặc biệt trong lãnh vực chính trị và sư phạm, để diệt trừ tận gốc những mầm mống nuôi dưỡi bạo lực, và tạo điều kiện thuận lợi để bạo lực không nảy sinh và ngưng phát triển”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha không quên cám ơn sự trợ giúp của tổ chức cảnh sát quốc tế cho các hiến binh thành Vatican, nhất là trong chuyến viếng thăm của ngài tại nước ngoài.
Đức Thánh Cha đã trình bày bài diễn văn của ngài bằng tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha, với lời chào kết thúc bằng tiếng Arập.
4. Chỉ huy trưởng Hiến binh Vatican kêu gọi bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo
Chỉ huy trưởng đoàn Hiến binh Vatican, ông Domenico Gianni, kêu gọi tăng cường việc bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo ở các nơi trên thế giới.
Trong bài tham luận hôm 7 tháng 11 tại Đại hội thứ 81 của tổ chức Interpol, cảnh sát quốc tế, nhóm tại Roma, ông Gianni cho biết các thánh đường, đặc biệt tại Italia và Âu châu, đầy những tác phẩm nghệ thuật mà kẻ trộm có thể ăn cắp dễ dàng, nhất là khi một thánh đường không ai coi sóc, hoặc khi linh mục và dân chúng địa phương không biết rõ giá trị các tác phẩm ấy. Nhiều tác phẩm nghệ thuật tôn giáo khó bảo vệ vì thường ở trong các thánh đường hẻo lánh, không có các biện pháp bảo vệ.
Ông Gianni nói rằng điều tối cần thiết là giáo quyền Công Giáo địa phương tuân hành chỉ thị năm 1999 của Tòa Thánh, yêu cầu giáo quyền các nơi thiết lập danh sách đầy đủ các tác phẩm nghệ thuật, trong đó có mô tả chi tiết và hình chụp thật rõ mỗi tác phẩm ấy.
Tổ chức Interpol có lưu giữ hình ảnh tất cả các tác phẩm bị mất cắp, và điều này khiến cho việc buôn bán các tác phẩm nghệ thuật trở nên khó khăn hơn nhiều, vì qua đó, những người mua có thể biết đó là tác phẩm bị lấy trộm.
Ông Gianni nói rằng: “Việc lập danh sách như thế không những mang lại hy vọng lấy lại được các tác phẩm trong trường hợp chúng bị ăn trộm, nhưng còn giúp các chức sắc Giáo Hội địa phương biết rõ những gì mình sở hữu”
5. Đức Thánh Cha thành lập Hàn Lâm Viện Tòa thánh về tiếng La Tinh
Hôm thứ Bẩy 10 tháng 11, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã ban hành Tự Sắc “Latina Lingua” thành lập Hàn lâm viện Tòa Thánh về tiếng La Tinh nhằm cổ võ việc học tiếng La Tinh trong các cơ sở giáo dục Công Giáo.
Trong phần đầu của Tự Sắc, Đức Thánh Cha nhắc đến tầm quan trọng của tiếng La Tinh trong truyền thống Giáo Hội, đồng thời phê phán hiện tượng suy giảm việc học ngôn ngữ này trong các chủng viện và học viện của Giáo Hội, trong khi trong xã hội lại có hiện tượng tái quan tâm đến tiếng La Tinh tại nhiều nơi kể cả trong giới văn hóa đời.
Để góp phần hỗ trợ nỗ lực quảng bá sự hiểu biết và sử dụng tiếng La Tinh trong lãnh vực Giáo Hội cũng như trong môi trường văn hóa rộng lớn hơn, Đức Thánh Cha quyết định thành lập Hàn lâm viện Tòa Thánh về tiếng La Tinh, trực thuộc Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa.
Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Giáo Sư Ivano Dionigi, Viện trưởng đại học Bologna, làm Chủ tịch đầu tiên của Hàn lâm viện Tòa Thánh về tiếng La Tinh, đồng thời bổ nhiệm cha Roberto Spataro, dòng Don Bosco, làm Tổng thư ký của Viện này.
6. Đức Giáo Hoàng chào đón tân đại sứ của Serbia
Sáng thứ Sáu 09 tháng 11 2012, Đức Thánh Cha đã tiếp tân đại sứ của Serbia, Mirko V. Jelic, đến trình quốc thư.
Trước khi trở thành đại sứ, Jelic làm việc tại Sở Bộ Ngoại giao của nước này. Đại sứ Mirko năm nay 63 tuổi đã kết hôn và có hai người con. Ngoài tiếng Serb, ông nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Hy Lạp.
7. Anh Giáo có thủ lĩnh mới.
Vị Tổng Giám mục tiếp theo của Canterbury là Justin Welby, một người nổi tiếng hay công khai chỉ trích việc đầu cơ tài chính. Tháng Giêng sắp tới, ông sẽ trở thành người đứng đầu Giáo hội Anh, thay thế cho Tổng Giám Mục Rowan Williams, người đã lãnh đạo Anh Giáo kể từ năm 2002.
Tuyên bố sau khi được chọn vào vị trí này, Welby nói rằng ông cảm thấy gần gũi với học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Việc bổ nhiệm ông đã được chào đón bởi các giám mục Công giáo ở Anh và xứ Wales.
Justin Welby sẽ trở thành Tổng Giám mục thứ 105 của Canterbury và là thủ lãnh tinh thần của 77 triệu tín hữu Anh giáo trên toàn thế giới.
Năm nay 56 tuổi, ông đã kết hôn và có năm người con. Trước đây ông là giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp dầu mỏ. 7 tháng sau khi con gái ông qua đời trong một tai nạn giao thông, Justin Welby đã quyết định trở thành linh mục ở tuổi 33.
Ủy ban đề cử Crown đã chọn ra hai ứng cử viên. Thủ tướng Anh đã lựa một trong hai người. Sau đó, Nữ hoàng Elizabeth II, là người đứng đầu của Giáo hội Anh, đã phê chuẩn việc lựa chọn của thủ tướng.
8. Tòa Thánh chúc mừng lễ hội Diwali của người Hindu.
Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã chúc mừng những người Ấn Giáo nhân lễ hội Diwali, tức là lễ hội Ánh Sáng.
Đó là một lễ hội tôn giáo đại diện cho sự chiến thắng của sự thật, hòa giải gia đình và tôn thờ Thiên Chúa. Lễ kỷ niệm này thực sự đánh dấu sự khởi đầu của năm mới Hindu. Năm nay lễ hội Diwali đã bắt đầu vào ngày 5 tháng 11 và kéo dài tổng cộng ba ngày.
Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đánh giá cao lễ hội này bởi vì ý nghĩa của lễ kỷ niệm này nhấn mạnh rằng giáo dục bắt đầu từ trong gia đình, vì chính là trong bối cảnh gia đình mà con trẻ lần đầu tiên biết đến sự thật, hòa bình, công lý, tình yêu và tự do.
9. Đức Thánh Cha dự buổi hòa nhạc các tác phẩm của anh trai ngài
Chiều Chúa Nhật 11 tháng 11, Đức Thánh Cha đã dự buổi hòa nhạc trong đó các nhạc phẩm được trích từ tuyển tập “Missa L'Anno Santo” do anh trai ngài là Đức Ông Georg Ratzinger sáng tác.
Anh trai của Đức Giáo Hoàng cũng hiện diện với Đức Thánh Cha trng khi ca đoàn Sistina của Tòa Thánh do nhạc trưởng Massimo Palombella điều khiển trình tấu các tác phẩm của ngài.
Các chuyên gia tin rằng âm nhạc của Đức Ông Georg Ratzinger chịu ảnh hưởng của Beethoven và Wagner.
Vào cuối của buổi biểu diễn, Đức Giáo Hoàng đã không đưa ra một bài phát biểu về nhận định của ngài như vẫn thường làm. Thay vào đó, ngài chỉ đứng chụp hình chung với các khán giả sau khi đã cảm ơn ca đoàn và anh trai của mình về một món quà âm nhạc trong Năm Đức Tin.
10. Đức Thánh Cha cổ võ các ca đoàn
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đề cao vai trò của thánh nhạc trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng và khích lệ các ca đoàn tích cực cộng tác vào công trình này.
Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Bẩy 10 tháng 11, dành cho 6 ngàn tham dự viên cuộc gặp gỡ do hiệp hội Italia các ca đoàn Cecilia tổ chức.
Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh Cha đã nhắc đến vai trò của thánh nhạc, với kinh nghiệm và chứng từ của thánh Augustino, kể lại sự xúc động đến rơi lệ của thánh nhân khi được nghe thánh ca tại Milano lúc mới tìm được đức tin. Đức Thánh Cha nói: “Cảm xúc về các bài thánh ca Ambroxio mạnh mẽ đến độ thánh Augustino ghi khắc những thánh ca ấy trong ký ức và thường trưng dẫn trong các tác phẩm của Người, và thánh nhân cũng đã viết tác phẩm De Musica về âm nhạc. Thánh Augustino xác quyết rằng âm nhạc và bài ca hay có thể giúp đón nhận Lời Chúa và cảm thấy một sự xúc động lành mạnh. Chứng từ của thánh Augustino giúp chúng ta hiểu điều mà Hiến chế “Sacrosanctum Concilium” của Công đồng chung Vatican 2, theo truyền thống của Giáo Hội, dạy rằng “Thánh ca, cùng với lời nhạc, là thành phần cần thiết và đích thực của phụng vụ trọng thể”.
11. Vatileaks: kỹ thuật viên máy tính bị kết tội phòng ngại tư pháp
Claudio Sciarpelletti , kỹ thuật viên máy tính làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã bị tuyên án gây trở ngại cho cuộc điều tra về Vatileaks. Vị thẩm phán ra một bản án là hai tháng tù treo vì đương sự không có tiền án. Claudio cũng sẽ chịu trách nhiệm chi trả các án phí. Tuy nhiên, ông sẽ được tiếp tục làm việc tại Vatican.
Hồi tháng Năm, cuộc điều tra về vụ Vatileaks đã phát hiện rằng Sciarpelletti đã có một tài liệu liên quan đến Hiến Binh Vatican, là tài liệu đã bị rò rỉ. Sciarpelletti đã thay đổi lời khai đến ba lần về lý do ông có tài liệu này.
Ông đã yêu cầu được xử khuyết danh, và không có máy ảnh nào đã được phép vào bên trong phòng xử án.
12. Đức Giáo Hoàng đến thăm viện dưỡng lão, khích lệ các cư dân lớn tuổi không nên sống với nỗi buồn
Sáng thứ Hai 12 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã viếng thăm một nhóm người cao tuổi tại một nhà dưỡng lão điều hành bởi Cộng đồng Thánh Egidio.
Đức Giáo Hoàng đã thân mật chào từng vị cao niên trong số 26 vị đang sống tại viện dưỡng lão "Viva gli Anziani". Ngài khích lệ các vị không nên sống tuổi già với nỗi buồn. Dịp này Đức Thánh Cha đã kêu gọi mọi người phải đánh giá lại vai trò người cao niên trong xã hội và khích lệ việc nâng cao các nguồn tài nguyên cho những người không còn có thể chăm sóc cho bản thân.
13. Các cặp tân hôn hiện diện trong buổi triều yết chung thứ Tư hàng tuần
Mỗi tuần chương trình thế giới nhìn từ Vatican đều có bài nói về những lời huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi triều yết chung hàng tuần tại quảng trường Thánh Phêrô hay bên trong Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục.
Tuy nhiên, sẽ thật là thiếu sót nếu chúng tôi không trình bày với quý vị và anh chị em một nét rất đặc sắc trong các buổi triều yết chung này, đó là sự hiện diện của các cặp tân hôn. Các cô dâu mặc áo dài cưới màu trắng, trong khi các chú rể trong bộ lễ phục màu đen chính xác như trong ngày cưới của họ.
Họ được sắp xếp để ngồi trong những hàng ghế đầu tiên. Sau bài huấn đức, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ gặp gỡ và ban phép lành cho họ.
Được bao quanh bởi hàng ngàn người, những cặp vợ chồng mới cưới đã nhận được phước lành của Đức Giáo Hoàng, mà họ hy vọng sẽ nhắc nhở họ sống đúng với cam kết của mình, lúc thịnh vượng cũng như lúc gian truân.
Các bạn trẻ sắp kết hôn nếu muốn nhận được phép lành của Đức Thánh Cha chỉ cần truy cập vào trang Web của Tòa Thánh và điền vào một mẫu đơn trong mục Prefecture of the Papal Household.
14. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất ở Guatemala
Trận động đất 7.4 độ Richter hôm thứ Tư 8 tháng 11 đã làm thiệt mạng ít nhất 50 người và làm 150 người khác bị thương. Trận động đất rất mạnh này có thể cảm thấy rõ rệt tại nhiều miền ở Mexico và El Salvador. Ngoài việc gây thiệt hại lớn cho các bất động sản, hàng chục người vẫn còn mất tích.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã gửi một thông điệp đến Giáo Hội Guatemala trong đó ngài bảo đảm với các nạn nhân và gia đình của họ rằng ngài sẽ cầu nguyện cho họ. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các Kitô hữu, và chính quyền các nước hỗ trợ cho các nạn nhân.
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét