Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Viết cho em, cô gái bé nhỏ, em ở đâu giữa bầy sói dữ?



 

Đất nước mình, khi nào cũng nhỏ bé thật, nhưng có bao giờ hèn hạ cúi đầu trước xâm lăng Uyên nhỉ? Thế mà bây giờ đúng thế hử em? Hoàng Sa đã rời ra từ lâu lắm. Trường Sa không biết còn gì nữa không? Anh muốn kể lại với em câu chuyện những người Lý Sơn kể cho anh. Kể về những ngôi mộ gió không người, kể về những đứa trẻ chập chững tròn xoe mắt nhìn lên tấm di ảnh của người cha vừa mất xác trên biển khi chiếc tàu đánh cá bị giặc đâm chìm. Họ kể với anh về những món nợ ngân hàng đầm đìa khi mỗi lần ra khơi bị lũ giặc phá tàu, bắt bớ. Họ kể có gia đình phải bán nhà để lấy tiền chuộc người khi đi đánh cá bị Trung Quốc bắt rồi đòi tiền chuộc. Họ kể trong nỗi đau mất mát và hèn nhục. Thêm sau nữa những cây số vuông biên giới phía Bắc, một nửa thác Bản Giốc, những mảnh rừng đầu nguồn Tây Nguyên bị phá cho Trung Quốc khai thác mỏ Bauxite,...tiếp nữa là những cái gì đây? Đất nước này, ai bắt mà phải hèn câm đến thế, Uyên nhỉ?...

*

Em ở đâu 
Bình an nhé 
Đôi bàn tay em nhỏ bé 
Chắc đang chùi nước mắt 
Để lòng mình đứng vững trước hèn câm..." 

Tặng Nguyễn Phương Uyên, cô gái mà tôi chưa từng gặp mặt

Uyên à! 

Khi anh ngồi viết những dòng chữ này, em đang ở đâu thế Uyên? 

Em đang ngồi một mình, vây quanh là những ánh mắt cú vọ, đang soi mói nhìn từng cử chỉ của em; em đang thế nào trước những thủ đoạn đê hèn của chúng. Em, cô bé hồn nhiên vừa bước qua tuổi 20 mươi của mình chưa tròn tuần lễ, chắc chẳng nghĩ ra được những thứ hèn hạ đó sẽ trải qua với mình, em nhỉ? Anh chẳng thể nào biết được những chuyện gì mà em đang đối diện, những thủ đoạn từ nịnh nọt, dụ dỗ đến dọa nạt, hung hăng như những con thú đang say mồi. Họ sẽ lấy ba mẹ, gia đình em để nói. Họ sẽ lấy con đường học hành, tương lai của em để làm em hoảng loạn. Bọn chúng sẽ đòi bỏ tù em cho đến khi nào em làm theo những gì họ sắp đặt. Họ sẽ như thế nào nữa, anh không biết. Nhưng anh biết cái cảm giác một mình như con mồi bị quây quanh bởi bầy sói dữ, những ánh mắt không phải của con người dành cho nhau.

Đôi mắt em, có lẽ đang đỏ hoe vì khóc. Chắc em nhớ ba mẹ, em trai và bạn bè em lắm. Ba mẹ em đã lặn lội từ quê lên SG tìm em mấy ngày nay. Và câu trả lời cho sự lo lắng đến cháy lòng ấy là một sự câm lặng, hèn nhát của đám người tàn bạo đã mang em đi biệt tích cả tuần nay. Họ đã quên mất rằng họ sẽ và đã có những đứa con. Họ quên mất rằng họ cũng có những người cha, người mẹ. Họ có nhớ rằng họ cũng được nuôi lớn, được chăm sóc, thương yêu của tình người... Họ quên, hay họ cố tình không nhớ? Anh biết ở một mình nơi đó, em cô đơn và sợ hãi lắm. Nhưng Uyên à, hãy vững tin lên em nhé! Hãy tin rằng em không làm gì sai trái. Hãy tin rằng em đủ lớn để hiểu được việc gì mình làm, biết được những gì em suy nghĩ. Nguyện cầu cho em, Uyên à! 

Mai mốt này, nếu được gặp em, anh rất muốn nói cùng em về thật nhiều chuyện, không biết em có muốn nghe không? 

Đất nước mình, của cải, niềm vui thì ít mà nghèo đói, bất công thì quá nhiều em nhỉ? Những người nông dân quanh năm phơi nắng phơi mưa trên ruộng nương mà cũng chẳng đủ ăn. Những người công nhân bỏ xứ cặm cụi 2/3 thời gian của ngày ở nhà máy công xưởng là lương chỉ đủ chi tiêu và trả tiền mướn phòng trọ 10m2 cho 5 6 người ở. Đâu đó ở TP, cũng thấy những đứa nhỏ quỳ mọp xuống chỉ mong xin được một hai ngàn lẻ. Khắp nơi trên đất nước mình, những người dân mất đất quanh năm chạy vạy khắp nơi cùng những tờ đơn là những giọt nước mắt oan ức, xót xa. Ở bất cứ chỗ nào, cũng nghe những câu chuyện tham ô, đút lót của Công an, của quan chức từ thấp đến cao. Ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam này, em cũng thấy toàn những oan trái và bất công. Chắc em cũng chẳng thể nào chấp nhận điều đó, Uyên nhỉ? 

Đất nước mình, khi nào cũng nhỏ bé thật, nhưng có bao giờ hèn hạ cúi đầu trước xâm lăng Uyên nhỉ? Thế mà bây giờ đúng thế hử em? Hoàng Sa đã rời ra từ lâu lắm. Trường Sa không biết còn gì nữa không? Anh muốn kể lại với em câu chuyện những người Lý Sơn kể cho anh. Kể về những ngôi mộ gió không người, kể về những đứa trẻ chập chững tròn xoe mắt nhìn lên tấm di ảnh của người cha vừa mất xác trên biển khi chiếc tàu đánh cá bị giặc đâm chìm. Họ kể với anh về những món nợ ngân hàng đầm đìa khi mỗi lần ra khơi bị lũ giặc phá tàu, bắt bớ. Họ kể có gia đình phải bán nhà để lấy tiền chuộc người khi đi đánh cá bị Trung Quốc bắt rồi đòi tiền chuộc. Họ kể trong nỗi đau mất mát và hèn nhục. Thêm sau nữa những cây số vuông biên giới phía Bắc, một nửa thác Bản Giốc, những mảnh rừng đầu nguồn Tây Nguyên bị phá cho Trung Quốc khai thác mỏ Bauxite,... tiếp nữa là những cái gì đây? Đất nước này, ai bắt mà phải hèn câm đến thế, Uyên nhỉ? 

Mai mốt này nếu được gặp em, anh và em sẽ nói gì về những người bạn của anh và em, về thế hệ chúng ta, những người tuổi hai mươi. Một thế hệ, hầu như chẳng nhớ gì về lịch sử ngoài những ngôi sao điện ảnh, ca nhạc quốc tế; chẳng quan tâm gì khác xung quanh ngoài bản thân và những sở thích riêng mình. Một thế hệ khi nhắc đến Tổ quốc hay lòng yêu nước, có lẽ chỉ nhếch môi cười như nhìn một món đồ xa xỉ không thể mua. Một thế hệ lạc lõng, bơ vơ. Một thế hệ cúi đầu, bỏ mặc một đất nước què quặt khi bị một bầy sâu mọt đục rữa mục từ bên trong, một bầy giặc giã ngoại xâm đang hoành hành, cướp phá từ bên ngoài. Việt Nam này, rồi sẽ đi về đâu bây giờ? 

Uyên à! Em hãy vững vàng lên nhá! Trước em, có quá nhiều người đã bị bắt, tù đày, hành hạ cũng bởi tấm lòng yêu nước thiết tha. Bạo quyền, có thể làm em khóc nhưng làm sao xóa được lòng yêu nước trong em. Nguyện cầu cho em trở về. 

Thương lắm, một tấm lòng yêu nước hồn nhiên và rất đẹp. 






0 nhận xét:

Đăng nhận xét