LTCGVN (22.10.2012)
VRNs (22.10.2012) – Facebook – Ở xã hội Việt Nam này có bao giờ ta từng rơi cảnh huống đang bay nhảy bổng dưng biến mất không? Có nhiều lắm, đó là những vụ bắt cóc tống tiền của xã hội đen phải không? Lúc đó thì tất nhiên ta phải báo công an để truy tìm. Nhưng bây giờ thì đã ngược lại, công an bắt cóc, để chúng ta phải đi tìm nạn nhân, đúng là trò chốn tìm có một không hai ở xã hội :” đi vào đồn, hồn có khi không trở lại”
Cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên, người đã bị công an phường Tây Thạnh, quận Tân Phú bắt đi biệt tăm trưa ngày 14-10 cùng với 3 người bạn trong lúc đang chuẩn bị bữa trưa, mà không có bất kỳ trình tự pháp lý nào, sau đó 3 người bạn được thả về cùng ngày nhưng Uyên thì bị giữ lại mà hoàn toàn không thông báo đến gia đình. Ông Nguyễn Duy Linh, bố Uyên đã đến đồn để hỏi tung tích con gái mình, nhưng không ngờ công an ở đó phủi bụi tay, không nhận mình bắt.
Thiết nghĩ con người được sinh ra để làm chủ trái đất, được sống và được hạnh phúc, vì con người có lương tri và nhân vị. Xét về phương diện nhân bản là phải tuyệt đối tôn trọng phẩm giá con người, cho dù họ có xuất phát từ giai tầng nào, từ thân phận nào. Vậy cho nên con người không thể bị xem như là một món hàng, muốn đối xử sao cũng được, muốn đem “dấu” ở đâu cũng được mà không cần thông báo, rồi chối bay bổng: “tao đâu biết” tựa hồ như mất trí sau một cơn động kinh.
Bà Nguyễn Thị Nhung đã phải lặn lội vào Sài Gòn để tìm cách cứu con mình vào ngày hôm qua 20-10, hình dáng khổ sở của bà khiến chúng tôi thương cảm, chúng tôi thay phiên nhau đưa bà đi đến những nơi có thể giúp tìm được con gái bà. Nơi đầu tiên là tìm đến luật sư. Trên đường đi, bà lo lắng hỏi: “Không biết họ có làm hại gì đến Phương Uyên không con?” Hỡi ôi, chúng tôi cũng đang thắc mắc giống vậy mà không biết hỏi ai, thôi thì trả lời cho bà cũng là trả lời cho mình luôn vậy. “Phương Uyên bây giờ được nhiều người biết và quan tâm đến, một khi dư luận lên tiếng thì họ không dám làm gì bậy đâu cô ạ !”
Nhìn trời xanh, mà lòng tôi mong muốn được như vậy. Mải nói chuyện, có lúc chúng tôi chạy hơi nhanh, bà sợ: “Con chạy từ từ, cô mới bị mất máu nên còn yếu lắm. Chúng tôi hỏi làm sao mà bị mất máu thì bà bảo rằng mình vừa bị sẩy thai cách đây 1 tháng, mất một bé gái chỉ mới 3 tháng tuổi. Chúng tôi thắc mắc: “Vậy tại sao chú không lo việc này mà để cô vào đây?” Bà bảo rằng ngoại Uyên đang nằm cấp cứu vì bị hở van tim, cho nên chú phải chăm sóc, đồng thời phải trông coi luôn chú nhóc 5 tuổi ở nhà”.
Chúng tôi chẳng biết nói sao nữa cả, chẳng lẽ nói cô thật tội nghiệp, ai mà chẳng biết vậy, hay là nói cố gắng lên, cũng bằng thừa, vì nếu không cố gắng làm sao bà có thể tìm con trong một tinh thần hoang mang và sức khỏe yếu như vậy. Tất cả là một sự hy sinh lớn, một tình yêu lớn dành cho con mình. Không một người mẹ nào có thể bỏ rơi con để tìm sự yên ổn cho mình cả. Chúng tôi thấy lòng mình trĩu nặng…
Chúng tôi bắt đầu hỏi về Phương Uyên, qua lời kể, chúng tôi cảm nhận Uyên là một cô gái sống chứa chan tình cảm với gia đình. Uyên còn cố gắng dành lấy những suất học bổng ở trường để có thể làm nhẹ gánh bố mẹ. Đi học xa, Uyên còn dặn mẹ ở nhà không nên mua hàng Trung Quốc và ghi lại những mã vạch nào là hàng của Tàu, để mẹ không bị lừa. Trong thời buổi hàng Tàu tràn lan trên thị trương Việt với nhiều độc hại, thật hiếm người có tinh thần tẩy chay hàng Trung Quốc như Uyên.
