“Cuộc sống chẳng biết bao giờ mới
hết những điều bất hạnh này” – bà Cường nói. Mong mỏi của bà là con số thai nhi
bị phá bỏ sẽ không tăng thêm nữa, đế những sinh linh bé nhỏ được ra đời trong
vòng tay yêu thương của gia đình.
Nhắc đến bà Phạm Thị Cường ở xã
Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, nhiều người biết đến việc làm “kỳ
dị” của bà. Đã hơn 3 năm nay, người đàn bà 72 tuổi này ngày ngày còng lưng trên
chiếc xe cà tàng đi tìm những bào thai bị vứt, phá bỏ đem về chôn cất.
Từ lòng thương cảm…
Ngay từ lần gặp đầu tiên, bà đã để
lại cho chúng tôi một ấn tượng đặc biệt. Người đàn bà 72 tuổi với dáng hình nhỏ
bé nhưng rất cứng cỏi, hoạt bát. Bà thở dài: “Dạo này sức khỏe của tôi yếu lắm
đau ốm luôn, chỉ mong sao các cháu phù hộ cho tôi sức khỏe để tiếp tục làm
những việc nhân đức”.
Công việc chủ yếu trước đây của bà
Cường là bán rau ở chợ thị trấn. Bà vẫn còn nhớ rất rõ buổi sáng ngày 8.3.2006.
Hôm ấy như thường lệ, trên đường ra chợ bán rau, bà bỗng nhìn thấy một bọc nylon
to màu đen vứt chỏng chơ giữa bãi rác nhưng đang… cựa quậy.
Tò mò, bà nhặt lên và một hài nhi, đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến
bu đầy, nhưng mắt thì vẫn nhìn chằm chằm. Bà đem nó về nhà, lau rửa sạch sẽ rồi
đi xin sữa cho đứa bé ăn. Nhưng cũng chỉ được ít phút sau, đứa bé tắt thở, ánh
mắt của nó vẫn đau đáu nhìn bà. Ánh mắt đó theo bà qua mỗi đêm và ám ảnh trong
từng giấc ngủ, không phải là nỗi sợ hãi mà là sự thương xót.
Ánh mắt của hài nhi bé bỏng đó đã
thôi thúc người đàn bà xứ biển này quyết tâm làm một công việc mà không phải ai
cũng muốn làm. Đó là đi xin những thai nhi bị bỏ rơi ở những cơ sở nạo hút
thai.
Bà Cường kể, bà thường đứng sau bức
rèm, rồi đón lấy những thai nhi xấu số, sau đó đem về cùng ông Vũ Văn Bao –
người hàng xóm, cầu nguyện và chôn cất. Bà Cường nói, theo tín ngưỡng của người
Công Giáo, linh hồn những thai nhi luôn được Thiên Chúa yêu thương và cho siêu
thoát.
Ước mơ bình dị
Ban đầu bà
Cường chỉ tới những phòng khám tư để xin thai nhi, nhưng nhờ sự gợi ý của Nhà
Thờ Giáo Xứ Quần Vinh về công việc cứu rỗi những linh hồn bé bỏng, bà chủ động
tới lui cả bệnh viện, trạm xá, để xin các hài nhi… Có thể nói đây là một việc
khó, bởi chuyện đi phá thai chẳng có gì hay, nên nhiều người mẹ và gia đình học
đều muốn giữ kín. Nhưng không vì cản ngại đó mà bà bỏ lại những linh hồn.
Công việc nhân đức này khiến bà
Cường mất rất nhiều thời gian. Không chỉ ban ngày mà có cả những đêm khuya hay
tờ mờ sáng, khi biết có ca phá thai ở đâu là bà lại đạp xe đến ngay mặc cho
thời tiết nắng, mưa hay rét mướt. Kể với chúng tôi đến đây, bà không cầm lòng
được nước mắt: “Tại sao nhiều gia đình muốn có con còn không được, mà vẫn có
nhiều người phá thai đến vậy ? Chưa ngày nào tôi về tay không cả, ngày ít nhất
cũng từ 2 đến 3 cháu, ngày nhiều có khoảng 7 đến 9 cháu”.
Bà nhớ lại, khi mới bắt đầu công
việc này những người trong gia đình ai cũng ngăn cản. Thế nhưng mặc cho thiên
hạ xa lánh, xì xào bà vẫn làm cái việc mà bà cho rằng phải làm. Sau hơn 3 năm
miệt mài với công việc chẳng giống ai, rồi mọi người cũng dần hiểu. Bà tâm sự:
“Tôi làm công việc này không phải mong mọi người biết đến mình là người đi cứu
rỗi những sinh linh bé nhỏ, mà chỉ cần họ biết đến tôi để không bỏ đi những
giọt máu của mình”.
3 năm nay, người đàn bà này đã xin
được gần 3.000 thai nhi bị phá bỏ. Bà coi những thai nhi này như những con
người có số phận thiếu may mắn không được có mặt ở trên đời.
Theo EPHATA số 535
0 nhận xét:
Đăng nhận xét