Đến hôm nay, Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/11/2012 vẫn tiếp tục gây bàn cãi trong cộng đồng xã hội. Nhiều ý kiến chỉ rõ một thực tế là văn bản này không thể thực hiện vào thời điểm hiện nay. Vấn đề không nằm ở nhân dân hoặc một ‘thế lực thù địch’ nào mà chính ở nhà nước. Chính sách thuế má, những lủng củng trong hệ thống pháp luật đã gây nên sự hỗn loạn mà ngay cả chính người dân cũng không mong muốn. Nhưng điều cần nói ở đây là vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền không thể căn cứ trên sự tùy tiện của từng cá nhân.
Việc phạt xe không chính chủ chưa thể tiến hành. Song điều người ta thấy rõ ở đây một vấn nạn, đó là việc giải thích pháp luật theo ý cá nhân một cách búa xua, tự quy định theo ý thích mỗi người bất chấp luật pháp.
Ông Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT TP. Hà Nội nói rằng: “Đối với những người mượn xe thì cần phải có giấy ủy quyền của chủ phương tiện hoặc phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần phải có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh…” Thực ra, ông này đã lạm quyền và tự quy định cho mình có quyền kiểm tra những việc không thuộc trách nhiệm của Cảnh sát Giao thông. Ông không biết rằng, nếu theo những quy định của cá nhân ông, thì xã hội sẽ được mùa giải quyết nạn mượn xe đi cầm cố, bán chác khi người mượn nắm cả hộ khẩu, giấy tờ xe. Có thể ông muốn tạo điều kiện cho Cảnh sát hình sự có thêm việc? Trong thực tế, Nghị định trên đã không quy định cụ thể việc chứng minh xe chính chủ bằng hình thức và cách làm nào và đây là cách nghĩ của riêng ông ta.
Còn ông Thượng tá Nguyễn Kim Hải, Phó trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ – Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt (C67 – Bộ Công an) thì đặt ra quy định: “Không phải trường hợp nào công an cũng đi xác minh, làm rõ mà chỉ những trường hợp bị nghi vấn hoặc xe bị tạm giữ theo quy định của Nghị định 34. Trong quá trình đó mà giấy tờ chủ phương tiện xuất trình ra không phải chính chủ thì công an cần xác minh đối với người chủ cũ. Nếu chủ cũ trả lời đã bán rồi thì mình sẽ xử phạt với người không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Nếu họ trả lời là cho mượn thì trường hợp này không xử phạt… Còn với xe taxi, xe công, người đăng kí là chủ hãng, dân lái xe chỉ là người làm thuê thì không thể có giấy đăng kí được nhưng họ lại có thẻ nhân viên và giấy tờ lưu thông hợp lệ… Chỉ những trường hợp ví dụ như xe đăng kí là ở Hà Nội nhưng một công dân ở Quảng Ninh dùng lâu ngày thì lực lượng chức năng mới kiểm tra và xác minh làm rõ”.
Rõ ràng, đây là những nội dung tự hai ông này sáng tác và quy định, hết sức mập mờ giữa việc “trả lời” bán hay cho mượn của chủ xe, cũng như hết sức mập mờ giữa xe đăng ký ngoại tỉnh dùng lâu ngày hay mới dùng… Tất cả đều là định tính mơ hồ. Lẽ ra, nếu quy định pháp luật trên đã có hiệu lực, thì bất cứ xe nào cũng phải kiểm tra xem có đúng là xe chính chủ hay không? Việc cho mượn, bán, mua tặng phải được thể hiện bằng những cách nào và lấy cơ sở nào để xác định. Cũng quy định rõ thế nào là lâu ngày và thế nào là ít ngày. Pháp luật cũng phải quy định rõ ràng việc sang tên đổi chủ khi bán, mua phương tiện thuộc trách nhiệm của bên nào… Cơ quan công an, cảnh sát giao thông cứ thế mà căn cứ để thực hiện mà thôi. Nếu một người bán xe cho người khác không sang tên, nhưng khi công an hỏi đến họ cứ trả lời rằng là cho mượn, thì việc vi phạm pháp luật đó đương nhiên được bỏ qua?
Trong khi rõ ràng hai ông này không phải là người có quyền sáng tác ra luật. Đồng thời việc kiểm tra việc sang nhượng, nộp thuế cũng không thuộc trách nhiệm hai ông này và lực lượng cảnh sát giao thông. Các ông chỉ là những người thực hành các văn bản pháp luật đã quy định mà thôi, trong đó, các ông được phân công đảm bảo an toàn giao thông, không để người điểu khiển phương tiện tham gia giao thông được vi phạm luật giao thông, giải quyết các vấn đề về an toàn cho xã hội trong lĩnh vực giao thông. Chấm hết.
Như vậy, chỉ có một văn bản nghị định không chi tiết cụ thể nên mới có hai ông cảnh sát đã sáng tác thêm nhiều quy đinh mang tính chất cá nhân suy diễn và tự quy định buộc người dân phải tuân theo. Vậy nếu khi đưa cho hàng ngàn, hàng vạn cảnh sát thực hiện, tự do quy định, suy diễn pháp luật theo ý mình thì thử hỏi vì sao không loạn. Và rõ ràng, đây là cơ hội bằng vàng cho cảnh sát được dịp nhũng nhiễu nhân dân mà ăn hối lộ.
Thế rồi ông Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (QLHC về TTATXH) lại nói rằng: “Đi xe không chính chủ: Không phải mang hộ khẩu”, rồi “Đối với trường hợp đi xe mượn, xe đi hợp đồng, Phó Tổng cục trưởng Đỗ Đình Nghị khẳng định “những trường hợp này không bị xử phạt”. Ông Tướng này lại ra quy định: “Trước mắt, cảnh sát sẽ căn cứ vào lời khai của người dân ở ngoài đường, nếu người dân khai là mượn, xe thuê thì không xử phạt. Nhưng khi đã đưa về trụ sở, nếu phát hiện người dân nói dối thì sẽ xử lý nghiêm khắc”.
Theo quy định này của ông này, thì tôi đoan chắc 100% xe không chính chủ sẽ được đưa về trụ sở để điều tra và người dân cứ thế ngồi chờ công an đi xác minh dù có phải 10 ngày hay một tháng rồi mới được đi tiếp nếu không có quy định cụ thể là: Công an phải chịu trách nhiệm như thế nào, nếu sau khi bị giữ, bị lỡ việc, mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống công dân mà xác minh đúng là “xe đi mượn hoặc hợp đồng thật sự”.
Trong khi ông Đào Vịnh Thắng ra quy định mang theo hàng đống giấy tờ, thì ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát về QLHC và TTATXH Đỗ Đình Nghị khẳng định rằng, “hiện vẫn chưa có thông tư nào quy định bắt buộc họ phải mang theo các giấy tờ trên và cũng không có chuyện bắt người dân đi đường phải mang theo hộ khẩu phô tô khi điều khiển phương tiện giao thông”. Vậy thì lời ông Phó Tổng cục Trưởng này to hơn hay ông Đại tá Đào Vịnh Thắng đúng hơn?
Ngay cả việc hiểu thế nào, thực hiện ra sao một văn bản nghị định mà ngay ngành Công an, cũng đã trống đánh xuôi, kèn thổi ngược với những người có trách nhiệm. Và thực tế đã trả lời rõ ràng việc chấp hành pháp luật ở VN ra sao. Ông Đại tá Đào Vịnh Thắng trả lời ráo hoảnh: “Trong hai ngày 10 và 11/11, CSGT TP. Hà Nội cũng đã kiểm tra và nhắc nhở 175 trường hợp vi phạm giao thông nhưng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ.” Còn theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, vừa qua Cục đã có công điện số 141 chỉ đạo lực lượng công an các địa phương, chỉ đạo Cảnh sát giao thông khi kiểm tra phát hiện nếu mua bán xe quá 30 ngày mà chưa làm thủ tục sang tên sẽ bị xử phạt. Nhưng lại “Hiện cảnh sát mới chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt” – Thiếu tướng Nghị cho biết.
Thật buồn cười cho luật pháp và thực hiện luật pháp ở đây theo lối Công an là pháp luật. Ai cho phép ông Đào Vịnh Thắng, ông Đỗ Đình Nghị không thực hiên quy định của Pháp luật rất rõ rằng cứ không chính chủ thì phạt 1 triệu đối với xe máy và 6-10 triệu đối với ô tô? Nghị định có tính chất pháp luật buộc phải thực hiện từ ngày 10/11/2012. Ông Thắng, ông Nghị hoặc bất cứ ông nào cũng không có quyền chỉ nhắc nhở khi phát hiện vi phạm luật pháp trong khi đã quy định là phạt chứ không có nhắc nhở sau ngày đó.
Nếu pháp luật nghiêm minh, qua những phát biểu của ông Đại tá Đào Vịnh Thắng, ông Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, cần phải bắt ngay những ông này vì đã không thực hiện nghiêm túc những điều pháp luật quy định. Và như thế là gây hậu quả nghiêm trọng, coi thường luật pháp và bỏ lọt tội phạm.
Đấy chỉ mới nói đến một nghị định liên quan đến việc thu tiền của nhân dân, chưa nói đến những văn bản pháp luật có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống chính trị, cuộc sống của người dân mà mập mờ như điều 79, điều 88, thì biết sự nguy hiểm của nó to lớn chừng nào.
Trong một nhà nước không có luật pháp, thì đó là nhà nước man rợ. Nhưng khi luật pháp không rõ ràng mặc cho người thi hành tùy tiện suy diễn như ở Việt Nam hiện nay, sẽ tạo nên sự hỗn loạn, tạo cớ cho việc hành dân và tham nhũng, hối lộ là điều không thể tránh khỏi.
Điều này còn nguy hại hơn một nhà nước man rợ không luật pháp.
13/11/2012
0 nhận xét:
Đăng nhận xét