Đến văn phòng luật sư, bà Nhung được tư vấn: trường hợp bắt người bí hiểm và trái phép như vậy, ta cứ cố gắng chờ xem sau 7 ngày, có thể gia hạn đến ngày thứ 8 hoặc tối đa là thứ 9. Nếu em Uyên không có tội thì sẽ được thả ra, còn nếu vẫn tiếp tục giam mà không thông báo gì, thì phải tìm đến nơi đã bắt để hỏi cho ra lẽ …
Trưa thứ hai, hôm nay, 22-10 là tròn 9 ngày.
Sau khi ăn cơm, chúng tôi cùng bà đến phòng trọ của Uyên, gặp Phương. Phương là người cùng trong số những bạn bị đưa lên làm việc chung với Uyên, Phương kể Uyên là người sống hòa đồng và được lòng bạn bè.
Phương kể tiếp: “Hôm sau khi làm việc trên công an về thì có một người tên Phong xuống phòng, tự xưng là công an và yêu cầu đưa máy ảnh của Uyên. Sau đó Phương có đem cơm đến cho Uyên, đến ngày thứ 2 thì công an không cho đem vào nữa. Những ngày tiếp theo bạn bè ở phòng có điện cho anh Phong (người lấy máy ảnh) để hỏi thăm tình hình Uyên và Uyên có nhờ anh Phong về lấy cho vài vật dụng cá nhân cùng sách vở”.
Chúng tôi xin số anh Phong thì Phương bảo ảnh dặn không được cho ai, và dặn không được báo thông tin gì cho gia đình Uyên biết. Chúng tôi yêu cầu Phương điện hỏi thăm dùm tình hình của Uyên thử xem, nhưng Phương từ chối.
Chẳng lẽ hết tiền điện thoại hay sao?!
Chiều, cô Nhung bảo phải về lại Bình Thuận đêm nay, vì ở nhà có nhiều việc cần làm. Vậy là chúng tôi ra ga tàu tiễn chân cô.
Chiều đó chúng tôi cũng may mắn tham dự một thánh lễ có cha Vũ Khởi Phụng giảng, ngài nói đại ý thế này: Đạo, là nơi chứa được cái rộng lớn của tình yêu, cái bầu trời tự do tìm chân lý … Và vấn đề là con người cần phải mở tung cánh cửa lòng mình, phải cởi mở tâm hồn để có thể được hòa mình vào cái bầu trời ấy.
Chúng tôi chợt hiểu, một thể chế chính trị cũng vậy, nó cần phải chứa được cái bầu trời tự do, nó cần phải khơi dậy nguồn cảm hứng để con người được tự do bay nhảy và cống hiến cho cái rộng lớn ấy, chứ không phải bó buộc trong cái hạn hẹp với những luật lề nhỏ nhoi, bắt bớ đàn áp nhằm cô lập và hạn chế cái tự do của con người. Và một điều quan trọng không kém là chúng ta phải mạnh dạn bước vào cái bầu trời ấy, chỉ có thể như vậy ta mới có thể tự cỡi trói cho những xiềng xích của chính mình.
Khung trời ấy chắc chắn không có sự loại trừ, bắt bớ hay thống trị, trái lại nó níu giữ và biến đổi con người bằng tình yêu thương. Khung trời ấy chắc chắn sẽ bá đạo và có sức mạnh vô đối.
Và chúng tôi biết bà mẹ Phương Uyên cũng thế, trong cái bóng dáng nhỏ bé của bà bước đi về hướng sân ga, chúng tôi hiểu bà khao khát biết bao cho Phương Uyên được sớm bay vào bầu trời tự do đó, để giây phút hai mẹ con gặp nhau, vỡ òa trong niềm vui sướng.
August Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét