Chọn lựa luôn là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Nó đòi buộc người trong cuộc cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để giữ lại cho mình quyết định đúng đắn nhất. Giữa cái xấu và tốt thì đương nhiên người ta chọn cái tốt, giữa hai cái tốt thì chọn cho mình cái tốt hơn. Nói như thế thì quá đơn giản. Vấn đề nằm ở chỗ quyết định sau cùng bao giờ cũng phải đối diện với cuộc chiến nội tâm bị giằng co giữa lý trí và tình cảm. Chọn lựa luôn luôn đi đôi với từ bỏ và cần phải tính cả đến cái được và mất, cũng như sự trả giá đi kèm sau đó. Tôi chọn đời sống tu trì để dâng mình cho Chúa và phục vụ tha nhân thì đòi buộc tôi phải khước từ đời sống hôn nhân gia đình. Cũng vậy, khi tôi chọn làm chứng cho sự thật thì phải sẵn sàng chấp nhận hứng chịu đòn thù của những thủ đoạn nham hiểm đến từ gian dối, xảo trá và mánh lới.
Giữa bậc sống đi tu và hôn nhân gia đình thì bậc sống nào cũng đều phải chọn lựa. Nếu như người sống đời thánh hiến phải dứt bỏ những ai có cảm tình mình và muốn đi đến kết tóc se duyên với mình, thì người sống trong bậc hôn nhân cũng phải đắn đo cân nhắc trong quyết định chọn lựa « một nửa kia » của mình. Chọn người mình yêu hay chọn người yêu mình ?
Chọn ai ?
Câu hỏi trên đây đã được biết bao nhiêu người đặt ra và tốn khá nhiều giấy mực cũng như thời gian để tranh luận. Thường thì có hai xu hướng hoàn toàn trái ngược nhau.
Một số ý kiến cho rằng nên chọn người yêu mình, vì khi đã yêu ai thì muốn làm tất cả những gì hài lòng người mình yêu. Trong khi đó, những khiếm khuyết của người ấy sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn, vì « yêu nhau củ ấu cũng tròn ». Thậm chí, người yêu mình sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho mình nhiều hơn. Như vậy đã có một tiềm năng thế mạnh rất chi thuận lợi để vun đắp hạnh phúc hôn nhân và gia đình trong trường hợp này.
Đại đa số lại muốn chọn người mình yêu. Đôi khi đường đi đến đích thật gian nan, hoặc do phía người thân trong gia đình không đồng ý, hoặc chính đối tượng mình chọn không hề mảy may dễ « chinh phục ». Tuy nhiên, họ sẵn sàng khước từ những người yêu mình có địa vị cao trong xã hội, có công ăn việc làm ổn định, và có nhà cửa phương tiện tiện nghi... để có được sự chọn lựa riêng của mình, cho dù người mình yêu không có được những lợi thế kia. Con tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không thể hiểu nổi. Tình yêu chân chính không phân biệt tuổi tác, tôn giáo, địa vị, nghề nghiệp, hay thành phần xã hội.
Ai chọn ai trước ?
Đối với bậc tu trì, ơn gọi là do sáng kiến của Thiên Chúa. Người chọn và gọi những ai mà Người muốn. Ở đây, đương sự chỉ cần đáp trả trước lời mời gọi này với tất cả tự do và con tim của mình.
Đối với những ai sống trong bậc gia đình, thời gian trước đây thật không mấy dễ dàng trong chọn lựa. Chúng ta vẫn thường nghe câu: « cha mẹ đặt đâu con ngồi đó ». Chính vì vậy, phái yếu gặp rất nhiều rào cản trên con đường ấy. Về đề tài này cũng đã từng có những tranh luận sôi nổi là nên để « trâu đi tìm cọc » hay là « cọc đi tìm trâu » ?
Chung một nhịp đập
Vấn đề ở đây không phải là ai đi tìm ai trước. Phải công nhận rằng giây phút đầu tiên thì đẹp và ấn tượng đó không thể nào quên. Tuy nhiên « cái nhìn nhau » ban đầu ấy sẽ qua đi và nhường chỗ lại cho hai người để « cùng nhìn về một hướng ». Tình yêu đến từ hai phía, và cần có sự tự do đáp trả của mỗi bên. Sự đáp trả này được lặp đi lặp lại không ngừng hết ngày này qua ngày khác xuyên suốt cuộc đời. Bên cạnh việc trao ban và nhận lãnh liên tục được tái diễn, thì một yếu tố khác cũng không thể thiếu trong việc xây đắp hạnh phúc gia đình, đó là sự tha thứ. Tha thứ, tha thứ và tha thứ. Nếu ở đâu tha thứ không có giới hạn thì nơi đó chính là gia đình.
Lời kết
Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc đích thực. Ngài ban cho con người có được một đặc ân vô cùng giá trị đó là tự do. Ngài hoàn toàn tôn trọng sự tự do của mỗi người. Thậm chí, chúng ta quyền đón nhận hay khước từ chính Ngài, Đấng là nguồn mạch sự sống, thánh thiện và hạnh phúc. Ước gì mỗi người biết trân trọng món quà quý giá này để đáp trả lại tiếng gọi của Ngài thông qua bậc sống của mình. Tình yêu đáp lại tình yêu. Đó chính là bí quyết của hạnh phúc.
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét