Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Ngồi cạnh nhau...

LTCGVN (26.11.2012)


NGỒI CẠNH NHAU…

Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 13 ( Vatican 30.10.2012 ) đã nói đến bờ giếng Sicar trong câu chuyện người phụ nữ Samaria ( Ga 4, 5 – 42 ): “Giáo Hội cũng cảm thấy phải ngồi cạnh những người nam nữ thời nay, để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ” ( bản dịch của Lm. G. Trần Đức Anh, OP ).

Nội dung Sứ điệp là “Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền Đức Tin”. Nỗi trăn trở, lo âu và bận tâm của Hội Thánh Chúa Kitô. Làm sao để “ngồi cạnh những người nam nữ thời nay” ?


Không có hàng rào…

Chắc chắn chung quanh giếng không có hàng rào, không có những cánh cổng to lớn khóa chặt, “mở cửa theo giờ quy định”, không có cả những ông gác Nhà Thờ khó tính luôn cảnh giác mọi người.

Chắc chúng ta không thể tiếp tục làm những hàng rào thật kín bao quanh Nhà Thờ, không thể tách biệt bên trong và bên ngoài Nhà Thờ một cách cứng ngắc như vậy, cũng như chúng ta không thể phân biệt rạch ròi việc cử hành và sống Đức Tin, cử hành là sống, sống là cử hành, không có chuyện người tín hữu sống hai thế giới, không có chuyện chia cắt lương giáo trong một cộng đồng.

Kinh Tin Kính trong Thánh Lễ có câu: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”, khi viết câu này, Giáo Hội Việt Nam ý thức lúc tuyên xưng Đức Tin, người Kitô hữu đang đứng cạnh người anh em chưa có niềm tin, lời tuyên xưng cũng là lời chia sẻ, vì chúng ta đứng cạnh nhau, nếu không thì đã là “vì loài người chúng tôi…”

Ước mong hàng rào quanh Nhà Thờ ( nếu có ) sẽ thật thoáng, sẽ thật thân thiện với mọi người. Không thể mãi khóa cửa mà chỉ “mở theo giờ quy định”. Con người không khát theo giờ chúng ta quy định, con người cần được gặp Chúa bất cứ lúc nào, đến với Chúa dễ dàng vì Chúa đâu có xa lánh con người. Ước mong Nhà Thờ luôn mở cửa để mọi người có thể đến bất cứ lúc nào hầu tìm thỏa mãn cơn đói khát ân sủng.

Nhà Thờ không rào cản, không tự khóa mình, thì “người của Nhà Thờ” không lẽ lại đi dựng hàng rào quanh mình, tự khóa lòng mình ? Ước mong người đau khổ, người đói khát ân sủng luôn tìm được sự đón tiếp thân thiện từ những “người của Nhà Thờ”. Làm sao để mọi người, nhất là người nghèo dám tìm đến khi cần, không khép nép sợ hãi, không rón rén như kẻ thấp hèn tìm đến cửa quan, không hãi hùng như khi nhận được “giấy mời” lên Công An làm việc.

Hãy tái tạo một không gian thân thiện trong lòng Nhà Thờ, trong sân vườn Nhà Thờ, một không gian đầy bóng cây xanh, gần gũi thiên nhiên, thoáng mát, bình dị và ấm cúng. Cũng vậy nhân loại cũng đang cần một thái độ thân thiện từ những “người của Nhà Thờ”, thân thiện từ tâm hồn, ngôn ngữ, gương mặt, trang phục, nhà cửa và các phương tiện sử dụng.

Ngồi cạnh…

Cái giếng vẫn lặng lẽ âm thầm ngồi cạnh những tâm hồn tan nát, vẫn kiên nhẫn lắng nghe những vòng vo rắc rối cuộc đời. Tòa Giải Tội là nơi ít ra là ngày nay ở Việt Nam còn rất nhiều người mong tìm đến, hãy luôn mở rộng cánh cửa này để Chúa thi thố tình thương của ngài cho nhân loại, đừng để hối nhân ngại ngùng khi lòng dạ đã ăn năn, đừng để hối nhân vuột mất cơ hội trở về cùng Chúa.

Chúng ta ngồi cạnh để người anh em của chúng ta được gặp Chúa, “Giáo Hội cũng cảm thấy phải ngồi cạnh những người nam nữ thời nay, để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ”. Điều quan trọng là để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ. Bờ giếng lặng lẽ câm nín, chỉ để Chúa cất tiếng ngỏ lời. Hình như chúng ta dành phần nói quá nhiều ( cứ quan sát những lễ nghi hàng ngày, kinh sách đọc rân ran, giảng dạy hướng dẫn liên tục… ) và quên mất cần phải để Chúa nói.

Chờ…

Chúa ngồi chờ bên bờ giếng tự bao giờ, Ngài lên tiếng trước, Ngài ngỏ lời xin. Học cách hành xử của Chúa, ước mong chúng ta biết đợi chờ, kiên nhẫn đợi chờ, không chán nản, không cáu giận. Với người xa cách Nhà Thờ, lòng họ mang đầy mặc cảm, ước mong chúng ta lên tiếng trước, bắt liên lạc trước và rất khiêm tốn chúng ta xin họ trước. Ân sủng họ phải xin, Bí Tích họ phải xin, nhưng lạ lùng Chúa Giêsu lên tiếng xin họ trước, chúng ta không còn con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Chúng ta cần phải ngỏ lời trước, xin họ trở về như Thánh Phaolô: “Tôi nài xin anh em” ( 2 Cr 5, 20 ).

Sứ Điệp Hội Thánh đã gởi đi, mỗi người chúng ta đáp ứng thế nào với Sứ Điệp ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
cuối tháng 11 năm 2012 
Theo Ephata số 537

0 nhận xét:

Đăng nhận xét