LTCGVN (26.10.2012)
Bình luận về Hội nghị Trung ương 6 của ĐCSVN
Sau này bất luận thế nào, có lẽ 15.10.2012 sẽ được ghi là ngày tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng — và tập thể 174 đồng chí ủy viên trung ương của ông — đi vào lịch sử bằng cổng sau. Hai tháng chuẩn bị thực hiện “nghị quyết 4″ (về phê và tự phê), 3 tháng họp 4 đợt, rồi 15 ngày liên tục “Hội nghị Trung ương 6″ (trong đó 5 ngày tập trung về NQ4), để rồi quyết nghị đầu voi đuôi chuột : “không kỉ luật” cả Bộ chính trị lẫn “một đồng chí ủy viên Bộ chính trị“. Ngôn ngữ chính trị Việt Nam từ nay được làm giàu với những cụm từ “một đồng chí“, mà mấy ngày sau, chủ tịch Trương Tấn Sang gọi là “đồng chí X“. Đồng chí không được/bị nêu tên ấy, mọi người đều biết, chính là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người trực tiếp thành lập và chỉ đạo 18 tập đoàn kinh tế (Vinashin, Vinalines…) đang nợ như chúa chổm, và đã phung phí không biết bao nhiêu tài nguyên của đất nước. Ông Sang đã từng nói nạn tham nhũng không chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” mà là cả “một bầy sâu“. Lần này, ông nói tới “tập đoàn” sâu. Dùng chữ “tập đoàn” (tuy không nói rõ con số 18), chắc ông Sang không vô tình lỡ lời.
Thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng “xin lỗi toàn đảng, toàn dân” (nhiều người để ý ông nghẹn ngào khi nói mấy lời này). Mấy ngày sau, thủ tướng Dũng cũng nối điêu “nhận lỗi” trước Quốc hội.
Đây không phải lần đầu, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam xin lỗi toàn dân. Lần trước, vào những ngày này năm 1956, chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải thay mặt Trung ương xin lỗi toàn dân về những sai lầm và tội ác trong cải cách ruộng đất. Chỉ khác một điều, năm ấy ông Lê Văn Lương đã bị đưa ra khỏi Bộ chính trị, ông Trường Chinh mất chức tổng bí thư. Bây giờ, có thể trách ĐCS vẫn chưa gột rửa hết những sai lầm của thời ấy, không từ đó rút ra một cách triệt để những bài học 1, nhưng ít nhất cuộc sửa sai cũng thực sự được tiến hành tuy không rốt ráo, và bước đầu, ĐCS đã phần nào thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của chủ nghĩa Mao.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang
và “đồng chí X” (ảnh AFP)
Marx, đâu đó, đã nhận xét : lịch sử thường lặp lại, lần thứ nhất, là một bi kịch, lần thứ hai, là một hài kịch. Xin lỗi mà quyết định “không kỉ luật” của Trung ương ĐCS và lời kêu gọi cán bộ phải “tự trọng” của ông Nguyễn Tấn Dũng, quả là hài hước hiếm thấy. Điều mà Marx không tiên liệu là hài kịch có thể diễn ra trong bối cảnh một thảm kịch khôn cùng.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế – chính trị – xã hội chung của đất nước, với những đe dọa quân sự, kinh tế, nhân sự của Trung Quốc, chỉ cần nhìn tình hình kinh tế cũng đủ thấy rõ mức độ nguy kịch :
* Hệ thống ngân hàng đang đối mặt với rủi ro hệ thống ngày càng cao. Có nguy cơ các ngân hàng sụp đổ hàng loạt, do nợ xấu chồng chất đến 200 ngàn tỷ đồng, trong đó 70 % là nợ của khu vực quốc doanh. Theo tác giả Tô Văn Trường : “Một số thông tin từ cơ quan tài chính, ngân hàng, từ IMF, ADB và báo chí ở Việt Nam cho chúng ta thấy với số liệu năm 2011 : tổng nợ của doanh nghiệp nhà nước tương đương 52,2 tỷ USD, bằng 43% GDP, riêng phần doanh nghiệp nhà nước nợ các ngân hàng là 24,5 tỷ US, trong đó 47% là nợ xấu.” (xem tại đây) 2. Khi chúng tôi viết những dòng này, được biết một phái đoàn của ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) đang chuẩn bị tới Hà Nội để “báo động lần chót” về nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng.
* Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước gây thất thoát đầu tư ngày càng trầm trọng thêm. Hiệu quả đầu tư công giảm mạnh : hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR : đầu tư / tổng sản lượng) không ngừng tăng và ở mức 7 – 8 trong thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (từ 2007 đến nay), trong khi thời các chính phủ Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải (1991-2006), hệ số ở mức 3,5 – 4 ; năm 2010, riêng khu vực quốc doanh có hệ số ICOR vượt 10 trong khi khu vực ngoài nhà nước có hệ số chưa đến 5. 18 tập đoàn kinh tế và cả trăm công ti con đã làm thất thoát tài nguyên đất nước (tài nguyên thiên nhiên, công quỹ và tín dụng, cướp đất của nông dân), tích lũy của cải trong tay một đẳng cấp tư sản đỏ mà cuộc sống sa hoa, vô văn hóa và vô sỉ là một khiêu khích hỗn xược đối với nhân dân đang phải bươn chải với vật giá leo thang, sản xuất ngưng trệ3.
* Luật đất đai đang tạo điều kiện cho các chính quyền địa phương lấy lại đất của nông dân (kể cả cưỡng bức bằng bạo lực). Chỉ từ năm 2006 (Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền thủ tướng) đến năm 2010, hai trăm ngàn ha đất nông nghiệp đã bị thu hồi cho các dự án khu công nghiệp, biệt thự, sân golf. Các vụ Tiên Lãng, Văn Giang… tiếp diễn trong khi HN6 vẫn ngoan cố duy trì luận điểm “đất đai là của toàn dân”.
* Lạm chi : Từ năm 2007 đến nay năm nào chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng chi nhiều hơn rất nhiều so với số Quốc hội thông qua, năm 2007 là 31%, năm 2008 là 29%, năm 2009 là 46%. Năm 2010 chưa được kết toán nhưng theo tờ trình sơ bộ của Bộ Tài chính thì chi vượt 11%.
Trong tình hình ấy, lòng dân ra sao, ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng cũng thừa biết. Theo những nguồn tin đáng tin cậy, trong cuộc họp Quân ủy Trung ương và gặp gỡ bốn chục tư lệnh sư đoàn, ông Trọng đã thông báo kết quả một cuộc thăm dò dư luận (không công bố) : tỉ lệ người dân vẫn tin tưởng ở “đảng và nhà nước” chỉ còn 30%. Sự thật còn đen tối hơn con số ấy vì nó là tổng của hai con số : 10% tin tưởng vào “lãnh đạo hiện nay”, 20% vào “lãnh đạo đã từ trần”. Chắc hẳn ông tổng bí thư đã vận dụng con số đáng sợ này để củng cố “tín điều” số một và duy nhất của bộ máy an ninh, quân sự : “còn đảng, còn chế độ, thì còn mình”.
“Bước đường cùng” dường như cũng là tâm trạng của 175 ủy viên trung ương tại Hội nghị 6, thúc đẩy họ “đoàn kết, thương yêu lẫn nhau”, “chữa bệnh, cứu người”. Nếu không, làm sao giải thích được những con số thoạt trông mâu thuẫn nhau một cách khó hiểu :
- trong những cuộc thăm dò mức tín nhiệm đối với ông Nguyễn Tấn Dũng : 4/14 ở Bộ chính trị, 40/175 ở Ban chấp hành Trung ương
- đến khi biểu quyết thông qua đề nghị “kỷ luật” (Bộ chính trị và cá nhân Nguyễn Tấn Dũng, đề nghị đã được Bộ chính trị “100% nhất trí”), thì 129 người (trên 175 ủy viên trung ương) bác bỏ.
*
Nhiều nhà bình luận đã để ý : Hội nghị Trung ương 6, các phát biểu và văn kiện đã công bố không hề đả động tới Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đã bao trùm lên cuộc họp. Hội nghị giữa chừng, có tin đại sứ Bắc Kinh đến gặp một phó thủ tướng. Và trước ngày hội nghị khai mạc là cuộc gặp ở Nam Ninh của phó thủ tướng Tập Cận Bình, người sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào trong vài ngày nữa, và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
16 chữ vàng và 4 tốt, nay thêm phương châm “cà vạt cùng màu” (ảnh Chính phủ)
Giới thân cận lãnh đạo ở Hà Nội không ngần ngại rỉ tai nhau, diễn dịch những động thái khác thường (ít nhất về thời điểm) ấy : bạn vàng phương bắc muốn giữ nguyên trạng quyền lực ở Hà Nội, và sẵn sàng cho vay 10 tỉ đô la nếu người anh em phương nam lún sâu vào cuộc khủng hoảng ngân hàng đã được báo trước. Thực hư không biết ra sao, chỉ biết thủ tướng Dũng đã hiên ngang tuyên bố ” (sẽ) không cần đến sự giúp đỡ của IMF “. Hiên ngang không kém là những phiên tòa xử tù nặng, những cuộc bắt bớ, bắt cóc những người mang tội duy nhất là lên án chính sách hung hãn của Trung Quốc. Mọi dấu hiệu đều chứng tỏ : trong sự bất lực và bất cập, trong tâm trạng bất an về sự tồn vong của chính mình, đẳng cấp cầm quyền đã muốn quay lưng với đường lối đoàn kết dân tộc, con đường duy nhất để tăng cường nội lực quốc gia, bảo vệ chủ quyền, khắc phục khủng hoảng,và thay vào đó, lún sâu vào con đường lệ thuộc.
Quá muộn rồi chăng ?
Những ai luôn luôn lạc quan cũng như những ai bi quan cố hữu đều có sẵn câu trả lời. Nhưng có lẽ còn quá sớm để có căn cứ chính xác.
Điều chắc chắn là xã hội Việt Nam không thể bị động ngồi chờ. Mấy năm qua, trong cuộc khủng hoảng của chế độ toàn trị, bất chấp mọi sự trấn áp, xã hội dân sự đã khẳng định sự tồn tại của mình, đã từng bước lên tiếng, đảm nhiệm chức năng xã hội công dân. Hơn lúc nào hết, sự trưởng thành của xã hội dân sự / công dân Việt Nam vừa là mục tiêu cấp bách của mọi người Việt Nam thiết tha với vận mệnh dân tộc, vừa là điều kiện để bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ lãnh thổ và biển đảo, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á, đưa đất nước vượt qua thử thách to lớn trước mắt.
Nguyễn Ngọc Giao
24.10.2012
1 Bằng chứng là theo chứng từ của ông Trần Bạch Đằng và của những cán bộ lão thành thuộc Ban nông thôn miền Nam : năm 1964, ông Nguyễn Chí Thanh, lúc đó là bí thư Trung ương cục Miền Nam, đã đưa ra chủ trương “phát động quần chúng cải cách ruộng đất một cách toàn diện và triệt để”. Theo lời ông Nguyền Thành (Mười) Thơ (bí thư Khu ủy Khu IX, rồi Chủ tịch Ban nông thôn miền Nam), Cụ Hồ đã gửi điện vào Nam, nói đại ý : “Bác nghe Chú T. (tức là Nguyễn Chí Thanh) có chủ trương phát động quần chúng cải cách ruộng đất một cách toàn diện triệt để. Bác khuyên chú đừng làm, làm là sai, dứt khoát sai thôi“. Sau đó, đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã viết điện trả lời : “Chúng tôi có chủ trương phát động quần chúng cải cách ruộng đất một cách toàn diện và triệt để. Bác cho là sai, không an tâm. Chúng tôi thi hành ý kiến Bác. Xin Bác yên tâm” và ra lệnh rút các đoàn đi thực nghiệm ở Bến Tre, Mỹ Tho và Bạc Liêu (xem Nguyễn Thành Thơ, Cuối đời nhớ lại, hồi ký, 2003, tr. 153-154, dẫn theo Đặng Phong : Kinh tế Miền Nam Việt Nam / Thời kỳ 1955-1975, nxb Khoa học xã hội, 2004, tr. 476-477). Tháng 2.2008, người viết bài này có dịp nêu câu chuyện ấy với nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông “Sáu Dân” khẳng định chưa bao giờ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định có bàn về dự án “cải cách ruộng đất” này. Ông cho rằng có lẽ tướng Thanh nêu lên như một ý kiến cá nhân trong lúc trao đổi với cán bộ phụ trách nông thôn. Cho dù như vậy, bản thân việc tướng Thanh còn nuôi dưỡng ý tưởng điên cuồng ấy (gần 10 năm sau cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất” ở miền Bắc) tự nó cũng mang rất nhiều ý nghĩa. Liên hệ với cuộc “cải tạo công thương nghiệp” ở miền Nam năm 1978, hai mươi năm sau cuộc “đánh tư sản” ở miền Bắc với những tác động tai hại (cũng vẫn do một người được phân công trực tiếp chỉ đạo là ông Đỗ Mười), ông Võ Văn Kiệt trầm ngâm nhận xét : Một khuyết tật lớn của Đảng là sau mỗi sai lầm, không phân tích đến nơi đến chốn, còn nể nang cho qua, nên dễ lặp lại sai lầm.
2 Cụ thể hơn, đây là bảng số liệu do nhà nghiên cứu Vũ Quang Việt tập hợp từ các thông tin của IMF, ADB và báo chí Việt Nam :
3 xem Vũ Quang Việt : Khủng hoảng kinh tế Việt Nam 2008 : sai lầm về chính sách (Tạp chí Thời Đại Mới)
Nguồn: Diễn Đàn
–
* Cùng tác giả: - Quan hệ về tổ chức giữa phong trào Việt kiều và Đảng Cộng sản Việt Nam (1945-1990); - Bi kịch Hoàng Minh Chính; - Sử gia Trần Văn Giàu qua đời (BBC).
Nguyễn Ngọc Giao *
0 nhận xét:
Đăng nhận xét