Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Nhớ Đức giám mục Jean Cassaigne, vị tông đồ phong cùi

LTCGVN (29.11.2012)


Sài Gòn - Hồi còn thiếu niên, tôi thường đọc báo Trái Tim Đức Mẹ và báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Có lần đọc bài viết về Đức cha Jean Cassaigne (thường gọi Cha Sanh), tôi đã thực sự ấn tượng. Cũng hồi đó, một lần đến nhà thờ Fatima Bình Triệu, tôi thấy có tượng ngài đứng với một bệnh nhân cùi ngồi bên chân ngài, tôi càng ấn tượng về ngài. Nhưng ngày nay không còn thấy bức tượng đó nữa.
Theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về “tập kỷ yếu Năm Linh Mục”, Giáo Phận Đàlạt hoàn toàn nhất trí chọn Đức cha Cassaigne là chứng tá sống động về mầu nhiệm Giáo Hội yêu thương và phục vụ”. Đây là những chứng từ sống độngvà rất gần gũi để giới thiệu về ông Tổ của công cuộc truyền giáo cho anh chị em Kơho Lâm Đồng và là Vị Sáng lập Trại Phong Di linh từ năm 1929.
NGƯỜI GIEO GIỐNG TỐT
Trong bản tường trình năm 1920, Đức Cha Victor Quinton Giám Mục Giáo phận Sàigòn đã nói đến ý định truyền giáo cho người Dân Tộc trên cao nguyên Djiring – Langbiang. Nhưng công cuộc truyền giáo này chỉ thực sự bắt đầu khi Đức Cha Dumortier đặt Cha Jean Cassaigne (tên Việt nam là Sanh), một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Balê đến Di Linh năm 1927. Đức Cha Dumortier viết trong bản tường trình năm 1927 như sau:
Chúa Quan Phòng đã sắp đặt cho tôi một vị tông đồ như ý để khởi sự công cuộc truyền giáo cho người Dân Tộc. Tôi thấy Cha Cassaigne được chuẩn bị tốt để chịu được gian khổ thiếu thốn. Vừa khi biết chương trình truyền giáo của tôi, Cha Cassaigne đã tình nguyện và bầy tỏ niềm vui khôn tả khi nghe tôi công bố việc bổ nhiệm Ngài vào công cuộc này".

Thứ tư ngày 20-10-1926, Cha Cassaigne lên đường đến thí điểm truyền giáo Di Linh. Ngài đi từ Sàigòn đến Phan Thiết, rồi từ Ma Lâm lên Cao nguyên Di Linh. Nhưng gặp mưa bão càn quét vùng cao nguyên làm con đường từ Ma Lâm lên Di Linh hư hại nặng cho nên Ngài phải trở về Sàigòn.
Cho đến ngày 24-01-1927, Cha Cassaigne mới có thể từ Đàlạt chính thức đến nhận thí điểm truyền giáo Di Linh. Toà Giám Mục Sàigòn đã chuẩn bị cho Ngài một căn nhà mua lại của ông Ngô Châu Liên để làm cơ sở lập thí điểm truyền giáo.
Ngay trong buổi chiều đầu tiên đến vùng đất Di Linh, Cha Cassaigne đã nhìn thấy những người Dân Tộc lặng lẽ nghi ngại đi ngang qua nhà Ngài. Ngài đã nhìn thấy những anh chị em Dân Tộc được trao phó cho Ngài, cả một cánh đồng truyền giáo rộng lớn đang chờ đợi Ngài. Để có thể gặp gỡ những người Dân Tộc rụt rè nhút nhát trước những người xa lạ, Cha Cassaigne khởi sự bằng cách học nói tiếng của họ, một ngôn ngữ quá mới mẻ và không có chữ viết. Cha Cassaigne đã phải mầy mò ký tự từng chữ trong ngôn ngữ của họ. Công việc này đã cuốn hút vị Thừa Sai trẻ đầy nhiệt huyết. Vì thế, vào tháng 12-1929 Cha Cassaigne đã xuất bản tự điển Pháp – Kơho – Việt, đây là cuốn tự điển đầu tiên hình thành chữ viết cho ngôn ngữ Kơho, một công trình rất đáng trân trọng vì góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc và phát triển cho người dân tộc Kơho.
Tháng 12-1937 Cha Cassaigne xuất bản cuốn: PHONG TỤC TẬP QUÁN người Dân Tộc Kơho, đây cũng là một công trình đầu tiên nghiên cứu về người Kơho, một công trình giúp cho Cha Cassaigne có thể hiểu và gặp gỡ được với những người Dân Tộc và từ đó nói về Chúa cho họ. Năm 1938 Cha cho xuất bản tập Giáo lý cho người Kơho.
Chính nhờ việc hiểu được ngôn ngữ và phong tục tập quán Kơho, Cha Cassaigne đã thực sự trở thành người khai phá, trở thành ÔNG TỔ CỦA CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO cho người Dân Tộc, và Cha đã thành công trong việc đem Ơn Cứu Độ đến cho rất nhiều người Dân Tộc thuộc các buôn làng trong miền Cao Nguyên Di Linh – Langbiang.
Hoa trái của công cuộc truyền giáo là vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 07.12.1927, Cha Cassaigne đã rửa tội cho bà Ka Trut, một bệnh nhân phong cùi thường xuyên nhận sự giúp đỡ của cha. Bà Maria Ka Trut qua đời ngày 20-12-1927 và được an táng ngày 22-12-1927 tại nghĩa trang của người Dân Tộc Di Linh.
Tin Mừng của Chúa đã được người Dân Tộc đón nhận vì họ cảm nghiệm được tình yêu Chúa qua những hành vi bác ái yêu thương của Cha cassaigne. Họ đã thực sự nhận ra Cha Cassaigne yêu thương họ qua việc Ngài yêu thương đón nhận và nuôi dưỡng những anh chị em phong cùi của họ, những con người bất hạnh vì gia đình và buôn làng sợ hãi bị lây nhiễm đã xua đuổi họ vào trong những khu rừng vắng để họ chết dần chết mòn trong nỗi đau thể xác và tinh thần.
Ngày 17-2-1929, Cha Cassaigne đã quy tụ những người bệnh nhân phong cùi và thành lập Trại Cùi Di Linh. Ngài đã xây dựng làng Cùi thành một gia đình ấm cúng che chở những bệnh nhân phong cùi bất hạnh để cho cuộc đời của họ được yên ủi sớm tối có nhau.
Nhưng cuộc sống của cha Cassaigne sắp thay đổi một cách bất ngờ. Ngày 20-2-1941, ngài nhận được một bức điện tín khiến ngài buồn bã. Thật là bất thường khi nhìn thấy ngài trong trạng thái này, đến nỗi người ta phải dò hỏi ngài. “Họ đã tấn công dồn dập bắt tôi làm Giám Mục", ngài càu nhàu trả lời. Quả thật, Đức Giám Mục Sài-gòn vừa qua đời năm vừa rồi và Tòa Thánh trong thời kỳ khó khăn này, tìm một người để kế vị và đã chọn vị Linh Mục của người phong cùi. Vị Thừa Sai phải rời bỏ Di Linh. Sự chia ly rất đau lòng cho cả hai phía: anh em Thượng và nhất là những bệnh nhân phong cùi mất người cha của họ; vị Linh Mục phải xa con cái ngài. Dù vậy vị Thừa Sai không do dự khi vâng lời Tòa Thánh với đức tin và can trường: “Tôi là kẻ từng mơ thành một Thừa Sai tầm thường. Tôi, kẻ đã coi sự nghèo khó của mình là niềm hãnh diện và niềm vui, lại trở thành một hoàng tử của Giáo Hội. Nhưng, dù người ta sẽ thay y phục và chỗ ở của tôi, song chẳng ai thay được con người chất phác nơi tôi”. Những lời lẽ thật khiêm nhường. Khẩu hiệu Giám mục là “Bác Ái và Yêu Thương” đã nói lên điều đó.
Ngày 24-6-1941, ngay từ 7 giờ sáng, chuông các Nhà Thờ Sàigòn đồng loạt đổ vang, báo tin lễ tấn phong Đức Cha Cassaigne. Nghi lễ diễn ra ở Nhà Thờ Chính Tòa. Đám đông ken dày, có những bạn bè đến từ khắp nơi... và những anh em Thượng đi thành đoàn đại diện. Các anh em Thượng bận y phục ngày lễ; họ làm khách tham dự thấy vui thích, mặc dù nhiều người An Nam tỏ ra khó chịu trước cảnh tượng ấy. Nghi lễ Phụng Vụ dài, quá dài đối với anh em Thượng. Họ liền rời chỗ để đi tham quan tháp chuông. Khi ra khỏi Nhà Thờ Chính Tòa và bị đám đông xô lấn khiến họ hoảng sợ, họ liền trèo lên cây cao để nhìn đám rước. Đức Cha Cassaigne mỉm cười khi nhìn thấy họ.
Tân Giám Mục bắt tay vào công việc. Đó là một con người đơn sơ. Lối vào Tòa Giám Mục rộng mở tự do và bất cứ ai cũng có thể gõ cửa văn phòng của ngài. Các nhân chứng ngày nay vẫn còn nhớ lại đã thấy ngài đi xe đạp hoặc xe Vespa thăm các khu nghèo ở Sàigòn. Ngài dong duổi khắp địa phận rộng lớn của Ngài.
Ngày 19-12-1954, vào dịp kỷ niệm thụ phong Linh Mục của Ngài, Đức Cha Cassaigne dâng Thánh Lễ Tạ Ơn. Nhưng trong khi cử hành Thánh Lễ, ngài thấy trên mặt da mình, chỗ phía trên cổ tay một chút, có một vết đỏ hồng màu rượu. Khi Thánh Lễ kết thúc, ngài lấy một cái kim châm vào chỗ ấy: hoàn toàn không cảm thấy đau ! Ngài hiểu đó là BỆNH CÙI. “Linh Mục dâng hiến tế Thánh Thể, cũng phải trở thành hy vật”, sau này ngài sẽ viết như thế. Công việc vất vả sáu tháng vừa qua đã làm cho các bộ phận cơ thể Ngài vốn mệt mỏi, lại bị suy yếu, đến nỗi bệnh cùi nằm phục từ lâu, nay phát tác.
Đức Cha Cassaigne giữ bí mật tin này, chỉ cho các bề trên của ngài biết. Thuốc điều trị do các bác sĩ cho, đã làm Ngài suy kiệt. Sẽ phải mau chấm dứt thôi ! Vết hồng lan rộng gấp đôi. Ngày 5-3-1955, Ngài viết cho cha bề trên Hội Thừa Sai Paris: Tôi xin Cha cho phép tôi nộp đơn từ chức sang Tòa Thánh và rút lui về Trại Phong Di Linh, bên cạnh những con cái mà tôi yêu thương nhất và Chúa quyền uy, với lòng nhân ái vô biên, đã cho tôi được nên giống như họ".
Lời cầu xin của ngài được chấp thuận và Tòa Thánh bổ nhiệm một Giám Mục kế vị Ngài, Đức Cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, được tấn phong trong Nhà Thờ Chính Tòa của ngài ngày 30-11-1955. Ngày 02-12-1955, Đức Cha Cassaigne trở về Di Linh.
Từ đây, Đức Cha dành trọn cuộc đời còn lại để sống giữa những người con cái để âm thầm yêu thương và phục vụ Trại Phong Di Linh. Tháng 2-1973 Đức Cha bị té gẫy xương bên đùi phải, và chính vì vết thương này mà Ngài phải trải qua gần 8 tháng liệt giường. Bên giường bệnh, Đức Cha nói với người nữ tu chăm sóc Ngài và một số bệnh nhân thay phiên trực: Suốt 47 năm dài (1926-1973), cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây cha không còn tiếc gì về sự dâng hiến toàn diện ấy. Việt Nam chính là quê hương thứ hai của cha, bởi vì Chúa muốn như vậy. Khi về với Chúa, cha vẫn ở với các con, các con đừng lo…”.
   Thứ bảy ngày 20-10-1973, Đức Cha bắt đầu trở bệnh nặng với những cơn đau khiến phải phải thốt lên: Tôi đau đớn lắm, tôi đau đớn quá”. Mười ngày trôi qua, vào lúc 10 giờ đêm ngày 30-10-1973, Đức Cha lãnh nhận bí tích Xức dầu lần cuối do cha sở họ Di Linh và rạng sáng hôm sau Đức Cha đã được Chúa gọi về hồi 01 giờ 25. Đức Cha được an táng bên nhà nguyện Trại Phong ngày 05-11-1973.
NẢY MẦM ĐỨC TIN
Cha Phanxicô Darricau, một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, đã viết về sự kiện Đức Cha Cassaigne trở lại làng cùi Di Linh như sau: Ngài đã về và đã được đón tiếp trọng hậu, tôn kính. Nhưng nhà chưa xây ngay được nên ngài đã đến ở chung với tôi tại Ka-la, cách trại phung hai cây số. Nhà xứ của tôi nhỏ, không cung cấp nổi cho ngài một căn phòng riêng. Ngài cũng không muốn lấy phòng của một đồng nghiệp. Chúng tôi lấy tấm màn ngăn phòng ăn làm đôi, một bên là giường nhỏ của ngài, một bên là cái bàn ăn. Suốt trong 6 tháng, chúng tôi có niềm vui được sống chung với nhau. Sau đó ngài tới sống tại căn nhà dành riêng cho ngài ở trại cùi. Nhưng trưa nào ngài cũng về Ka-la dùng bữa với tôi, khẩu phần có khá hơn trong trại. Bao nhiêu sức lực còn lại ngài dành để phục vụ trại phong. Sức ngài giảm nhiều so với trước kia, do những đau đớn của căn bệnh…”.
Cha Christian Grison, người quản nhiệm cuối cùng của Trung tâm Thượng Di-linh (từ 1965 đến 1975), người đã gần gũi với Đức Cha Cassaigne trong mười năm cuối cùng của ngài tại làng cùi Di-linh, đã viết về Vị Tông đồ người phong cùi như sau: Tôi được phúc sống mười năm gần Đức Cha Cassaigne, vì thời gian đó tôi phụ trách xứ đạo thượng tại Di-linh. Tôi đã chứng kiến tình cảm ưu ái mà ngài khơi dậy khi ngài trở nên nhỏ bé với những kẻ nhỏ bé, trở nên phong cùi với những người phong cùi. Sự mến phục người ta dành cho ngài đó, không bao giờ ngài sử dụng vì lợi ích riêng của mình; tất cả được hướng về sự cứu trợ cho người phong cùi. Mối quan tâm duy nhất của ngài, tôi có thể nói là nổi ám ảnh đối với ngài cho đến khi ngài chết, đó là tìm nguồn tài trợ cho làng cùi.
Ngày 26-7-2007, bà Maria Nguyễn Thị Lệ, sinh năm 1938 tại Bắc Ninh đã đến viếng mộ Đức Cha và để lại chứng từ: Tôi sinh sống tại khu phố III (ấp Tân Xuân) thị trấn Di Linh từ năm 1975 đến 1983. tôi bị bệnh thấp khớp và đặc biệt là bị đau buốt dây thần kinh tọa. Một bác sĩ cho biết bệnh tôi rất khó chữa, nhưng tôi cũng kiên trì chịu đựng và chỉ uống một số thuốc đau nhức thông thường nên chỉ giảm đau chốc lát, vì nghèo không có tiền đi bệnh viện. Năm 1983 tôi bị những cơn đau dữ dội, lết đi không nổi, đau đớn đến độ chán nản thất vọng vì bệnh tật, đau khổ vì hoàn cảnh nghèo khổ cơ cực, bữa no bữa đói... dầu vậy, tôi không bỏ Chúa, cố gắng bước đi chậm chạp, đau buốt với một bàn chân bị sưng tấy nặng nề. Khoảng tháng 6/1983, sau giờ chầu Thánh Thể ban chiều, tôi đến trước tượng Đức Cha Cassaigne ở cuối nhà thờ vừa khóc vừa than vì sự đau đớn, nghèo nàn của mình và tôi thưa với Đức Cha: Cha ơi, thương con, kẻo con chết vì con đau đớn quá, con nghèo khổ chẳng có tiền chữa bệnh, con chỉ muốn chết cho yên, con xin Đức Cha cầu xin Chúa và Đức Mẹ cất bệnh đau đớn cho con, nếu đẹp lòng Chúa và Đức Mẹ; còn nếu không, thì xin Đức Cha thêm sức cho con để con chịu dựng cơn bệnh này cho nên. Từ từ, ngày qua ngày, con cảm thấy sự đau buốt giảm dần, và sau một thời gian con khỏi bệnh hẳn, đi đứng bình thường. Cuối năm 1983 con bỏ Di Linh về Đắc Nông với gia đình người con để làm ăn, cho đến nay là 24 năm con lành bệnh. Con xin tạ ơn Chúa tạ ơn Đức Cha Cassaigne. Con, Maria Nguyễn Thị Lệ”.
Một chứng từ khác do bác sĩ K’Đỉu chia sẻ bên phần một Đức Cha Cassaigne trong đêm canh thức dịp lễ Giỗ năm 2007: Dân gian thường nói: Không có mợ, chợ cũng đông! Nhưng với Trại Phong chúng con nói chung và bản thân con nói riêng, trải qua kinh nghiệm của cuộc sống, con đã nhận ra rằng: nếu không có sự hiện diện của Đức Cha Jean Cassaigne thì có lẽ không có Trại Phong Di Linh và chắc chắn cũng không có con trên cuộc đời này. Nhưng nhờ tình yêu thương của Đức Cha đã giúp ba mẹ con can đảm sống với căn bệnh đáng sợ mà còn được hạnh phúc vì được làm con Chúa.
Khi Đức Cha ra đi về với Chúa, thì con mới được 5 tuổi, với thời gian đó và tuổi thơ, con chưa biết Đức Cha được bao nhiêu. Nhưng càng ngày qua các biến cố của cuộc đời, con đã nhận ra từng bước bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa dìu dắt chúng con, như lời Đức Cha đã hứa: Trên thiên đàng, cha sẽ biết được nhiều, biết rõ hơn về nhu cầu của chúng con; cha sẽ cầu nguyện đắc lực và nhiều hơn gấp bội cho chúng con.
Với ngọn đèn rực sáng đức tin và tình bác ái mà Đức Cha đã thắp sáng bằng sự dâng hiến tất cả cho Chúa và cho chúng con, và với lời cầu bầu của Đức Cha bên cạnh Chúa mà con đã nhận được biết bao hồng ân trong cuộc sống: được dạy dỗ nuôi nấng, được yêu thương chăm sóc, và được học hành như bao người khác, có thể nói còn hơn nhiều người khác nữa. Nhờ tình thương và hồng ân của Đức Cha, nhờ những người đã tiếp nối vòng tay yêu thương của Đức Cha và nhờ những ân nhân xa gần mà ngày hôm nay, có thể nói được, là con đã thành đạt trong cuộc sống, có chỗ đứng trong xã hội: con đã là bác sĩ chuyên khoa ngoại, điều vượt ra ngoài mơ ước của con.
Đây là cảm nghiệm của riêng con, xin được chia sẻ như một chứng từ về tình yêu thương mà Đức Cha cố dành cho chúng con”.
Trầm Thiên Thu (Tổng hợp)
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét