LTCGVN (17.10.2012)
Bài viết dưới đây phản ánh sự nghi ngờ của các Đại biểu Quốc hội về các con số thống kê ...! Cái chuyện những con số 'biết múa' từ lâu đã trở thành 'một văn hoá' của các chính trị gia chóp bu Việt Nam. Điều đó có gì lạ đâu?
Một số Ngài Bộ Chính trị cùng về 'hùa' 175 Trung Ương Uỷ viên còn chẳng coi những con số ra gì mà chỉ dựa vào 'cảm tính' để đưa ra cái kết luận "Không kỷ luật BCT và một đồng chí UV BCT" thì làm sao trách con số Thống kê!
Nếu con số thật sự có ý nghĩa thì những thua lỗ, thất thoát, thiệt hại, tham nhũng lớn mà chính Báo chí trong nước đã đăng tải đã xảy ra hàng loạt tại các Tập đoàn Nhà Nước mà ít nhất đã có 02 ông Tổng giám đốc của Vinashin, Vinaline bị khởi tố, bị bắt giam, bị xử án tù và hậu quả đến ngày hôm nay nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu, nhưng những người đẻ ra nó chính là BCT và các ngài UV TƯ thì hoàn toàn vô can? Nhất là Người đứng đầu Chính Phủ trực tiếp điều hành đã dung túng hay 'nhẹ nhất' cũng thể hiện sự yếu kém, buông lỏng lại như kẻ ngoài cuộc hoàn toàn không mảy may phải chịu trách nhiệm gì? "Con hư tại cha mẹ", ông bà ta đã có câu vậy, song ở đây với danh nghĩa của 'Cả một TẬP THỂ' Ban chấp hành Trung Ương.... để rồi tất cả thành hoà cả làng!
Nếu con số thật sự biết nói thì một đất nước chỉ trong 01 năm kể từ khi ngài Thống đốc Bình lên đã đẩy hơn 200.000 doanh nghiệp đến chỗ bị bức tử, hàng triệu người thất nghiệp, 70% doanh nghiệp thua lỗ, thị trường vàng hỗn loạn, việc mua bán cơ chế để cho các Bố già bán khống hàng triệu lượng vàng, tạo ra một nhóm lũng đoạn, thâu tóm ngân hàng, doanh nghiệp.... Vậy mà ông Thống đốc vẫn 'nhơn nhơn' uốn ba tấc lưỡi trả lời trước bá quan cả nước đổ cho "các Thế lực phản động..."! Vậy mà Chính Phủ vẫn vô can?
Nếu con số thật sự biết nói thì con số tội phạm gia tăng, con số các vụ án oan sai, các vụ tố cáo, khiếu nại tăng chóng mặt thể hiện đời sống xã hội đầy bất ổn, các chính sách vĩ mô yếu kém, tuỳ tiện và trên hết là những con người của các cơ quan Quyền lực, các "ông bà đầy tớ của nhân dân" nhưng lại đang đè đầu cưỡi cổ nhân dân, đang thống trị, đè nén nhân dân để phải 'phòi' ra 'nén bạc' khi bất cứ khi nào và bất cứ việc gì mà các 'ông bà chủ' cần đến 'các đầy tớ'!
Một đất nước bị tụt hàng chục hạng trong bảng xếp hạng về tham nhũng chỉ trong có hơn 01 năm, vậy mà Chính Phủ với Trưởng ban chống tham nhũng chính là ngài Thủ Tướng với câu 'tuyên ngôn' nhậm chức khá ấn tượng "Không chống tham nhũng được thì tôi sẽ xin từ chức"! Vậy mà từ 'trong nhà' ngài Thủ Tướng ra đến 'ngoài đường', đâu đâu cũng tham nhũng mà có lẽ đã trở thành 'văn hoá' của giới 'đầy tớ của nhân dân' đến độ họ cho đó là việc bình thường và thản nhiên cầm phong bì bỏ túi trước chốn thanh thiên bạch nhật mà cứ như nơi không người!Vậy mà Thủ Tướng có thấy Từ chức đâu?
Nếu con số biết nói thì Viểt Nam đã bị cả thế giới lên án, các Tổ chức về con người, về nhân quyền lên án, cảnh báo sự gia tăng đàn áp dân chủ của Việt Nam, vậy có ai trong số BCT và 175 Ngài Trung Ương Uỷ viên bận tâm đến hay vẫn coi đó như chuyện của ai đó? Có lẽ khái niệm nhân dân đã không còn tồn tại trong não bộ của các giới chức Lãnh đạo Việt Nam?
Nếu con số còn có ý nghĩa và tính lô - gíc của nó thì làm thế nào Tập Thể 175 Ngài UVTƯ có thể 'can đảm' để đưa ra cái kết luận "Không kỷ luật..." đáng xấu hổ, tự phỉ nhổ vào chính các ngài - Những 'Tinh tú' của Đảng và hơn bao giờ hết là một sự chà đạp lên lòng tin của nhân dân một cách trắng trợn và không còn liêm xỉ!
Tất cả những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam chính là sản phẩm của một chế độ Độc Đảng, cái chế độ mà vận mệnh của dân tộc, của đất nước nằm trong tay một nhúm 175 'những đầy tớ' mà có lẽ phải đến 70% trong số đó là những 'đầy tớ' ăn trên, ngồi tróc, phè phỡn trên nỗi thống khổ của nhân dân, những 'đầy tớ' dùng 'cường hào, ác bá', dùng mọi ngón đòn bẩn thỉu, vi phạm pháp luật để đàn áp, để bịt miệng và để bóp chết nền dân chủ còn trong trứng nước ở Việt Nam.
Có nơi đâu như ở Việt Nam mà 'con dân' - những người chủ đất nước lại phải run sợ trước 'các đầy tớ' của mìnn? Nhân dân run sợ trước bóng ma ngục tù bất cứ lúc nào cũng chụp xuống đầu mình bất chấp luật pháp? Doanh nghiệp - Những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, đóng góp cho sự phồn thịnh đất nước thì luôn sống trong cảm giác rúm ró, lo sợ mà không biết lo sợ cái gì và từ đâu sẽ ập đến đầu mình, đến doanh nghiệp của mình?
Có nơi đâu như ở Việt Nam mà muốn làm những điều tốt, những điều giúp cho nhân dân, giúp cho đất nước, muốn làm điều thiện cũng bị cô lập, bị bôi nhọ, bị đối xử như những 'Quái thai'? Xem ra cái xấu ngự trị để đến nỗi con người Việt Nam không còn dám tin vào những điều tốt đẹp?
Có nơi đâu như ở Việt Nam, với 700 tờ báo và 64 đài phát thanh truyền hình độc quyền quản lý của độc Đảng, nhưng thực chất lại trở thành công cụ của các phe nhóm trong giới chóp bu dùng nó để phục vụ cho lợi ích của họ? Ngày hôm nay báo Tiền Phong đã đánh mất cả liêm xỉ khi đăng bài "Dư luận đồng tình với Kết quả của Hội nghị TƯ 6 "! Bản thân Tờ báo này liệu họ có tin vào chính điều mình đã đăng? Ít nhất 87/90 triệu đồng bào cả nước, mọi giới chức, nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, công chức, công nông, các bậc lão thành cách mạng, các thế hệ đã đổ xương máu vì giang sơn đất nước ... đã cảm thấy một nỗi thất vọng ê chề, một nỗi đau đớn gặm nhấm con tim khi những hy vọng mỏng manh cố vớt vát vào Đảng CS đã tan tành mây khói và đã đến lúc dân tộc ta không thể cho phép một chế độ độc Đảng với biểu tượng Búa & Liềm thật sự đã trở thành một Đảng phái dùng Búa và Liềm điều khiển nhân dân không khác thời trung cổ!
Những mảnh vụn cuối cùng của niềm hy vọng Đảng CS sẽ cải tổ, chuyển mình để tự cứu Đảng, tự cứu Dân tộc khỏi hoạ diệt vong và hoạ mất nước đã trôi theo cùng cái Kết quả của Hội Nghị Trung Ương 6 vừa qua!
Đã đến lúc Nhân dân Việt Nam cần phải tự tìm con đường cho chính mình để thoát khỏi sự u mê và thống trị của một nhúm 175 người đang điều hành đất nước này không phải bằng pháp luật mà bằng lợi ích cục bộ của chính cá nhân họ đã được núp bóng Đảng cộng sản Việt Nam!
Đã đến lúc nhân dân cần có thêm một chính Đảng nữa để song song phát triển, đấu tranh với Đảng cộng sản để những con người cộng sản phải thực hiện theo đúng tôn chỉ mục đích do chính họ đã đề ra từ khi khai sinh ra Đảng cộng sản. Không có sự cạnh tranh thì sẽ không thể có công bằng, không có chân lý và càng không thể có dân chủ!
Nhân dân Việt Nam - Một dân tộc thông minh, cần cù, chịu khó và đặc biệt bản tính kiên nhẫn, chịu đựng rất cao, nhưng đã đến lúc chúng ta không thể để tương lai của đất nước rơi vào thảm hoạ bị giành giật bởi lợi ích, bởi quyền lực cá nhân và đi đến bán rẻ đất nước cho các thế lực ngoại bang chỉ vì lợi ích của một nhóm người lấy danh nghĩa Đảng cộng sản Việt Nam.
Chỉ có chính nhân dân , chúng ta sẽ phải tự mình cứu lấy chính chúng ta, cứu lây một Việt Nam cho tương lai con cái chúng ta sẽ không bị rơi vào thảm cảnh như những con chim không tổ! Đã quá lâu rồi toàn thể nhân dân ta dù đang sống trên đất nước của chính mình mà phải sợ hãi đến cả cái bóng của chính mình!
Chúng ta có muốn con cái của Dân tộc Việt Nam phải chịu chung những gì chúng ta đã phải gánh chịu cả một cuộc đời không? Tương lai của con cái Việt Nam - con Lạc cháu Hồng thì phải có được lòng tự hào, phải được sống như một con người thực thụ, phải được yêu quê hương đất nước, phải được cống hiến cho quê hương đất nước...
"Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng
Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương
Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm
Là người tôi sẽ chết cho quê hương"
.....
Đàm Đức Đam - Quan làm báo
================================
Khó hiểu” số liệu thống kê
► “Từ việc không nắm chắc được thực tế thì sẽ đưa ra những phân tích và kết luận không xác đáng”...
Nhiều chuyên gia kinh tế có nhận định rằng số liệu thống kê của mỗi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế không chỉ giúp cho ngành đó, lĩnh vực đó phát triển mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định, đưa ra những chính sách chung trong phát triển kinh tế.
“Trong khi doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hàng loạt mà con số tạo việc làm mới vẫn thống kê được lên tới hơn 1,5 triệu người trong năm nay. Tôi không thể hình dung được!”, Phó trưởng đoàn Quốc hội Tp.HCM, TS. Trần Du Lịch nói.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Lịch thấy khó hiểu về con số thống kê này mà trong nhiều kỳ họp Quốc hội tại nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, ông Lịch đều có tâm tư như vậy.
Như hồi nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, trước nghị trường, ông Lịch từng phản ứng mạnh về tính chính xác, dù chỉ ở mức tương đối của con số tạo việc làm mới và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đó là ông Võ Hồng Phúc, cũng thừa nhận “đúng là chúng ta không tính toán được”.
Chung sự hoài nghi như Phó trưởng đoàn Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Thành Tâm đã không ít lần đề nghị: “Chính phủ hết sức lưu ý về chất lượng thông tin, bởi vì hiện nay hệ thống thu thập thông tin của chúng ta cũng còn nhiều vấn đề bất cập, thông tin không chính xác, không thống nhất với nhau giữa các bộ, ngành và các cơ quan thông tin thường xuyên diễn ra”.
Chất lượng thông tin sẽ ảnh hưởng tới việc chúng ta quyết định và thực thi chính sách. Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Thành Tâm
Ông Tâm dẫn giải ra ví dụ về việc mỗi ngành cung cấp một số liệu thông tin thống kê khác nhau về lao động. Theo ông, cơ quan có chức năng thống kê đưa ra một con số, các cơ quan thực hiện chính sách xã hội cũng đưa ra các con số không giống nhau và nhận xét “chất lượng thông tin sẽ ảnh hưởng tới việc chúng ta quyết định và thực thi chính sách”.
Quả thật, sự hiện diện của số liệu thống kê ở các báo cáo kinh tế, từ các bộ có liên quan cũng đã có sự “vênh” nhau rất rõ nét. Báo cáo của Bộ Công Thương ngày 24/9 đưa ra số liệu dự kiến nhập siêu năm 2012 vào khoảng 2 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 1,8%.
Nhưng chỉ chưa đầy hai tuần sau, tỷ lệ dự kiến này theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giảm đi chỉ còn một nửa, khi bộ này ước thực hiện năm 2012 tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu là 0,9%, với khoảng 1 tỷ USD nhập siêu.
Tương tự, báo cáo của Bộ Công Thương dự kiến cả năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng khoảng 20,5- 21% so với năm 2011. Căn cứ để Bộ Công Thương đưa ra dự kiến này là vì “trong những tháng còn lại của năm 2012 là những tháng có nhiều dịp lễ hội diễn ra trên cả nước, cùng với những chính sách khuyến khích tiêu dùng của Chính phủ, thì tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ có khả năng tăng cao hơn trong những tháng đầu năm”.
Tuy nhiên, theo ước thực hiện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2012 ước tăng chỉ 18% so với năm 2011.
Điều đáng nói là cả hai báo cáo này, dù được thực hiện ở hai thời điểm khác nhau nhưng vẫn được phát hành song song để cùng phục vụ cho một phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế diễn ra tuần trước. Cả Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có mặt tại phiên họp đó đều không có một lời nào giải thích cho sự “vênh” nhau này.
Nhiều chuyên gia kinh tế có nhận định rằng số liệu thống kê của mỗi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế không chỉ giúp cho ngành đó, lĩnh vực đó phát triển mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định, đưa ra những chính sách chung trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều tổ chức, đơn vị đưa ra những số liệu thống kê khác nhau, còn chung chung, hình thức, thiếu căn cứ khoa học.
“Số liệu thống kê kinh tế của chúng ta có quá nhiều vấn đề”, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mại nhận xét. Một trong những điều mà ông Mại phải phàn nàn về “vấn đề” của số liệu thống kê kinh tế là còn rất nhiều những số liệu chưa được mổ xẻ phân tích để đưa ra những quyết sách kinh tế cụ thể, rõ ràng, chẳng hạn như mối quan hệ giữa các chỉ số xuất nhập khẩu với tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
“Chúng ta không thể cứ đề ra các chỉ tiêu tăng xuất nhập khẩu mà không tính xem nó đóng góp vào GDP như thế nào. Mục tiêu của xuất khẩu không phải là chỉ có thu ngân sách, chỉ có giải quyết lao động mà còn phải là đóng góp bao nhiêu vào GDP”, ông Mại nói.
Số liệu thống kê kinh tế của chúng ta có quá nhiều vấn đề. Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mại
Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam cũng đang từng bước chú ý hơn đến công tác thống kê. Dù vậy, cho đến nay, trên thực tế, chất lượng thống kê cũng như tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các địa phương về con số thống kê đang còn nhiều bất cập.
Đơn cử trong quá trình viết báo cáo của một tỉnh nếu hỏi số liệu từ 5 sở về 1 địa phương thì cũng có tới 5 con số, thậm chí ngay trong 1 sở mà hỏi 5 phòng thì cũng lại có tới 5 con số... Vì vậy, có thể nói sự bất cập của các con số thống kê đang gây ra rất nhiều bức xúc và những hệ quả.
Những hệ quả mà ông Phong nêu lên thứ nhất là không cho phép so sánh và đánh giá chính xác thực trạng của các ngành kinh tế ngay cả những con số về nợ, con số liên quan đến hiệu quả và sự phát triển của nền kinh tế cũng như các vấn đề khác.
Thứ hai, từ việc không nắm chắc được thực tế thì sẽ đưa ra những phân tích và kết luận không xác đáng, từ đó gây hệ quả đến các đề xuất về chính sách quản lý của các cơ quan chức năng... thậm chí gây ra sự lệch lạc của các quyết sách gắn với những con số không chính xác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét